Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 1,5 triệu ca mắc COVID-19 và 7.500 ca tử vong, tăng mạnh so với ngày trước đó. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 427,8 triệu ca, trong đó trên 5,92 triệu ca tử vong.
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Yokohama, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/2 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 427.833.187 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.891.244 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 1.539.709 và 7.500 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 355.380.988 người, 66.529.655 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.708 ca nguy kịch.
Trong 24 giờ qua, Đức dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 158.507 ca nhiễm mới; Nga đứng thứ hai với 135.172 ca; tiếp theo là Brazil (100.736 ca). Nga đứng đầu về số ca tử vong mới, với 796 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (765 ca) và Brazil (725 ca).
Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 80.202.466 người, trong đó có 962.241 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 42.865.431 ca nhiễm, bao gồm 512.652 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 28.351.327 ca bệnh và 645.420 ca tử vong.
Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 152 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với trên 113 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 93,96 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 53 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 11,42 triệu ca và châu Đại Dương gần 3,23 triệu ca nhiễm.
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 18/2/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Rất ít bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron bị triệu chứng hậu COVID-19
Theo nghiên cứu đăng trên trang newindianexpress.com, sự kết hợp giữa tiêm phòng COVID-19 và triệu chứng nhẹ ở những người nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã dẫn đến có rất ít bệnh nhân bị các triệu chứng hậu COVID-19 trong làn sóng dịch bệnh mới nhất tại Ấn Độ.
Kể cả những người có triệu chứng thì các biểu hiện này cũng ít nghiêm trọng hơn so với hai làn sóng đầu tiên của đại dịch. Các triệu chứng hậu COVID-19 được ghi nhận trong làn sóng dịch bệnh thứ ba tại Ấn Độ bao gồm ho, khó thở nhẹ, mệt mỏi, đau họng, đau cơ, đau đầu, rụng tóc…Kết luận này đã được các bác sĩ đưa ra sau thời gian dài theo dõi các bệnh nhân tại Ấn Độ.
Bác sĩ Brunda MS của Khoa nội thuộc Bệnh viện Aster CMI cho biết làn sóng thứ ba của COVID-19 chủ yếu ảnh hưởng đến hệ hô hấp trên, dẫn đến ho khan và đau họng, có thể kéo dài sau khi nhiễm virus. Tuy nhiên, các triệu chứng hậu COVID-19 do biến thể Omicron gây ra dường như không làm gia tăng hay khiến các dấu hiệu viêm nặng hơn trong quá trình mắc bệnh.
Tương tự, bác sĩ Ravindra Mehta của Bệnh viện Apollo Speciality cho hay biến thể Omicron chỉ xâm nhập vào họng và hô hấp trên, nên không di chuyển xuống dưới và gây viêm phổi. Biến thể này cũng không đi vào máu và gây ra những biến chứng phức tạp như những biến thể trước đó. Theo ông, có rất ít người báo với bệnh viện về các triệu chứng hậu COVID-19 nghiêm trọng. Triệu chứng ho dường như kéo dài lâu hơn một chút so với các triệu chứng khác. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân không phải nhập viện vì những triệu chứng này.
Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng kể cả những trường hợp mắc COVID-19 nhẹ cũng có thể dẫn đến các triệu chứng kéo dài và việc chăm sóc bệnh nhân sau khi phục hồi không nên bị coi nhẹ.
Cuba: Chiến lược tiêm chủng cho trẻ em giúp ứng phó tốt hơn với đại dịch
Ngày 21/2, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel đánh giá cao chiến lược tiêm chủng đại trà cho trẻ em tại đảo quốc này, đồng thời chia sẻ thông tin từ Viện vaccine Finlay trong đó nhấn mạnh Cuba là nước duy nhất trên thế giới có khả năng đối mặt với biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 với toàn bộ trẻ em đã được chủng ngừa đầy đủ.
Viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Cuba tôn vinh những cán bộ y tế và khoa học của đất nước, những người cùng nhau "viết nên lịch sử”. Các nhà khoa học Cuba mới đây đã tái khẳng định hiệu quả của việc tiêm chủng ngừa COVID-19 cho trẻ em và thanh thiếu niên. Cơ quan quản lý Cuba bật đèn xanh cho việc sử dụng vaccine Soberana 02 và Soberana Plus cho trẻ em từ 2 đến 18 tuổi từ tháng 9/2021. Quyết định này đã đưa quốc gia Caribe trở thành nước đầu tiên trên thế giới bảo vệ nhóm dân số vị thành niên trước dịch COVID-19, tiếp theo là Nicaragua và Venezuela.
Cũng liên quan đến các vaccine ngừa COVID-19 do Cuba tự nghiên cứu và sản xuất, kết quả thử nghiệm lâm sàng do viện Meñique thực hiện với vaccine Abdala gần đây đã xác nhận rằng chế phẩm này tạo ra hiệu giá kháng thể IgG chống RBD cao và có hoạt tính trung hòa chống lại virus SARS-CoV-2, nguyên nhân gây ra COVID-19. Các thử nghiệm chứng minh hiệu giá kháng thể ở trẻ em từ 3-11 tuổi gia tăng 99,15%, trong khi ở nhóm 12-18 tuổi, tỷ lệ này đạt 92,28%.
Theo Bộ Y tế Cuba (MINSAP), gần 10 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng đầy đủ ngừa COVID-19, trong khi khoảng 6 triệu người đã được tiêm liều liều thứ 4. Số liệu của Văn phòng Thống kê và Thông tin Quốc gia Cuba cho thấy dân số của đảo quốc này tính đến cuối năm 2020 vào khoảng 11,18 triệu người.
Thái Lan nâng mức cảnh báo dịch trên toàn quốc; Số trẻ mắc COVID-19 gia tăng
Bộ Y tế Thái Lan đã nâng cảnh báo COVID-19 lên cấp độ 4, ngay sát mức cao nhất, sau khi có sự gia tăng mạnh các ca mắc biến thể Omicron trên toàn quốc.
Động thái này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới, ca nặng và các trường hợp tử vong tiếp tục gia tăng, trong khi nguy cơ lây nhiễm ngày càng tăng giữa các thành viên trong gia đình và những người thân quen do tham gia các hoạt động tập thể như đi ăn, chơi thể thao, dự đám cưới và viếng đám tang. Ông Rungrueng cho biết các cá nhân thuộc những nhóm có nguy cơ - bao gồm người cao tuổi, những người có bệnh nền và những người chưa được tiêm phòng - vẫn chiếm phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19.
Trong khi đó, Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) cho biết sẽ không áp đặt lại phong tỏa để chấm dứt đợt bùng phát hiện tại. Người phát ngôn CCSA Apisamai Srirangson ngày 21/2 cho biết cơ quan này sẽ tập trung theo dõi số lượng các trường hợp tử vong và các trường hợp nghiêm trọng, thay vì sự gia tăng số ca mắc mới. Theo bà Apisamai trong khi CCSA có thể không tái áp đặt phong tỏa, Thái Lan vẫn chưa thể nới lỏng kiểm soát dịch COVID-19 theo cách các nước khác đã làm mà cần có cách tiếp cận riêng. Người phát ngôn CCSA cũng bác bỏ những thông tin về việc đình chỉ chương trình "Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường), cho biết hệ thống y tế công cộng vẫn được trang bị đầy đủ để xử lý những người nước ngoài có kết quả xét nghiệm dương tính.
Sáng 22/2, Thái Lan thông báo ghi nhận thêm 18.363 ca mắc COVID-19 cùng 35 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.749.561 ca (gồm 526.126 ca trong năm nay), trong đó có 22.691 ca tử vong (có 993 trường hợp trong năm nay).
Theo Viện Sức khỏe trẻ em quốc gia Hoàng hậu Sirikit (QSNICH) của Thái Lan, số trẻ em mắc COVID-19 phải nhập viện này đang ngày một gia tăng, buộc bệnh viện phải khuyến nghị cách ly tại nhà đối với những trẻ có biểu hiện triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng
.
Giới chuyên gia Thái Lan cho biết mặc dù lây lan nhanh, song biến thể Omicron dễ điều trị với các triệu chứng giống cúm kéo dài trong khoảng 5 ngày. Hầu hết trẻ em bình phục hoàn toàn trong vòng từ 10 đến 14 ngày, nếu được điều trị và chăm sóc đúng cách. Trẻ có biểu hiện triệu chứng sẽ được dùng thuốc favipiravir.
Lào ghi nhận số ca mắc mới thấp nhất trong nhiều tháng
Bộ Y tế Lào ngày 22/2 cho biết trong 24 giờ qua nước này ghi nhận 140 ca mắc mới COVID-19. Đây là số ca mắc mới thấp nhất mà Lào ghi nhận trong nhiều tháng qua.
Theo Bộ Y tế Lào, tính tới nay, nước này đã ghi nhận tổng cộng 141.441 ca mắc COVID-19 và 613 ca tử vong do dịch bệnh này. Mặc dù số ca mắc mới giảm xuống mức thấp, giới chức y tế Lào vẫn tỏ ra thận trọng và kêu gọi người dân tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho đến khi đại dịch được kiểm soát tốt hơn nữa.
Trung tâm Xét nghiệm và Dịch tễ học Quốc gia Lào cho biết để giảm thiểu số ca nhiễm mới do các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây ra, người dân vẫn cần đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn thường xuyên, đồng thời duy trì biện pháp giãn cách phù hợp ở nơi công cộng.
Hong Kong phát hiện virus trên bao bì thịt lợn, thịt bò nhập khẩu
Nhà chức trách Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 22/2 thông báo đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì nhập khẩu thịt bò đông lạnh từ Brazil và bì lợn đông lạnh từ Ba Lan, đồng thời cam kết sẽ tăng cường kiểm tra thực phẩm nhập khẩu vào đặc khu này.
Vụ việc trên được phát hiện trong bối cảnh Hong Kong đang áp dụng chiến lược "Zero COVID linh hoạt" - tương tự như chính sách đang được áp dụng ở Trung Quốc đại lục, nhằm mục đích xóa sổ dịch bệnh này bằng mọi giá. Số ca mắc COVID-19 ghi nhận theo ngày tại Hong Kong đã tăng mạnh kể từ đầu năm nay, đạt mức kỷ lục 7.533 ca trong ngày 21/2, gia tăng sức ép đối với ngành y tế và kiểm dịch của đặc khu này.
Hong Kong đã giám sát nguy cơ tiềm ẩn virus SARS-CoV-2 trong thực phẩm đông lạnh nhập khẩu từ giữa năm 2020. Đặc khu này đã từng hai lần phát hiện các mẫu phẩm dương tính với virus SARS-CoV-2 hồi tháng 8 và 11/2021, lần lượt trên các bao bì đựng cá chim và mực nang.
Các nhà khoa học cho biết COVID-19 chủ yếu lây truyền qua các giọt bắn hô hấp và không thể sinh sôi trong thực phẩm hoặc bao bì thực phẩm, do đó không có khả năng lây truyền sang người khi họ tiêu thụ thực phẩm. Tuy nhiên, họ vẫn khuyến cáo người dân nên có khu vực riêng để xử lý thức ăn sống, đồng thời tuân thủ các quy tắc vệ sinh khi chế biến và nấu chín thức ăn một cách kỹ càng.
Theo Baotintuc.vn
Chính phủ Thái Lan đang lên kế hoạch mở cửa trở lại biên giới với Malaysia vào tháng tới nhằm đẩy nhanh tốc độ phục hồi ngành du lịch và kinh tế ở các tỉnh vùng cực nam nước này.
Theo trang thống kê worldometers.info, trong 7 ngày qua, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn cầu là trên 15,45 triệu, giảm 20% so với tuần trước đó, trong khi số ca tử vong vì Covid-19 cũng trên đà giảm, với 70.853 ca (giảm 4%).
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã yêu cầu hoãn tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược Pfizer/BionTech cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã thông qua đề xuất hỗ trợ tới 3,55 triệu liều vaccine AstraZeneca cho 6 quốc gia là Myanmar, Lào, Việt Nam, Nepal, Kenya và Ethiopia.
Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,2 triệu ca nhiễm mới và 9.594 ca tử vong. Tổng ca tử vong cho đến nay đã vượt 5,8 triệu.
Trong chuyến công du đến Australia và Fiji, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thảo luận với các đối tác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy hòa bình, khả năng phục hồi và thịnh vượng trong khu vực.