Ngày 9-6, tại Canada, Hội nghị cấp cao Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc và ra tuyên bố chung, trong đó đề cập hàng loạt vấn đề cấp bách của thế giới như đầu tư các lĩnh vực tăng trưởng có lợi cho mọi người; chuẩn bị việc làm cho tương lai; tăng cường bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn; cùng hành động chống biến đổi khí hậu; bảo vệ đại dương và thúc đẩy năng lượng sạch.


Tuyên bố chung của G7 nêu rõ, nhóm này chia sẻ trách nhiệm phối hợp để kích thích tăng trưởng kinh tế bền vững mang lại lợi ích cho mọi người, đặc biệt là những người có nhiều nguy cơ bị bỏ lại phía sau nhất. Các nhà lãnh đạo G7 thừa nhận rằng, thương mại và đầu tư tự do, công bằng và cùng có lợi là những công cụ quan trọng đối với tăng trưởng và tạo việc làm; đồng thời nhấn mạnh sẽ tiếp tục đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ và nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan, hàng rào phi thuế quan và trợ cấp.

Về chuẩn bị việc làm cho tương lai, tuyên bố chung khẳng định quyết tâm bảo đảm tất cả người lao động đều được tiếp cận các kỹ năng và nền tảng giáo dục cần thiết để thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc mới vốn được tạo ra bởi sự đổi mới thông qua các công nghệ mới nổi. "Chúng tôi nhận thấy cần phải loại bỏ những rào cản đối với vai trò lãnh đạo và cơ hội bình đẳng của phụ nữ để họ tham gia mọi lĩnh vực của thị thường lao động, trong đó có loại bỏ hoàn toàn bạo lực, sự phân biệt đối xử và quấy rối ở trong và ngoài nơi làm việc”, tuyên bố chung nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo G7 cho rằng, bình đẳng giới là nền tảng của việc thực hiện quyền con người và là một yêu cầu về xã hội, kinh tế. Nhóm này cam kết sẽ tiếp tục phối hợp hành động để dỡ bỏ các rào cản đối với quyền tham gia và đưa ra quyết định của phụ nữ trong các lĩnh vực xã hội, kinh tế và chính trị, cũng như tăng cường cơ hội cho mọi phụ nữ tham gia bình đẳng tất cả lĩnh vực của thị trường lao động.

Về xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn, tuyên bố chung kêu gọi CHDCND Triều Tiên thực hiện tiến trình phá hủy hoàn toàn, có thể xác minh và không thể đảo ngược các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo cũng như các chương trình, cơ sở liên quan. Lãnh đạo các nước G7 cũng hối thúc Nga chấm dứt hành vi gây bất ổn và việc ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thừa nhận mối đe dọa từ chương trình tên lửa đạn đạo của Iran đối với an ninh và hòa bình quốc tế, tuyên bố chung kêu gọi Iran ngừng phát triển công nghệ tên lửa, kiềm chế triển khai tên lửa đạn đạo và mọi hành động khác đi ngược Nghị quyết 2231 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo G7 đã bày tỏ quan ngại về cuộc xung đột Israel - Palestine, đặc biệt là sau những vụ việc gần đây, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết sớm nhất có thể tình hình an ninh và nhân đạo ngày càng trầm trọng tại Dải Gaza.

Tuyên bố chung cho biết, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ nhằm thực thi Thỏa thuận Paris thông qua kế hoạch hành động đầy tham vọng liên quan đến khí hậu. Nhận thấy vai trò của đại dương trong sinh kế, an ninh lương thực và sự phồn thịnh của hàng tỷ người trên thế giới, lãnh đạo các nước G7 cam kết mở rộng kiến thức về đại dương, phát triển bền vững đại dương và ngư nghiệp, hỗ trợ các cộng đồng sống ven biển và xử lý chất thải nhựa trong đại dương và rác trong môi trường biển.

Tuy nhiên, cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đã yêu cầu các đại diện của Mỹ không tán thành tuyên bố chung của lãnh đạo các nước G7 với lý do Thủ tướng nước chủ nhà Canada Justin Trudeau đã có "những tuyên bố sai trái" trong cuộc họp báo sau hội nghị.

 

                               TheoNhandan

Các tin khác


Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi EU dỡ bỏ trừng phạt

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5/6 kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Moskva liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Thúc đẩy cải thiện quan hệ Mỹ - Cu-ba

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 4-6, tân Chủ tịch Hội đồng Nhà nước kiêm Hội đồng Bộ trưởng Cu-ba Ð.Ca-nên đã tiếp phái đoàn Mỹ đang ở thăm nước này. Tham gia phái đoàn Mỹ có Thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa G.Phlếch và cựu Chủ tịch điều hành Google E.Xmít. Ðây là phái đoàn cấp cao nhất của Mỹ gặp tân Chủ tịch Cu-ba Ð.Ca-nên kể từ khi ông nhậm chức ngày 19-4 vừa qua. Tham gia phái đoàn Mỹ còn có Ðại biện lâm thời Mỹ tại Cu-ba P.Gôn-bớc và chuyên gia tư vấn cao cấp của Google đối với Cu-ba B.Pơn-mắt-tơ. Về phía Cu-ba, tham dự cuộc tiếp có Bộ trưởng Ngoại giao B.Rô-đri-ghết.

60 người thiệt mạng trong vụ chìm thuyền ở Tunisia

Ngày 5-6, cơ quan của Liên hợp quốc về di cư thông báo số người di cư bất hợp pháp bị thiệt mạng trong vụ chìm thuyền ở phía đông nam bờ biển Tunisia vào ngày Chủ nhật đã tăng lên 60 người.

Cánh cửa hợp tác Ấn Ðộ - ASEAN rộng mở

Thủ tướng Ấn Ðộ N.Mô-đi đã thực hiện chuyến công du đến ba nước Ðông - Nam Á, gồm In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po. Chuyến công du này của ông N.Mô-đi được nhận định có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình thắt chặt sợi dây kết nối giữa Ấn Ðộ và ASEAN, từng bước thúc đẩy chính sách "Hành động hướng Ðông" của Niu Ðê-li, qua đó nâng cao vị thế của Niu Ðê-li trong khu vực và trên trường quốc tế.

Iran kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án Mỹ rút khỏi JCPOA

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án thái độ của Mỹ với thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) đạt được giữa Iran và nhóm P5+1 hồi 2015.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố giữ nguyên quan điểm về vấn đề phi hạt nhân hóa

Ngày 1-6, Hãng tin Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố quan điểm của nước này về vấn đề phi hạt nhân hoá trên bán đảo Triều Tiên là nhất quán và không thay đổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục