Đại tá Mạc Đức Trọng, Trưởng nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình Việt Nam và bà Matsuzawa Tomoko, Trưởng nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình Nhật Bản, đồng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam; đại diện Ban Thư ký ASEAN, Nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình các nước ADMM+, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN WOMEN); Tùy viên Quốc phòng các nước ADMM+ tại Việt Nam.
Hội nghị là hoạt động đầu tiên của Nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4, góp phần thể hiện vai trò tích cực, chủ động của Việt Nam khi đảm nhiệm vai trò kép là Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và vai trò đồng chủ trì Nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4, giai đoạn 2021 - 2023 với Nhật Bản; tiếp tục khẳng định vai trò, uy tín, vị thế, đóng góp của Việt Nam trong các cơ chế hợp tác đa phương về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong khu vực. Đây cũng là cơ hội tăng cường trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm giữa các quốc gia thành viên và Liên hợp quốc nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động về gìn giữ hòa bình.
Bày tỏ vinh dự được đồng chủ trì Hội nghị lần này, Đại tá Mạc Đức Trọng nhấn mạnh: ADMM+ là cơ chế hợp tác hiệu quả trên cơ sở hợp tác quốc phòng giữa các nước thành viên. Trải qua hơn một thập kỷ hoạt động và phát triển, ADMM+ đã đóng góp rất nhiều vào việc tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Theo đó, ADMM+ hiện tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác thiết thực, trong đó hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đang nổi lên như một trong những trọng tâm chính. Đại tá Mạc Đức Trọng cho rằng, tuy đại dịch COVID-19 đã gây ra những hậu quả lâu dài về kinh tế, chính trị cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, các khóa đào tạo và hội nghị trực tiếp về gìn giữ hòa bình hầu như đã bị hoãn hoặc hủy bỏ để thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh, song Hội nghị trực tuyến lần này được tổ chức đã thể hiện nỗ lực của cả Việt Nam và Nhật Bản để duy trì cũng như góp phần tăng cường hoạt động của Nhóm Chuyên gia về gìn giữ hòa bình.
Đại tá Mạc Đức Trọng đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tích cực thảo luận, cho ý kiến về các nội dung chính: Tổng kết hoạt động của Chu kỳ 3; đề ra kế hoạch hoạt động Chu kỳ 4 và kế hoạch cho các cuộc thảo luận chuyên đề với sự tham gia của phụ nữ trong các hoạt động gìn giữ hòa bình; những thách thức trong giải quyết xung đột bạo lực tình dục, bạo hành và lạm dụng tình dục.
Tiếp nối sự thành công của nhóm đồng chủ trì nhiệm kỳ trước (Indonesia và Australia), từ năm 2020, Việt Nam và Nhật Bản đã phối hợp chặt chẽ để đảm bảo thành công của Chu kỳ hợp tác lần này. Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng nhóm Chuyên gia gìn giữ hòa bình Nhật Bản Matsuzawa Tomoko gửi lời cảm ơn tới các đồng nghiệp Indonesia và Australia vì sự hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình chuyển giao.
Chia sẻ tổng quan về sự tham gia của Nhật Bản trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, bà Matsuzawa Tomoko cho biết: Nhật Bản sẽ kỷ niệm 30 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc trong Chu kỳ 4 này. Kể từ khi thành lập vào năm 1948, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần thúc đẩy sự ổn định, an ninh tại nhiều quốc gia và khu vực đang phải đối mặt với xung đột.
Bà Matsuzawa Tomoko bày tỏ tin tưởng, những nội dung thảo luận, trao đổi trong khuôn khổ Hội nghị sẽ đóng góp tích cực vào những cam kết và hoạt động gìn giữ hòa bình của mỗi quốc gia. Nhật Bản với tư cách là đồng chủ trì, cam kết trong 3 năm tới sẽ nỗ lực hết sức để biến Chu kỳ 4 trở thành Chu kỳ hoạt động hiệu quả, mang lại lợi ích cho tất cả các quốc gia thành viên
Sau gần 8 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử ba đội hình đơn vị với 189 đồng chí tham gia các Bệnh viện dã chiến cấp 2, trong đó có 33 đồng chí là nữ, chiếm tỷ lệ trên 17%, cao hơn so với yêu cầu (từ 8 - 10%) của Liên hợp quốc. Với hình thức cá nhân, hiện nay Việt Nam đã cử 54 lượt sỹ quan tham gia tại hai phái bộ: Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan và Trụ sở Liên hợp quốc, trong đó có 4 nữ sỹ quan, chiếm tỷ lệ 7,4%.