Theo hãng tin CNBC, phần lớn các chính sách này tập trung vào giảm thuế. Chẳng hạn, một hãng đã hoạt động từ 15 năm trở lên và sản xuất loại chip 28 nanomet hoặc các loại chip hiện đại hơn sẽ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp tối đa 10 năm.
Với các nhà sản xuất chip, thời gian được ưu đãi bắt đầu từ năm đầu tiên có lãi.
Giới chuyên gia nhận định các chính sách mới không có tác động lớn đến ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã |
Nhưng không chỉ khối sản xuất thực tế của ngành này được giảm thuế. Các công ty hoạt động về thiết kế chip và phần mềm, những lĩnh vực mà Mỹ và châu Âu nắm giữ thế mạnh lâu nay, cũng được hưởng ưu đãi.
Loạt chính sách mới của Bắc Kinh còn tập trung vào tài trợ và khuyến khích các hãng niêm yết trên các sàn giao dịch công nghệ của Trung Quốc, chẳng hạn sàn STAR Market.
Theo kế hoạch công nghiệp "Sản xuất ở Trung Quốc năm 2025", Bắc Kinh tham vọng sản xuất được 40% các chất bán dẫn mà nước này sử dụng trong năm 2020, và 70% vào năm 2025. Chưa rõ con số đã đạt được hiện tại là bao nhiêu, nhưng đó là một trọng tâm mà Chính phủ Trung Quốc đã thúc đẩy trong 18 tháng qua khi căng thẳng với Mỹ trở nên gay gắt.
"Tôi nghĩ, cuộc chiến công nghệ mới chính xác là lý do tại sao Trung Quốc điều chỉnh đường cong công nghệ và rốt ráo phát triển công nghệ trong nước trước nguy cơ bị cắt đứt bởi các chính sách quyết liệt của Mỹ", CNBC dẫn ý kiến của Neil Campling, Giám đốc nghiên cứu công nghệ, truyền thông và viễn thông của Mirabaud Securities.
Theo CNBC, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của các chính sách mới nói trên. Dan Wang, một chuyên gia công nghệ tại hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, trao đổi với CNBC: "Thông báo của Quốc vụ viện Trung Quốc tập trung chủ yếu vào giảm thuế, nhưng điều này khó có thể đẩy mạnh sự phát triển chất bán dẫn của Trung Quốc. Tuy vậy, nó cho thấy chính phủ trung ương có sự hỗ trợ chính trị mạnh mẽ cho ngành này".
Chủ trương kích thích ngành công nghiệp chip ở Trung Quốc không phải là điều mới mẻ. Năm 2014, Bắc Kinh thành lập một quỹ quốc gia trị giá nhiều tỷ đôla để đầu tư vào các nhà sản xuất chip, và năm ngoái cũng tạo thêm một quỹ khác. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và nhiều nước khác.
"Bắc Kinh đã rót tiền vào nhiều bộ phận của ngành công nghiệp bán dẫn kể từ khi thành lập Quỹ Đầu tư IC (mạch tích hợp) quốc gia năm 2014, nhưng đến nay đạt rất ít thành công. Đó là bởi ngành này toàn cầu hóa cao độ, cạnh tranh khốc liệt và chủ yếu do thị trường định hướng. Để cạnh tranh, các công ty không chỉ cần tiền mặt", Paul Triolo, một thành viên của Nhóm Á-Âu, bình luận.
"Chủ trương ưu đãi nêu ra trong các chính sách mới sẽ giúp ích ở một số lĩnh vực, nhưng về ngắn hạn chỉ tác động rất nhỏ đến năng lực của các công ty bán dẫn Trung Quốc trong việc tăng cường chuỗi giá trị và nâng cao tính cạnh tranh trên toàn cầu", ông Triolo nói thêm.