Trả lời phỏng vấn của báo giới, ông Ryabkov nêu rõ: "Chúng tôi đã lưu ý về tuyên bố này. Quan điểm của chúng tôi không có gì là bí mật: chúng tôi tin rằng cần phải gia hạn Hiệp ước nhằm bảo đảm an ninh và hòa bình trên toàn cầu".
Theo ông Ryabkov, trước khi gia hạn Hiệp ước, các bên liên quan cần giải quyết một vấn đề mới nổi lên sau khi Mỹ loại bỏ một số bệ phóng tên lửa ra khỏi danh sách cần phải cắt giảm theo quy định trong Hiệp ước và nói rằng những bệ phóng này đã được chuyển đổi. Ông nói: "Theo quan điểm của chúng tôi, các thao tác như vậy là không thể chấp nhận được. Việc giải quyết vấn đề đòi hỏi phải có ý chí chính trị".
Nga và Mỹ ký kết Hiệp ước START mới năm 2010.
Ông cho biết phía Nga đã nêu rõ những phương thức kỹ thuật để giải quyết vấn đề đồng thời nhấn mạnh "vẫn còn đủ thời gian để thực hiện việc đó trước khi Hiệp ước hết hiệu lực". Tuy nhiên, nhà ngoại giao Nga cho rằng những tuyên bố như của ông Bolton không thể giải quyết vấn đề mà chỉ gây lo ngại.
Hiệp ước START mới, bắt đầu có hiệu lực từ năm 2011, quy định Nga và Mỹ không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược cũng như không triển khai quá 1.550 đầu đạn cùng tổng cộng 800 bệ phóng ICMB, SLBM và máy bay ném bom chiến lược dự trữ. Hiệp ước sẽ có hiệu lực trong vòng 10 năm đến 2021, trừ khi các bên có thỏa thuận khác. Nếu hai bên cùng nhất trí, hiệp ước có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm (tức tới năm 2026).
Bộ Ngoại giao Nga cho hay: "Không nên tin vào những đảm bảo rằng sự tăng cường này của Mỹ được cho là không đáng kể. Các cấu trúc đang được tạo ra ở Ba Lan trong sự tăng cường hiện diện lớn hơn."