Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đã nhận được một "lá thư tuyệt vời" từ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un mới đây, nhấn mạnh các mối quan hệ "rất tốt" giữa hai bên.

 


Giáo sư-tiến sỹ Lee Woong-Hyeon. (Nguồn: Vietnam+).

Nội dung bức thư này không được công bố song nhiều khả năng trong đó cũng chính là bức thông điệp mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ truyền tải tới ông Donald Trump trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo này ở Mỹ ngày 24/9 tới.

Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc, giáo sư-tiến sỹ Lee Woong-Hyeon, Viện Nghiên cứu Toàn cầu, Trường Đại học Hàn Quốc, cho rằng việc Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần ba có giúp gì cho quan hệ Mỹ-Triều và cho tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay không còn phụ thuộc vào bức thông điệp này.

Nhà nghiên cứu này nhận định: "Có thể khoảng giữa tuần tới, chúng ta sẽ biết chi tiết nội dung bức thông điệp thực sự của ông Kim Jong-un và các đề xuất gửi tới Washington. Hiện chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chờ mong vào khả năng của Tổng thống Moon như một nhà trung gian thuyết phục Tổng thống Mỹ."

Chia sẻ quan điểm này, ông Hahn Choonghee, Cố vấn Đặc biệt về đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, một nhà ngoại giao từng làm việc nhiều năm tại Mỹ, cho rằng đây là lúc Mỹ nên nghiêm túc cân nhắc để không đánh mất cơ hội tốt được tạo ra sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba nối lại cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng để đạt được những bước tiến có ý nghĩa mới trong tiến trình phi hạt nhân hóa và xây dựng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Ông Hahn Choonghee khẳng định: "Với thành công của cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên lần này, chúng tôi đã tạo ra một động lực mới cho Mỹ và Triều Tiên. Chúng tôi đã tạo ra một môi trường thuận lợi và có được sự cam kết tích cực từ phía Bình Nhưỡng."

 Theo ông Hahn, về cơ bản, Mỹ sẽ dựa vào cuộc gặp tại Singapore, yêu cầu Triều Tiên thực hiện những bước đi cụ thể phi hạt nhân hóa, chẳng hạn như khai báo chương trình hạt nhân, tuyên bố ai có thể giám sát chương trình hạt nhân của nước này hoặc về những bước tiếp theo như thanh tra và kiểm soát toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên.


Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là Triều Tiên cũng muốn thấy những cam kết đảm bảo an ninh cụ thể của Mỹ để bảo đảm cho đất nước và chế độ của Triều Tiên trước khi thực hiện những bước đi phi hạt nhân hóa.

"Như vậy vấn đề ưu tiên ở đây là thống nhất hành động nào sẽ được thực hiện trước, và đây là vấn đề mang tính chính trị. Triều Tiên muốn thấy có tuyên bố chấm dứt chiến tranh, với sự tham gia của 3 bên hay 4 bên. Vì vậy, câu hỏi là chúng ta làm sao dung hoà được hai yêu cầu, quan điểm đối lập nhau này. Bước quan trọng đầu tiên là dung hòa sự khác biệt này," hà ngoại giao này phân tích thêm.

Ông Hahn rất lạc quan về một cuộc đàm phán Mỹ-Triều mới, song cho rằng cần đợi xem Mỹ và Triều Tiên có thể làm gì để đạt được một sự đồng thuận cụ thể nào đó để có thể tiến tới giải quyết các vấn đề còn tồn tại lớn hơn.

Về phía Mỹ, khi nói về việc trả tự do cho số người Mỹ bị Triều Tiên giam giữ và trao trả hài cốt binh sỹ Mỹ bị mất tích trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-53), ông Trump chỉ úp mở rằng quan hệ giữa Mỹ-Triều đang "tiến triển rất tốt và hãy chờ xem điều gì xảy ra."

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo nước Mỹ cũng không quên "nắn gân” Triều Tiên với tuyên bố ông "không vội vàng" với Triều Tiên và rằng các lệnh trừng phạt Bình Nhưỡng vẫn có hiệu lực.

Nhận định về việc phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong thời gian tới, giáo sư-tiến sỹ Lee Woong-Hyeon cho rằng tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa là một một con đường dài để đến đích cuối cùng, còn có nhiều trắc trở và thay đổi như trường hợp giữa Mỹ và Iran.

