Sau nhiều tháng đàm phán, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 17-10 thông báo, Anh và Liên hiệp châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận Brexit. Thỏa thuận mới đã loại bỏ điều khoản "chốt chặn” gây tranh cãi.


Thủ tướng Anh B.Johnson. (Ảnh: Reuters)

Thông qua tài khoản Twitter cá nhân, Thủ tướng Anh cho biết: "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận mới tuyệt vời và giành lại quyền kiểm soát. Giờ đây, Quốc hội nên thông qua thỏa thuận Brexit vào ngày thứ bảy tới (19-10) để chúng ta có thể chuyển sang thảo luận về các ưu tiên khác như chi phí sinh hoạt, dịch vụ y tế, tội phạm bạo lực và môi trường”.

Ông Johnson khẳng định, điều khoản "chốt chặn” trong thỏa thuận do người tiền nhiệm Theresa May đàm phán với giới chức EU đã được loại bỏ. Điều khoản này là một trong những lý do khiến Quốc hội Anh bác bỏ thỏa thuận của bà May ba lần. Điều khoản "chốt chặn” là "chính sách bảo đảm” nhằm tránh "đường biên giới cứng” giữa Bắc Ireland và Ireland nếu cho đến khi giai đoạn chuyển tiếp Brexit kết thúc, London và Brussels vẫn không tìm được giải pháp thay thế. Điều đó có nghĩa là Anh sẽ vẫn thuộc liên minh thuế quan của EU tới lúc hai bên ký kết một thỏa thuận thương mại.

Trong khi đó, cũng trên tài khoản Twitter cá nhân, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker viết: "Nơi nào có ý chí, nơi đó có thỏa thuận - chúng tôi có một thỏa thuận! Đó là thỏa thuận công bằng và cân bằng đối với EU và Anh và đó là bằng chứng cho cam kết của chúng tôi về tìm ra các giải pháp. Tôi tin rằng Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ thông qua thỏa thuận này”.

Ngay sau khi ông Johnson và ông Juncker cùng công bố thông tin nêu trên, hai đảng đối lập chính tại Anh đã lập tức bày tỏ phản đối thỏa thuận Brexit mới. Ông Jeremy Corbyn, lãnh đạo Công đảng cho rằng: "Thủ tướng Johnson đã thương lượng một thỏa thuận tồi tệ hơn thỏa thuận từng bị phản đối mạnh mẽ của bà Theresa May”. Đảng Dân chủ Tự do vốn có quan điểm ngăn chặn Brexit xảy ra cũng phản đối thỏa thuận của ông Johnson. Như vậy, chắc chắn Thủ tướng Anh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn tại Quốc hội nước này trong vài ngày tới. Nếu không thể thuyết phục Quốc hội ủng hộ thỏa thuận Brexit mới thì ông Johnson sẽ phải đề nghị EU gia hạn Brexit đến ngày 31-1-2020.

Sau khi thông tin về thỏa thuận Brexit mới được công bố, ông Michel Barnier, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU đã chủ trì một cuộc họp báo. Ông Barnier cho biết, bản thỏa thuận dài 64 trang đã được công bố. Ông Barnier cho rằng, cuộc gặp riêng giữa ông Johnson và người đồng cấp Ireland Leo Varadkar hai tuần trước đã mở đường cho thỏa thuận hôm nay. Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU tin tưởng thỏa thuận mới sẽ được ủng hộ và phê chuẩn từ nay cho đến ngày 31-10-2019, tức là trước hạn chót Brexit. Trong cuộc gặp ông Juncker sáng nay, Thủ tướng Johnson cũng nói rằng, ông tin tưởng các nghị sĩ Anh sẽ thông qua thỏa thuận mới này.

Ông Barnier nêu rõ, giải pháp cho vấn đề biên giới Bắc Ireland và Ireland dựa vào bốn yếu tố chính: thứ nhất, Bắc Ireland vẫn tuân thủ quy định của EU, trong đó có quy định về hàng hóa; thứ hai, Bắc Ireland vừa nằm trong khu vực thuế quan của Anh, vừa là "điểm vào” thị trường đơn nhất của EU; về thuế mua bán hàng hóa, thỏa thuận Brexit sẽ duy trì tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất; thứ tư, cứ sau mỗi giai đoạn kéo dài bốn năm, Bắc Ireland có thể quyết định có tiếp tục áp dụng nguyên tắc của liên minh thuế quan hay không.

Bước đột phá trong tiến trình Brexit nhanh chóng đẩy giá của đồng bảng Anh lên hơn 1% với tỷ giá một đồng bảng Anh đổi 1,29 USD.

Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Châu Âu phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 12-10, hàng nghìn người đã tham gia các cuộc tuần hành tại nhiều nước châu Âu để phản đối chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào người Cuốc ở miền bắc Xy-ri. Chính phủ các quốc gia như Ðức và Pháp cũng có biện pháp cụ thể phản ứng trước hành động quân sự của An-ca-ra.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria: Thương vong tiếp tục gia tăng

Các khu định cư của Thổ Nhĩ Kỳ gần biên giới đã bị tấn công 652 lần bằng súng cối và rocket từ phía Syria khiến 18 dân thường thiệt mạng và 147 người bị thương.

Giới chức Hong Kong kêu gọi người dân chấm dứt bạo lực

Những ngày qua, tổng cộng có 6 trụ sở của chính quyền khu vực bị phá hoại khiến các dịch vụ công cộng phục vụ người dân bị gián đoạn.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd: Giao tranh gây nhiều thương vong

Theo thông tin của tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), đến nay ít nhất 29 tay súng và 10 dân thường đã bị thiệt mạng kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tấn công người Kurd tại Syria.

Đức khẳng định cam kết bảo vệ cộng đồng người Do Thái

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết "đại đa số người Đức" tin tưởng rằng cộng đồng người Do Thái chiếm một vị trí quan trọng ở đất nước này.

Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria: AL triệu tập họp khẩn

Theo yêu cầu của Ai Cập, bộ trưởng ngoại giao các nước thành viên AL sẽ tiến hành cuộc họp khẩn vào ngày 12/10 tới tại Cairo (Ai Cập) nhằm thảo luận "cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ vào lãnh thổ Syria."

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục