Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 449.005 trường hợp mắc COVID-19 và 6.759 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 213 triệu ca bệnh, trong đó trên 4,45 triệu người không qua khỏi.


Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 24/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 213.151.198 ca, trong đó có 4.451.297 người tử vong.

Số ca mắc bệnh trong ngày đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch "nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Số ca mắc mới và tử vong tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu. Hàng loạt nước tại châu Á mấy ngày qua đã quyết định kéo dài hoặc tái phong tỏa nghiêm ngặt để đối phó với làn sóng dịch mới.

Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Iran, Anh và Nhật Bản số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Sau một thời gian, Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới, với gần 70.000 trường hợp trong 24 giờ qua.


Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Parafield, ngoại ô thủ phủ Adelaide, Nam Australia. Ảnh: GETTY IMAGES/TTXVN

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 190 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và 112.055 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 23/8, thế giới có 152 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 104 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Mỹ vẫn là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất thế giới với trên 38.700.000 ca, trong đó có 645.781 ca tử vong. Brazil đứng thứ hai về số ca tử vong với 574.848 ca trong tổng số trên 20,5 triệu ca nhiễm. Ấn Độ đứng thứ hai về số ca nhiễm với 32.358.829 ca, trong đó có 433.622 ca tử vong.


Vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer-BioNTech. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/8, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cấp phép đầy đủ cho vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech, quyết định được chờ đợi nhằm đẩy nhanh quá trình tiêm chủng ở Mỹ. Đây cũng là loại vaccine COVID-19 đầu tiên được FDA cấp phép đầy đủ trong bối cảnh các vaccine phòng COVID-19 khác đến nay đều mới chỉ được cấp phép sử dụng khẩn cấp.

FDA đã đưa ra quyết định trên  sau 3 tháng xem xét đơn đề nghị cấp phép đầy đủ của hai hãng dược phẩm Pfizer và BioNTech đối với vaccine phòng COVID-19 mà hai hãng này phối hợp sản xuất. Việc vaccine được cấp phép đầy đủ sẽ giúp Pfizer và BioNTech loại bỏ những hạn chế liên quan đến việc phân phối và quảng cáo sản phẩm.

Vaccine của Pfizer/BioNTech đã được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp từ tháng 12/2020 dựa trên dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trong vòng  hai tháng đối với 38.000 tình nguyện viên sau khi tiêm đủ hai mũi. Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho tới nay hơn 204 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech đã được sử dụng trên toàn nước Mỹ.

Tại châu Á, Trung Quốc Đại lục ngày 23/8 không ghi nhận ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng và không có ca tử vong. Báo cáo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có 21 ca nhập cảnh. Hiện toàn bộ thành phố Bắc Kinh đã được đưa ra khỏi danh sách các khu vực có nguy cơ cao và trung bình do dịch COVID-19.

Trong khi đó, Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) về cơ bản hiện đã kiểm soát được dịch COVID-19, không còn ca lây nhiễm trong cộng đồng. Kể từ khi bùng phát dịch đến nay, Hong Kong ghi nhận 12.057 ca mắc COVID-19, trong đó có 212 ca tử vong.

Ông Khâu Đằng Hoa (Edward Yau), Cục trưởng Phát triển thương mại và kinh tế Hong Kong đã bảo vệ việc chính quyền Hong Kong bất ngờ áp dụng trở lại một số chính sách kiểm dịch nghiêm ngặt nhất trên thế giới, nhấn mạnh Hong Kong cần phải loại bỏ dịch COVID-19 trước khi biên giới được mở lại hoàn toàn.

Tại Hàn Quốc, số ca nhiễm đã ở mức dưới 1.500 ca/ngày. Cụ thể, số liệu từ Cơ quan Phòng và kiểm soát dịch bệnh (KDCA) ngày 23/8 cho thấy số ca nhiễm mới là 1.418 ca, trong đó có 1.370 ca lây nhiễm trong nước, nâng tổng số ca nhiễm trên cả nước lần 237.782 ca. Sau 6 tuần áp dụng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt ở khu vực Seoul, làn sóng lây nhiễm thứ 4 vẫn không có dấu hiệu giảm bớt vì biến thể siêu lây nhiễm Delta đang làm phức tạp thêm các biện pháp phòng chống dịch.

Chính phủ Nhật Bản và chính quyền thủ đô Tokyo đã yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tại Tokyo hợp tác trong việc tiếp nhận bệnh nhân, đảm bảo số giường điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Các cơ sở từ chối yêu cầu hợp tác sẽ bị nêu tên trên cổng thông tin công khai.

Ngoài ra, nhằm giảm tải cho hệ thống y tế đang đối mặt với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, từ ngày 23/8, chính quyền thành phố Tokyo đưa vào hoạt động một trạm hỗ trợ oxy cho bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ.

Bộ Y tế Ấn Độ ngày 23/8 ghi nhận 25.072 ca mắc COVID-19 mới, thấp nhất trong 160 ngày. Số người tử vong tăng lên 434.756 người với 389 ca mới tử vong trong 24 giờ qua. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 của Ấn Độ đã tăng lên 32.449.306 người, trong khi tỷ lệ phục hồi trên toàn quốc đã tăng lên 97,63%, cao nhất kể từ tháng 3/2020. Số ca dương tính hiện nay của Ấn Độ đã giảm xuống 333.924 ca, thấp nhất trong 155 ngày, chiếm 1,03% tổng số ca nhiễm, thấp nhất kể từ tháng 3/2020.

Giới nghiên cứu y khoa Ấn Độ cho biết một làn sóng COVID-19 thứ ba ở nước này có thể đạt đỉnh điểm vào tháng 11 tới nếu một biến thể mới, độc hại hơn biến thể Delta xuất hiện và lây lan vào cuối tháng 9. Đồng thời, trong làn sóng thứ ba COVID-19 này, số lượng ca nhiễm mới có thể không tăng cao như làn sóng COVID-19 thứ hai và nhiều khả năng diễn biến tương tự làn sóng COVID-19 đầu tiên.

Tuy nhiên, nhà khoa học của IIT-Kanpur, thành viên nhóm nghiên cứu Manindra Agrawal dự đoán, cũng có thể Ấn Độ sẽ không phải đối mặt với làn sóng COVID-19 thứ ba nếu không có biến thể mới, dễ lây lan hơn biến thể Delta xuất hiện. Trong trường hợp đó, Ấn Độ có thể thấy các trường hợp nhiễm COVID-19 hàng ngày lên đến 150.000 ca nhiễm mới và cao điểm là vào tháng 11. Cường độ của làn sóng dịch COVID-19 thứ ba có thể không giống làn sóng thứ hai, nhưng tương tự như làn sóng đầu tiên.  

Tại châu Đại Dương, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã quyết định gia hạn lệnh phong tỏa nghiêm ngặt phòng chống dịch COVID-19 trên toàn quốc, nhấn mạnh đợt bùng phát dịch hiện nay chưa lên tới đỉnh điểm. Theo đó, lệnh phong tỏa toàn quốc cấp độ 4 sẽ được gia hạn thêm 3 ngày, đến nửa đêm 27/8, trong khi thành phố Auckland - tâm điểm của đợt bùng phát dịch hiện nay - sẽ thực hiện các hạn chế đến hết ngày 31/8.

Tại Australia, bang New South Wales (NSW) ngày 23/8 thông báo ghi nhận 818 ca nhiễm mới trong cộng đồng trong vòng 24 giờ tính đến 20h tối 22/8 theo giờ địa phương. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp bang này ghi nhận số ca nhiễm mới cao trên 800 ca/ngày. Bang này cũng ghi nhận thêm 3 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong trong đợt bùng phát dịch từ ngày 16/6 đến nay lên 74 trường hợp.

Chính quyền bang hối thúc người dân tham gia tiêm chủng bên cạnh việc thực hiện nghiêm túc các biện pháp phỏng tỏa đang được áp đặt để khống chế dịch bệnh. Trong khi đó, bang Nam Australia sẽ là địa phương đầu tiên của Australia triển khai chương trình thử nghiệm cách ly tại nhà cho những người đến từ những khu vực đang có dịch bệnh COVID-19 trong nước và cả khách quốc tế, bắt đầu từ tuần này.

Tại Trung Đông, Israel thông báo sẽ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho học sinh tại sân trường trong bối cảnh các trường học dự kiến khai giảng theo đúng lịch vào tuần tới dù số ca mắc COVID-19 đang tăng mạnh. Các lãnh đạo Israel cho biết đang nỗ lực triển khai biện pháp cần thiết để tránh phải đóng cửa các trường học do đại dịch COVID-19. Thống kê cho thấy khoảng 30% số trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Israel đã được tiêm đủ liều vaccine, ít hơn nhiều so với các nhóm tuổi khác.

Ở châu Âu, Nga thông báo nước này ghi nhận 19.545 ca mắc mới COVID-19, đánh dấu lần đầu tiên số ca mắc trong ngày dưới mức 20.000 ca trong vòng 2 tháng qua tại quốc gia này. Nước này cũng ghi nhận 776 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên là 176.820 ca. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 6.766.541 ca mắc COVID-19.

Cơ quan y tế Thụy Điển ngày 23/8 nhận định những tháng tới sẽ là thời điểm thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát. Cơ quan này cũng cho rằng các biện pháp hạn chế và khuyến nghị hiện nay, chủ yếu là để hạn chế tiếp xúc xã hội, cách ly người ốm hoặc làm việc từ xa khi có thể, nên được duy trì cho tới khi có thêm nhiều người được tiêm phòng. Tính đến nay, Thụy Điển ghi nhận tổng cộng hơn 1,11 triệu ca mắc bệnh, trong đó có hơn 14.600 ca tử vong vì COVID-19.

Chính phủ liên bang Đức ngày 23/8 cho biết sẽ hỗ trợ các bang ở nước này 200 triệu euro để trang bị hệ thống lọc không khí cơ động trong trường học và nhà trẻ.

Thông báo của Bộ Kinh tế liên bang Đức cho rằng cần phải có biện pháp tốt nhất bảo vệ trẻ em dưới 12 tuổi ở các trường học và nhà trẻ - những đối tượng hiện chưa có vaccine phòng COVID-19. Bộ trưởng Kinh tế liên bang Peter Altmaier nhấn mạnh mục đích của các biện pháp trên là duy trì việc học tại trường cho các em vào mùa Thu và mùa Đông này.

Các thiết bị lọc không khí cơ động có thể giúp các trường học và nhà trẻ tận dụng được không gian an toàn mà việc lưu thông không khí chưa hiệu quả. Số tiền trên sẽ được phân bổ cho các bang theo quy định và chính quyền các địa phương cũng sẽ phải gánh một phần chi phí.

Liên quan đến vấn đề tiêm chủng, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 23/8 nhấn mạnh các nước cần trì hoãn tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 bởi cần ưu tiên nâng tỷ lệ tiêm chủng tại những quốc gia mới chỉ có 1% hoặc 2% dân số được hưởng quyền lợi này.

Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Adhanom Ghebreyesus cũng ủng hộ quan điểm tiêm mũi thứ ba cho những người bị suy giảm hệ miễn dịch và nhóm đối tượng này chỉ chiếm một phần rất nhỏ dân số thế giới.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 23/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm trên 74.143 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên xấp xỉ 208.000 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Philippines và Việt Nam. Đông Nam Á tiếp tục là điểm dịch nóng nhất châu Á.

Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại "quốc gia vạn đảo” đã kéo dài nhiều tháng ở mức đỉnh với số ca mắc mới và ca tử vong nhiều ngày liên tiếp luôn cao nhất khu vực và châu Á. Tuy nhiên, trong vòng 1 ngày qua, điểm nóng này đang có dấu hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong đều giảm rõ rệt.

Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, với 151 trường hợp.

Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động. Số ca mắc mới liên tiếp lập kỷ lục buồn tại Malaysia. Ngày 23/8, Malaysia ghi nhận ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.

Ngày 23/8, số ca tử vong vì dịch bệnh tại Malaysia cũng ở mức đáng ngại với 174 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ tư trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia tiếp tục gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình dịch COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan cũng là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 23/8 ghi nhận thêm trên 17.491 ca bệnh mới (nhiều thứ ba khu vực), trong khi số ca tử vong là 242 người, ngang mức của mấy ngày trước đó.

Đã nhiều ngày liên tiếp Thái Lan ghi nhận ca mắc mới ở mốc gần 20.000 ca/ngày. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.

Campuchia dịch bệnh đang bớt nghiêm trọng và đáng ngại hơn khi nước này chỉ có 410 bệnh nhân mới và 16 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia đang dần đi qua giai đoạn đỉnh hịch và số ca mắc mới cũng như tử vong vì COVID-19 tại nước này đang tiếp đà thuyên giảm. Thủ đô Phnom Penh hiện là điểm dịch nặng nhất của Campuchia. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Singapore ngày 23/8 cũng ghi nhận 98 ca COVID-19 mới, tăng khá nhiều so với mấy ngày qua.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 207.990 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.814 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 9.389.109 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 8.035.656 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới (Myanmar không công bố số liệu).

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Hàn Quốc kéo dài lệnh giãn cách xã hội thêm 2 tuần

Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum ngày 20/8 đã quyết định kéo dài thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội thêm 2 tuần (đến ngày 5/9 tới), song có sự điều chỉnh phù hợp để kiềm chế sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2.

Thủ đô Berlin của Đức trao tặng Việt Nam 30.000 bộ kit xét nghiệm nhanh

Nằm trong chuỗi các hoạt động của các địa phương ở Đức ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, ngày 19/8 tại Berlin, chính quyền thành phố này đã trao tặng Việt Nam 30.000 bộ kit xét nghiệm nhanh COVID-19.

Philippines ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao thứ hai kể từ đầu dịch

Bộ Y tế Philippines ngày 19/8 ghi nhận 14.895 ca mắc mới COVID-19, mức cao thứ hai kể từ khi bùng phát dịch ở nước này.

Star Telecom tài trợ học bổng và hỗ trợ trường kiều bào tại Lào

Chiều 18/8, tại Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du, Thủ đô Vientiane, Lào, diễn ra Lễ tài trợ học bổng, các giải pháp công nghệ trị giá 460 triệu LAK (kíp Lào), tương đương 48 nghìn USD của Công ty Star Telecom tặng Trường song ngữ Lào - Việt Nam Nguyễn Du.

Toàn thế giới đã ghi nhận trên 209,6 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h00 ngày 18/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 209.629.565 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.399.288 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 187.884.885 người.

51 quốc gia xác nhận tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông 2021

Đại diện 51 quốc gia dự định sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) năm 2021, theo kế hoạch được tổ chức tại TP Vladivostok (LB Nga) từ ngày 2 đến 4/9 tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục