Một tay súng IS tại thành phố Mosul năm 2014. (Ảnh: Reuters). Hãng tin
Reuters dẫn lời các quan chức địa phương và nguồn tin tình báo cho biết, một
vài tháng trước đây, họ đã lưu ý tới hiện tượng nhiều chỉ huy và tay súng IS
trốn ra khỏi thành phố tới vùng núi Hamrin ở đông bắc Iraq, nơi có nhiều địa
điểm có thể ẩn náu và có cửa ngõ nối với bốn tỉnh của Iraq. Một số đã bị chặn
lại, nhưng nhiều tên khác đã lẩn tránh lực lượng an ninh và bắt đầu thiết lập
các căn cứ cho các hoạt động mới của chúng.
Có thể,
trong thời gian sắp tới, sau chiến thắng vất vả ở Mosul, thành trì lớn nhất
của IS, lực lượng an ninh Iraq sẽ gặp phải nhiều thách thức hơn trước những
kế hoạch mới, tinh vi và phức tạp hơn của các IS. Các quan chức an ninh và
tình báo Iraq đang phải chuẩn bị đối phó với kiểu phá hoại giống kiểu mạng
lưới khủng bố al Qaeda đã từng làm sau cuộc xâm lược Iraq của Mỹ năm 2003,
đẩy Iraq vào một cuộc nội chiến với đỉnh điểm là giữa các năm 2006 - 2007.
Ông Lahur Talabany, một sĩ quan chống khủng bố người Kurd của Iraq nói:
"Chúng đang tìm cách ẩn náu. Chúng có thể dễ dàng lẩn trốn vào thủ đô.
Tôi tin rằng tới đây chúng tôi sẽ có những ngày khó khăn".
Trong lực
lượng IS hiện nay, có nhiều tay súng người Iraq từng hoạt động trong các
chiến dịch đánh bom xe và đánh bom tự sát của al-Qaeda trước đây, khi hàng
chục vụ nổ bom xảy ra mỗi ngày và khiến Iraq chìm trong các cuộc xung đột sắc
tộc đẫm máu. Khi al-Qaeda bị đánh bại, những tay súng của nhóm khủng bố này
đã tập hợp lại trong sa mạc giữa Iraq và Syria. Chúng đã tái xuất hiện trong
một nhóm khủng bố mới khiến cả thế giới kinh ngạc: Nhà nước Hồi giáo.
Chỉ sau
một thời gian ngắn chiếm đóng Mosul, IS đã vượt qua al-Qaeda về sự tàn bạo.
Chúng áp đặt các luật lệ Hồi giáo hà khắc và thực hiện những màn chặt đầu và
hành quyết hàng loạt các tù nhân. Không giống al-Qaeda, tổ chức này chiếm
đóng một phần ba lãnh thổ Iraq, thu thập các kiến thức hữu ích trong khi
chống lại các lực lượng an ninh Iraq.
Một số
nhân viên tình báo từng làm việc cho chính quyền của Tổng thống Saddam
Hussein đã gia nhập IS theo một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Ông Talabany
và những quan chức an ninh khác lo ngại những tay súng am hiểu chiến lược
quân sự này có thể sẽ trở thành thế hệ lãnh đạo mới của IS. Họ cũng cho rằng
thay vì cố tìm cách thiết lập một đế chế hồi giáo, một khái niệm từng rất thu
hút những thanh niên Hồi giáo dòng Sunni bất mãn, tới đây lãnh đạo IS sẽ tập
trung vào một cuộc chiến du kích khó dự đoán hơn.
Quân đội
Iraq đã vượt qua một chặng đường dài kể từ khi họ sụp đổ khi phải đối mặt với
cuộc tấn công của IS hồi năm 2014, vứt bỏ vũ khí và lột bỏ quân phục trong
hoảng sợ. Họ đã phải chiến đấu trong suốt gần chín tháng để chiếm lại Mosul,
cùng với sự hỗ trợ của các cuộc không kích của quân đội Mỹ, vốn cũng góp phần
san phẳng hầu hết các khu dân cư trong thành phố.
Câu hỏi
đặt ra là liệu một đội quân đã quá quen thuộc với cuộc chiến tranh quy ước có
thể đối đầu với một lực lượng phiến quân với những đơn vị nhỏ có thể đột
nhiên xuất hiện trên sa mạc và đồi núi, tiến hành các cuộc tấn công chớp
nhoáng rồi biến mất.
