Sau những khó khăn kéo dài vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, kinh tế Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã đạt tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 21 năm. Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại, biến thể Delta sẽ gây ra rủi ro lớn đối với triển vọng kinh tế.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN).
Theo kết quả khảo sát mà các chuyên gia của IHS Markit vừa công bố, nền kinh tế Eurozone đã "chuyển mình mạnh mẽ” sau khi khu vực này được nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Chỉ số Quản lý Thu mua (PMI) tổng hợp từ tập đoàn dữ liệu kinh tế IHS Markit cho thấy hoạt động kinh doanh đã tăng từ 59,5 điểm trong tháng 6 vừa qua lên mức 60,6 điểm trong tháng 7 này.
Ở đây, chỉ số PMI của một nền kinh tế ở mức 50 điểm đã là chỉ dấu cho thấy có sự tăng trưởng. Trước đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã nâng mạnh dự báo tăng trưởng của Eurozone và ước tính nền kinh tế khu vực sẽ tăng trưởng lần lượt 4,8% trong năm 2021 và 4,5% trong năm 2022.
EC cũng dự báo lạm phát của 19 thành viên trong "đại gia đình Eurozone” có thể lên mức 1,9% trong năm nay, vẫn bảo đảm mục tiêu lạm phát của khối mà Ngân hàng trung ương châu Âu đặt ra là dưới mức 2%. Giới phân tích nhận định, chiến dịch tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 khiến số ca nhiễm mới giảm mạnh, cho phép các nước thành viên EU mở cửa trở lại nền kinh tế, đã tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Eurozone.
Tuy nhiên, triển vọng kinh tế Eurozone vẫn khá mong manh trong bối cảnh "làn gió độc” từ biến thể Delta đang đe dọa châu Âu và thế giới. Ông Chris Williamson - nhà kinh tế hàng đầu tại IHS Markit vừa nhận định, sự lây lan của biến thể Delta đang bắt đầu tác động tới niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu. Khi số ca nhiễm Covid-19 gia tăng ở Anh gần đây, giới doanh nghiệp lo ngại các biện pháp chống dịch một lần nữa sẽ gây ra sự hỗn loạn kinh tế. Bên cạnh đó, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đình trệ, đẩy giá hàng hóa lên cao. Đây là một bất lợi lớn với sự phục hồi của các nền kinh tế thuộc Eurozone và có thể khiến lạm phát của khu vực này vượt ngưỡng 2%.
Trong bối cảnh dịch bệnh khiến các quốc gia, các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào nhau như hiện nay, không một nền kinh tế nào có thể đứng ngoài "vòng xoáy của dịch bệnh”. Bởi vậy, chia sẻ vắc-xin công bằng, chung tay chống dịch trên quy mô toàn cầu là cách duy nhất giúp kinh tế Eurozone nói riêng, các nền kinh tế nói chung tránh được những "cơn gió độc” từ dịch Covid-19.
Theo báo Nhân Dân