Theo số liệu thống kê của trang Worldometers, tính đến 9 giờ sáng 13-6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu là 7.732.485 ca, trong đó có 428.236 người tử vong. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 12-6 nhận định, châu Mỹ vẫn đang là điểm nóng nhất trên bản đồ Covid-19 thế giới hiện nay với khu vực Bắc và Nam Mỹ hiện có bốn trong số 10 quốc gia chịu thiệt hại nặng nhất thế giới.



Người dân Tây Ban Nha đeo khẩu trang khi ra đường để ngăn chặn Covid-19 lây lan trở lại.

Châu Mỹ

Brazil đã vượt qua Anh về số ca tử vong do Covid-19, đứng thứ hai thế giới về số ca tử vong với 41.828 ca sau khi có thêm 909 ca tử vong trong 24 giờ. Nước này tiếp tục là điểm nóng thứ hai sau Mỹ về tình hình Covid-19. Theo báo cáo của Bộ Y tế Brazil, trong vòng 24 giờ số ca Covid-19 tại nước này có thêm 25.982 ca, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên 828.810 ca, đứng thứ hai thế giới sau Mỹ.

Tại cuộc họp báo của WHO, chuyên gia hàng đầu của WHO Mike Ryan nhận định tình hình hiện nay ở Brazil ngày càng trở nên đáng quan ngại ở khu vực các thành phố. Theo ông Ryan, hệ thống y tế Brazil "vẫn đang ứng phó" được dịch, dù một số khoa điều trị tích cực đang chịu áp lực lớn với hơn 90% số giường đều có bệnh nhân. Bất chấp số ca mắc và tử vong do Covid-19 gia tăng nhanh chóng, nhiều thành phố lớn, tâm dịch của nước này, đã dần mở cửa trở lại trong những ngày qua, làm dấy lên lo ngại số ca mắc thực tế gia tăng đột biến.

Mỹvẫn là tâm dịch của thế giới khi số ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua ở mức hơn 27 nghìn ca, nâng tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn quốc lên 2.116.922 ca, trong đó có 116.825 ca tử vong.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới tăng nhanh, Thống đốc các tiểu bang Oregon và Utah của Mỹ quyết định tạm dừng mở cửa trở lại dù cả hai bang đang trong quá trình mở lại nền kinh tế theo từng giai đoạn nhưng sẽ không đẩy nhanh các giai đoạn này do sự gia tăng các ca nhiễm mới.

Cùng ngày, Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Donald Trump - ông Larry Kudlow đã bác bỏ sự xuất hiện của đợt bùng phát dịch thứ hai sau khi trao đổi với các chuyên gia y tế. Những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm mới đã khiến thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh nhất trong vòng ba tháng trong phiên giao dịch ngày 11-6, trước khi hồi phục trong ngày 12-6.

Tình hình dịch Covid-19 tạiMexicocũng nằm trong mối quan ngại của WHO về diễn biến dịch trên thế giới. Theo báo cáo của Bộ Y tế nước này, số ca tử vong do Covid-19 đã lên đến 16.448 trường hợp, tăng 504 ca trong vòng 24 giờ qua, trong khi số ca mắc là 139.196 người và 56.928 trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh. Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh, Mexico vẫn trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong có thể lên đến 35.000 người. Hôm 31-5, chính phủ Mexico đã dỡ bỏ giãn cách xã hội sau hai tháng triển khai và từ ngày 1-6 đã từng bước mở cửa lại nền kinh tế.

Châu Âu

Trong khi đó, hầu hết các nước Liên hiệp châu Âu (EU) đã qua đỉnh dịch. Theo báo cáo mới nhất của EU, trong số các nước thành viên của khối chỉ còn Ba Lan và Thụy Điển chưa qua đỉnh dịch. Báo cáo của Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết nhờ các biện pháp hạn chế, các nước EU đã giảm được 80% số ca mắc Covid-19 so với thời điểm dịch lên đến đỉnh điểm. Tuy nhiên, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ mắc Covid-19 ở Ba Lan và Thụy Điển hiện vẫn ở mức cao nhất. Tại các nước EU, tỷ lệ nhiễm mới trong thời gian 14 ngày hiện là dưới 20 trường hợp trên 100.000 dân, trong khi Thụy Điển có tỷ lệ lên tới trên 100 trường hợp trên 100.000 dân.

Từ ngày 16-6 tớiĐứcsẽ dỡ bỏ kiểm soát biên giới với các nước láng giềng. Theo đó, người dân Đức sẽ lại có thể tự do đến các nước thành viên EU cũng như một số nước như Anh, Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ. Theo Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, tự do đi lại đang dần được khôi phục trong EU. Số ca mắc Covid-19 tại Đức hiện ở mức 187.251 ca sau khi có thêm 456 ca mắc mới, và 8.863 ca tử vong khi trong 24 giờ chỉ ghi nhận 12 ca tử vong mới.

Italy, từng là điểm nóng Covid-19 của châu Âu, đang tiếp tục ghi nhận diễn biến tích cực. Theo báo cáo mới nhất của Cơ quan Bảo vệ Dân sự, ngày 12-6 nước này có tổng cộng 236.305 ca mắc Covid-19 sau khi số ca mắc Covid-19 đang điều trị đã giảm xuống dưới mức 30.000 ca lần đầu tiên kể từ ngày 18-3. Cụ thể, trong ngày 12-6, số bệnh nhân Covid-19 đang điều trị là 28.997 ca, giảm 1.640 ca so với một ngày trước đó. Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 227 bệnh nhân điều trị tích cực, giảm chín bệnh nhân so với một ngày trước. Tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi bệnh đã tăng lên 173.085 ca sau khi có thêm 1.747 ca xuất viện.

