Các bác sĩ và y tá tham gia chống dịch tại Mỹ khẩn thiết kêu gọi được cấp thêm đồ bảo hộ và trang thiết bị để điều trị cho hàng chục nghìn bệnh nhân.
Các bệnh viện tại các thành phố New York, New Orleans, Detroit và các điểm nóng dịch bệnh khác cũng lên tiếng cảnh báo về sự khan hiếm thuốc men, các thiết bị y tế và đội ngũ nhân viên y tế được đào tạo.
"Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu để giành giật mạng sống cho mọi người nhưng chúng tôi cũng phải chiến đấu cho chính chúng tôi bởi vì chúng tôi cũng là những người có nguy cơ nhiễm cao nhất”, TS Arabia Mollette thuộc Bệnh viện đại học Brookdale và Trung tâm y tế tại Brooklyn nói.
Một bác sĩ làm việc ở phòng cấp cứu tại Michigan, một tâm dịch mới tại Mỹ cho biết, ông ấy phải sử dụng một khẩu trang bằng giấy cho cả một ca làm việc do cạn kiệt khẩu trang và các bệnh viện tại khu vực Detroit cũng sẽ sớm hết máy thở.
"Các hệ thống bệnh viện tại khu vực Detroit và ở Michigan đang cạn kiệt máy thở và chúng tôi bắt đầu phải nói với các gia đình là chúng tôi không thể cứu sống người thân của họ bởi vì chúng tôi không đủ trang thiết bị”, bác sĩ, tiến sĩ Rob Davidson nói trong một video được đăng tải trên Twitter.
Sophia Thomas, một y tá tại Trung tâm y tế cộng đồng Depaul ở New Orleans cho biết, số bệnh nhân mắc Covid-19 tại đây đã tăng nhanh đến bất ngờ.
Trong khi đó, các bác sĩ khu vực New York cho biết họ phải tái chế một số thiết bị bảo hộ hoặc phải mua từ chợ đen.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-3 đã kích hoạt quyền khẩn cấp, đề nghị hãng General Motors bắt đầu sản xuất máy thở sau khi ông cáo buộc hãng sản xuất ô-tô lớn nhất nước Mỹ "đang lãng phí thời gian” trong các cuộc đàm phán.
Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo cho biết, một số bệnh viện tại thành phố New York đang thiết lập các phòng ở cho các nhân viên y tế lo ngại sẽ có thể mang virus về nhà làm lây nhiễm cho người thân. Các phòng này cũng được dành cho các bệnh nhân không phải chăm sóc đặc biệt.
Ít nhất hai trường y khoa tại New York cho biết, họ sẽ cho các sinh viên năm thứ tư tốt nghiệp sớm để có thể tham gia điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 ngay sau đó.
Cùng ngày, Quốc hội Mỹ đã thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá hai nghìn tỷ USD. Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành luật ngay sau đó.
Ngoài hỗ trợ cho các bệnh viện, gói cứu trợ sẽ hỗ trợ tiền mặt cho các doanh nghiệp và những lao động thất nghiệp do phải chấp hành lệnh ở nhà.
* Ngày 27-3, Trung tâm giám sát tình hình dịch Covid-19 của Nga cho biết, trong vòng 24 giờ qua, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng thêm 196 người, đưa tổng số ca nhiễm virus lên 1.036 ca.
TASS dẫn thông báo của trung tâm này viết: "Hôm nay, Nga ghi nhận 1.036 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở 58 khu vực trên khắp đất nước. Cũng trong vòng 24 giờ qua, đã có bảy người khỏi bệnh và được cho ra viện. Như vậy, tính cho đến nay đã có tổng cộng 45 người nhiễm Covid-19 được chữa khỏi và xuất viện".
Trong số 196 ca nhiễm Covid-19 mới được phát hiện ngày hôm nay, có tới 157 ca ở TP Moscow, tam ca ở khu vực Moscow, ba ca ở Volgograd cùng nhiều khu vực khác trên khắp nước Nga.
Cũng trong cùng ngày, Trung tâm giám sát tình hình Covid-19 của Nga thông báo một bệnh nhân 56 tuổi, dương tính với virus SARS-CoV-2 đã tử vong ở Moscow. Thông báo của trung tâm viết: "Khi bệnh nhân nhập viện đã được xác định viêm phổi bên trái. Bệnh nhân đã thiệt mạng do suy đa tạng, bao gồm cả hệ hô hấp và tim mạch".
Liên quan tới tình hình dịch Covid-19 ở Nga, Phó Thị trưởng Moscow Anastasiya Rakova ngày 27-3 cho biết các phòng thí nghiệm ở Moscow sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 13 nghìn trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 mỗi ngày.
Phát biểu trên kênh truyền hình Rossiya-1, bà Rakova nói: "Tuần trước, chỉ có những phòng xét nghiệm liên bang được phép tiến hành các xét nghiệm. Chúng tôi đã tham gia đầy đủ vào nỗ lực này và tổ chức chín phòng thí nghiệm. Hôm nay chúng tôi đã tiến hành gần 4.000 xét nghiệm kiểm tra Covid-19 tại các phòng thí nghiệm ở Moscow. Trong những tuần tới chúng tôi sẽ tăng khả năng xét nghiệm lên tới 13 nghìn trường hợp mỗi ngày".
Theo bà Rakova, nhà chức trách đang chuẩn bị sẵn kịch bản ứng phó trước mọi khả năng có thể xảy ra. Bà nhấn mạnh: "Tăng số lượng người được xét nghiệm là điều kiện cần thiết và là một bước quan trọng trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus".
* Lo ngại bệnh dịch có thể bùng phát rất mạnh trong những ngày tới, ngày 27-3, Chính phủ Pháp đã quyết định kéo dài thời hạn của lệnh hạn chế di chuyến tới ngày 15-4.
Phát biểu sau cuộc họp của Hội đồng Bộ trưởng, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe thông báo: Nước Pháp vẫn ở giai đoạn đầu của đại dịch. Được sự chấp thuận của Tổng thống, tôi thông báo rằng thời hạn của lệnh hạn chế di chuyển sẽ tăng thêm thêm hai tuần nữa cho tới ngày 15-4. Hiện còn quá sớm để xác định thời điểm có thể dỡ bỏ các biện pháp hạn chế di chuyển vì dịch chưa đạt đỉnh.
Thủ tướng Pháp thông báo về quyết định kéo dài thời gian hạn chế di chuyển. Ảnh: Elysée.
Số người nhiễm và tử vong ở Pháp vẫn tăng rất đáng lo ngại trong những ngày gần đây, có thêm 299 ca tử vong và 3.809 ca nhiễm mới được xác nhận kể từ ngày 26-3. Theo thông báo của Bộ Y tế Pháp công bố tối 27-3, bệnh dịch đã làm 1.995 chết và 32.964 người nhiễm kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được xác nhận vào ngày 24-1. Hiện có 3.787 người đang được chăm sóc đặc biệt trong đó có 42 người dưới 30 tuổi. Có gần 5.700 người đã được chữa khỏi và xuất viện.
Ông Jérôme Salomon, Tổng cục trưởng Y tế Pháp, cho rằng tình hình sẽ "rất khó khăn" trong những ngày tới, đồng thời khuyến cáo mọi người theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe. Theo ông, bệnh dịch diễn biến ngày càng phức tạp và người trẻ tuổi cũng có nguy cơ bị bệnh nặng trong đó có một trường hợp 16 tuổi tử vong trong ngày hôm qua.
Tại Pháp, dịch Covid-19 ban đầu bùng phát ở phía đông, rồi lan rộng sang các khu vực ở phía bắc, nhất là vùng thủ đô Ile-de-France. Số liệu thống kê ở khu vực Paris tăng đột biến trong những ngày gần đây và hiện chỉ còn 200 trong tổng số 1.500 giường cho những bệnh nhân Covid-19 cần chăm sóc đặc biệt. Các bệnh viện ở khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất đang trong tình trạng quá tải vì vậy Chính phủ Pháp đã phải huy động quân đội để hỗ trợ hoạt động chống dịch và các phương tiện gồm máy bay trực thăng và tàu cao tốc để chuyển những ca bệnh nặng tới điều trị ở phía đông và tây nam.
Do lệnh hạn chế di chuyển, các lĩnh vực kinh tế ở Pháp bị ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo của Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp (INSEE), gần 90% các công trường xây dựng đã phải ngừng hoạt động. Tiếp đó lĩnh vực công nghiệp với 50% nhà máy ngừng hoạt động. Các nhà máy sản xuất xe ô-tô tại Pháp phải đóng cửa và công nhân hưởng quy chế "thất nghiệp tạm thời”. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ gồm găng tay, khẩu trang và dung dịch khử trùng lại hoạt động hết công suất nhưng vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước.
Hầu hết các ngân hàng hoạt động cầm chừng, còn nhân viên của ngành viễn thông và bảo hiểm vẫn làm việc gần như bình thường ở văn phòng và ở nhà. Ngành du lịch và tất cả các dịch vụ kèm theo như nhà hàng, khách sạn cũng như các khu giải trí tạm thời "đóng băng”.
Hệ thống giao thông công cộng trên khắp nước Pháp giảm tối đa công suất vì chỉ còn rất ít người sử dụng. Không còn cảnh tắc đường vào giờ cao điểm vì chỉ có một số lượng rất nhỏ ô-tô lưu thông, trong đó đa số là xe tải vận chuyển hàng tiêu dùng thiết yếu.
Tính tới tối 27-3, số người nhiễm virus corona được xác nhận ở châu Âu đã vượt quá 300 nghìn, trong đó có gần một nửa ở Italy (86.498) và Tây Ban Nha (64.28). Châu Âu là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do đại dịch cả về ca nhiễm và ca tử vong (hơn 18 nghìn). Một số nước ở châu Âu xác nhận ca nhiễm và tử vong căn cứ theo thống kê tiếp nhận và điều trị tại bệnh viện như ở Pháp. Vì vậy con số thực tế có thể cao hơn nhiều.
Trước tình hình bệnh dịch tiếp tục lan rộng ở khắp châu Âu, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã kêu gọi các nước phối hợp chặt chẽ mới có thể sớm vượt qua cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay. Theo bà, việc đóng cửa biện giới và cấm xuất khẩu đồ y tế đã khiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 ở một số nước gặp rất nhiều khó khăn. Trong hoàn cảnh như vậy, các nước châu Âu cần chia sẻ, đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau để khống chế đại dịch.
TheoNhanDan