Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,1 triệu ca nhiễm mới và 7.619 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Nga lập kỷ lục, trong khi Mỹ, Ấn Độ, Brazil lại dẫn đầu về ca tử vong mới.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện ở Tokyo, Nhật Bản ngày 1/2/2022. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 393.448.990 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.751.075 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.133.623 và 7.619 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 312.276.359 người, 75.421.556 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 91.487 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 214.542 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 177.282 ca; tiếp theo là Đức (166.620 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 907 người chết trong ngày; tiếp theo là Ấn Độ (865 ca) và Brazil (733 ca). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 77.600.797 người, trong đó có 925.511 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.184.623 ca nhiễm, bao gồm 502.008 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 26.473.273 ca bệnh và 631.802 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Brazil đang tăng mạnh khi nước này trên đường trở lại là một điểm nóng lây nhiễm ở Mỹ Latinh.   

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 134,5 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 103,6 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 90,9 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 50,29 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,17 triệu ca và châu Đại Dương trên 2,9 triệu ca nhiễm.


 Người dân xếp hàng chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 4/2/2022. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, 50 nghị sĩ Iran mắc COVID-19

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 5/2 cho biết ông đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 song không gặp các triệu chứng nghiêm trọng. Ông Erdogan cho biết: "Sau khi có các triệu chứng nhẹ, vợ tôi và tôi đã có kết quả dương tính với COVID-19. Rất may, chúng tôi bị nhẹ, chúng tôi biết bị nhiễm biến thể Omicron".

Cùng ngày, nghị sĩ Iran Alireza Salimi cho biết khoảng 50 thành viên Quốc hội nước này đã mắc COVID-19 trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng khắp đất nước Iran.

Phát biểu với hãng tin YJC, nghị sĩ Salimi cho biết phiên họp Quốc hội tuần này sẽ được tổ chức theo các quy định về y tế.


Các nghị sĩ Iran tham dự phiên họp Quốc hội ở Tehran ngày 21/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Quốc hội Iran từng dừng hoạt động trong 2 tuần vào tháng 4 năm ngoái do nhiều nghị sĩ bị mắc COVID-19. Trong những ngày đầu bùng phát đại dịch, một số nghị sĩ nước này đã tử vong do dịch bệnh này.

Iran đã chứng kiến sự gia tăng số ca mắc COVID-19 sau một thời gian ngắn lắng dịu sau đợt tiêm chủng quy mô lớn. Trong những ngày gần đây, Iran đã phát hiện trung bình hơn 30.000 ca mới mỗi ngày. Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Iran ngày 5/2, số ca mắc mới trong 24 giờ qua ở nước này là 23.130 ca.

Nga: Ca mắc COVID-19 lại lập kỷ lục mới

Giới chức y tế Nga ngày 5/2 cho biết số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đã tăng lên mức kỷ lục mới do biến thể  Omicron tiếp tục lây lan. Cụ thể, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 177.282 ca COVID-19 so với 168.201 ca trong ngày trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 trong một ngày qua ở Nga là 714 ca.


Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Kommunarka, Nga, ngày 29/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do sự lây lan mạnh mẽ của biến thể Omicron. Các chuyên gia nhận định làn sóng dịch mới nhất của Nga có thể đạt đỉnh trong tháng 2 này và thực tế số ca bệnh có thể cao hơn thống kê, vì biến thể Omicron chỉ gây ra triệu chứng nhẹ ở những người đã tiêm vaccine hoặc từng mắc COVID-19 trước đó, nên nhiều người chủ quan không đi xét nghiệm.

Nga là nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine ngừa COVID-19 và hiện sử dụng 4 loại vaccine. Tuy nhiên, mới chỉ gần một nửa dân số tiêm đủ 2 mũi cơ bản. Tuần trước, nhà sản xuất vaccine Sputnik V khẳng định vaccine này có thể bảo vệ mạnh mẽ trước biến thể Omicron. 


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại thành phố Nablus, Bờ Tây ngày 30/1/2022. Ảnh: YONHAP/TTXVN

Biến thể Omicron có thể bắt nguồn từ chuột

Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học Trung Quốc đăng tải trên tạp chí Biosafety and Biosecurity, có bằng chứng chắc chắn rằng biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã lây truyền từ người sang chuột và quá trình này tiếp tục đảo ngược sau khi xuất hiện nhiều đột biến.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Khai ở Thiên Tân cùng Viện Kiểm soát và Phòng ngừa Bệnh truyền nhiễm quốc gia Trung Quốc đã so sánh tất cả các biến thể đáng lo ngại (VOC) cũng như các biến thể đáng quan tâm theo tiêu chí xác định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Qua đó, họ nhận thấy biến thể Omicron chứa các đột biến hiếm khi được tìm thấy trong các mẫu bệnh phẩm lâm sàng của bệnh nhân trước đây và trong bất kỳ nhánh tiến hóa trung gian nào của các biến thể khác.

Tuy nhiên, 5 đột biến của Omicron giống một đột biến được tìm thấy trong mẫu bệnh phẩm từ phổi của chuột. Do đó, nhóm nghiên cứu thiên về giả thuyết nhiều khả năng virus SARS-CoV-2 đã lây từ người sang chuột. Những đột biến của virus trong cơ thể chuột tạo ra Omicron và chuột lại lây ngược virus cho con người. 


Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức ngày 28/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Mỹ cân nhắc tăng thời gian chờ giữa hai mũi vaccine

Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) đang cân nhắc kéo dài thời gian chờ giữa hai mũi tiêm vaccine lên 8 tuần nhằm giảm nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim và cải thiện hiệu quả của các loại vaccine đang được sử dụng rộng rãi tại Mỹ. Tại Mỹ, thời gian khuyến nghị hiện nay giữa mũi tiêm thứ nhất bằng vaccine của Pfizer là 3 tuần và bằng vaccine của hãng Moderna là 4 tuần.

Tiến sĩ Sara Oliver, một quan chức CDC, cho biết việc kéo dài thời gian giữa hai mũi tiêm dường như sẽ giảm nguy cơ đối với một số hiếm ca viêm cơ tim, và tỷ lệ viêm cơ tim sau tiêm sẽ được giảm xuống mức thấp nhất nếu mũi vaccine thứ hai được tiêm sau mũi một 8 tuần.

Viêm cơ tim là phản ứng phụ hiếm gặp với vaccine theo công nghệ mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna. Hiện tượng này chủ yếu xuất hiện ở nam giới trẻ tuổi. Bác sĩ Oliver cũng cho biết việc tăng thời gian chờ giữa hai mũi tiêm cũng sẽ giúp tăng hiệu quả của vaccine.


Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Tuy nhiên, bà Oliver cho biết nếu CDC thay đổi khuyến nghị về việc này, vẫn có một số đối tượng cần rút ngắn thời gian giữa hai mũi tiêm, nhất là các nhóm mà lợi ích của việc bảo vệ trước COVID-19 cao hơn nguy cơ mắc chứng viêm cơ tim.

Việc CDC cân nhắc khuyến nghị trên diễn ra sau khi hơn 212 triệu người Mỹ đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản. Tuy nhiên, bà Olivier cho biết hiện vẫn còn khoảng 33 người chưa tiêm, ở độ tuổi từ 12-39 tuổi, chính là độ tuổi có nguy cơ cao mắc chứng viêm cơ tim sau tiêm.

Áo ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine

Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã ký ban hành luật bắt buộc tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với người trưởng thành, qua đó đưa nước này trở thành quốc gia đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) áp dụng quy định nghiêm khắc này.


Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức, ngày 19/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Luật áp dụng với tất cả người lớn, trừ phụ nữ mang thai và những người được miễn trừ vì lý do y tế. Sau giai đoạn "giới thiệu” luật, những người không tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể bị phạt đến 3.600 euro (4.100 USD) vào giữa tháng 3 tới.

Hiện mới chỉ có một số ít nước áp dụng quy định bắt buộc tiêm vaccine COVID-19, trong đó có Ecuador, Tajikistan, Turkmenistan, Indonesia và Micronesia.

Canada tìm cách tiếp cận "bền vững" hơn để đối phó COVID-19 

Người đứng đầu Cơ quan Y tế Công cộng Canada (PHAC), Tiến sĩ Theresa Tam ngày 4/2 nhấn mạnh Canada cần phải tìm cách tiếp cận "bền vững" hơn để đối phó với đại dịch COVID-19 và các biến thể trong tương lai của virus SARS-CoV-2. 

Theo bà Theresa Tam, tất cả các chính sách y tế công cộng hiện hành, bao gồm cả hộ chiếu vaccine của các tỉnh bang, cần được "xem xét lại" trong những tuần tới vì rõ ràng Canada và các nước trên thế giới sẽ phải vật lộn với loại virus này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm tới.

Hiện hệ thống chăm sóc y tế của Canada vẫn đang trong tình trạng căng thẳng. Vẫn có hơn 10.000 người đang được điều trị tại các bệnh viện, với 1.100 ca tại các đơn vị điều trị tích cực (ICU). Canada đang phải chứng kiến khoảng 140 người tử vong mỗi ngày vì COVID-19.


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Singapore: Ca mắc mới lần đầu vượt 10.000 ca/ngày

Số ca mắc mới COVID-19 tại Singapore tăng vọt sau Tết Nguyên Đán, lần đầu tiên vượt trên 10.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, với số người nhập viện điều trị cũng như số ca tử vong gia tăng.

Số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết trong ngày 4/2, Singapore ghi nhận 13.046 ca mắc mới, tăng hơn gấp 3 so với một ngày trước đó (4.087 ca), nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên thành 379.681 ca. Đa số ca bệnh mới là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng và chỉ có 162 ca là các trường hợp nhập cảnh. Cùng ngày, với thêm 6 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Singapore đã tăng lên thành 866 ca.


Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nỗ lực nhằm ngăn chặn dịch bệnh, ngày 3/2, Bộ Y tế Singapore cho biết Cơ quan Khoa học Y tế (HSA) đã phê chuẩn sử dụng thuốc kháng virus Paxlovid của hãng dược phẩm Mỹ Pfizer để điều trị bệnh nhân COVID-19. Lô thuốc đầu tiên dự kiến sẽ được chuyển tới Singapore trong tháng 2 này. Dữ liệu tới nay cho thấy thuốc Paxlovid có tác dụng giảm nguy cơ nhập viện hoặc nguy cơ tử vong lên tới 88,9% nếu được sử dụng trong vòng 3 ngày kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng.

Đây là loại thuốc uống đầu tiên được phê chuẩn sử dụng tại Singapore để điều trị cho các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ đến trung bình nhưng có nguy cơ cao chuyển nặng nhằm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Hiện tại, HSA cũng đang đánh giá về loại thuốc uống kháng virus khác là Molnupiravir do hãng được phẩm MeRck&Co. của Mỹ phát triển. Singapore đã ký hợp đồng với hãng này từ tháng 10/2021.


Người dân Singapore đeo khẩu trang đi mua sắm ngày cuối tuần tại chợ hoa. Ảnh: Lê Dương-P/v TTXVN tại Singapore

Malaysia: Ca mắc tăng cao nhất trong 4 tháng qua

Ngày 5/2, Malaysia thông báo đã ghi nhận 9.117 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ đầu tháng 10/2021, đưa tổng số ca mắc ở nước này tới nay lên hơn 2,9 triệu ca.

Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca mắc mới COVID-19 ở nước này liên tục tăng, từ mức 4.774 ca ngày 31/1 lên 5.566 ca trong ngày 1/2, tới ngày 4/2 là 7.234 ca và ngày 5/2 tăng lên 9.117 ca. Lần gần nhất Malaysia ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới trong ngày trên 9.000 ca là vào các ngày 6, 7 và 8/10/2021. Như vậy, tính tới nay, Malaysia đã có 2.904.131 ca mắc COVID-19.

Tuy nhiên, do có gần 79% dân số đã hoàn thành tiêm các mũi vaccine cơ bản và 52% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm mũi tăng cường, nên đa số trường hợp mắc COVID-19 tại Malaysia hiện nay là nhẹ. Bộ Y tế  Malaysia cho biết mối quan tâm hàng đầu hiện nay là mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mắc COVID-19, chứ không phải là số ca nhiễm hằng ngày. Ông Noor Hisham - quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia cho biết dù số ca mắc mới COVID-19 ở nước này tăng mạnh, song phần lớn ở mức 1 và mức 2, chỉ có khoảng 1% là ở mức nặng hơn. Điều này cho thấy vaccine có tác dụng tích cực trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng, giúp giảm tải cho hệ thống y tế. 


Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 31/5/2021. Ảnh: AFP/ TTXVN

Indonesia: Liên tiếp đứng đầu khối do làn sóng Omicron

Indonesia dẫn đầu khu vực về ca nhiễm mới với 33.729 ca và 44 ca tử vong. Số ca nhiễm tại nước này đã tăng rất mạnh trong những ngày gần đây, sau một thời gian đã được kiểm soát về mức 3 con số. 

Hôm 4/2, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã kêu gọi người dân nên bình tĩnh đối mặt với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 và tuân thủ các quy định phòng dịch cũng như đi tiêm chủng. Theo Tổng thống Jokowi, biến thể Omicron có tốc độ truyền cao, nhưng có tỷ lệ tử vong thấp hơn so với biến thể Delta. Thực tế là ở nhiều nước, tỷ lệ nhập viện vì Omicron tương đối thấp và ở Indonesia cũng vậy. Tổng thống Jokowi cho rằng những người bị nhiễm biến thể Omicron có thể được chữa khỏi tại nhà mà không cần đến bệnh viện. Theo ông, bệnh nhân chỉ cần tự cách ly tại nhà, uống thuốc và vitamin tổng hợp và xét nghiệm lại sau 5 ngày.


Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Bogor, Tây Java, Indonesia. Ảnh: THX/TTXVN

Hôm 3/2, Bali - hòn đảo nghỉ dưỡng nổi tiếng của Indonesia – đã đón chuyến bay thẳng đầu tiên chở khách du lịch quốc tế sau hai năm đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trước đó, Bộ Y tế Indonesia đã quyết định triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi thứ ba) bằng một nửa liều với vaccine Pfizer và Moderna Gunadi Sadikin cho biết nước này chỉ sử dụng một nửa liều vaccine khác loại để tiêm tăng cường ngừa COVID-19 nhằm đảm bảo an toàn cho người nhận và tạo thuận lợi cho các nhân viên tiêm chủng. Bộ này cho biết, cách tiêm trộn vaccine đã được nghiên cứu tại các quốc gia khác. Theo đó, kháng thể được hình thành từ việc tiêm trộn sẽ phong phú hơn loại được hình thành từ việc tiêm cùng loại vaccine.

Philippines: Ca nhiễm có xu hướng giảm

Do sự xuất hiện và lây lan nhanh của biến thể Omicron, ca nhiễm tại Philippines có lúc đã tăng đột biến lên trên 30.000 ca/ngày, nhưng sau đó đang có chiều hướng đi xuống. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh, xuống mức 7.234 nhiễm và 1 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã ghi nhận 3.601.471 ca mắc COVID-19, trong đó có 54.214 ca tử vong. 


Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Quezon, Philippines, ngày 17/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn làn sóng dịch bệnh COVID-19 thứ 4 trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tiếp lập đỉnh trong tháng này do người dân di chuyển nhiều, ý thức tuân thủ các biện pháp phòng dịch kém và các biến thể Omicron và Delta lây lan nhanh.  Theo Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire, số ca mắc COVID-19 và số ca nhập viện ở vùng thủ đô Manila (Metro Manila) đang giảm xuống. Hiện khu vực này đang được xếp loại ở mức rủi ro trung bình. Philippines đã trải qua 4 làn sóng lây nhiễm của đại dịch COVID- 19 kể từ khi đại dịch này bùng phát hồi năm 2020. 

