Cơ quan Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã thông báo cho các sở y tế và văn phòng thống đốc các bang trên khắp cả nước về số lượng liều vaccine ngừa COVID-19 họ sẽ nhận được một khi vaccine được phê duyệt.
Hình ảnh mô phỏng vaccine ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp bào chế. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, mặc dù vaccine của Pfizer và vaccine của Moderna dự kiến được cấp quyền sử dụng khẩn cấp vào cuối tháng này song giới chức các bang nhận ra rằng không có đủ vaccine để tiêm chủng cho những người được chỉ định là ưu tiên hàng đầu.
Đầu tuần trước, Ủy ban Cố vấn về Thực hành Tiêm chủng của CDC đã khuyến nghị nhóm người Mỹ đầu tiên được tiêm chủng nên là nhân viên y tế trên tuyến đầu và người cao tuổi tại các cơ sở chăm sóc dài hạn như viện dưỡng lão. Tổng cộng nhóm đối tượng được ưu tiên có khoảng 24 triệu người.
Trong khi đó, giới chức liên bang ước tính có khoảng 40 triệu liều vaccine sẽ có sẵn vào cuối tháng 12 nêu như vaccine của cả Moderna và Pfizer nhận được cấp phép từ cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA). Với số lượng như vậy, chỉ có 20 triệu người sẽ được tiêm vaccine đầu tiên, vì để đạt được hiệu quả phòng ngừa dịch bệnh, mỗi người cần tiêm 2 liều.
Ngay cả con số này cũng chưa hoàn toàn đầy đủ, vì Pfizer dự kiến chỉ có 6,4 triệu liều vaccine sẵn sàng vào giữa tháng 12.
Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm vaccine ngừa COVID-19 của Moderna trên tình nguyện viên tại Detroit, Michigan, Mỹ, ngày 5/8/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo một bảng phân tích của CNN về dữ liệu vaccine tại 27 bang, không có bang nào đủ số lượng vaccine trong đợt nhận đầu tiên này cho nhóm ưu tiên. Các bang hiện phải tự quyết định về cách thức phân phối vaccine và xem ai trong các nhóm ưu tiên được tiêm chủng trước.
California phải tiêm cho 2,4 triệu nhân viên y tế trước tiên. Tuy nhiên, đầu tuần trước, Thống đốc Gavin Newsom cho biết tiểu bang chỉ nhận được 327.000 liều vaccine của Pfizer trong đợt hàng đầu tiên.
Vì số lượng vaccine chỉ đủ cho một phần nhỏ số nhân viên y tế cần tiêm chủng, Thống đốc Newsom ngày 3/12 tuyên bố bang sẽ cắt giảm thêm nữa danh sách nhóm nhân viên y tế ưu tiên để quyết định xem ai là người được chủng ngừa trước. "Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng các nhân viên y tế và chăm sóc điều dưỡng có tay nghề cao và cần được ưu tiên. Song con số lên đến hàng triệu triệu người, trong khi chỉ có vài trăm nghìn liều vaccine. Chúng tôi sẽ phải cắt giảm một nửa so với tổng số người thực sự cần được tiêm chủng và xem xét một số mức độ ưu tiên”.
Tại bang Alabama, thay vì cam kết lúc đầu nhận 112.000 liều vaccine của Pfizer, các cơ sở y tế của bang này sẽ chỉ nhận được 40.950 liều vaccine trong đợt hàng đầu tiên. Theo quan chức Sở Y tế Cộng đồng Alabama Karen Landers, bang này liệt kê danh sách 300.000 nhân viên chăm sóc y tế và 22.000 người cao tuổi trong các viện dưỡng lão là nhóm ưu tiên được tiêm vaccine đầu tiên.
Trong khi đó, bang Montana chỉ nhận được khoảng 9.750 liều vaccine Pfizer từ lô hàng đầu tiên mặc dù có hơn 40.000 nhân viên y tế cần tiêm chủng. "Chúng tôi có thể sẽ nhận được vài nghìn liều tiếp theo trong những tuần tới", Thống đốc Steve Bullock cho biết trong một cuộc họp báo vào đầu tuần trước.
Thống đốc New York Andrew Cuomo cho biết bang của ông sẽ nhận được 170.000 liều vaccine Pfizer vào ngày 15/12. Các nhóm ưu tiên của bang bao gồm 85.000 bệnh nhân trong viện dưỡng lão và 130.000 nhân viên cơ sở y tế.
Theo Báo Tin tức
Roi-tơ và TTXVN ngày 25-11 đưa tin, tại hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho Áp-ga-ni-xtan, diễn ra tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), các nước cam kết viện trợ cho Áp-ga-ni-xtan khoảng 12 tỷ USD trong bốn năm tới, song siết chặt các điều kiện viện trợ. Cụ thể, Liên hiệp châu Âu (EU) cho biết sẽ cung cấp khoảng 1,43 tỷ USD cho Áp-ga-ni-xtan trong vòng bốn năm. Các nước Anh, Pháp, Ðức, Mỹ… cũng đưa ra các cam kết hỗ trợ cho Áp-ga-ni-xtan. Tuy nhiên, ban tổ chức hội nghị cho biết, các nhà tài trợ cũng đặt ra những điều kiện nghiêm ngặt về bảo vệ nhân quyền, kiềm chế nạn tham nhũng và thúc đẩy đàm phán hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan.
Ngày 24-11, Giám đốc Viện Vaccine Quốc gia Thái Lan Nakhon Prensri cho biết, Thái Lan sẽ nhận chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 từ liên minh AstraZeneca - Đại học Oxford và đưa vào sản xuất hàng loạt trong năm 2021.
Theo tin nước ngoài và TTXVN, châu Âu đang là tâm dịch của thế giới với hơn 16,2 triệu người mắc Covid-19, trong đó có hơn 369 nghìn người chết. Trong 24 giờ qua, Nga, Đức và Bun-ga-ri tiếp tục ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới. Tại Nga, tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 2,1 triệu ca, là nước có số ca nhiễm cao thứ hai tại châu Âu, sau Pháp.
Theo thống kê của Worldometers, Mỹ đã vượt mốc 12 triệu ca mắc Covid-19, trong đó 258.282 người đã tử vong. Trong ngày qua, Mỹ đứng đầu thế giới về số ca mắc mới và tử vong, với hơn 187 nghìn ca mắc mới và 2.000 ca tử vong.
Ngày 17-11, Cục Vũ trụ quốc gia Trung Quốc cho biết, tên lửa Trường Chinh 5-Y5 và tàu thăm dò Hằng Nga 5 sau khi hoàn thành khâu lắp đặt và đo lường, đã được đưa vào bãi để chuẩn bị phóng trong tháng 11.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 17/11 đã họp về tình hình Liban và việc thực hiện Nghị quyết 1701 (2006) của HĐBA.