* Tại Phiên họp toàn thể diễn ra ngay sau lễ khai mạc, các nhà lãnh đạo ASEAN hoan nghênh các hoạt động kỷ niệm 50 năm ASEAN được tổ chức ở tất cả các quốc gia thành viên trong năm 2017, góp phần quảng bá hình ảnh Hiệp hội, tăng cường giao lưu nhân dân và gắn kết trong cộng đồng. Các nhà lãnh đạo đánh giá tích cực việc ASEAN triển khai được gần 80% các dòng hành động trong Kế hoạch tổng thể đề ra, nhưng cũng nhấn mạnh ASEAN đang đứng trước nhiều thách thức, cần nâng cao hiệu quả thực thi của các cơ chế hợp tác, bảo đảm phục vụ thiết thực nhất cho người dân và định hướng phát triển Cộng đồng. Hội nghị ghi nhận kết quả khả quan với dự báo tăng trưởng trung bình của các nền kinh tế ASEAN đạt 5% năm 2017, so mức 4,8% năm 2016; và khả năng tăng lên 5,1% năm 2018; nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục đẩy mạnh liên kết và kết nối thông qua thực hiện các biện pháp thuận lợi hóa thương mại khu vực, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm duy trì đà tăng trưởng cho khu vực và từng quốc gia thành viên.
Các nước ASEAN tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu quả.
Về quan hệ với các đối tác, Hội nghị ghi nhận nhiều kết quả tích cực đạt được sau hai năm triển khai các Chương trình Hành động giai đoạn 2016 - 2020 với các đối tác, cũng như sự tham gia, ủng hộ và cam kết ngày càng cụ thể, thực chất hơn của các đối tác trong nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng. Các lãnh đạo nhất trí ASEAN cần chủ động triển khai sáng kiến và biện pháp để làm sâu sắc thêm các mối quan hệ đối tác, cũng như phát triển thêm quan hệ với các tổ chức khu vực và quốc tế, nhất là về thương mại, đầu tư, phát triển bền vững, kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển...
Các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ quan ngại về các nguy cơ ngày một tăng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; nhấn mạnh các thành viên ASEAN cần đoàn kết, thống nhất nhằm củng cố nội lực, tăng cường tham vấn và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ứng phó hiệu quả các thách thức, bảo đảm duy trì môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế và cuộc sống an bình cho người dân.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn tham dự hội nghị.
* Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ý nghĩa của năm 2017 kỷ niệm 50 năm ASEAN thành lập; đồng thời đề xuất ba trọng tâm hợp tác của ASEAN thời gian tới. Thứ nhất, ASEAN cần tập trung vào lợi ích của người dân, nỗ lực làm mới bản sắc thông qua thúc đẩy những điểm chung, nhất là quyết tâm chung xây dựng một ASEAN tự cường, đề cao lợi ích chung cho người dân Cộng đồng và nỗ lực tạo dựng thành quả mang tên chung ASEAN. Thứ hai, ASEAN chú trọng hơn nữa xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và phát triển doanh nghiệp thông qua thúc đẩy liên kết kinh tế và thương mại nội khối, tăng cường bổ trợ lẫn nhau giữa các nền kinh tế trong Cộng đồng. Thứ ba, ASEAN phát huy hơn nữa vai trò trung tâm và vị thế trên trường quốc tế, phấn đấu vì mục tiêu duy trì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực. Trên tinh thần đó, trong không khí kỷ niệm 50 năm thành lập Hiệp hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết của Việt Nam chung tay, góp sức cùng các nước thành viên xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Về vấn đề Biển Ðông, Thủ tướng hoan nghênh việc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM-50) tháng 8 vừa qua tại Ma-ni-la (Phi-li-pin) đạt thống nhất về lập trường nguyên tắc. Thủ tướng đề nghị, các văn kiện của Hội nghị cấp cao ASEAN lần này cần phản ánh đầy đủ các nguyên tắc, lập trường như thể hiện trong Thông cáo chung của AMM-50, gồm bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc DOC. Thủ tướng hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua khung COC và đề nghị sớm đàm phán thực chất COC có tính khả thi và ràng buộc pháp lý.
