Tình hình lây nhiễm dịch COVID-19 tại Israel trong những ngày đầu năm mới tiếp tục diễn biến phức tạp, khiến không chỉ cấp cơ sở ứng phó không kịp mà cả các cơ quan chuyên môn ở trung ương cũng trở nên lúng túng. Chính phủ Israel đang trông chờ vào việc tiêm bổ sung mũi 4 để ứng phó với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.



Nhân viên y tế tiêm thử nghiệm mũi vaccine thứ 4 tại bệnh viện Sheba ở thành phố Ramat Gan, miền Trung Israel, ngày 31/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ Y tế Israel thông báo trong ngày 3/1 đã có 6.562 ca nhiễm mới, tăng 360% chỉ trong tuần qua và là mức cao nhất kể từ tháng 9/2021. Số ca nặng cũng tăng lên 110 người, tiếp tục đà tăng (dù chậm) kể từ cuối tháng trước. Hệ số lây nhiễm R trong ngày liên tục tăng và đã lên 1.88, mức cao nhất kể từ tháng 6/2021, cho thấy dịch bệnh đang lan rộng.

Phát biểu sau cuộc họp nội các tối 2/1, Thủ tướng Naftali Bennett cảnh báo đỉnh điểm của làn sóng dịch COVID-19 thứ năm ở Israel có thể lên tới 50.000 ca bệnh mới/ngày, nếu không thể ngăn chặn. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nachman Ash cũng nói rằng tỷ lệ lây nhiễm tăng nhanh có thể dẫn tới tình trạng "miễn dịch cộng đồng” tại nước này. Ông nói: "Cái giá của miễn dịch cộng đồng là có rất nhiều người lây nhiễm, và có thể cuối cùng điều đó sẽ xảy ra. Con số lây nhiễm cần phải cao để đạt được miễn dịch cộng đồng”. 

Tuy nhiên, trưởng ban chống dịch của Bộ Y tế Salman Zarka đã bác bỏ những đồn đoán của dư luận rằng Chính phủ Israel đang có xu hướng chấp nhận tỷ lệ lây nhiễm gia tăng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Zarka khẳng định: "Chúng tôi không có chính sách lây nhiễm đại trà. Miễn dịch cộng đồng không có cơ sở khoa học”.

Không chỉ những tuyên bố có phần thiếu nhất quán, Chính phủ Israel cũng có một số động thái chính sách trái ngược trong cuộc chiến chống biến thể Omicron. Tuần trước, Thủ tướng Bennett từng cảnh báo đất nước có thể đối mặt với một đại dịch "lớn chưa từng thấy”, nhưng mặt khác lại dỡ bỏ các hạn chế chống dịch, bao gồm việc giảm bớt quy định đối với các ca F0, F1và F2, đồng thời đưa phần lớn các nước ra khỏi danh sách "nguy cơ cao” hạn chế đi lại, vốn được đặt ra từ cuối tháng 11/2021 sau khi xuất hiện biến thể mới Omicron. Các trung tâm thương mại lớn được lệnh kiểm tra nghiêm ngặt giấy chứng nhận tiêm vaccine đối với người dân, nhưng không có lệnh cấm tụ tập đông người nào được đưa ra đêm trước thềm đón Năm mới 2022. 

Các chuyên gia phân tích cho rằng biến thể Omicron với sự kết hợp của hai đặc điểm lây lan nhanh nhưng ít nguy hiểm, cộng thêm việc thiếu dữ liệu nghiên cứu và lâm sàng so với biến thể Delta là nguyên nhân dẫn đến sự lúng túng trong chính sách chống dịch hiện nay. Trái ngược với tình trạng dịch COVID-19 gia tăng, Chính phủ Israel vẫn tiếp tục nới lỏng các hạn chế kiểm soát, trong khi một số quy định cũ hết hiệu lực nhưng chưa được thay thế hoặc gia hạn. 

Ngày 3/1, chính phủ tiếp tục quyết định bãi bỏ lệnh đóng cửa biên giới đối với các nước có nguy cơ dịch bệnh "vừa” kể từ ngày 9/1 tới; chỉ giữ lại một số nước thuộc nguy cơ "cao” bao gồm Anh, Ethiopia, Mexico, Thụy Sĩ, Tanzania, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Mỹ. Theo quy định điều chỉnh, du khách nước ngoài đến Israel sẽ chỉ cần thực hiện xét nghiệm PCR trước khi lên máy bay và sau khi hạ cánh; thời gian cách ly bắt buộc cũng được cắt giảm từ 72 giờ xuống còn 24 giờ. Công dân Israel từ nước ngoài trở về cũng không phải cách ly bắt buộc nếu có xét nghiệm âm tính. 

Trước đó, lệnh cấm đi lại đã vấp phải nhiều ý kiến phản đối, bao gồm cả một số nghị sĩ quốc hội, cho rằng việc này sẽ ảnh hưởng tới thăm viếng lẫn nhau giữa công dân Israel và người nước ngoài. Trong khi đó, chương trình thử nghiệm "lớp học Xanh” trong tuần qua đã hết hiệu lực, nhưng các đề xuất mới vẫn chưa được trình lên chính phủ do có sự bất đồng quan điểm giữa các bộ Y tế và Giáo dục. Theo dự kiến, Ủy ban Giáo dục của Quốc hội Israel sẽ họp vào ngày 3/1 để quyết định về vấn đề này, nhưng cuộc họp đã bị hủy. Theo quy chế "Lớp học Xanh”, học sinh hoặc giáo viên tại các địa phương có nguy cơ dịch bệnh "thấp” được tiếp tục đến trường kể cả trong trường hợp phát hiện một học sinh trong lớp bị mắc COVID-19. Do chưa có hướng dẫn mới nên nhiều giáo viên và học sinh ở các địa phương lúng túng, không biết có được tiếp tục đến lớp hay phải học trực tuyến. Tại các địa phương thuộc nhóm nguy cơ "cao” và "vừa”, tất cả các trường hợp tiếp xúc với F0 đều đã phải nghỉ học và cách ly. Một số trường đại học tại Israel như Đại học Hebrew đã quyết định chuyển sang học online. Một số trường khác như Đại học Tel Aviv chỉ giữ lại một số môn học trên lớp, các môn khác thực hiện qua hình thức trực tuyến.

Ở cấp cơ sở, cùng với số ca lây nhiễm tăng lên, nhu cầu xét nghiệm đối với các ca F1 và F2 cũng tăng theo, khiến hệ thống xét nghiệm tại Israel trở nên quá tải. Thống kê trong ngày 2/1 đã có khoảng 226.000 xét nghiệm được thực hiện, bao gồm 144.000 xét nghiệp PCR và 82.000 xét nghiệm kháng nguyên, tăng mạnh so với cách đây vài tuần. Các hiệu thuốc "cháy hàng” bộ kit xét nghiệm nhanh, trong khi những dòng người xếp hàng dài trước các trạm xét nghiệm lưu động. Nhiều phụ huynh tranh thủ đưa con đi xét nghiệm sau khi liên tục nhận được thông báo có ca F0 ở trường. Thủ tướng Bennett cho biết sẽ điều chỉnh các tiêu chí xét nghiệm nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế. 

Trong khi chương trình tiêm thử nghiệm chưa có kết quả chính thức, ngày 2/1, Thủ tướng Bennett thông báo Israel quyết định sẽ tiêm bổ sung vaccine ngừa COVID-19 mũi 4 cho những người trên 60 tuổi và đội ngũ nhân viên y tế. Bệnh viện Sheba lớn nhất tại Israel cũng thông báo sẽ mở rộng chiến dịch thử nghiệm tiêm bổ sung bằng một chiến dịch mới: Tiêm mũi 4 bằng loại vaccine khác. Loại vaccine mới được sử dụng là của hãng Moderna, sẽ được tiêm cho những người đã từng tiêm 3 mũi vaccine của Pfizer. Việc thử nghiệm nhằm đánh giá hiệu quả chống lại biến thể Omicron và tác dụng của việc sử dụng trộn lẫn các loại vaccine khác nhau trên cùng một bệnh nhân. Sheba cũng là bệnh viện đầu tiên triển khai tiêm thử nghiệm mũi 4 chính thức cho những người bình thường. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ được thông báo trong tuần này.

Israel đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm lớn dịch COVID-19. Làn sóng thứ nhất và thứ hai được ngăn chặn khá tốt bằng các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội. Làn sóng thứ ba được đẩy lui và trở thành điển hình với chiến dịch tiêm chủng thần tốc. Làn sóng thứ tư do biến thể Delta gây ra được kiểm soát bằng việc tiêm bổ sung mũi 3. Trong làn sóng dịch thứ năm hiện nay, phương châm chống dịch dường như đang có sự lúng túng khi vẫn còn khoảng 1 triệu trẻ em chưa được tiêm phòng và 700.000 người lớn chưa chịu đi tiêm giữa lúc dịch bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt. Cái giá phải trả về mặt kinh tế và tâm lý xã hội sẽ là quá lớn nếu áp dụng trở lại các biện pháp phong tỏa. Một số chuyên gia cho rằng lây nhiễm đại trà và tiến tới miễn dịch cộng đồng là viễn cảnh không thể tránh khỏi trước khi làn sóng thứ năm kết thúc. 

Cùng với quyết định nhanh chóng phê duyệt tiêm bổ sung vaccine mũi 4 cho người lớn tuổi và các nhân viên y tế, Thủ tướng Israel Naftali Bennett liên tục kêu gọi người dân nước này nhanh chóng đi tiêm. Trong ngày 3/1 đã có hàng trăm người cao tuổi đến các cơ sở y tế để được tiêm sớm, đồng thời khoảng 50.000 người khác đã đăng ký tiêm trong những ngày tới. Với tỷ lệ tiêm bổ sung mũi 3 khá cao giúp giảm mạnh số ca nặng, Chính phủ Israel đang trông chờ vào mũi 4 như một vũ khí chủ chốt giúp quốc gia Trung Đông này vượt qua dịch COVID-19 một cách nhẹ nhàng nhất có thể.


                                                 Theo Baotintuc

Các tin khác


10 sự kiện, vấn đề quốc tế nổi bật của năm 2021

Mời quý vị cùng điểm lại 10 sự kiện, vấn đề quốc tế nổi bật trong bức tranh thế giới năm 2021 do Đài Truyền hình Việt Nam bình chọn.

COVID-19 tới 6h sáng 31/12: Thế giới có tới 1,7 triệu ca mắc mới; Một loạt nước ghi nhận số ca mắc mới cao kỷ lục

Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận tới 1,7 triệu ca mắc COVID-19 và trên 6.100 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã là trên 286,6 triệu ca, trong đó trên 5,44 triệu ca tử vong.

Đồng euro và hành trình 20 năm mở rộng ảnh hưởng

Cách đây 20 năm, khi châu Âu chuẩn bị đón chào Năm mới 2002, 12 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), với trên 300 triệu dân, đã nói lời tạm biệt các đồng tiền riêng của mỗi nước để cùng sử dụng đồng tiền chung euro.

Kinh tế toàn cầu: Những mảng màu đan xen

(HBĐT) - Làn sóng mới của dịch Covid-19 làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế thế giới, song các dự báo vẫn chỉ ra những tín hiệu khả quan. Theo báo cáo thường niên của Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh (CEBR), sản lượng kinh tế thế giới sẽ lần đầu tiên đạt mốc 100 nghìn tỷ USD vào năm 2022. GDP toàn cầu cũng sẽ cao hơn mức trước đại dịch.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Anh tiếp tục chạm mốc cao kỷ lục

Trong 7 ngày qua đã có 914.723 người xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trên khắp Vương quốc Anh, trong khi nhu cầu xét nghiệm nhanh cũng tăng vọt. .

WHO cảnh báo Omicron và Delta phối hợp gây ra ''cơn sóng thần'' các ca mắc mới COVID-19

Ngày 29/12, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo "một cơn sóng thần" các ca mắc mới COVID-19 đang ập đến khi các biến thể Delta và Omicron của virus SARS-CoV-2 cùng lây lan nhanh chóng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục