* Hàn Quốc đứng trước nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư khi số ca mắc mới vượt ngưỡng 700 ca/ngày. Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc nâng cấp độ giãn cách xã hội, song coi đây là phương án cuối cùng do lo ngại thiệt hại kinh tế.
* Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Y tế Thái-lan cân nhắc áp đặt các biện pháp mới nhằm đối phó việc số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh. Theo đó, có thể phải áp đặt lệnh phong tỏa đối với các tỉnh có nguy cơ cao như Băng-cốc, Chiềng Mai để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.
* Ngày 14-4, số ca nhiễm mới và người chết vì Covid-19 tại Ấn Ðộ lại lên một mức cao mới, trong bối cảnh nhiều tín đồ theo đạo Hin-đu tham dự lễ hội tôn giáo truyền thống bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền. Ðây là ngày thứ tám liên tiếp có số ca mắc mới vượt mốc 100.000 ở Ấn Ðộ.
* Tại Nam Mỹ, Chính phủ Bô-li-vi-a tuyên bố mở tuyến hành lang nhân đạo trên biên giới với quốc gia láng giềng Bra-xin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông thực phẩm và thuốc men. Bô-li-vi-a đóng cửa biên giới với Bra-xin kể từ đầu tháng 4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
* Chính quyền thủ đô Bô-gô-ta của Cô-lôm-bi-a thông báo áp đặt lại lệnh phong tỏa trên toàn thành phố kéo dài ba ngày trong dịp cuối tuần này. Thị trưởng Bô-gô-ta cho biết, lệnh phong tỏa hồi cuối tuần trước cho kết quả khả quan trong việc làm chậm đà lây nhiễm của dịch bệnh.
* Tại châu Âu, sau khi tình trạng khẩn cấp tại Séc kết thúc, Chính phủ Séc thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ trưởng Y tế Séc cho biết, Chính phủ Séc đã thông qua biện pháp cấm tụ tập trên hai người cả ở trong nhà và ngoài trời.
* Chính phủ Na Uy cho phép các nhà hàng và quán rượu mở cửa trở lại tới 10 giờ tối hằng ngày. Ngoài ra, quốc gia Bắc Âu này cũng cho phép người dân được tiếp nhiều nhất năm khách đến chơi nhà cùng một thời điểm, trong khi các sân vận động có thể đón tiếp 600 người, song phải chia thành ba khu vực.
* Hãng Johnson & Johnson (J&J) cho biết sẽ hoãn kế hoạch giao vắc-xin ngừa Covid-19 cho châu Âu sau khi các cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo tạm ngừng sử dụng vắc-xin của hãng này liên quan nguy cơ xuất hiện huyết khối sau khi tiêm. Ủy ban châu Âu đang liên hệ với hãng J&J nhằm có được lời giải thích rõ ràng về kế hoạch nêu trên. J&J đã cam kết đến cuối tháng 6 tới, cung cấp 55 triệu liều cho EU theo thỏa thuận đã ký.
* Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi xem liệu có thêm những ca xuất hiện huyết khối sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của hãng J&J hay không và cần có thời gian để đánh giá các dữ liệu. Trong khi đó, cơ quan y tế Hà Lan khẳng định đến thời điểm này, lợi ích từ việc tiêm vắc-xin của J&J lớn hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra.
* Bộ Y tế Nam Phi thông báo đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của J&J trong chương trình tiêm chủng của nước này, cho đến khi sự liên quan giữa hiện tượng đông máu và việc tiêm loại vắc-xin này được làm rõ. Cho tới nay, Nam Phi chưa nhận được báo cáo liên quan hiện tượng đông máu sau khi 290 nghìn người Nam Phi đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng.
* Trong khi đó, Bỉ cho biết sẽ không dừng việc tiêm vắc-xin J&J vào giai đoạn này. Giới chức Tây Ban Nha cho biết chưa nhận được thông báo về việc dừng tiêm vắc-xin J&J sau khi hãng này thông báo hoãn kế hoạch giao vắc-xin cho châu Âu.
* Bộ Y tế Ca-na-đa xác nhận đang trong quá trình thảo luận với J&J về khả năng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng gây đông máu. Cơ quan này cũng làm việc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ và các cơ quan quốc tế khác về vấn đề này.
* Giới chức ba bang bờ Ðông nước Mỹ gồm Niu Oóc, Niu Giơ-xi và Con-nếch-ti-cớt đã phải ra lệnh hủy hàng nghìn ca đặt lịch tiêm vắc-xin do phải ngừng tiêm vắc-xin J&J. Hiện cả ba bang đã thay vắc-xin J&J bằng vắc-xin Moderna và Pfizer. Ðiều phối viên ứng phó dịch Covid-19 của Nhà trắng khẳng định, Mỹ dư thừa nguồn cung vắc-xin Pfizer và Moderna để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm 200 triệu mũi trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống G.Bai-đơn.
TheoNhanDan