Châu Á

Tình hình dịch tạiTrung Quốcđang có dấu hiệu gây quan ngại về làn sóng thứ hai sau khi Ủy ban Y tế quốc gia nước này sáng 13-6 thông báo, trong vòng 24 giờ qua Trung Quốc đã có thêm sáu ca mắc Covid-19 trong cộng đồng trong tổng số 11 ca mắc mới trong ngày. Tất cả sáu ca mắc trong cộng đồng đều được ghi nhận tại Bắc Kinh. Hiện số ca mắc Covid-19 toàn Trung Quố đại lục là 80.075 ca.

Trong ngày 12-6 Trung Quốc không có ca tử vong mới do Covid-19, duy trì ở mức 4.634 ca tử vong. Đến hết ngày 12-6, Trung Quốc có 78.367 được điều trị khỏi bệnh và xuất viện

Tại Trung Đông,Irantrong 24 giờ qua ghi nhận thêm 2.369 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 182.525 người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 75 ca lên tổng số 8.659 ca.

A-rập Xê-útghi nhận 3.921 ca nhiễm mới trong ngày 12-6, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 lên 119.942 người.

Theo số liệu tổng hợp dựa trên thông tin từ Bộ Y tế các nước và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), toàn khu vực Trung Đông có 11.208 ca tử vong trong số 524.433 ca bệnh.

Châu Phi

Diễn biến dịch Covid-19 tiếp tục phức tạp khi trong ngày khu vực này có thêm 8.255 ca mắc mới và 211 ca tử vong, với số ca mắc Covid-19 và tử vong toàn châu lục lần lượt là 227.609 ca và 6.808 ca.

Các chuyên gia y tế quan ngại đại dịch đang lây lan nhanh ởNigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân, khi trong nhiều ngày qua, số ca mắc mới luôn ở trên mức 600 ca. Cụ thể trong ngày 12-6 nước này có thêm 627 ca, nâng tổng số ca Covid-19 trên toàn quốc lên 15.181 ca. Trước đó, ngày 11-6 nước này có 681 ca mắc mới.

Trong khi đó,Nam Phitừng ghi nhận tỷ lệ tử vong thấp, nhưng nay đang chứng kiến tỷ lệ tử vong ngày càng tăng, với tổng cộng 1.354 trường hợp tử vong tính từ khi đại dịch bùng phát trong tổng số 61.927 ca mắc Covid-19. Trong 24 giờ, nước này tiếp tục ghi nhận thêm 3.359 ca Covid-19.

Với 1.442 ca tử vong,Ai Cậphiện là quốc gia có nhiều người thiệt mạng nhất do đại dịch Covid-19 tại châu Phi. Nước này đứng thứ hai châu Phi về số ca mắc Covid-19 với 41.303 ca sau khi ghi nhận 1.577 ca mắc mới trong ngày.


Theo Nhandan

Các tin khác


Bấp bênh giá dầu

Có hiệu lực từ hôm 1-5, song thỏa thuận giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới về cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày chưa thể ngay lập tức giúp thị trường "vàng đen” ổn định trở lại. Triển vọng thiếu lạc quan của kinh tế thế giới và nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 là những yếu tố khiến giá dầu luôn bấp bênh.

Tổng thống Belarus giải tán chính phủ

Ngày 3-6, kênh truyền hình Belarust trong bản tin của mình cho biết, Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko đã quyết định giải tán toàn bộ chính phủ nước này. Ông Lukashenko đã ký sắc lệnh thi hành quyết định.

Ấn Độ sơ tán 100.000 người, chuẩn bị ứng phó bão Nisarga

Nhà chức trách Ấn Độ đang khẩn trương sơ tán ít nhất 100.000 người đến các khu vực an toàn để phòng tránh bão cơn bão lốc Nisarga theo dự báo sẽ đổ bộ vùng bờ biển phía Tây nước này vào chiều hoặc tối 3/6.

Diễn biến COVID-19 tới 6 giờ sáng 3/6: Thế giới gần 6,5 triệu người mắc bệnh; nhiều nước mở cửa trở lại

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 107.654 trường hợp mắc COVID-19 và 4.449 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng gần 6,5 triệu người. Trừ Mỹ và Brazil, đại dịch tiếp tục xu thế hạ nhiệt trên thế giới; nhiều nước từng bước nới lỏng các biện pháp phòng dịch và khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội.

Mỹ siết chặt an ninh ngăn chặn làn sóng biểu tình

Ngày 31-5, lực lượng Vệ binh Quốc gia đã được tăng cường tại nhiều thành phố lớn tại Mỹ nhằm bảo đảm an ninh trật tự sau khi làn sóng biểu tình lan rộng trên khắp nước Mỹ đã kéo dài sau đêm thứ năm liên tiếp nhằm phản đối vụ cảnh sát da trắng gây ra cái chết của một người đàn ông da màu ở Minneapolis hồi tuần trước.

Biểu tình lan rộng ít nhất 30 thành phố ở Mỹ, nhiều nơi áp lệnh giới nghiêm và tình trạng khẩn cấp

Các cuộc biểu tình đã lan rộng ra ít nhất 30 thành phố tại Mỹ sau vụ việc một viên cảnh sát địa phương gây ra cái chết của người đàn ông da màu George Floyd 46 tuổi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục