Theo thống kê do Bộ Y tế Pháp công bố tối 30-3, có thêm 418 ca tử vong trong bệnh viện do Covid-19, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh xuất hiện ở nước này. Trong khi đó, các nhà nghiên cứu ở châu Âu đang tích cực thử nghiệm tác dụng của thuốc ngừa bệnh lao BCG đối với hệ miễn dịch để chống virus corona.



Cảnh sát tăng cường kiểm tra mục đích ra đường của người dân tại các cửa ngõ vào Paris.

Pháp huy động tối đa nhân lực và đồ y tế

Tính tới tối 30-3, tổng số tử vong trong bệnh viện ở Pháp đã vượt qua con số 3.000 và số nhiễm tăng 4.376 trường hợp. Có 7.924 người được chữa khỏi và đã ra viện, tuy nhiên có thêm 424 trường hợp bệnh nặng, nâng tổng số lên 5.107 ca đang được chăm sóc đặc biệt. Hiện có hơn 21 nghìn người nhiễm đang được điều trị trong bệnh viện.

Tổng Cục trưởng Y tế Pháp, Jérôme Salomon cho biết, bệnh dịch ở khu vực thủ đô Île-de-France có thể đạt đỉnh trong tuần này. Đây là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch Covid-19, với 1.792 trường hợp cần chăm sóc đặt biệt. Có tới 954 trường hợp tử vong được ghi nhận tại các bệnh viện ở vùng này.

Ông Jérôme Salomon cũng thông báo về việc tổ chức lại hệ thống y tế, ứng phó "đỉnh sóng thần" của dịch bệnh được dự báo diễn ra trong tuần này. Theo đó, các khoa hồi sức cấp cứu ở cả bệnh viện công và tư đã được tăng cường nhân viên y tế, chuẩn bị khả năng có thêm nhiều bệnh nhân nặng trong mấy ngày tới. Ông cũng hy vọng, dịch bệnh sẽ suy giảm vào cuối tuần này sau mấy ngày có nhiều ca nhiễm mới.

Cùng việc di chuyển khẩn cấp các bệnh nhân nặng tại một số bệnh viện quá tải ở phía đông tới các bệnh viện ở những vùng ít bị ảnh hưởng, Chính phủ Pháp cũng tăng cường các đợt nhập khẩu dụng cụ y tế và khẩu trang, khắc phục tình trạng thiếu hụt trầm trọng hiện nay. Bắt đầu từ ngày 30-3, một số cơ sở y tế ở một số tỉnh, thành phố bắt đầu lập các trạm xét nghiệm và khám bệnh lưu động. Việc tiếp nhận bệnh nhân cũng được sắp xếp lại, chuyển đúng nơi tùy mức độ nghiêm trọng, tránh tình trạng quá tải khoa cấp cứu.

Chiến lược chống dịch của Chính phủ Pháp đang vào giai đoạn cao điểm vì phải xử lý hàng loạt vấn đề cấp bách, trong khi số người nhiễm và tử vong vẫn tăng mạnh. Đó là việc tăng cường thêm rất nhiều giường bệnh cho các phòng hồi sức, mở rộng quy mô xét nghiệm virus corona, cung cấp đầy đủ khẩu trang phòng dịch, bảo đảm an toàn cho các nhân viên y tế, gấp rút tìm ra thuốc trị bệnh, giảm tối đa tỷ lệ tử vong, nhất là đối với người có tuổi. 

Thử nghiệm vaccine BCG tăng cường hệ miễn dịch

Trong mấy ngày qua, báo chí Pháp đưa tin về nghiên cứu của các nhà khoa học ở Pháp, Hà Lan và Đức đối với tác dụng vaccine phòng ngừa bệnh lao (Bacillus Calmette-Guérin - BCG), chống lại virus corona. Theo đó, các nhà khoa học đã tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và đang xem xét kỹ khả năng tăng cường hệ miễn dịch của BCG để cơ thể con người có thể phản ứng tốt hơn chống lại virus corona.

BCG là loại vaccine do Viện Pasteur ở thành phố Lille thuộc phía bắc nước Pháp nghiên cứu và được đưa vào sử dụng từ năm 1921. Với khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch, BCG đã được sử dụng cho trẻ sơ sinh trong nhiều thập kỷ qua. Từ đầu những năm 1980, nó cũng đã được sử dụng để điều trị ung thư bàng quang khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu. Từ năm 2007, loại vaccine này hầu như không còn được kê đơn ở Pháp.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 28-3 với tờ Le Point, Giáo sư Camille Locht, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Inserm thuộc Viện Pasteur ở Lille, cho biết: "Khả năng miễn dịch của BCG là từ 5-7 năm, sau đó kém tác dụng, nhưng nếu tiêm lại thì có thể "đánh thức" khả năng miễn dịch trong vài giờ hoặc vài ngày. Điều này cho thấy, nó có các đặc tính miễn dịch vượt xa khả năng bảo vệ chống lại bệnh lao. Vì vậy, chúng ta có thể nghiêm cứu về khả năng của BCG trong việc giúp cơ thể "chiến đấu" chống lại virus corona chủng mới.

Chuyên trang về y tế ở Bỉ, Le Spécialiste cho rằng, BCG "không trực tiếp bảo vệ khỏi Covid-19 nhưng có thể "tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể", và điều này sẽ giúp bảo vệ tốt hơn trước nguy cơ tấn công của virus corona. Còn tờ Le Figaro (Pháp) đăng ý kiến của ông Mihai Netea, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Khoa Khoa học - Y khoa thuộc Đại học Radboud ở Hà Lan, nói rằng, hai nghiên cứu ở những người trưởng thành cho thấy, BCG làm giảm 70% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

Giáo sư Mihai Netea đã tiến hành một thử nghiệm với 1.000 điều dưỡng viên tại tám bệnh viện có tiếp xúc với bệnh nhân bị nhiễm Covid-19. Một số người được tiêm vaccine BCG, còn những người khác dùng "giả dược - Placebo". Với thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu sẽ phân tích tỷ lệ phần trăm những người chăm sóc "có thể" bị nhiễm bệnh và kiểm tra xem vaccine BCG có thể đóng vai trò rào cản hay không. Kết quả sẽ được công bố trong vòng 3-4 tháng tới.

Tuần trước, tại Australia, một nhóm các nhà nghiên cứu thông báo, họ đã tiến hành thử nghiệm vaccine BCG với 4.000 nhân viên y tế, xác minh khả năng giảm các triệu chứng của Covid-19. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Nigel Curtis cho biết: "Chúng tôi hy vọng sẽ thấy có sự giảm sụt về tần suất và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng Covid-19 ở những nhân viên y tế đã được tiêm vaccine BCG". Viện Max-Planck ở Đức cũng sắp bắt đầu một nghiên cứu với vaccine BCG có điều chỉnh.

Theo ông Laurent Lagrost, Giám đốc Viện Y tế và Nghiên cứu quốc gia Pháp, các triệu chứng bệnh Covid-19 trầm trọng đến từ phản ứng quá mạnh từ hệ miễn dịch của cơ thể. Vaccine BCG có thể hỗ trợ hệ miễn dịch thích nghi và tìm cách chống lại các dạng bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng. Để kiểm tra giả thuyết này, ông đề nghị các bác sĩ xem xét hồ sơ của các bệnh nhân được chăm sóc tích cực, xác định bệnh nhân nào vẫn trong thời hạn tác dụng vì đã được tiêm vaccine BCG. Rất có thể, những người già nhất không còn có khả miễn dịch này vì được tiêm phòng từ lúc còn rất bé. Ông nhận định, có lẽ điều đó sẽ giải thích lý do tại sao những người rất trẻ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Đề cập đến các nghiên cứu này, Tổng Cục trưởng Y tế Pháp cho biết, các thử nghiệm đang được tiến hành, kiểm tra hiệu quả của vaccine BCG và xem liệu việc kích thích hệ miễn dịch như vậy có tác dụng để ngừa virus corona hay không. Theo ông, các kết quả ban đầu cho thấy, BCG có đóng góp quan trọng, kích thích hoạt động của hệ miễn dịch.

Tính tới tối 30-3, có hơn 760 nghìn ca nhiễm và gần 37 nghìn ca tử vong do dịch Covid-19 trên toàn thế giới, trong đó có hơn 45 nghìn ca nhiễm và 2.849 ca tử vong mới được xác nhận. Có gần 3/4 số nhiễm và tử vong xảy ra ở châu Âu, châu lục bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Trong các nước châu Âu, biện pháp chống dịch của Đức đang phát huy hiệu quả. Bằng cách thực hiện xét nghiệm quy mô lớn, kịp thời cứu chữa người bị nhiễm, các bệnh viện ở Đức đã tránh được tình trạng quá tải. Hiệp hội các bệnh viện đức (DKG) cho biết, trong tổng số 7.000 người nhập viện, chỉ còn 1.500 người cần chăm sóc đặc biệt và còn trống khoảng một nửa số giường chăm sóc đặc biệt. Các bệnh viện ở Đức đã tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân được chuyển từ Pháp và Italy.


Theo Nhandan

Các tin khác


Diễn biến dịch COVID-19 tới 6h sáng 29/3: Thế giới có gần 30.500 người chết, ca nhiễm và tử vong ở Mỹ tăng cao kỷ lục

Tính đến 6h sáng 29/3 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã có 658.672 trường hợp mắc COVID-19 và 30.471 trường hợp tử vong. Trong đó, Mỹ vẫn là nước có nhiều ca nhiễm virus nhất, còn Italy dẫn đầu về số ca tử vong khi vượt ngưỡng 10.000.

Khống chế bệnh dịch Covid-19 ở khu vực EU cần sự đoàn kết, tương trợ

Lãnh đạo của 27 nước thành viên EU vẫn chưa thống nhất được biện pháp kinh tế chung để đối phó cuộc khủng hoảng dịch bệnh ngày càng lan rộng. Trước tình hình đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và một số lãnh đạo EU cũng như các chuyên gia kinh tế kêu gọi các nước trong khu vực đồng tâm, hợp lực nhằm sớm khống chế dịch bệnh và ổn định tình hình kinh tế.

Dịch COVID-19: Tổng số ca nhiễm trên toàn thế giới vượt 600.000 người

Theo số liệu mới nhất của Đại học Johns Hopkins (Mỹ), số trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt ngưỡng 600.000 người.

Diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới: Số ca mắc Covid-19 tăng tại Mỹ và Nga

Thế giới trong 24 giờ qua ghi nhận, chỉ sau một ngày (từ thời điểm 7 giờ 30 phút sáng 27-3) Mỹ ghi nhận thêm kỷ lục 18.793 ca mắc mới Covid-19 và 406 ca tử vong; tại Nga số ca mắc mới tăng thêm 196 người, đưa tổng số ca lên 1.036 ca. Trong khi đó, Chính phủ Pháp đã quyết định kéo dài thời hạn của lệnh hạn chế di chuyến tới ngày 15-4 do lo ngại bệnh dịch có thể bùng phát mạnh.

Dịch COVID-19 tại ASEAN tới sáng 28/3: Singapore hủy Hội nghị Shangri-La, Tổng tham mưu trưởng LLVT Philippines nhiễm virus

Đến rạng sáng 28/3, khu vực Đông Nam Á ghi nhận thêm 538 ca mắc COVID-19 và 22 người tử vong. Số ca nhiễm mới tại Indonesia tăng kỷ lục, trong khi tại Philippines, Tổng tham mưu trưởng quân đội có xét nghiệm dương tính và Bộ trưởng Quốc phòng hiện đã cách ly.

Diễn biến COVID-19 tới 6h sáng 27/3: Thế giới trên nửa triệu người nhiễm virus, lãnh đạo G-20 cam kết lập mặt trận chung chống đại dịch

Tới sáng 27/3, thế giới đã có trên nửa triệu người nhiễm bệnh đường hô hấp cấp COVID-19, trên 23.900 người tử vong, khiến các nhà lãnh đạo thế giới phải khẩn cấp tìm kiếm giải pháp phối hợp để đương đầu với đại dịch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục