Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 483.547 trường hợp mắc COVID-19 và 8.104 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 231 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu người không qua khỏi.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 18/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 25/9 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 231.811.792 ca, trong đó có 4.749.981 người tử vong.
Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch "nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong cũng có xu thế giảm.
Nhiều nước Á-Âu tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 120.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 2.000 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.
Một nhà hàng với không gian mở tại thành phố Melbourne, bang Victoria, Australia ngày 28/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 206 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là gần 18 triệu ca và trên 98.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 24/9, thế giới có 138 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 109 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất với 43.635.337 ca mắc và 704.478 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 33 triệu ca mắc và trên 446.000 ca tử vong. Đứng thứ ba là Brazil với trên 21 triệu ca bệnh, trong đó trên 593.000 ca tử vong.
Điểm nóng của dịch bệnh trong ngày là Hàn Quốc khi nước này trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận 2.434 ca mắc mới. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất từ trước đến nay tại Hàn Quốc. Số ca mắc mới tăng vọt là do người dân di chuyển nhiều trong dịp nghỉ lễ tết Trung thu (còn được coi là lễ tạ ơn của người Hàn Quốc) kéo dài 3 ngày (20-22/9), khiến virus gây bệnh lây lan nhanh chóng trên cả nước.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Seoul, Hàn Quốc ngày 18/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (trong đó thủ đô Seoul ghi nhận 903 ca, tỉnh Gyeonggi - 704 ca) chiếm 72,3% số ca nhiễm mới trên toàn Hàn Quốc. Các chuyên gia y tế cho rằng số lượng xét nghiệm giảm trong kỳ nghỉ lễ Trung thu và sau đó lại tăng lên, dẫn đến số ca mới tăng lên đáng kể.
Trong khi đó, tại Australia, số ca nhiễm mới ghi nhận tại bang Victoria ngày 24/9 đã tăng lên gần mức cao nhất với 733 ca mắc và 1 ca tử vong, dù nhà chức trách đã đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Hầu hết các ca nhiễm mới được phát hiện ở Melbourne.
Australia đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3 do biến thể Delta có khả năng lây lan cao gây ra, khiến hai thành phố lớn nhất là Sydney và Melbourne cùng thủ đô Canberra phải phong tỏa, ảnh hưởng đến gần một nửa dân số nước này. Các số liệu chính thức của Chính phủ liên bang Australia cho thấy 50,1% người dân Australia trên 16 tuổi đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19, sau một tuần tiêm chủng kỷ lục trên toàn quốc.
Tính đến ngày 24/9, Australia đã tiêm được hơn 26 triệu liều vaccine trên cả nước, trong đó 2.076.000 liều được tiêm trong tuần trước, đạt tốc độ tiêm chủng bình quân đầu người cao hơn cả Pháp, Đức, Italy, Thụy Điển, Anh và Mỹ.
Tại châu Âu, kể từ ngày 25/9, Na Uy sẽ mở cửa trở lại, chấm dứt các biện pháp phòng dịch vốn được triển khai trong 561 ngày qua. Quyết định nới lỏng toàn bộ các biện pháp hạn chế này cho phép tổ chức các sự kiện văn hóa hay thể thao với 100% công suất, các nhà hàng cũng được phục vụ số khách không giới hạn và các câu lạc bộ ban đêm mở cửa trở lại.
Theo thống kê của Viện y tế công cộng của Na Uy, có 76% người dân Na Uy đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, trong khi 67% dân số đã tiêm đủ liều. Thống kê của trang worldmeters.info cho thấy kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tới nay, Na Uy ghi nhận tổng cộng 185.330 ca mắc, trong đó có 850 ca tử vong.
Liên quan đến vaccine, hãng dược Shilpa của Ấn Độ thông báo đạt thỏa thuận sản xuất vaccine phòng COVID-19 do công ty Cadila Healthcare Ltd của nước này phát triển. Tháng trước, giới chức y tế Ấn Độ cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 của Cadila, loại vaccine ADN đầu tiên trên thế giới, cho người trưởng thành và trẻ em trên 12 tuổi. Vaccine có tên ZyCoV-D này gồm 3 mũi cho một liệu trình tiêm phòng đầy đủ. Theo kế hoạch, Cadila sẽ bắt đầu cung cấp vaccine cho thị trường từ tháng tới, với mục tiêu sản xuất 100-120 triệu liều vaccine mỗi năm.
Trong khi đó tại Italy, Viện Y tế Quốc gia Italy khuyến nghị phụ nữ mang thai nên tiêm hai mũi vaccine phòng COVID-19 được sản xuất theo công nghệ mRNA ở tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 của thai kỳ, tức là sau 3 tháng đầu tiên. Điều này cho thấy bằng chứng về sự an toàn của vaccine trong thời kỳ mang thai cho cả thai nhi và người mẹ.
Mặc dù vậy, cơ quan này cũng cho biết việc tiêm phòng có thể dẫn đến phản ứng phụ là sốt – một hiện tượng có thể làm gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh cho thai nhi. Theo viện trên, phụ nữ đang cho con bú nên tiêm phòng COVID-19 và trẻ sơ sinh có thể hấp thụ kháng thể ngừa bệnh qua sữa mẹ một cách an toàn.
Cùng ngày, trang web chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cập nhật thêm khuyến nghị về hướng dẫn điều trị bệnh COVID-19 với việc bổ sung sử dụng liệu pháp "hỗn hợp kháng thể” mang tên Ronapreve của công ty công nghệ sinh học Regeneron.
Thông báo của WHO chỉ ra rằng các kết quả thử nghiệm lâm sàng cho thấy so với liệu pháp thông thường, việc sử dụng thuốc Ronapreve gồm hai loại kháng thể trung hòa là "casilibimab” và "imdevimab” đã giúp giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng và giảm thời gian hồi phục đối với người mắc COVID-19. Do đó, WHO khuyến cáo các nước có thể lựa chọn liệu pháp này đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thể nhẹ, không có nguy cơ phải nhập viện.
Italy đã công nhận vaccine Covishield phòng COVID-19 do Ấn Độ sản xuất, động thái có nghĩa rằng những người đã được tiêm vaccine Covishield có thể vào Italy mà không phải chịu lệnh cấm nhập cảnh, mặc dù vẫn có thể phải tuân thủ các quy định như xét nghiệm hoặc cách ly.
Ngày 24/9, Đại sứ quán Ấn Độ tại Rome đã thông báo rằng sau cuộc họp giữa Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya và người đồng cấp Italy Roberto Speranza, Bộ Y tế Italy đã quyết định công nhận vaccine Covishield và cho phép những người đã tiêm loại vaccine này được xin cấp thẻ xanh COVID-19 tại Italy. Tuy nhiên, do Chính phủ Italy chưa đưa ra thông báo chính thức nên vẫn chưa biết liệu những người đã được tiêm Covishield có phải tuân theo các hạn chế nhập cảnh, chẳng hạn như xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Italy hay không.
Cho đến nay, Italy mới chỉ công nhận 4 loại vaccine được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép là Vaxzevria (AstraZeneca), Comirnaty (Pfizer/BioNTech), Spikevax (Moderna), Janssen (Johnson & Johnson), đồng nghĩa với việc chỉ có những người tiêm 4 loại vaccine này được coi là đã tiêm phòng COVID-19 khi nhập cảnh. Italy là quốc gia EU thứ 19 công nhận Covishield.
Ngày 24/9, hãng dược phẩm Moderna của Mỹ thông báo sẽ cung cấp 20 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho Peru và lô đầu tiên sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2022. Theo thông báo, hiện Moderna đang làm việc với các cơ quan chức năng của Peru để sớm có được các giấy phép cần thiết trước khi phân phối vaccine tại quốc gia Nam Mỹ này.
Hồi tháng 7, Peru cũng đã mua của Nga 20 triệu liều vaccine Sputnik V để phục vụ cho chương trình tiêm phòng COVID-19 đại trà. Ngoài ra, quốc gia Nam Mỹ này cũng đã ký kết thỏa thuận với các hãng Pfizer, AstraZeneca và Sinopharm.
Đến nay, Peru đã hoàn tất phác đồ tiêm chủng cho khoảng 37,6% dân số. Thống kê chính thức cho thấy Peru đã ghi nhận hơn 2,1 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 199.108 trường hợp tử vong.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/9, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 66.462 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 257.000 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Philippines, Malaysia, Brunei và Việt Nam. Đông Nam Á vẫn là điểm dịch nóng nhất châu Á.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng này tiếp tục cho thấy tín hiệu hạ nhiệt, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm nhanh. Indonesia đã qua đỉnh dịch lần này và tình hình đang khả quan hơn. Trong 1 ngày qua, "quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 2.500 ca bệnh mới.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Trong 1 ngày qua, nước này ghi nhận số ca tử vong vẫn ở mức cao, tăng mạnh trở lại. Trong 24h qua, Philippines chính là quốc gia có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Malaysia tình hình dịch bệnh đang ngày càng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh và mạnh suốt mấy tuần vừa qua. Malaysia ghi nhận số ca tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á trong 1 ngày qua.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 1.667 ca mắc mới và 70 người tử vong. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.
Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh, lùi ngày mở cửa du lịch. "Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 24/9 ghi nhận thêm trên 12.600 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 132 người, tăng nhẹ so với mức của mấy ngày trước đó.
Campuchia có xu thể tăng trở lại so với mấy ngày trước đây, với 822 bệnh nhân mới và 21 ca tử vong trong một ngày qua. Song Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 257.670 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 887 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng vượt ngưỡng 11,8 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 10,6 triệu trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Theo Baotintuc.vn
Đây là khẳng định của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In tại cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi hai nhà lãnh đạo tham dự Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Ngày 21/9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary ở thủ đô Budapest, Đại diện Chính phủ Hungary, Phó Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại István Joó đã trao tặng tượng trưng cho Đại sứ Việt Nam Nguyễn Thị Bích Thảo 100.000 liều vaccine AstraZeneca và 100.000 bộ xét nghiệm nhanh kháng nguyên của chính phủ Hungary hỗ trợ Việt Nam chống đại dịch COVID-19.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 410.000 ca mắc COVID-19 và 7.575 ca tử vong, nâng tổng ca bệnh vượt mốc 230 triệu, bao gồm trên 4,72 triệu người chết.
Ngày 21/9, báo Khmer Times dẫn thông tin từ Viện Pasteur Campuchia cho biết tính đến ngày 19/9, viện này đã phát hiện tổng cộng 5.751 ca nhiễm biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 trong nước, tăng hơn 2.000 ca so với số liệu thống kê này 10 ngày trước đó.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 360.996 trường hợp mắc COVID-19 và 5.156 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt 229,6 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu người không qua khỏi.
Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 346.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 229 triệu ca, trong đó trên 4,7 triệu ca tử vong.