Philippines đã mở cửa lại biên giới từ tháng 2, cho phép du khách tiêm chủng đầy đủ từ ít nhất 150 quốc gia, nhập cảnh mà không cần cách ly tại khách sạn hoặc cơ sở của chính phủ. Thứ trưởng Y tế Philippines Maria Rosario Vergeire cho biết biến thể Omicron có tỷ lệ lây nhiễm ở Philippines "thậm chí có thể cao hơn ở các quốc gia mà Manila đang hạn chế đi lại". 


Một cửa hàng bán đồ trang trí Tết tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Thái Lan cấp phép tiêm vaccine của Sinovac và Sinopharm cho trẻ từ 6 tuổi 

Ngày 4/2, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Thái Lan (FDA) thông báo đã phê chuẩn tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hai hãng sản xuất dược phẩm Trung Quốc Sinovac và Sinopharm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên. 

Thông báo này được đưa ra trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng nhằm tăng cường "lá chắn" phòng chống COVID-19. 

Trước đó, FDA Thái Lan chỉ mới cấp phép tiêm vaccine của các hãng trên cho người dân từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, vào tháng 12/202, cơ quan này cũng đã "bật đèn xanh" cho phép tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 5-11 tuổi.  

 
Hành khách tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 1/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Về tình hình dịch bệnh cùng ngày, Trung tâm xử lý tình hình dịch bệnh COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan (CCSA) cho biết, nước này ghi nhận 10.490 ca mắc mới và 21 ca tử vong trong 24 giờ qua. Đây là số ca mắc mới theo ngày cao nhất trong hơn 3 tháng qua, nâng tổng số ca mắc trên toàn quốc lên hơn 2,47 triệu ca. Theo CCSA, tính đến ngày 3/2, đã có 70,1% dân số Thái Lan đã được tiêm đầy đủ các mũi cơ bản vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 21,4 % đã được tiêm mũi tăng cường.

Theo Báo Tin tức

Các tin khác


Số ca tử vong hàng ngày do Omicron tại Mỹ vượt quá mốc đỉnh điểm của Delta

Tuần trước, tỷ lệ tử vong hàng ngày trung bình trong 7 ngày ở Mỹ, hầu hết là do biến thể Omicron, đã vượt qua con số cao nhất vào thời kỳ bùng phát đỉnh điểm của Delta.

Hong Kong sẽ xét nghiệm nhanh cho toàn bộ cư dân

Quan chức đứng đầu chính quyền khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga ngày 4/2 cho biết sẽ sớm tiến hành xét nghiệm nhanh kháng nguyên cho toàn bộ 7,5 triệu cư dân của đặc khu, trong nỗ lực tăng cường nhằm kiểm soát đợt bùng phát mới.

Biến thể Omicron xuất hiện ở 57 quốc gia

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo phiên bản mới của biến thể Omicron (BA.2), còn gọi là Omicron "tàng hình" đã xuất hiện tại 57 quốc gia trên thế giới, có khả năng lây nhiễm cao hơn so với Omicron phiên bản gốc (BA.1).

Canada bỏ kế hoạch đánh thuế người chưa tiêm vaccine COVID-19

Thủ hiến Quebec (Canada) cho biết kế hoạch đánh thuế người chưa tiêm vaccine COVID-19 gây tranh cãi và sẽ chỉ làm chia rẽ người dân Canada thêm.

Số ca mắc COVID-19 toàn thế giới gần chạm mốc 380 triệu

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 ngày 1/2 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận tổng cộng 379.662.516 ca mắc COVID-19, trong đó có 5.694.066 ca tử vong. Trên 299 triệu bệnh nhân COVID-19 đã khỏi bệnh trong khi vẫn còn trên 74,4 triệu bệnh nhân đang điều trị.

Trung Quốc chú trọng phòng chống dịch COVID-19 trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán

Theo Tân Hoa xã, nhà chức trách du lịch Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm kỳ nghỉ Tết Nguyên đán an toàn trong bối cảnh dịch COVID-19.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục