Ông Sawaeng Boonmee - Phó Tổng Thư ký Ủy ban bầu cử Thái-lan. (Ảnh: Bangkok Post)
Trong danh sách hạ nghị sĩ được thông qua, có 136 nghị sĩ thuộc đảng Pheu Thai, về thứ hai là đảng Palang Pracharath với 97 nghị sĩ, Bhumjaithai đứng thứ ba với 39 nghị sĩ, tiếp đó là đảng Dân chủ (33 nghị sĩ), đảng Tương lai mới (30 nghị sĩ), Chartthaipattana (sáu nghị sĩ), Prachachat (sáu nghị sĩ), đảng Liên minh hành động cho Thái-lan (một nghị sĩ) và Chartpattana (một nghị sĩ).
Mặc dù vậy, Phó Tổng Thư ký EC Sawang Boonmee cho biết, chưa chắc tất cả 349 hạ nghị sĩ trên đều đắc cử suôn sẻ, do việc xem xét tư cách đại biểu vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, kể cả khi đã nhậm chức.
Liên quan việc xem xét tư cách đại biểu và gian lận bầu cử, hiện vẫn còn khoảng 40 vụ việc đang được EC điều tra. Phó Tổng Thư ký EC nhấn mạnh, nếu bị buộc tội các nghị sĩ đã đắc cử vẫn có thể mất ghế và đối mặt các hình phạt.
Hạ viện Thái-lan gồm 500 ghế với nhiệm kỳ bốn năm, trong đó 350 hạ nghị sĩ được bầu tại các đơn vị bầu cử và 150 hạ nghị sĩ được bầu theo danh sách đảng. Thượng viện Thái-lan gồm 250 ghế, được chỉ định không qua bầu cử với nhiệm kỳ năm năm.
EC dự kiến trong vài ngày tới sẽ công bố 150 hạ nghị sĩ theo danh sách đảng. Tuy nhiên, cách thức tính số lượng hạ nghị sĩ được phân bổ cho các đảng vẫn đang chờ phán quyết của Tòa án Hiến pháp Thái-lan.
Trong một diễn biến khác, nhiều bộ trưởng trong chính phủ và khoảng 60 thành viên Hội đồng Lập pháp quốc gia (Quốc hội - NLA) đang tiến hành thủ tục từ chức để trở thành thượng nghị sĩ. Phó Thủ tướng Wissanu Krea-ngam xác nhận rằng, rất nhiều bộ trưởng sẽ từ chức để trở thành thượng nghị sĩ và có hiệu lực từ ngày 9-5. Theo quy định của Thái-lan, các thượng nghị sĩ phải được bổ nhiệm trong vòng ba ngày kể từ khi kết quả bầu cử hạ viện được công bố. Nhiệm vụ đầu tiên của Thượng viện là họp chung với Hạ viện để bầu ra thủ tướng mới.
TheoNhanDan