Xử lý triệt để cả "khói” lẫn "bụi”
Bắc Kinh là thành phố loại đặc biệt với tốc độ phát triển nhanh chóng. Chính sự phát triển kinh tế và sản xuất, sự quá tải trong các hoạt động của đời sống xã hội, cũng như các yếu tố bất lợi về khí hậu và địa hình, đã khiến cho bầu không khí của thành phố này một thời chìm trong ô nhiễm khói bụi, việc xử lý ô nhiễm không khí trở thành một thách thức rất lớn đối với chính quyền và người dân nơi đây.
Để giải quyết tốt bài toán này, Bắc Kinh đã xác định rõ yêu cầu phân loại nguồn gốc và đặc trưng của các loại chất gây ô nhiễm không khí. Sở dĩ gọi là ô nhiễm khói bụi, bởi vì tác nhân gây ô nhiễm không khí chủ yếu đến từ hai nguồn: Một là khói, khí thải từ các công xưởng, nhà máy sản xuất công nghiệp và từ sinh hoạt của người dân, nhất là phát thải từ gần sáu triệu xe ô-tô các loại; hai là bụi cát tự nhiên đến từ các trận bão cát do Bắc Kinh có vị trí gần các sa mạc ở phía bắc, lại "ba mặt giáp núi”, thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão cát quy mô lớn, gây hạn chế tầm nhìn và ô nhiễm nghiêm trọng bầu không khí.
Kể từ năm 2013, Bắc Kinh xác định bảo vệ môi trường là nhiệm vụ trọng tâm, lấy "bầu trời xanh” làm tiêu chí quan trọng để đánh giá mức sống và chỉ số hạnh phúc của người dân, tập trung xử lý ô nhiễm không khí, góp phần cải thiện chất lượng không khí một cách toàn diện và liên tục.
Cụ thể, thành phố đã xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ cho công tác phòng chống ô nhiễm không khí dựa trên phân loại chất gây ô nhiễm và đặc điểm biến đổi của nguồn ô nhiễm toàn thành phố trong các giai đoạn khác nhau; xây dựng kế hoạch hành động làm sạch không khí 2013-2017 và kế hoạch hành động ba năm với chủ đề "quyết tâm giành thắng lợi trong cuộc chiến bảo vệ bầu trời xanh” năm 2018, quy hoạch cụ thể lộ trình xử lý ô nhiễm không khí.
Người dân tham quan quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc trong bầu không khí trong lành.
Đặc biệt, dựa trên nguồn lực của các cơ sở nghiên cứu khoa học, các trường đại học và cơ quan bảo vệ môi trường trên địa bàn, thành phố lần lượt tiến hành hai đợt phân tích nguồn gốc PM 2.5 để xác định cụ thể danh mục phát thải ô nhiễm không khí, chỉ rõ phương hướng xử lý ô nhiễm không khí đúng và trúng với các chất là nguồn gây ô nhiễm; đồng thời nâng cao năng lực giám sát và đo lường, bằng việc xây dựng 35 trạm giám sát tự động bao phủ phạm vi toàn thành phố, hình thành một mạng lưới giám sát và phân tích chất lượng không khí khá hoàn thiện.
Phối hợp liên vùng trong xử lý ô nhiễm
Xác định ô nhiễm không khí không chỉ là vấn đề của một địa phương, TP Bắc Kinh đã cùng với các địa phương lân cận như Hà Bắc, Thiên Tân, Nội Mông Cổ…, xây dựng cơ chế phối hợp phòng chống ô nhiễm không khí liên vùng, nhằm thống nhất các yêu cầu, giải pháp và tiêu chuẩn trong xử lý ô nhiễm không khí dựa trên các đặc điểm phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện khí hậu, địa hình của cả một khu vực rộng lớn.
Các địa phương thuộc cơ chế phối hợp nói trên đã nghiên cứu, xác định con đường lưu thông nguồn ô nhiễm không khí, coi đây là trọng tâm trong xử lý ô nhiễm không khí của cả khu vực; thực hiện đồng bộ tiêu chuẩn phát thải đối với xe cơ giới cũng như tiêu chuẩn chất lượng xăng dầu và nhiều tiêu chuẩn khác liên quan đến định mức khói bụi phát thải ra môi trường trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng…, phát huy tác dụng quan trọng đổi mới việc cải thiện đáng kể chất lượng môi trường không khí của cả khu vực rộng lớn với Bắc Kinh làm trung tâm.
Theo tính toán, việc tăng cường phối hợp giữa các địa phương trong việc xử lý ô nhiễm không khí, nhất là hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho việc đào thải các lò đốt than, xử lý ô nhiễm từ xe cơ giới, xây dựng nền tảng dữ liệu chia sẻ về chất lượng không khí…, đã góp phần giảm 7μg/m3 trong mức giảm chung chỉ số PM 2.5 hàng năm của thành phố Bắc Kinh, tức là đóng góp tới 23% trong thành tích xử lý ô nhiễm không khí của toàn thành phố.
Nhiều giải pháp đúng và trúng
Căn cứ vào kết quả phân tích các nguồn gây ô nhiễm PM 2.5, chính quyền TP Bắc Kinh đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể khá hiệu quả để giảm thiểu đáng kể số lượng các hạt gây ô nhiễm không khí.
Một là điều chỉnh cơ cấu sử dụng năng lượng của thành phố, chuyển từ dùng than đá sang dùng điện và khí đốt. Chuyển đổi các nhà máy cung cấp khí sưởi sử dụng lò đốt than sang sử dụng khí đốt; trợ giá cho người dân chuyển đổi dùng than sang dùng điện, nhất là những khu vực cần sưởi ấm vào mùa đông.
Hai là điều chỉnh cơ cấu ngành nghề công nghiệp bằng việc công bố danh mục điều chỉnh ngành nghề ô nhiễm và đào thải trang thiết bị, từ đó di dời hoặc đóng cửa hơn 2.600 doanh nghiệp gây ô nhiễm trong các lĩnh vực in ấn, thủ công nghiệp, đồ gỗ, xi măng…
Đặc biệt, Bắc Kinh còn tập trung xử lý đồng bộ cả "xe cộ, xăng dầu và đường xá”, nhằm khống chế nguồn ô nhiễm phát thải từ xe cơ giới. Ngoài việc ban hành các tiêu chuẩn nghiêm khắc đối với xe mới, xe đang sử dụng và chủng loại xăng dầu; tăng cường cải tạo đối với xe đang sử dụng, thành phố còn áp dụng chính sách hạn chế lưu hành theo khu vực và thời gian trong ngày, để thúc đẩy đào thải phương tiện cũ, gây ô nhiễm cao. Nhờ đó, từ năm 2015-2018, cả thành phố đã loại bỏ được hơn hai triệu xe cũ; đồng thời tăng thêm hơn 200.000 xe chạy điện hoặc sử dụng năng lượng sạch.
Ngoài ra, Bắc Kinh còn tập trung xử lý thường xuyên khói bụi từ các công trường thi công, bụi đường; đồng thời nâng cao sức chống chịu của môi trường bằng việc mở rộng diện tích mặt nước sông hồ, phủ xanh đất trống đồi trọc, nâng tỷ lệ phủ xanh toàn thành phố lên mức trên 60%...
Theo số liệu mà chính quyền TP Bắc Kinh công bố mới đây, chỉ số PM 2.5 của thành phố này trong tám tháng đầu năm 2019 giảm xuống chỉ còn 42 μg/m3, tháng 8-2019 giảm kỷ lục chỉ còn 23 μg/m3, bình quân số ngày không khí trong lành là 150 ngày, tỷ lệ đạt chuẩn là 61,7%, số ngày ô nhiễm nặng chỉ còn 3 ngày, giảm tới 5 ngày so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là kết quả khả quan và niềm vui đối với người dân thành phố từng là "tâm điểm” của truyền thông thế giới về ô nhiễm không khí nghiêm trọng, sau quá trình triển khai "cuộc chiến bảo vệ bầu trời xanh” với nhiều nỗ lực và giải pháp đồng bộ. Tuy vậy, Bắc Kinh cũng xác định, xử lý ô nhiễm không khí nói chung, môi trường nói riêng là một nhiệm vụ lâu dài, cần sự vào cuộc của tất cả người dân, sự bảo đảm vững chắc về thể chế, chính sách, cũng như các giải pháp hiệu quả với mục tiêu và lộ trình rõ ràng.
Theo Nhandan
Sáng nay, 25-9, Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Sân bay quốc tế Đại Hưng, sân bay thứ hai ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là một sự kiện quan trọng diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo Roi-tơ, TTXVN và tin nước ngoài, tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), khai mạc ngày 23-9 (giờ địa phương), tại trụ sở LHQ ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra kế hoạch cụ thể và thực tế, để đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong 10 năm tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.