Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, một số tờ báo của Ai Cập ngày 5/4 đã có các bài viết về việc Việt Nam có các nhà lãnh đạo mới với nhận định dưới sự điều hành và dẫn dắt của các nhà lãnh đạo mới sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập.

Chú thích ảnhMột số tờ báo của Ai Cập đã có các bài viết về việc Việt Nam có các nhà lãnh đạo mới với nhận định chung cho rằng quốc gia Đông Nam Á này dưới sự điều hành và dẫn dắt của các nhà lãnh đạo mới sẽ góp phần củng cố quan hệ giữa Việt Nam và Ai Cập. Ảnh: Anh Tuấn/ Pv TTXVN tại Ai Cập

Báo điện tử Eldyar cùng ngày có bài viết với tựa đề "Việt Nam bầu các nhà lãnh đạo mới cho đất nước... và triển vọng về việc nâng trao đổi thương mại với Ai Cập lên 1 tỷ USD”. Bài viết đã đề cập đến việc Quốc hội Việt Nam cùng ngày đã bầu nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Chủ tịch nước và bầu Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Phạm Minh Chính làm Thủ tướng Chính phủ. Đồng tác giả bài viết, các nhà báo Sayed Badry và Mohamed Al-Saeed cho rằng Chính phủ Việt Nam, trong nhiệm kỳ 2016 – 2020, đã đạt được những thành tựu to lớn, đặc biệt năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thành công các mục tiêu kép, vừa đảm bảo chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Theo các tác giả bài viết, quan hệ song phương Ai Cập-Việt Nam sẽ có nhiều triển vọng tiếp tục được tăng cường sau khi Việt Nam bầu chọn các nhà lãnh đạo mới. Quan hệ giữa Ai Cập và Việt Nam đã có bước phát triển thực chất và hiệu quả trong giai đoạn 2016 - 2020. Các chuyến thăm song phương cấp cao của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi tới Việt Nam năm 2017 và chuyến thăm của cố Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tới Ai Cập năm 2018 đã góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Năm 2020, bất chấp tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kim ngạch trao đổi thương mại song phương vẫn duy trì ổn định ở mức khoảng 500 triệu USD và hai nước đặt mục tiêu sớm nâng kim ngách trao đổi thương mại lên mức 1 tỷ USD. Đặc biệt, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính là người yêu mến Ai Cập và quan tâm đến việc củng cố quan hệ song phương Ai Cập - Việt Nam. Ông đã từng có chuyến thăm 5 ngày tới Ai Cập vào tháng 12/2019, gặp Chủ tịch Quốc hội Ai Cập Ali Abdel-Al để trao đổi cách thức thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực.

Chú thích ảnhThủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Cùng ngày, báo điện tử Events Magazine News có bài viết với tiêu đề "Nhiều kỳ vọng tốt đẹp đối với chính phủ mới của Việt Nam”, trong đó đánh giá tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và tân Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được Quốc hội Việt Nam bầu với tỷ lệ tán thành cao.

Theo nhà báo Ahmeh Hassan, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã để lại dấu ấn lớn trên cương vị Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016-2020, trong đó Chính phủ Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đặc biệt biệt trong năm 2020 được coi là năm đặc biệt thành công của Việt Nam, thể hiện tinh thần vươn trên trong khó khăn thử thách.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các mục tiêu kép, vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi nhanh chóng và phát triển kinh tế-xã hội, được nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Năm 2020, Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%, là nước duy nhất có tăng trưởng dương trong 6 nền kinh tế lớn tại Đông Nam Á. Quy mô Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt trên 340 tỷ USD, lớn thứ 4 trong ASEAN, đứng thứ 37 thế giới. Dự trữ ngoại hối đạt kỷ lục gần 100 tỷ USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 152,7 tỷ USD, tăng 24,1%. Xuất siêu trên 2 tỷ USD. Môi trường kinh doanh trong nước được cải thiện, năng lực cạnh tranh quốc gia được nâng cao. Bộ máy Chính phủ thực hiện tốt vai trò Chính phủ kiến tạo, nỗ lực xóa bỏ nhiều thủ tục hành chính rườm rà, tạo ra môi trường kinh doanh, đầu tư thuận lợi để tập trung, chuyển hóa nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế vào phát triển kinh tế - xã hội.

Trước khi được Quốc hội Việt Nam bầu giữ chức Thủ tướng Chính phủ, ông Phạm Minh Chính từng kinh qua nhiều chức vụ quan trọng... Ở các vị trí đã đảm nhiệm, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn thể hiện là người dám nghĩ, dám làm, đổi mới, quyết liệt hành động và để lại nhiều dấu ấn lãnh đạo tích cực. Nhà báo Hassan dẫn nhận định của các chuyên gia quốc tế về Việt Nam cho rằng tân Thủ tướng Phạm Minh Chính có những thế mạnh quan trọng để trở một thủ tướng xuất sắc, sẽ lãnh đạo Chính phủ Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành những mục tiêu chiến lược trong giai đoạn 5 năm tới. Ông Phạm Minh Chính là một người có tầm nhìn, tâm huyết, năng động và quyết đoán. Trong trao đổi và tiếp xúc nhiều với các cán bộ và nhân dân từ trung ương tới địa phương, tân Thủ tướng Việt Nam nhận được nhiều đánh giá, nhận xét tích cực. Tiếp đó, Chính phủ mới ở Việt Nam được thừa hưởng một di sản quý báu mà Chính phủ tiền nhiệm để lại, không chỉ về tầm nhìn chiến lược, nề nếp điều hành mà cả ở uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Ngoài ra, đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sát cánh trong nỗ lực thực hiện những cải cách đột phá, xây dựng nền tảng để tạo nên những bước tiến thần kỳ cho công cuộc phát triển đất nước trong các thập kỷ tới.


Theo TTXVN

Các tin khác


Cơ hội khẳng định vị thế Việt Nam trên cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ

Trong lần thứ hai đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐBA LHQ, Việt Nam được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hơn nữa vai trò của mình và có cơ hội đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng quốc tế.

Xả súng tại Mỹ, bốn người thiệt mạng

Ngày 1-4 (giờ Việt Nam), cảnh sát Mỹ cho biết đã có bốn người thiệt mạng và hai người bị thương trong vụ xả súng xảy ra tại hạt Orange, bang California.

Kinh tế thế giới: Những tín hiệu khởi sắc

Trong quý I/2021, kinh tế thế giới và trong nước có dấu hiệu khởi sắc trước kỳ vọng về hiệu quả của việc tăng cường triển khai các hoạt động về vaccine cũng như các chính sách hỗ trợ kinh tế của các quốc gia.

Việt Nam và HĐBA: Lên án vụ tấn công khủng bố nhằm vào nhà thờ Công giáo tại Indonesia

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 30/3 đã thông qua Tuyên bố báo chí lên án vụ tấn công khủng bố ngày 28/3 vừa qua nhằm vào nhà thờ Công giáo ở thành phố Makassar của Indonesia làm nhiều người bị thương.

Hơn 500 người chết trong biểu tình Myanmar

Ít nhất 510 dân thường đã chết trong biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar gần hai tháng qua, trong khi hàng nghìn người vẫn tiếp tục xuống đường.

LHQ đề xuất Mỹ giữ vai trò dẫn đầu trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

Ngày 29/3, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres đã đề xuất Mỹ giữ vai trò dẫn đầu trong ứng phó với các thách thức toàn cầu như đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục