Tại hội nghị cấp cao Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) vừa diễn ra ở thủ đô U-a-ga-đu-gu của Buốc-ki-na Pha-xô, lãnh đạo các nước Tây Phi bày tỏ thống nhất cao về kế hoạch trị giá một tỷ USD, nhằm giúp tăng cường các chiến dịch quân sự của các nước liên quan, cũng như những chiến dịch quân sự chung trong khu vực. Cụ thể, số quỹ này được dùng để cung cấp tài chính cho cuộc chiến chống các phần tử Hồi giáo cực đoan trong giai đoạn 2020-2024. Chi tiết đầy đủ về kế hoạch này dự kiến được công bố tại hội nghị ECOWAS tháng 12 tới.
Hoạt động của các tay súng cực đoan được cảnh báo đang trỗi dậy mạnh mẽ tại nhiều nơi trên thế giới, nhất là khu vực Tây Phi. Tại hội nghị nêu trên, Chủ tịch Ủy ban ECOWAS G.Brâu cho biết, trong vòng bốn năm qua, đã xảy ra khoảng 2.200 vụ tiến công liên quan các chiến binh thánh chiến Hồi giáo, khiến 11.500 người chết, hàng nghìn người bị thương và hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Hoạt động kinh tế - xã hội tại nhiều quốc gia trong khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thiếu ngân sách đang là vấn đề lớn, khiến cuộc chiến chống làn sóng bạo lực liên quan các nhóm Hồi giáo cực đoan trong khu vực gặp nhiều khó khăn. Cách đây 5 năm, lực lượng quân sự G5 Xa-hen (gồm năm nước vùng Xa-hen là Buốc-ki-na Pha-xô, Ni-giê, Sát, Ma-li và Mô-ri-ta-ni) được thành lập, nhằm đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, song, do thiếu tài chính, trang thiết bị, cũng như việc huấn luyện còn hạn chế, hoạt động của lực lượng này vẫn chưa phát huy hiệu quả. Thực tế này đòi hỏi các quốc gia Tây Phi cần nỗ lực hơn trong cuộc chiến chống lại các tay súng, khi mà theo như lời Tổng thống Buốc-ki-na Pha-xô R.Ca-bô-rê, các mối đe dọa đã vượt ra ngoài biên giới và không một quốc gia nào an toàn, đồng thời tình trạng bạo lực leo thang đã dẫn tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có tại khu vực Xa-hen.
Lực lượng quân sự G5 Xa-hen.
Châu Phi nói chung và khu vực Tây Phi nói riêng đang nỗ lực kêu gọi sự phối hợp giữa các nước trong châu lục và những hỗ trợ từ bên ngoài, nhằm giành được các bước tiến trong cuộc chiến chống khủng bố. Tháng 5 vừa qua, trong chuyến công du của mình tới Tây Phi, Thủ tướng Đức A.Méc-ken tuyên bố sẽ hỗ trợ một khoản tiền lớn cho các nước G5 Xa-hen, nhằm thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố. Béc-lin cũng cam kết hỗ trợ Buốc-ki-na Pha-xô và Ni-giê hàng chục triệu ơ-rô để triển khai các dự án phát triển, cũng như trang bị và huấn luyện cho cảnh sát của hai quốc gia này. Trong khi đó, tháng 7 vừa qua, tại buổi làm việc với Tổng thống Buốc-ki-na Pha-xô R.Ca-bô-rê tại thủ đô U-a-ga-đu-gu, với sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao các nước thành viên G5 Xa-hen, Ðại diện cấp cao của Liên hiệp châu Âu (EU) về chính sách an ninh và đối ngoại Ph.Mô-ghê-ri-ni cho biết, EU sẽ cung cấp các khoản viện trợ bổ sung trị giá 138 triệu ơ-rô cho lực lượng đặc nhiệm chống khủng bố chung của các nước G5 Xa-hen. Khoản viện trợ mới này nhằm tăng cường hỗ trợ chống chủ nghĩa cực đoan và khủng bố. EU và G5 Xa-hen kêu gọi sự quyết tâm và phối hợp của các quốc gia liên quan, dưới sự hỗ trợ của các tổ chức khu vực và EU, để ngăn chặn có hiệu quả nguy cơ leo thang và mất ổn định khu vực.
Trong bối cảnh hoạt động của các nhóm cực đoan có dấu hiệu gia tăng trong khu vực, kế hoạch mới đây trị giá một tỷ USD của ECOWAS kỳ vọng sẽ hỗ trợ hiệu quả, giúp đẩy lùi những mối đe dọa từ các tay súng thánh chiến. Dự kiến, ECOWAS sẽ kêu gọi Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) "đầu tư” một phần cho kế hoạch an ninh này, cùng với sự hỗ trợ từ phía các nhà tài trợ phương Tây và các nước A-rập.
Sáng nay, 25-9, Trung Quốc đã tổ chức lễ khánh thành và đưa vào sử dụng Sân bay quốc tế Đại Hưng, sân bay thứ hai ở thủ đô Bắc Kinh. Đây là một sự kiện quan trọng diễn ra ngay trước thềm kỷ niệm 70 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Theo Roi-tơ, TTXVN và tin nước ngoài, tại Hội nghị cấp cao về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (LHQ), khai mạc ngày 23-9 (giờ địa phương), tại trụ sở LHQ ở thành phố Niu Oóc (Mỹ), Tổng Thư ký LHQ A.Gu-tê-rét kêu gọi lãnh đạo các nước đưa ra kế hoạch cụ thể và thực tế, để đóng góp vào nỗ lực chung nhằm giảm 45% lượng khí thải nhà kính trong 10 năm tới và đạt mục tiêu không còn khí thải nhà kính vào năm 2050.