Một phụ nữ Indonesia ngồi thất thần bên căn nhà đổ nát của bà tại Sumur, Indonesia. (Ảnh: AP)
Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia ngày 25/12 xác nhận số nạn nhân thiệt mạng sau trận sóng thần do núi lửa Anak Krakatau phun trào tại các vùng ven biển trên hai đảo Sumatra và Java đã tăng lên ít nhất 429 người. Ngoài ra, vẫn còn 154 người mất tích chưa được tìm thấy và cơ hội sống sót của họ gần như không còn sau 4 ngày xảy ra thảm họa.
Theo thống kê của các nhà chức trách Indonesia, có khoảng 1.485 người bị thương sau trận sóng thần xảy ra tại khu vực eo biển Sunda hôm 22/12. 882 ngôi nhà, 73 khách sạn và biệt thự bị phá hủy. Hơn 430 tàu thuyền bị hư hại.
Với gần 16.082 người bị mất nhà cửa do sóng thần, các nhóm tình nguyện viên vẫn đang hỗ trợ nấu ăn cho những người dân sống tại các trại sơ tán tạm thời dọc khu vực bờ biển nơi sóng thần đổ bộ. Các nhân viên thuộc lực lượng cứu trợ nhân đạo cảnh báo nước sạch và thuốc men ngày càng ít đi, không đủ phục vụ hàng nghìn người đang sống trong cảnh nhồi nhét tại các trại sơ tán.
Nhiều người sống chen chúc bên trong trại sơ tán tại Banten, Indonesia. (Ảnh: AFP)
"Nhiều đưa trẻ bị ốm do sốt, đau đầu và chúng không có đủ nước sạch để uống. Chúng tôi cũng có ít thuốc hơn. Điều kiện sống ở đây không tốt cho những người sơ tán. Không có đủ nước sạch. Họ cần lương thực và buộc phải ngủ trên sàn nhà", Rizal Alimin, một bác sĩ làm việc cho tổ chức phi chính phủ Aksi Cepat Tanggap, cho biết tại một trường học địa phương - nơi được sử dụng làm trại sơ tán sau thảm họa sóng thần.
Abu Salim, người làm việc cho nhóm tình nguyện Tagana, cho biết các nhân viên cứu trợ vẫn đang chạy đua với thời gian để ổn định tình hình.
"Hôm nay chúng tôi tập trung vào việc giúp những người sơ tán bằng cách dựng các bếp ăn công cộng, đồng thời hỗ trợ hậu cần và cung cấp thêm lều bạt tại những nơi thích hợp. Nhiều người vẫn không thể tiếp cận với nước sạch. Nhiều người sơ tán đã bỏ chạy lên các vùng đất cao và chúng tôi vẫn chưa thể tiếp cận họ", Salim nói.
Cảnh sát, binh sĩ và đội cứu hộ Indonesia dùng chó nghiệp vụ để phát hiện thi thể các nạn nhân. (Ảnh: Reuters)
Tại khu nghỉ dưỡng bãi biển Tanjung Lesung, nơi ban nhạc Seventeen đã bị sóng thần cuốn phăng khi đang biểu diễn ngoài trời, giám đốc khu nghỉ dưỡng Kunto Wijoyo cho biết anh đã dành cả buổi sáng ngày 23/12 để chuyển khoảng 106 thi thể nạn nhân thiệt mạng tại khu nghỉ dưỡng này.
"Có cả phụ nữ, đàn ông và trẻ em", Kunto cho biết, đồng thời hy vọng chính quyền sẽ cân nhắc việc xây dựng một con đập trong khu vực để ngăn các thảm họa tương tự xảy ra.
Các binh sĩ Indonesia hiện vẫn lùng sục khắp khu vực ven biển, sử dụng cả máy bay không người lái và chó nghiệp vụ để tìm kiếm người may mắn sống sót và thi thể các nạn nhân. Tuy nhiên, những trận mưa đã cản trở xe cứu thương trong việc đưa người bị thương tới các bệnh viện.
Người dân cố vớt vát những đồ đạc còn sót lại sau động đất. (Ảnh: AFP)
Các đội cứu hộ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng do nhiều tuyến đường vẫn ngập trong đống đổ nát sau sóng thần. Họ phải sử dụng nhiều thiết bị hạng nặng, máy xúc, thậm chí tay không để đào bới các đống đố nát. Theo Cơ quan Giảm nhẹ Thiên tai Indonesia, các đội cứu hộ đang rất cần các thiết bị hạng nặng để đẩy nhanh thời gian tìm kiếm những người còn mắc kẹt hoặc tiếp cận những người bị thương không thể tự đến bệnh viện.
Các binh sĩ, nhân viên chính phủ và tình nguyện viên vẫn tích cực tìm kiếm trong suốt nhiều ngày qua ở khu vực dọc bãi biển Indonesia. Những túi xác màu vàng, màu cam và màu đen nằm la liệt tại nơi thi thể các nạn nhân được tìm thấy. Những người thân của họ có thể đến đây hoặc tới nhà xác của các bệnh viện để nhận diện thi thể.
Lo lắng của người dân
Người dân ở Carita phơi số gạo còn sót lại sau thảm họa sóng thần. (Ảnh: Getty)
Trong khi các chuyên gia cảnh báo có thể sẽ có thêm những đợt sóng thần mới đổ bộ vào khu vực ven biển Indonesia do núi lửa vẫn còn hoạt động, nhiều người dân đi sơ tán nói rằng họ rất sợ trở về nhà vì có thể sẽ thiệt mạng trong đợt sóng thần mới.
"Tôi đã ở đây 3 ngày. Tôi rất sợ (về nhà) vì nhà tôi rất gần bãi biển", Neng Sumarni, 40 tuổi, nói khi cùng chồng và các con ngủ trên sàn nhà của một trường học cùng hàng chục người sơ tán khác.
Nhiều người dân cũng lo lắng về việc họ sẽ phải bắt đầu cuộc sống mới như thế nào khi tất cả tài sản bị sóng thần cuốn trôi hoặc phá hủy.
"Tôi không thể tự xây dựng lại, mọi thứ đều đã bị cuốn trôi, quần áo của tôi, tiền bạc của tôi", Saki,người đàn ông 60 tuổi, cho biết.
Một thi thể được tìm thấy tại Tanjung Lesung. (Ảnh: Reuters)
Cơ quan Giám sát Krakatau, nơi chịu trách nhiệm giám sát núi lửa Krakatau, cảnh báo các hoạt động của núi lửa này vẫn đang diễn ra với cấp độ cao.
"Vẫn có nhiều khả năng xảy ra phun trào", một quan chức của Cơ quan Giám sát Krakatau cho hay.
Không giống các trận sóng thần gây ra bởi động đất, các trận sóng thần do núi lửa phun trào khiến các nhà chức trách Indonesia không đủ thời gian để cảnh báo người dân về mối đe dọa đang tới. Đây là lý do giới chức Indonesia không phát cảnh báo sóng thần tới người dân trong thảm họa mới nhất.
Thảm họa xảy ra đúng vào dịp nghỉ lễ Giáng sinh của người dân Indonesia. Nhiều người đã di chuyển từ các thành phố lớn như thủ đô Jakarta tới khu vực ven biển nghỉ dưỡng. Đây là thảm họa thiên tai lớn thứ 3 tại Indonesia trong vòng 6 tháng. Trước đó, hàng nghìn người đã thiệt mạng do động đất và sóng thần ở đảo Sulawesi hồi tháng 9, trong khi trận động đất tại Lombok hồi tháng 8 cũng cướp đi sinh mạng của 505 người.
Giới chức Indonesia và các chuyên gia cảnh báo rằng do núi lửa Anak Krakatau vẫn đang hoạt động nên một trận sóng thần thứ 2 có thể bắt đầu bất cứ lúc nào sau khi thảm họa tự nhiên ngày 22/12, vốn khiến con số thương vong lên tới hơn 1.000 người.