* Với tinh thần làm việc tích cực và khẩn trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí ký kết một văn kiện, thông qua 11 văn kiện và ghi nhận 11 văn kiện khác. Các văn kiện phản ánh nội dung hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là liên quan trực tiếp lợi ích người dân các quốc gia ASEAN. Các tuyên bố, văn kiện được thông qua lần này mang tính thực tiễn cao và là những chủ đề nhận được sự quan tâm lớn của người dân.
* Chiều 13-11, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 và các Hội nghị cấp cao liên quan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Ðoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 40 năm quan hệ đối thoại ASEAN - Hoa Kỳ, các Hội nghị cấp cao ASEAN+1 với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản. Tại các hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và các bên đối tác kiểm điểm việc triển khai Kế hoạch Hành động và cam kết trong thời gian qua; thông qua các định hướng lớn nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ nhiều mặt trong giai đoạn tới. Các đối tác chúc mừng ASEAN dịp kỷ niệm 50 năm thành lập; bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của Cộng đồng ASEAN và ủng hộ vai trò của ASEAN ở khu vực; khẳng định tiếp tục hỗ trợ nguồn lực, kinh nghiệm nhằm giúp ASEAN nâng cao năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển, hợp tác với ASEAN ứng phó các thách thức chung, góp phần duy trì môi trường hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.
* Hội nghị cấp cao ASEAN và Hoa Kỳ lần thứ 5 là Hội nghị kỷ niệm 40 năm quan hệ đối tác giữa hai bên và cũng là Hội nghị cấp cao ASEAN - Hoa Kỳ đầu tiên Tổng thống Ð.Trăm tham dự, góp phần khẳng định cam kết của Chính quyền Hoa Kỳ với khu vực, thể hiện chính sách ủng hộ các thể chế khu vực và tham gia tích cực vào các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, ủng hộ vai trò trung tâm của Hiệp hội. Hai bên khẳng định lại tầm quan trọng của an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông; giải quyết hòa bình các tranh chấp; thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực, không quân sự hóa, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ những nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; nghiêm túc thực hiện DOC và sớm đạt được Bộ quy tắc COC hiệu quả...
* Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20, các nhà lãnh đạo hai bên thông qua Tuyên bố về tăng cường hợp tác kết nối cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường liên kết trên các lĩnh vực từ vĩ mô như chính sách, chiến lược phát triển đến vi mô như các dự án giao thông và hợp tác doanh nghiệp, nhằm thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên, thúc đẩy gắn kết giữa Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN (MPAC) và Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Hai bên cũng thông qua Tuyên bố về Hợp tác du lịch, khẳng định nhu cầu thúc đẩy hợp tác, quảng bá và quản lý du lịch tốt hơn.
Liên quan vấn đề Biển Ðông, tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc chính thức tuyên bố khởi động tham vấn và đàm phán về nội dung COC, coi đây là cơ sở quan trọng góp phần duy trì hòa bình ở Biển Ðông; đồng thời khẳng định lại việc thực hiện nghiêm túc và đầy đủ DOC và tuân thủ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Hai bên cũng thông qua Tuyên bố về thập niên bảo vệ môi trường biển và bờ biển ở Biển Ðông, với mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống kinh tế, giúp người dân trong khu vực ứng phó tác động từ biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường.
* Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Hàn Quốc lần thứ 19, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác thương mại và tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu tổng kim ngạch hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác về phát triển bền vững, xóa nghèo và tăng trưởng xanh, kinh tế - thương mại, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), thương mại điện tử, tăng cường giao lưu nhân dân, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực liên quan an ninh mạng...
* Tại Hội nghị cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 20, hai bên khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Nhật Bản, đánh giá cao ba sáng kiến mới của Nhật Bản trong năm 2017, góp phần thúc đẩy thực hiện Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc năm 2030 về phát triển bền vững. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh nỗ lực chung ứng phó các thách thức đối với hòa bình, an ninh và ổn định khu vực; nhất trí tăng cường hợp tác chống khủng bố, cướp biển, tội phạm mạng và an ninh biển…
* Tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ với các đối tác; đánh giá cao cam kết của các đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực, và đề nghị các đối tác tiếp tục tăng cường hợp tác với ASEAN tập trung vào những lĩnh vực ưu tiên và phát huy thế mạnh của mỗi bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo các nước ASEAN đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong thúc đẩy hợp tác và phát triển ở khu vực; hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đã thông qua Khung COC và đề nghị sớm tiến hành đàm phán thực chất COC mang tính khả thi và ràng buộc pháp lý. Thủ tướng chia sẻ quan điểm ủng hộ đề xuất của Trung Quốc về xây dựng Tầm nhìn Ðối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc năm 2030, nhất trí chọn sáng tạo là chủ đề hợp tác ASEAN - Trung Quốc năm 2018.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các cam kết của Chính quyền Tổng thống Ð.Trăm với ASEAN và khu vực; kêu gọi hai bên tăng cường hợp tác về kinh tế, nhất là kinh tế số và kinh tế sáng tạo phục vụ mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm của khu vực và toàn cầu.
Về định hướng hợp tác ASEAN - Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh hai bên cần tiếp tục đặt hợp tác kinh tế làm ưu tiên hàng đầu, đặc biệt thúc đẩy các hoạt động liên quan hỗ trợ nâng cao năng lực, chuyển giao công nghệ và chia sẻ kinh nghiệm quản lý phục vụ phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh vai trò của Nhật Bản trong việc hỗ trợ ASEAN tăng cường kết nối và hội nhập khu vực; khẳng định, trong vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021, Việt Nam sẽ tích cực phối hợp các nước thành viên ASEAN và Nhật Bản để triển khai hiệu quả các kế hoạch hợp tác giữa hai bên.
Tại các Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chia sẻ quan điểm, lập trường của Việt Nam về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thủ tướng chia sẻ quan ngại và đề nghị thực hiện nghiêm túc các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định lập trường nhất quán ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên; Việt Nam sẵn sàng cùng các nước ASEAN đóng góp tích cực vào các nỗ lực chung vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực. Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam mong các đối tác tiếp tục đóng góp duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông, thúc đẩy các bên tự kiềm chế, không tiến hành các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, ủng hộ ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn thành COC thực chất và ràng buộc pháp lý.
* Ngày 13-11, bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 31 tại Phi-li-pin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và Thủ tướng Cam-pu-chia Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen. Ba Thủ tướng bày tỏ vui mừng về những thành quả đạt được của ba nước trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; về mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào ngày càng được củng cố và phát triển trên tất cả các lĩnh vực, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân ba nước. Các Thủ tướng điểm lại tình hình hợp tác ba bên trong triển khai các thỏa thuận; nhất trí chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương của ba nước thúc đẩy hợp tác kết nối ba nền kinh tế, trong đó có kết nối giao thông, năng lượng điện; xúc tiến việc mở thêm hoặc nâng cấp các cặp cửa khẩu; phát triển ngành công nghiệp cao-su và du lịch; hợp tác tốt trong bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên thiên nhiên...
Ba Thủ tướng nhất trí phối hợp vì mục đích chung xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, ổn định và vững mạnh, tích cực góp phần giữ gìn hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
* Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng nhận thấy, dưới sự nỗ lực chung của cả hai bên, quan hệ hai nước đã đạt những tiến triển tích cực; chân thành cảm ơn Trung Quốc đã ủng hộ 10 triệu nhân dân tệ hỗ trợ nhân dân các khu vực chịu thiệt hại lũ lụt; đề nghị các bộ, ngành và địa phương hai bên phối hợp chặt chẽ, nâng cao hiệu quả các lĩnh vực hợp tác; tiếp tục mở rộng quy mô thương mại song phương, đồng thời áp dụng các biện pháp hữu hiệu thúc đẩy thương mại song phương phát triển cân bằng, lành mạnh; đề nghị Trung Quốc tiếp tục tạo điều kiện cho các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nông, lâm, thủy, hải sản; triển khai hiệu quả, bảo đảm tiến độ, chất lượng các dự án đầu tư của Trung Quốc đang thực hiện tại Việt Nam… Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ASEAN và Trung Quốc đạt được Khung COC, cũng như việc Việt Nam và Trung Quốc triển khai hiệu quả hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm trên biển. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Thủ tướng Lý Khắc Cường sớm thăm lại Việt Nam. Ðồng chí Lý Khắc Cường vui vẻ nhận lời.