Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Brazil năm 2019.
Theo worldpoliticsreview.com mới đây, trong bối cảnh Nga tăng cường binh lực ở gần biên giới với Ukraine, các quốc gia phương Tây tiếp tục sử dụng một loạt lựa chọn chính sách, trong đó có hỗ trợ ngoại giao và an ninh, nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện ở Đông Âu.
Anh đang cung cấp tên lửa chống tăng tầm ngắn cho Ukraine. Canada cũng triển khai một đơn vị thuộc lực lượng hoạt động đặc biệt, trong khimột phái đoàn gồm các thượng nghị sĩ, Ngoại trưởng Antony Blinken của Mỹ đã gặp Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tuần trước.
Trong khi các nước phương Tây phản ứng gay gắt trước việc 100.000 quân Nga tăng cường ở biên giới với Ukraine, thì Trung Quốc hầu như giữ im lặng.
Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm 16/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian đưa ra điều mà Taylor Fravel, một chuyên gia chính sách đối ngoại về Trung Quốc, mô tả là "salad từ ngoại giao”, tiết lộ rất ít về lập trường của Bắc Kinh.
"Chúng tôi theo đuổi tầm nhìn về an ninh toàn cầu chung, toàn diện, hợp tác và bền vững, ủng hộ việc xử lý cân bằng và công bằng các mối quan ngại về an ninh và các sáng kiến an ninh của các quốc gia liên quan, đồng thời giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn", người phát ngôn trên cho biết.
"Chờ đợi và quan sát"
Phản ứng im lặng của Trung Quốc đối với căng thẳng gia tăng giữa Ukraine và Nga nhấn mạnh cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát” của Bắc Kinh nói chung đối với việc quản lý các cuộc khủng hoảng địa chính trị. Bắc Kinh đã áp dụng một cách tiếp cận tương tự đối với bất ổn gần đây ở Kazakhstan, ưu tiên sự ổn định kinh tế và chính trị ngắn hạn lên trên hết, chỉ kêu gọi lập lại trật tự vài ngày sau khi tình trạng bạo lực leo thang.
Chuyên gia Fravel, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu An ninh tại Viện Công nghệ Massachusetts, cho rằng việc Trung Quốc đang hy vọng "đạt được sự cân bằng trong mối quan hệ với Nga và Mỹ bằng cách không đưa ra một quan điểm công khai rõ ràng có thể gây phản cảm”.
Theo ông Fravel, việc Bắc Kinh từ chối đưa ra những tuyên bố rõ ràng cũng phản ánh việc họ thiếu một khuôn khổ chính sách cụ thể để đối phó với cuộc khủng hoảng, do những lợi ích xung đột. Một mặt, Trung Quốc có thể muốn hỗ trợ Nga, đặc biệt là khi cả hai đang đối mặt với sự cạnh tranh từMỹ. Mặt khác, Bắc Kinh khẳng định tuân thủ chính sách không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác. Hơn nữa, Bắc Kinh có lợi ích kinh tế và chính trị riêng ở Ukraine, quốc gia là đối tác thương mại quan trọng và là nhà cung cấp vũ khí và chuyên môn quân sự lớn cho Trung Quốc.
Temur Umarov, một chuyên gia về Trung Quốc và Trung Á tại Trung tâm Carnegie Moskva, nhận định Bắc Kinh không thể hy sinh lợi ích lâu dài của mình ở Ukraine chỉ vì lợi ích của mối quan hệ nồng ấm hơn với Nga: "Mặc dù hai bên có mối quan hệ đối tác đang phát triển, nhưng mọi người đánh giá quá cao mức độ thống nhất giữa Nga và Trung Quốc, cũng như mức độ hiểu biết giữa hai nước", với lý do Nga từng từ chối ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về các tranh chấp ở Biển Đông như một trường hợp điển hình.
Ông Umarov lưu ý, ngay cả trong trường hợp Nga "tấn công” Ukraine, Trung Quốc cũng khó có thể đóng một vai trò tích cực trong các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu tình hình: "Trung Quốc sẽ không tham gia vào cuộc khủng hoảng. Bắc Kinh không có công cụ để ảnh hưởng đến tình hình và không có bất kỳ lợi ích rõ ràng nào".
Phép thử với Mỹ
Tuy nhiên, Mathieu Duchatel, Giám đốc Chương trình châu Á tại Viện Montaigne ở Paris, cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan sát từ xa một cách thụ động, Bắc Kinh vẫn có thể đạt được lợi ích từ tình hình này.
"Ở mức tối thiểu, cuộc khủng hoảng là một phép thử cho quyết tâm và sức mạnh của Chính quyền Biden. Cách phản ứng của Mỹ sẽ mang lại những câu trả lời quan trọng khi Bắc Kinh theo đuổi các mục tiêu của riêng mình nhằm thay đổi hiện trạng ở Đông Á”, ông Duchatel nói, lưu ý thêm rằng, ít nhất căng thẳng với Nga sẽ chuyển sự chú ý của Washington khỏi khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Theo ông Duchatel, mặc dù Trung Quốc đã không công khai tán thành danh sách các yêu cầu của Nga nhằm làm giảm leo thang căng thẳng, như việc hủy bỏ vĩnh viễn đề nghị gia nhập NATO năm 2008 đối với Ukraine và việc rút quân đội và tên lửa của NATO khỏi Đông Âu, việc không đưa ra phản đối mạnh mẽ có thể được hiểu ngầm là ủng hộ.Ông Duchatel nói thêm: "Nhìn chung, các hành động của Nga phù hợp với các kế hoạch của Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân quyền lực, đồng thời đảo lộn trật tự an ninh quốc tế do Mỹ dẫn đầu”.
Chuyên gia người Italy về Trung Quốc Francesco Sisci cũng bình luận trên tờ Settimana News (Italy) ngày 22/1 rằng, nếu Mỹ thể hiện sự yếu kém trong căng thẳng Nga-Ukraine, Bắc Kinh có thể nhận được thông điệp rằng Mỹ không sẵn sàng vạch ra ranh giới với Nga và thậm chí có thể không với Trung Quốc. Mặt khác, nếu Mỹ hoặc phương Tây sa lầy vào cuộc xung đột ở Ukraine, thì Bắc Kinh có thể cho rằng Washington đang bị phân tâm khỏi mặt trận châu Á.
Tương tự, Michael Schuman, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc toàn cầu của Hội đồng Đại Tây Dương, lập luận rằng kết quả của việc giải quyết bế tắc liên quan đến Ukraine có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với an ninh và ổn định ở các khu vực khác. Đặc biệt, Bắc Kinh có thể sẽ coi căng thẳng giữa Ukraine và Nga là cơ hội để đánh giá mức độ phản ứng của Washington, điều chỉnh các tính toán chính trị của riêng họ liên quan đến Đài Loan cho phù hợp.
Tuy nhiên, cả chuyên gia Fravel và Umarov đều thận trọng về sự tương đồng giữa Ukraine và Đài Loan, do sự khác biệt về bối cảnh lịch sử, hoàn cảnh địa chính trị và mức độ cam kết an ninh của Washington đối với cả hai.