Mỹ có số ca nhiễm và tử vong tăng cao kỷ lục
Trong 24h qua, Mỹ ghi nhận thêm 16.403 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 120.529. Với con số này, Mỹ đã bỏ xa hai nước đứng sau là Italy và Trung Quốc. Số ca tử vong ở Mỹ cũng tăng 312 ca, lên 2.008. Các số liệu trên cho thấy Mỹ đã ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 tăng cao kỷ lục.
Thành phố New York hiện là nơi có nhiều ca tử vong nhất với 517 trường hợp. Trong khi đó, tính trên phạm toàn bộ "tâm dịch” của nước Mỹ là bang New York, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 là 52.318 trường hợp, trong đó có 728 ca tử vong.
Chính quyền bang New York đang lên kế hoạch xây dựng 4 bệnh viện dã chiến để ứng phó với dịch bệnh. Thống đốc bang này - ông Andrew Cuomo - dự đoán dịch sẽ lên đến đỉnh điểm trong vòng 21 ngày tới và các trường học trên toàn bang sẽ đóng cửa ít nhất là đến ngày 15/4. Thống đốc Coumo cũng thông báo lùi thời điểm cuộc bầu cử sơ bộ từ ngày 28/4 sang ngày 23/6. Ông Cuomo cũng cho biết đã yêu cầu các hãng dược bắt đầu chuyển thuốc men miễn phí tới các hộ gia đình.
Điểm nóng thứ hai của Mỹ về dịch COVID-19 là bang New Jersey đã ghi nhận 11.124 ca mắc COVID-19, trong đó 140 ca tử vong. Bang California ở bờ Tây nước Mỹ cũng đã ghi nhận 4.950 ca nhiễm bệnh, trong đó có 104 ca tử vong.
Ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông đang cân nhắc biện pháp cách ly bắt buộc đối với các bang New York, New Jersey và Connecticut nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Ngoài ra, Tổng thống Trump đã thông qua tuyên bố về tình trạng thảm họa đối với bang Michigan sau khi thảo luận với Thống đốc bang này Gretchen Whitmer. Như vậy, Michigan là bang tiếp theo trong danh sách các bang và vùng lãnh thổ ông Trump tuyên bố về tình trạng thảm họa trong tuần này gồm các bang Massachusetts, Missouri, Maryland, Illinois, New Jersey, North Carolina, Texas, Florida và các vùng lãnh thổ Guam, Puerto Rico.
Số người chết ở Italy vượt ngưỡng 10.000
Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 cao nhất thế giới, vượt ngưỡng 10.000 người.
Tính tới 6h sáng 29/3, số ca tử vong vì nhiễm virus ở Italy là 10.032 sau khi tăng thêm 889 ca ngày trước đó. Số ca nhiễm virus ở Italy là 92.472.
Theo hãng thông tấn ANSA của Italy, từ ngày 28/3, Italy áp dụng quy định mới đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào nước này. Theo đó, những người nhập cảnh bằng đường không, đường sắt, đường biển, đường bộ đều phải cung cấp cho người điều hành phương tiện các thông tin về lý do di chuyển, địa chỉ nơi ở đồng thời cũng là nơi người nhập cảnh sẽ phải cách ly bắt buộc đủ 14 ngày, số điện thoại cá nhân để nhận các thông tin trong thời gian cách ly.
Người nhập cảnh vào Italy, kể cả những người không có các triệu chứng nhiễm bệnh, đều phải có trách nhiệm liên hệ ngay với cơ quan chức năng địa phương và chịu sự giám sát tình trạng sức khỏe của cơ quan y tế. Hành khách khi lên các phương tiện phải được đo thân nhiệt, trang bị khẩu trang và đảm bảo khoảng cách an toàn ít nhất 1m.
Tây Ban Nha tăng mạnh số ca tử vong
Trong khi đó, tình hình dịch COVID-19 tại Tây Ban Nha cũng nghiêm trọng không kém Italy. Tính tới 6h sáng 29/3, nước này có thêm 688 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 lên 5.826. Số ca nhiễm virus tăng thêm 6.750, nâng tổng số ca nhiễm lên 72.469, xếp sau Mỹ và Tây Ban Nha nếu không kể Trung Quốc.
Hiện Tây Ban Nha là quốc gia có số trường hợp tử vong do mắc COVID-19 cao thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Italy.
Số ca nhiễm virus ở Tây Ban Nha gia tăng sau khi nước này tăng đáng kể số lượng người được xét nghiệm. Thủ đô Madrid tiếp tục là nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, dẫn tới tình trạng quá tải tại các bệnh viện.
Các số liệu trên được đưa ra vào thời điểm đánh dấu tròn 2 tuần kể từ khi Tây Ban Nha áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc chưa từng có nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 11/4 tới.
Nội các Anh thêm nhiều thành viên mắc COVID-19
Sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock thông báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, Cố vấn y tế trưởng của Chính phủ Anh - Giáo sư Chris Whitty - ngày 28/3 cũng cho biết ông đã xuất hiện những triệu chứng nhẹ của bệnh COVID-19 và đang tự cách ly.
Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh phụ trách vùng Scotland - ông Alister Jack - cùng ngày cũng quyết định tương tự sau khi có triệu chứng nhiễm virus SARS-CoV-2. Thủ tướng Johnson khẳng định ông sẽ tiếp tục chỉ đạo công tác phòng chống dịch COVID-19 của chính phủ thông qua hình thức trực tuyến trong thời gian thực hiện cách ly tại nhà số 10 phố Downing.
Tính tới 6h ngày 29/3, tổng số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Anh đã lên đến 1.019 người trong tổng số 17.089 ca được xác định dương tính với virus gây bệnh. Khoảng 6.200 bệnh nhân đang được điều trị trong các bệnh viện tại Vương quốc Anh.
Nga đóng cửa biên giới
Nước Nga lần đầu tiên ghi nhận có trên 200 ca nhiễm trong một ngày. Tính đến 6h sáng 29/3, Nga đã ghi nhận thêm 228 trường hợp mới nhiễm SARS-CoV-2 tại 26 tỉnh thành, nâng tổng số ca nhiễm lên thành 1.264. Trong số 228 ca nhiễm mới, có tới 114 ca ở thủ đô Moskva.
Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Chính phủ Nga đã quyết định đóng cửa đường biên giới kể từ ngày 30/3; tất cả các địa điểm nghỉ dưỡng công cộng của nước này sẽ đình chỉ hoạt động cho đến ngày 1/6; tất cả các quán cà phê và nhà hàng trên cả nước cũng phải đóng cửa trong một tuần, từ ngày 28/3 đến ngày 5/4.
Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cũng yêu cầu chính quyền các tỉnh, thành khuyến nghị người dân hạn chế đi lại, kể cả đi du lịch và nghỉ dưỡng.
Số ca tử vong ở Iran tăng mạnh
Một quan chức Bộ Y tế Iran ngày 28/3 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 139 ca tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 ở quốc gia Trung Đông này lên 2.517 người. Quan chức trên cũng cho hay tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở Iran hiện tăng lên thành 35.408 người.
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/3 cho biết cơ sở hạ tầng y tế của Iran tốt và sẵn sàng đối phó với nguy cơ bùng phát các ca nhiễm virus. Iran là một trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất do đại dịch COVID-19.
ASEAN có trên 7.000 người mắc bệnh, 206 người chết
Số người nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tiếp tục tăng trong ngày 28/3, đặc biệt là ở Malaysia và Indonesia. Tính tới 6h sáng 28/3, toàn khu vực ASEAN đã có 7.005 người mắc dịch COVID-19. Trong đó, Malaysia có số ca nhiễm virus nhiều nhất, còn Indonesia có số ca tử vong cao nhất vì COVID-19.
Theo Chính phủ Indonesia, tính đến hết ngày 28/3, số trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ở nước này đã vượt ngưỡng 100 người. Phát biểu trong một cuộc họp báo, người phát ngôn của Chính phủ Indonesia - ông Achmad Yurianto - cho biết đã có thêm 15 ca tử vong, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 tại nước này lên 102 người, cao nhất ASEAN. Ông Achmad Yurianto cũng xác nhận thêm 109 trường hợp nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại Indonesia lên con số 1.155.
Malaysia trong vòng 24 giờ qua (tính đến hết ngày 28/3) cũng ghi nhận thêm 159 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.320 người, cao nhất ASEAN. Khu vực có số người mắc COVID-19 nhiều nhất ở Malaysia là thủ đô Kuala Lumpur, tiếp đó là bang Selangor kế bên và bang Johor ở miền Nam Malaysia giáp Singapore.
Ngày 28/3, giới chức Y tế Thái Lan thông báo thêm 109 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và một ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm và ca tử vong tại quốc gia này lên lần lượt là 1.245 ca và 6 ca. Các tỉnh Narathiwat và Pattani, miền Nam Thái Lan đang bị phong tỏa trong khi nhiều tỉnh khác đã yêu cầu hạn chế giờ mở hoạt động của các cửa hàng tiện ích 24h.
Bộ Y tế Philippines ngày 28/3 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 14 trường hợp tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 và thêm 272 ca mắc bệnh. Đây là ngày có số ca lây nhiễm và tử vong cao nhất vì COVID-19 tại quốc gia này. Theo bộ trên, số liệu cập nhật mới nhất nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại Philippines lên 1.075 người và số ca tử vong lên 68 người.
Ca nhiễm và tử vong gia tăng ở các nước khác
Khu vực Mỹ Latinh cũng ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-COV-2 vượt ngưỡng 10.000. Kể từ khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện tại khu vực này hôm 26/2 tại Brazil, tới nay trên toàn khu vực đã có tổng cộng gần 10.500 ca nhiễm và 182 ca tử vong. Brazil, tâm dịch của Mỹ Latinh, ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm và 77 ca tử vong, tiếp đến là Chile với trên 1.600 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Ecuador ghi nhận trên 1.400 ca nhiễm và 34 ca tử vong.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Quản lý và phòng chống dịch bệnh (KCDC) ngày 28/3 thông báo tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này là 9.478 ca, trong khi số ca tử vong là 144 ca. Theo KCDC, số ca mắc COVID-19 tăng lên sau khi cơ quan y tế nước này phát hiện thêm một ổ dịch mới tại bệnh viện Jamie ở thành phố Daegu và nhiều ca mắc bệnh từ nước ngoài về.
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ tạm ngừng tất cả các dịch vụ đường sắt liên thành phố và hạn chế các chuyến bay nội địa từ ngày 28/3 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Chỉ trong vòng 2 tuần qua, số ca mắc COVID-19 ở Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt nhiều nước trên thế giới, trong đó riêng trong 24 giờ qua có thêm 2.069 ca theo số liệu của Bộ Y tế nước này, theo đó tổng số ca nhiễm hiện là 5.698 người, với 92 ca tử vong.
Ngoài ra, hiện 39/47 quốc gia châu Phi là thành viên của Tổ chức Y tế thế giới đang bị COVID-19 tấn công, trong khi một tháng trước đó chỉ có một quốc gia bị ảnh hưởng. Dịch bệnh diễn biến theo hướng nghiêm trọng khi trong những ngày gần đây, châu Phi ghi nhận 300 trường hợp nhiễm mới mỗi ngày. Theo thống kê của hãng tin AFP, tổng số ca mắc COVID-19 trên khắp châu Phi trong tuần qua đã lên tới gần 3.500 người và 94 trường hợp tử vong.
TheoBaotintuc.vn