Thiếu
tướng Steve Townsend, chỉ huy liên minh do Mỹ cầm đầu, nhận định: "Chúng
sẽ cố ẩn nấp trong dân chúng. Các đơn vị chiến đấu của chúng sẽ nhỏ hơn, thay
vì các đại đội và trung đội, chúng sẽ đi theo từng tiểu đội và nhóm nhỏ,
những thành phần nhỏ hơn nhiều ẩn nấp trong dân chúng". Ông cũng cho
rằng lực lượng an ninh Iraq sẽ phải tham gia các chiến dịch chống phiến quân
tại một số thời điểm và quân đội Mỹ đang nỗ lực để huấn luyện họ chuẩn bị đối
phó với chiến thuật mới của IS.
Chính phủ
Mỹ đã đổ 25 tỷ USD cho quân đội Iraq trong suốt thời gian Mỹ chiếm đóng và
lật đổ tổng thống Saddam Hussein năm 2003 và tạo ra hàng loạt nhóm phiến
quân, trong đó có cả al-Qaeda. Số tiền khổng lồ đó đã không thể chuẩn bị cho
quân đội Iraq đối mặt với những tay súng IS lao vào Mosul trên những chiến xe
bán tải và cầm trên tay những khẩu súng chiếm được từ những đội quân Iraq bỏ
chạy.
Có thể,
quân đội Iraq sẽ chỉ ra rằng họ đã thành công ở Mosul và những thành phố khác
như Falluja và Ramadi ở thành phó Anbar, những nơi đã từng bị IS chiếm đóng.
Nhưng các quan chức địa phương nói rằng những thành phố này vẫn có nguy cơ
hứng chịu những cuộc tấn công của phiến quân từ những sa mạc rộng lớn lân cận.
Ông Emad
Dulaimi, một quan chức tỉnh Anbar cho biết các sa mạc giờ đây đã trở thành
một thiên đường an toàn cho các tay súng IS và cho rằng "các chiến dịch
an ninh sẽ trở nên vô dụng trừ khi lực lượng an ninh kiểm soát được sa
mạc". Theo ông: "IS sẽ tiến hành các cuộc tấn công lẻ tẻ thay vì cả
đoàn quân như trong các thành phố. Đó sẽ là bom xe, những kẻ đánh bom tự sát.
Người dân lo sợ IS sẽ quay trở lại. Các cuộc tấn công xảy ra hằng ngày".
Còn Tareq
Youssef al-Asal, chỉ huy một lực lượng vũ trang bộ lạc, cũng chia sẻ mối lo
ngại và phàn nàn về sự thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng an ninh địa
phương và cho biết: "Những chỉ huy này không có kinh nghiệm chiến đấu
trên sa mạc.
Những
người dân bình thường cũng không cảm thấy an toàn bất chấp khả năng chiến đấu
của quân đội Iraq đã được cải thiện. Ông Ahmed al-Issawy, một người dân
Anbar, cho biết sẽ chưa vội mở lại nhà hàng của mình. Ông lo ngại rằng nó sẽ
lại bị phá hủy trong các cuộc xung đột giữa lực lượng an ninh và phiến quân
IS như hồi năm 2014. Ông nói: "Tôi sợ rằng sẽ sớm lại xảy ra một cuộc
tấn công mới".
IS đã
không để phí chút thời gian nào trong việc triển khai chiến thuật mới bất
chấp thất bại nặng nề ở Mosul. Hồi đầu tháng 7, khoảng 30 tay súng, được
trang bị súng máy và cối đã vượt qua con sông Tigris bằng thuyền gỗ, tấn công
vào làng Imam Gharbi ở cách Mosul 70km về phía nam và nhanh chóng rút lui.
Ông Hoshiyar
Zebari, cựu Ngoại trưởng Iraq và cũng là một quan chức người Kurd cao cấp,
khẳng định: "Khi không còn giấc mơ về một Đế chế hồi giáo, IS sẽ quay
lại sử dụng các chiến thuật tấn công rồi bỏ chạy trước đây của mình. Những
phiến quân cựu binh sẽ tiếp tục chiến đấu".
|
|