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba sẽ góp phần khởi động các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng cũng như đẩy nhanh tốc độ đàm phán giữa hai bên.

Ông Lee lý giải cho nhận định của mình: "Ông Kim Jong-un trong Tuyên bố Bình Nhưỡng đã cam kết biến Bán đảo Triều Tiên thành một mảnh đất hòa bình không có vũ khí hạt nhân hay các mối đe dọa hạt nhân song tuyên bố này thiếu một số yêu cầu quan trọng từ phía Mỹ, như khai báo kho vũ khí hạt nhân và cơ sở hạ tầng hạt nhân của Triều Tiên. Ông Kim Jong-un cũng đòi hỏi ‘những động thái đáp lại’ của Mỹ. Ít nhất trong vấn đề phi hạt nhân hóa, nhà lãnh đạo Triều Tiên dường như muốn một tiến trình đàm phán từng bước và có đi có lại với Mỹ."

Theo ông Hahn, mặc dù kết quả thượng đỉnh liên Triều lần ba là khá tích cực song Hàn Quốc vẫn cần có những sự hỗ trợ chính trị và ngoại giao cần thiết của các nước để có thể tiến tới, trong đó đầu tiên là tiến trình phi hạt nhân hóa cùng với tuyên bố chấm dứt chiến tranh, đàm phán về một hiệp ước hòa bình thay thế thỏa thuận đình chiến hiện nay và bình thường hóa quan hệ giữa tất cả các bên, đặc biệt là giữa Mỹ và Triều Tiên.

Bình luận về cách tiếp cận của chính quyền Hàn Quốc hiện nay đối với Triều Tiên, giáo sư Lee cho rằng đây là một cách thức mới mẻ song vẫn dựa trên mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, chờ mong vào ảnh hưởng lan truyền từ hợp tác kinh tế sang các lĩnh vực khác như chính trị và quân sự và để cuối cùng đạt được sự hội nhập hòa bình hai miền Triều Tiên.

Nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế lâu năm này phân tích: "Trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng, Tổng thống Moon Jae-in và các cố vấn của ông có ý định bàn bạc 3 việc: tái khởi động và mở rộng hợp tác kinh tế hai miền, giảm căng thẳng quân sự trên Bán đảo Triều Tiên và thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Về vấn đề phi hạt nhân hóa, Hàn Quốc chỉ thu được một vài cam kết nhỏ từ phía Triều Tiên như đóng cửa và phá hủy mang tính tượng trưng các cơ sở ở Dongchang-ri và Yongbyon. Song Tổng thống Moon tin rằng hai việc đầu tiên sẽ tạo nên bầu không khí hòa bình cho các cuộc đàm phán trong tương lai và làm giảm thái độ cương quyết của Bình Nhưỡng và lái Triều Tiên đi theo con đường hướng tới phi hạt nhân hóa." Theo ông, đây là một cách tiếp cận rất thực tế./.

Theo Việt Nam Plus

 


Các tin khác


Mỹ-Philippines đối thoại về hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông

Theo Philstar, hoạt động quân sự hóa gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông nằm trong chương trình nghị sự của cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo.

Thủ tướng Shinzo Abe được bầu lại làm Chủ tịch LDP

Theo hãng tin Kyodo, ngày 20-9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được bầu lại làm Chủ tịch đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền. Đây là nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp của ông Abe trên cương vị là người đứng đầu LDP.

Hàn-Triều ký tuyên bố chung, đạt thỏa thuận quân sự mới

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un vừa ký một tuyên bố chung tiếp sau các cuộc hội đàm song phương tại Bình Nhưỡng.

Các đảng phái Hàn Quốc phản ứng trái chiều về tuyên bố chung

Các đảng phái Hàn Quốc ngày 19/9 đã đưa ra phản ứng trái ngược nhau về tuyên bố chung mới nhất sau các cuộc hội đàm giữa Tổng thống nước này Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc ký tuyên bố chung

Ngày 19-9, tại Bình Nhưỡng, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký tuyên bố chung khi kết thúc cuộc hội đàm trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ năm.

Thượng đỉnh liên Triều 2018 lần 3: Những điểm nhấn quan trọng

Sau hai ngày làm việc, ngày 19/9, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã ký Tuyên bố chung Tháng 9 kết thúc hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba năm 2018.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục