Chính phủ New Zealand ngày 23/1 thông báo, nước này sẽ thắt chặt các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập bắt đầu từ 0:00 đêm nay, sau khi phát hiện 9 ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng đều mắc biến thể mới Omicron.


Người mua sắm tại 1 khu bán lẻ ở Auckland, New Zealand sau khi các hạn chế phòng dịch Covid-19 được nới lỏng, ngày 10/11/2021. (Ảnh: REUTERS)
 

Thủ tướng New Zealand Jacinda Adern cho biết, đã có lây nhiễm cộng đồng từ Đảo Bắc đến Đảo Nam của nước này. Theo đó, 9 người trong cùng 1 gia đình đi máy bay trở về thành phố Nelson ở Đảo Nam sau khi dự 1 đám cưới ở Auckland, thành phố đông dân nhất nước ở Đảo Bắc, cùng 1 tiếp viên hàng không đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2.

Trong bối cảnh lo ngại lây nhiễm lan rộng, New Zealand sẽ chuyển sang trạng thái "cảnh báo đỏ” phòng dịch Covid-19, với việc thắt chặt yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang. Các cơ sở phục vụ khách trong nhà như quán bar, nhà hàng và các sự kiện bao gồm đám cưới sẽ giới hạn ở mức 100 người, thậm chí giảm xuống còn 25 người nếu các địa điểm trên không áp dụng kiểm tra chứng nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với việc áp đặt những hạn chế mới nhằm làm chậm đà lây của biến thể Omicron, Thủ tướng Arden cũng thông báo hủy đám cưới của mình với người dẫn chương trình nổi tiếng Clarke Gayford.

Nữ Thủ tướng cũng cho biết thêm, trẻ em từ lớp 4 trở lên sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học khi năm học mới bắt đầu.

New Zealand đã đóng cửa biên giới với khách quốc tế kể từ tháng 3/2020. Chính phủ nước này cũng đã lùi kế hoạch mở cửa trở lại theo từng giai đoạn, dự kiến bắt đầu từ giữa tháng 1 đến cuối tháng 2 năm nay, do lo ngại về khả năng bùng phát dịch bệnh do biến thể Omicron như ở nước láng giềng Australia.

Trong khi đó, Australia ghi nhận 57.522 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ qua, riêng New South Wales, bang đông dân nhất nước đã phát hiện tới 20.148 ca bệnh mới trong ngày. Tuy nhiên, giới chức bang này cho biết, biến thể Omicron sẽ không làm trì hoãn kế hoạch cho học sinh trở lại lớp học khi năm học mới chỉ còn hơn 1 tuần nữa là bắt đầu.

Giới chức y tế New South Wales khuyến cáo các bậc cha mẹ nên tiêm phòng cho trẻ em trước khi đưa trẻ trở lại trường học. Australia cũng đã lên kế hoạch đặt lịch tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 11 tuổi trong 2 tuần tới.

Trong khi đó, giới chức bang Queensland quyết định lùi thời gian khai giảng chậm 2 tuần so với New South Wales để tránh đợt cao điểm bùng phát các ca nhiễm Covid-19. Queensland ghi nhận 15.050 ca mắc mới trong 24 giờ qua. Giới chức y tế bang này cho biết, đỉnh dịch tại đây chậm hơn 2 tuần so với New South Wales, nơi được cho là đã đạt đến đỉnh trong đợt bùng phát do biến thể Omicron.

Trước đó 1 ngày, bang Tây Australia đã hủy kế hoạch mở cửa trở lại, dự kiến vào ngày 5/2, với lý do rủi ro cao do sự gia tăng các ca mắc mới ở nhiều bang miền đông. Ngoại trừ bang này, tất cả các bang và vùng lãnh thổ của Australia đã mở cửa trở lại theo chính sách sống chung với Covid-19, bất chấp số ca bệnh tăng kỷ lục.

New Zealand
Đồ họa: TRUNG HƯNG

Trong khi đó, Omicron vẫn đang bùng phát mạnh mẽ trên thế giới. Báo cáo mới nhất của Viện Pasteur Algeria cho thấy hiện biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã vượt biến thể Delta, trở thành biến thể chính làm số ca mắc mới Covid-19 tăng mạnh mỗi ngày tại Algeria trong làn sóng bùng phát dịch lần thứ tư hiện nay.

Hiện biến thể Omicron chiếm gần 60% tổng số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Algeria và dự kiến sẽ lên đến 90% trong vòng 2 tuần tới. Số ca nhiễm mới ghi nhận hằng ngày tại Algeria đang tăng mạnh, trung bình tăng khoảng 400 ca so với 1 ngày trước đó. Cụ thể, ngày 22/1 Algeria ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất từ trước đến nay, với 2.211 ca cùng 13 ca tử vong.

Trước tình hình số ca nhiễm mới đang gia tăng nhanh chóng hiện nay, Chính phủ Algeria đã tái áp đặt nhiều biện pháp nghiêm ngặt để ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, trong đó có đóng cửa trường học trên phạm vi toàn quốc trong vòng 10 ngày kể từ ngày 20/1, hoãn các chuyến công tác địa phương và hội họp của các thành viên chính phủ, yêu cầu chấp hành nghiêm các biện pháp y tế ngăn ngừa dịch bệnh… Ngoài ra, thủ đô Algiers đóng cửa các khu vui chơi giải trí và phố đi bộ, tăng cường xử phạt vi phạm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Tại Nhật Bản, thủ đô Tokyo ghi nhận số ca mắc mới tăng cao kỷ lục trong ngày thứ 4 liên tiếp, với 11.227 ca trong ngày 22/1. So với trước đó 1 tuần, số ca mắc mới tại thành phố này tăng gần gấp 2,5 lần và cao hơn nhiều so với mức 9.699 ca ghi nhận trước đó 1 ngày. Do tình hình dịch diễn biến phức tạp, chính quyền thành phố Tokyo đã tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại và hoạt động kinh doanh đến ngày 13/2.

Cùng với Tokyo, nhiều khu vực khác tại Nhật Bản đang chật vật đối phó với làn sóng dịch thứ 6. Trong 24 giờ qua, nước này lần đầu tiên vượt ngưỡng 50 nghìn ca mắc mới khi biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng. Tính đến ngày 22/1, tổng số ca mắc Covid-19 tại Nhật Bản đã vượt 2 triệu ca.

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á cũng đang diễn biến phức tạp, với số ca tử vong và số ca mắc mới tăng vọt tại nhiều nước. Ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore thông báo ca mắc Covid-19 đầu tiên tử vong trên nền nhiễm biến thể Omicron. Trường hợp này là một cụ bà 92 tuổi, tử vong vào ngày 20/1 sau 10 ngày nhiễm bệnh. Được biết, cụ bà này chưa tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 và không có tiền sử bệnh tật.

New Zealand

Người dân Singapore xếp hàng chờ tiêm ngừa Covid-19. (Ảnh: REUTERS)

Indonesia cùng ngày ghi nhận 2 trường hợp tử vong do biến thể Omicron, trong đó 1 trường hợp là người nước ngoài và 1 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng. Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Siti Nadia Tarmizi cho biết, cả 2 trường hợp đều được điều trị tại bệnh viện với các triệu chứng nghiêm trọng. Bà Siti yêu cầu người dân nâng cao ý thức phòng dịch như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, tránh tụ tập đông người và hạn chế đi lại trong bối cảnh số ca mắc mới tăng cao trở lại những tuần qua. Tính đến chiều 22/1, Indonesia ghi nhận thêm 1.161 ca nhiễm biến thể Omicron từ khi xuất hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 15/12/2021.

Trong khi đó, điểm nóng châu Âu vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 22/1, Nga ghi nhận kỷ lục 57.212 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, vượt mức cao nhất trước đó là 49.513 ca chỉ mới cách đây 1 ngày. Đến nay, nước này có hơn 10,8 triệu ca mắc Covid-19, trong đó có 318 nghìn ca tử vong, mức cao nhất tại châu Âu.

Số ca mắc mới trên toàn quốc tăng mạnh trong những ngày gần đây do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo nước này có 2 tuần để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh số ca mắc mới, đồng thời kêu gọi tăng cường xét nghiệm và đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.

Bộ Y tế Ba Lan cùng ngày cũng báo cáo kỷ lục 40.876 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Nhà chức trách nước này cảnh báo, đợt dịch mới nhất do biến thể Omicron gây ra có thể đẩy số ca mắc lên mức cao chưa từng thấy, với ước tính mức cao điểm dao động từ 60 nghìn đến 140 nghìn ca nhiễm/ngày.

Ba Lan, với dân số khoảng 38 triệu người, là 1 trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên đầu người cao nhất thế giới và tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn mức trung bình của Liên minh châu Âu. Cho đến nay, Ba Lan đã báo cáo 4.484.095 ca bệnh và 103.819 trường hợp tử vong.

TheoNhanDan


 

Các tin khác


Hơn 200 người thương vong trong cuộc không kích ở miền Bắc Yemen

Sau vụ không kích nhằm vào nhà tù, 1 bệnh viện đã tiếp nhận khoảng 70 người thiệt mạng và 138 người bị thương, trong khi 2 bệnh viện khác tiếp nhận nhiều người bị thương.

Thổ Nhĩ Kỳ nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine

Các nguồn tin ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/1 cho biết cả Nga và Ukraine đều hoan nghênh ý tưởng Ankara đóng vai trò giảm căng thẳng giữa hai nước này, như đề xuất của Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 11/2021.

Bình luận quốc tế Dấu ấn chặng đầu của tổng thống Mỹ thứ 46

Ngày 20/1/2022 đánh dấu tròn một năm Tổng thống Mỹ Joe Biden ngồi "ghế nóng” tại Nhà trắng. Chặng đường đầu tiên ghi dấu ấn nỗ lực của vị tổng thống Mỹ thứ 46 trong việc thực hiện cam kết với cử tri, cũng như trên hành trình "đưa nước Mỹ trở lại”.

Vaccine giúp giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng "COVID kéo dài"

Theo các chuyên gia và nhiều nghiên cứu sơ bộ, dù vẫn có nguy cơ nhiễm bệnh nhưng những người đã tiêm phòng COVID-19 sẽ ít có nguy cơ bị bệnh nặng và xuất hiện các hội chứng "COVID kéo dài" hơn.

Tổng Thư ký LHQ lạc quan trước triển vọng hòa bình ở Ethiopia

Phóng viên TTXVN tại New York đưa tin Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 19/1 đã điện đàm với đại diện cấp cao của Liên minh châu Phi (AU) tại vùng Sừng châu Phi - ông Olusegun Obasanjo để trao đổi quan điểm về cuộc xung đột ở Ethiopia.

“Mùa đông nhân khẩu học” tại châu Âu

Già hóa dân số là vấn đề đáng lo ngại, đặt ra thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của châu Âu. Trong nỗ lực giảm đến mức thấp nhất những hệ lụy do dân số già hóa nhanh chóng, chính phủ các nước đã triển khai nhiều chính sách như thu hút thêm lao động nước ngoài, tăng tuổi nghỉ hưu, khuyến khích tăng tỷ lệ sinh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục