Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 362.000 ca bệnh COVID-19 và trên 5.500 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 244 triệu ca, trong đó trên 4,95 triệu ca tử vong.


Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Anh (44.985 ca), Nga (37.678 ca) và Thổ Nhĩ Kỳ (26.217 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.075 ca), Ấn Độ (559 ca) và Ukraine (483 ca).

Trong những ngày gần đây, số ca mắc và tử vong mới ở Nga luôn ở mức cao, nhiều lần phá kỷ lục. Tới nay, Nga có trên 8,2 triệu ca mắc và trên 229.000 ca tử vong.

Xét về tổng số ca từ đầu đại dịch, Mỹ vẫn đứng đầu với trên 46,2 triệu ca mắc và trên 756.000 ca tử vong.

Nga ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 cao kỷ lục


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện ở ngoại ô Moskva, Nga, ngày 15/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/10, Nga thông báo nước này ghi nhận số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Cụ thể, Nga ghi nhận 37.678 ca mắc mới và 1.075 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Trong bối cảnh số ca mắc và tử vong cao kỷ lục và tỉ lệ tiêm phòng thấp, thủ đô Moskva, tâm dịch của Nga, sẽ đóng cửa các dịch vụ không thiết yếu từ ngày 28/10-7/11. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng phê chuẩn đề xuất cho người lao động trên toàn quốc nghỉ một tuần được trả lương từ ngày 30/10 - 7/11 nhằm ngăn chặn đà lây nhiễm.

Tổng thống Putin cho rằng tỷ lệ tử vong cao do COVID-19 tại Nga là do tỷ lệ tiêm phòng thấp, theo đó ông kêu gọi người dân thể hiện trách nhiệm công dân bằng việc đi tiêm phòng. Đến nay, chỉ 36% trong số những người đủ điều kiện tiêm chủng ngừa COVID-19 ở Nga đã hoàn thành tiêm chủng. 

Cảnh báo khả năng Anh sẽ phải tái phong tỏa vào mùa Đông


Nhân viên y tế tiêm vaccine Pfizer/BioNTech ngừa COVID-19 cho học sinh tại London, Anh ngày 5/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Anh đang diễn biến nghiêm trọng trong tuần qua, Giáo sư Peter Openshaw, cố vấn quan trọng của Chính phủ Anh về dịch COVID-19 cho biết ông rất lo ngại về khả năng Anh lại phải áp đặt lệnh phong tỏa trong mùa Giáng sinh năm nay và kêu gọi chính phủ hành động sớm để giảm sự lây lan của virus.

Phát biểu trên Đài BBC, Giáo sư Peter Openshaw, thành viên của Nhóm tư vấn về các mối đe dọa virus đường hô hấp mới và mới nổi (Nervtag), cho biết số ca mắc và tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Anh hiện nay rất báo động. Theo ông, việc áp dụng các biện pháp tức thì nhằm "giảm tốc độ lây nhiễm” là chìa khóa để có "một Giáng sinh gia đình tuyệt vời, nơi tất cả chúng ta có thể quay trở lại với nhau”.

Phát biểu trên được Giáo sư Peter Openshaw đưa ra sau khi Thủ tướng Anh Boris Johnson từ chối lời kêu gọi từ các nhà lãnh đạo y tế, bao gồm cả người đứng đầu Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) và Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh, về việc "đã đến lúc” phải đưa ra các biện pháp hạn chế chặt chẽ hơn.

Ngày 22/10, khi được hỏi về khả năng phong tỏa vào mùa Đông tới, Thủ tướng Johnson khẳng định tình hình hiện nay vẫn chưa đến mức cần phải xem xét tới khả năng này. 

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid đã thừa nhận rằng số ca mắc mới có thể đạt kỷ lục 100.000 ca mỗi ngày trong thời gian tới, nhưng Phố Downing khẳng định tình hình vẫn nằm trong khả năng dự phòng của NHS và các biện pháp mùa Đông "kế hoạch B”, bao gồm cả việc bắt buộc sử dụng khẩu trang và làm việc tại nhà, sẽ chỉ được kích hoạt nếu NHS bị áp lực đáng kể.

Trong tuần qua, số ca nhiễm tại Anh tăng mạnh, riêng ngày 21/10 có 52.009 ca, cao nhất trong vòng 3 tháng qua. Đáng lo ngại, tại Anh đã xuất hiện biến thể phụ AY.4.2 của chủng Delta. Các nhà khoa học tin rằng AY.4.2 có khả năng lây nhiễm hơn 15% so với chủng Delta thông thường và số liệu giải trình tự gen cho thấy chủng này gây ra 6% số ca bệnh mới tại Anh trong tuần đầu tiên của tháng 10/2021.

Tỷ lệ mắc bệnh trong 7 ngày ở Đức cao nhất kể từ tháng 5


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Đức, lần đầu tiên kể từ tháng 5 vừa qua, tỷ lệ mắc mới COVID-19 trong 7 ngày, tính đến 23/10, lên tới 100 ca/100.000 người sau khi số ca mắc gia tăng trong những tuần gần đây. 

Theo Viện Dịch tễ Robert Koch (RKI), tỷ lệ mắc bệnh trong một tuần trước đó là 68,7 ca/100.000 người. 

Người phát ngôn Bộ Y tế Đức Oliver Ewald cho biết xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19 trong tuần qua thể hiện rõ ở hầu hết mọi nhóm tuổi và dự báo số ca mắc sẽ tăng mạnh trong mùa Thu và mùa Đông tới. 

Ngày 23/10, Đức ghi nhận thêm 86 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong ở nước này lên 95.077 ca. Nước này cũng có thêm 15.145 ca mắc mới trong 24 giờ qua, tăng 31% trong 8 ngày qua. 

Đến nay, hơn 66% trong tổng dân số khoảng 83 triệu người của Đức đã hoàn thành tiêm chủng và gần 70% đã tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Hàn Quốc đạt mục tiêu 70% dân số tiêm chủng 


Một điểm tiêm chủng vaccine COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 21/10/2021. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Ngày 23/10, Hàn Quốc thông báo nước này đã đạt mục tiêu 70% trong tổng số 52 triệu dân tiêm phòng COVID-19, mở đường cho việc trở lại cuộc sống bình thường mới vào tháng tới theo kế hoạch. 

Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), mục tiêu trên được đề ra một tháng trước khi nước này bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào cuối tháng 2 vừa qua. Tính đến 14h ngày 23/10 theo giờ địa phương, khoảng 36 triệu người ở Hàn Quốc đã tiêm vaccine ngừa COVID-19. Trong tuyên bố, KDCA nêu rõ: "Việc đáp ứng mục tiêu tiêm chủng có ý nghĩa quan trọng để giảm số ca bệnh nặng và tử vong do COVID-19, và là điều kiện tiên quyết để chuyển sang khôi phục cuộc sống thường nhật theo giai đoạn".  

Hàn Quốc đang từng bước loại bỏ các biện pháp hạn chế được áp đặt phòng chống  COVID-19 để trở lại trạng thái bình thường mới vào đầu tháng 11 tới. Kế hoạch này đang được Hàn Quốc triển khai một cách thận trọng và chính phủ dự kiến áp dụng "thẻ vaccine”, theo đó sẽ cho phép những người tiêm chủng đầy đủ được tiếp cận không hạn chế các dịch vụ, trước tiên là các sự kiện thể thao.

Kế hoạch hướng tới "sống chung với COVID-19” được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt những tác động tiêu cực của đại dịch kéo dài, ảnh hưởng tới tình trạng bất ổn tâm lý ở một bộ phận người dân, đồng thời giảm thiểu những thiệt hại tài chính mà dịch bệnh gây ra đối với các doanh nghiệp nhỏ và giới thương nhân.

Lào lo ngại nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trên diện rộng


Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặnCOVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Lào ngày 23/10 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 467 ca mắc mới COVID-19 và 1 ca tử vong.

Thông báo của Bộ Y tế Lào nêu rõ trong số các ca mắc mới có tới 449 ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại 10 tỉnh, thành; còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục là điểm nóng dịch bệnh khi ghi nhận 232 ca mắc mới trong một ngày, theo đó 216 bản tại 9 quận được quy định là vùng đỏ.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, ca mới tử vong do COVID-19 tại nước này là một người đàn ông 66 tuổi ở thủ đô Viêng Chăn có bệnh lý về thận, xương khớp; bệnh chuyển nặng nhanh và không qua khỏi. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 34.985 ca, trong đó có 50 ca tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết người tiếp xúc gần với các ca lây nhiễm cộng đồng gần đây nhằm nỗ lực giảm nguy cơ bùng phát trên diện rộng. Hiện cơ quan chức năng đang tăng cường phun khử trùng tại các địa điểm có liên quan đến ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Lào cũng kêu gọi người dân có triệu chứng nghi ngờ hoặc từng tiếp xúc với ca mắc COVID-19 cần khẩn trương đi lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở y tế hoặc liên hệ với các nhóm xét nghiệm lưu động ở các khu vực đang có lây nhiễm cộng đồng.

Campuchia bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ 3 nước Đông Nam Á


Tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ nhỏ ở Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23/10, Campuchia đã dỡ bỏ lệnh cấm tất cả các chuyến bay từ Malaysia, Indonesia và Philippines, sau khi hầu hết người dân ở vương quốc này đã được tiêm vaccine phòng COVID-19.

Trong thông cáo báo chí, Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng cho biết Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã đưa ra quyết định trên và quyết định có hiệu lực ngay lập tức. Thông cáo nêu rõ: "Đây là một phần trong kế hoạch hành động của Campuchia mở lại dần các hoạt động kinh tế và xã hội trong mọi lĩnh vực thông qua việc thích ứng với trạng thái bình thường mới và kích hoạt lại các dịch vụ vận tải đường không".

Campuchia cấm tất cả các chuyến bay từ 3 nước trên từ tháng 8/2020 để ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Quyết định dỡ bỏ lệnh cấm này được đưa ra sau khi Campuchia đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 cho 13,65 triệu người, tương đương 85,33% tổng dân số 16 triệu người của nước này. Trong số đó, 12,94 triệu người (80,8%) đã tiêm đầy đủ 2 mũi và 1,62 triệu người (10,1%) đã được tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, Tổng Thư ký Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC), Sok Chenda Sophea, cho biết Campuchia sẽ sớm đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19 theo hình thức bình thường mới, trong bối cảnh tỷ lệ tiêm phòng của nước này ở mức cao 85,33% trên tổng số dân khoảng 16 triệu người tính đến ngày 22/10/2021.

Gần 95% người trưởng thành ở Malaysia hoàn thành tiêm chủng 


Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Malaysia (MOH) thông báo tính đến ngày 22/10, tổng cộng 22.109.534 người ở nước này - tương đương 94,4% dân số trưởng thành - đã hoàn thành tiêm vaccine COVID-19. 

Với 157.999 liều vaccine được sử dụng trong ngày 22/10, tổng số vaccine COVID-19 mà Malaysia đã sử dụng kể từ khi bắt đầu chương trình tiêm chủng quốc gia vào ngày 24/2 đến nay đã đạt 48.831.214 liều. Hiện 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, trong đó 1.456.265 trẻ đã tiêm chủng đủ liều.

Singapore: Người lao động phải tiêm vaccine đầy đủ trước khi trở lại nơi làm việc


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Singapore ngày 13/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế nước này (MOH) ngày 23/10 thông báo, bắt đầu từ ngày 1/1/2022, chỉ những người đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 hoặc những người đã khỏi bệnh hoàn toàn trong vòng 270 ngày trước thời điểm đó ở nước này mới được quay trở lại nơi làm việc.

Trong cuộc họp báo của Ủy ban Liên bộ chống COVID-19 Singapore (MTF), MOH nêu rõ những người lao động chưa tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 muốn quay trở lại nơi làm việc sẽ phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 được MOH chấp nhận và còn hiệu lực trong thời gian người đó dự kiến ở lại nơi làm việc, và họ sẽ phải chịu hoàn toàn các chi phí xét nghiệm. Các quy định này cũng được áp dụng đối với đối tượng lao động là phụ nữ đang mang thai hoặc những người không thể tiêm vaccine vì các lý do sức khỏe. 

Cũng trong buổi họp báo, MOH cho biết bắt đầu từ ngày 1/11 tới, những người có chứng nhận không đủ điều kiện để tiêm bất kỳ loại vaccine ngừa COVID-19 nào trong chương trình tiêm chủng quốc gia của Singapore sẽ được phép vào các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, các khu ăn uống tập trung… cũng như tham gia một số hoạt động nhất định. Ngoài ra, Hiệp hội Nhân dân Singapore (PA) cũng sẽ bắt đầu tổ chức các hoạt động dành cho những người cao tuổi đã được tiêm vaccine đầy đủ, nhưng trước mắt sẽ chỉ ở một số địa điểm và trong những khung thời gian nhất định. 

Bên cạnh đó, Chương trình hồi phục tại nhà sẽ được mở rộng diện áp dụng tới nhóm đối tượng phụ nữ mang thai mắc COVID-19, với điều kiện họ ở độ tuổi dưới 35, mang thai dưới 26 tuần và đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầy đủ. Những bệnh nhân này sẽ phải được đánh giá kỹ lưỡng đủ điều kiện về mặt lâm sàng tại một số bệnh viện nhất định trước khi tiến hành chữa trị tại nhà.

Theo Báo Tin  tức

Các tin khác


Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO khai mạc

Ngày 21/10, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khai mạc tại Brussels (Bỉ), nhằm thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng, trong đó có tăng cường khả năng phòng thủ.

WHO cảnh báo COVID-19 sẽ hoành hành hơn 1 năm nữa

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể "tiếp diễn hơn 1 năm” bởi các nước nghèo chưa thể tiếp cận được nguồn vaccine họ cần.

COVID-19 tới 6 giờ ngày 21/10: Thế giới xấp xỉ 243 triệu ca bệnh; Dịch nóng trở lại ở châu Âu

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 422.749 trường hợp mắc COVID-19 và 6.816 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu xấp xỉ 243 triệu ca, trong đó trên 4,93 triệu người không qua khỏi.

Nga kêu gọi huy động nguồn lực hỗ trợ Afghanistan

Trước thềm cuộc đàm phán quốc tế về Afghanistan diễn ra tại thủ đô Moskva, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov ngày 20/10 kêu gọi huy động viện trợ quốc tế nhằm hỗ trợ Afghanistan.

COVID-19 tới 6h sáng 20/10: Nga nghỉ làm toàn quốc để dập dịch; Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ nhiễm virus

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 379.000 ca nhiễm và 6.564 ca tử vong. Tổng thống Putin dự kiến tuyên bố 7 ngày không làm việc trên toàn quốc để dập dịch và Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ nhiễm virus dù đã tiêm đủ vaccine.

Châu Âu siết chặt các biện pháp mạnh nhằm khống chế dịch lan rộng

Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều nước châu Âu đã ban hành các biện pháp cứng rắn nhằm giảm thiểu số ca mắc và tử vong vì Covid-19 đang tăng cao ở châu lục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục