Từ ngày 1/7, Áo sẽ tiếp quản chức Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) từ Bulgaria.
Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. (Nguồn: THX/TTXVN).
Trong nhiệm kỳ 6 tháng tới đây, Chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz sẽ phải xử lý rất nhiều vấn đề quan trọng mà ý nghĩa của những quyết định được đưa ra chắc chắn sẽ có tác động lâu dài và mạnh mẽ đến tương lai của một EU hoặc đoàn kết, hoặc chia rẽ hơn khi EU đang đối mặt với một loạt thách thức liên quan tới Brexit (Anh rời khỏi EU), vấn đề người nhập cư...
Theo Hiệp ước Lisbon, Chủ tịch Hội đồng EU có trách nhiệm điều hành Hội đồng EU, tương đương Thượng viện trong cơ chế lập pháp của EU. Cương vị này sẽ được các nước thành viên luân phiên đảm nhiệm sau mỗi 6 tháng.
Chức chủ tịch không dành riêng cho một cá nhân cụ thể, mà do một chính phủ nắm giữ.
Nước chủ tịch sẽ có nhiệm vụ chủ trì các cuộc họp của Hội đồng EU, quyết định chương trình nghị sự, ấn định chương trình làm việc và tạo thuận lợi để đối thoại cả ở các cuộc họp của hội đồng và với các thể chế EU khác.
Cũng theo quy định của EU, ba nước chủ tịch kế tiếp nhau được gọi là "bộ ba chủ tịch."
Ba nước này sẽ cùng nhau soạn thảo một chương trình làm việc chung cho giai đoạn 18 tháng. Cơ chế điều phối này nhằm giúp các nước thành viên chia sẻ kinh nghiệm cũng như đảm bảo tính tiếp nối và gắn kết trong hoạt động của Hội đồng EU.
Trong giai đoạn 2017-2018, Áo cùng với Estonia và Bulgaria tạo thành một "bộ ba chủ tịch.” Do vậy, ở nhiệm kỳ của mình, Áo sẽ tiếp tục thực hiện "chương trình bộ ba” đã được cả ba nước xây dựng.
Tuy nhiên, 6 tháng nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Áo vẫn có ý nghĩa lớn.
Theo chương trình nghị sự toàn diện được Chính phủ Áo công bố hồi tháng Ba, nước này sẽ đăng cai 13 hội nghị không chính thức, một hội nghị thượng đỉnh EU về an ninh và nhập cư vào tháng Chín và gần 300 sự kiện khác để tập trung giải quyết những thách thức lớn nhất của châu Âu trong năm 2018.
Đó là vấn đề an ninh nội khối, tiến trình đàm phán Brexit, chính sách nhập cư cũng như ngân sách EU. Đây thực sự là những vấn đề rất khó khăn, với sự chia rẽ gay gắt về quan điểm và mục tiêu giữa các nước thành viên, song đều cần phải đạt được sự đồng thuận trong năm nay.
Lập trường công khai của Chính phủ Áo, và đặc biệt của Thủ tướng Kurz, là EU "cần làm ít, nhưng hiệu quả hơn” và áp dụng hơn nữa nguyên tắc phối hợp trong quan hệ giữa EU với các nước thành viên.
Ông muốn thúc đẩy vấn đề an ninh và chính sách nhập cư là những ưu tiên trong nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng EU của Áo. Khẩu hiệu "Một châu Âu đươc bảo vệ” mà Áo đưa ra có nghĩa là EU sẽ phải đảm bảo an ninh cho người dân, bảo vệ biên giới bên ngoài và đối phó với nạn nhập cư bất hợp pháp.
Brexit cũng là vấn đề khó khăn khác cần phải giải quyết của EU trong năm nay. Giai đoạn đàm phán đầu tiên giữa London và Brussels đã kết thúc hồi tháng 11/2017, và ở giai đoạn hiện nay, Anh và EU sẽ tập trung thảo luận về giai đoạn chuyển tiếp hai năm và định hình lại quan hệ kinh tế song phương. Tiến trình này phải kết thúc vào mùa Thu để một thỏa thuận có thể nhận được sự chấp thuận từ phía Nghị viện châu Âu và Anh.
Vấn đề Brexit vô cùng phức tạp và lập trường không thống nhất của EU về vấn đề nhập cư chỉ có thể được giải quyết thông qua vai trò trung gian của Áo chứ không phải sự lãnh đạo.
Các nhà lãnh đạo EU tại cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra ở Brussels (Bỉ) ngày 28/6. (Nguồn: AFP/TTXVN) .
Dù hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc ngày 29/6 đạt được một thỏa thuận mong manh về vấn đề nhập cư, nhưng bất đồng giữa các nước Đông và Tây Âu vẫn hiện hữu và Áo được biết đến với lập trường cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Trong quan hệ với Nga, giới phân tích dự báo trên cương vị Chủ tịch EU, Áo sẽ thúc đẩy một mối quan hệ theo hướng thân thiện với cường quốc này sau các lệnh trừng phạt để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp châu Âu.
Áo là một trong số ít nước thành viên EU không trục xuất các nhà ngoại giao Nga sau vụ điệp viên hai mang Sergei Skripal và con gái ông này bị đầu độc tại Anh. Điều này cho thấy mối quan hệ thân thiết hơn giữa Nga và Áo.
Thực tế hiện nay, Nga đang là đối tác thương mại lớn thứ tư của EU, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của EU sang Nga gồm máy móc, hóa chất, dược phẩm, hàng chế tạo, trong khi EU nhập khẩu chủ yếu nguyên vật liệu, nhất là dầu và khí đốt, từ Nga.
Ngoài ra, những ưu tiên khác của Áo trong chương trình nghị sự châu Âu sẽ là phát triển một thị trường kỹ thuật số đơn nhất nhằm đảm bảo sự thịnh vượng và sân chơi công bằng trong khu vực, với mục đích đánh thuế vào lợi nhuận của các tập đoàn kỹ thuật số đa quốc gia.
Một vấn đề khác mà Áo sẽ phải thể hiện vai trò Chủ tịch Hội đồng EU là tiến trình gia nhập EU của các nước Tây Balkan và an ninh ở các nước láng giềng trong bối cảnh tình hình người tị nạn và nhập cư đang diễn ra, tìm kiếm một chính sách quốc phòng thống nhất, tăng trưởng kinh tế và dành sự chú ý tới thị trường số đơn lẻ của EU.
Áo đã thể hiện quyết tâm muốn ngăn chặn hơn nữa sự chia rẽ trong EU và sẽ hành động như một trung gian đối thoại giữa các bên.
Bản thân những chủ đề nghị sự khó khăn của Hội đồng EU nửa cuối năm nay cũng đã rất "nóng” tại Áo thời gian qua và có thể tác động đến bức tranh chính trị của nước này.
Trong quá khứ, Áo từng hai lần đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng EU (1998 và 2006). Ở cả hai lần này, các đảng cầm quyền đều chịu thất bại lớn ở các cuộc bầu cử trong nước sau đó.
Dù không ai dám chắc lần này khả năng tương tự có tái diễn hay không, song rõ ràng liên minh cầm quyền tại Áo hiện nay giữa Đảng Nhân dân Áo (ÖVP) của Thủ tướng trẻ nhất thế giới Kurz (31 tuổi) và đảng cực hữu Tự do (FPÖ) vốn có lập trường chỉ trích EU đã có sự chuẩn bị. FPÖ đã công khai chấp nhận lập trường ủng hộ EU của Thủ tướng Kurz.
2018 là năm mang tính quyết định của EU, khi nhiều thể chế của tổ chức này đang chuẩn bị tái cơ cấu về nhân sự do nhiều cuộc tổng tuyển cử sẽ diễn ở các nước thành viên cũng như cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào năm sau.
Chính phủ nhiều nước hiện nay đang tập trung vào những vấn đề có ý nghĩa thực chất liên quan đến đời sống chính trị trong nước hơn là ở cấp độ EU, bởi họ biết rằng dù có thể thúc đẩy chương trình nghị sự theo yêu cầu của EU, song kết quả của nó có thể tác động mạnh đến lá phiếu của cử tri trong các cuộc bầu cử sắp tới.
Trong bối cảnh như vậy, chắc chắn, một giai đoạn thách thức và đầy khó khăn đang chờ chính phủ của Thủ tướng Kurz, nếu ông thực sự muốn thể hiện vai trò và tầm nhìn của nước Áo ở tầm khu vực và cả thế giới./.
Theo Việt Nam Plus