Binh sĩ Nga tập luyện ở khu vực gần biên giới với Ukraine.
Trang Asiatimes nhận định cuộc gọi video ba bên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo châu Âu – Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz - đã làm dấy lên triển vọng về một sáng kiến ngoại giao ấn tượng: Trung Quốc có thể làm trung gian cho cuộc khủng hoảng Ukraine, giành lấy vị thế một bên kiến tạo hòa bình.
Trong thập kỷ qua, tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông và các cuộc giao tranh ở biên giới với Ấn Độ đã khiến nước này bị nghi ngờ về mặt ngoại giao hoà bình. Nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine đang mở ra cơ hội cho một cuộc cách mạng ngoại giao có thể đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia tạo lập hoà bình.
Những phản ứng thái quá của các bênđã khiến thế giới rơi vào khoảng trống ngoại giao. Với việctìm cách mở rộng NATO đến sát biên giới Nga, Washington đã chứng minhrằng mục tiêu của họ là bao vây chiến lược đối với Nga. Pháp và Đức, những người ủng hộ Thoả thuận Minsk, lại không giữ vững các nguyên tắc của họ trước sự phản đối của Mỹ.
Điều đó mở ra cơ hội cho Trung Quốc làm trung gian hòa giải, vì nước này không liên quan đến những sai lầm dẫn đến khủng hoảng Ukraine, lại có quan hệ tốt với các bên cũng như đối thoại hiệu quả với châu Âu. Bên bị loại, tất nhiên, sẽ là Mỹ.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba trong cuộc điện đàm ngày 1/3 đã yêu cầu người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị làm trung gian hòa giải cuộc khủng hoảng, tuyên bố rằng "Trung Quốc đã đóng một vai trò mang tính xây dựng trong vấn đề này và Ukraine sẵn sàng đẩy mạnh liên lạc với phía Trung Quốc. Ông ấy [Ngoại trưởng Vương Nghị]mong đợi các nỗ lực hòa giải của Trung Quốc cholệnh ngừng bắn”.
Là đối tác chiến lược của Nga vàđối tác thương mại quan trọng của Ukraine, Trung Quốc là cường quốc thế giới duy nhất có mối quan hệ chặt chẽ với cả hai bên xung đột.
Trong khi đó, hoạt động ngoại giao của Mỹ đang lùi lại. Washington tiến hành một loạt lệnh trừng phạt nhằm phá vỡ nền kinh tế Nga, đặc biệt là đóng băng hơn một nửa trong tổng số dự trữ nước ngoài 630 tỉ USD của Nga, cùngvới việc cung cấp vũ khí công nghệ cao cho Lực lượng vũ trang Ukraine.
Những động thái đó vượt quá bất kỳ biện pháp kinh tế nào mà Mỹ thực hiện chống lại Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh và chưa có tiền lệ trong thời bình. Lập trường của Washington khiến kết cục sẽ không đi đến đâu: Nếu các biện pháp trừng phạt Nga và việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine không phá vỡ được ý chí của Moskva, kết quả duy nhất có thể xảy ra sẽ là bế tắc vĩnh viễn.
Theo quan điểm của châu Âu, phản ứng của Mỹ là một cách tiếp cận quá mức. Thủ tướng Đức Scholz cũng như Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 7/3 tuyên bố họ sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào việc bán dầu khí của Nga cho châu Âu – trái ngược với quyết định của Tổng thống Biden khi tuyên bố ngừng mua dầu của Nga vào ngày 8/3.
Sau hành động của ông Biden, giá dầu giao dịch ở Mỹ tăng 9 USD/ thùng, tương đương 8%. Người châu Âu thì đang phải trả gấp khoảng 10 lần mức giá vào tháng 2/2021 cho khí đốt tự nhiên và tác hại kinh tế tiềm tàng đối với lục địa giàlà rất nghiêm trọng.
Trong cuộc họp video với hai nhà lãnh đạo Macron và Scholz, ông Tập Cận Bình nói: "Trung Quốc đánh giá cao nỗ lực của Pháp và Đức trong việc hòa giải tình hình ở Ukraine, đồng thời sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Pháp, Đức và EU, đóng một vai trò tích cực với cộng đồng quốc tế theo nhu cầu của tất cả các bên liên quan” - theo một báo cáo trên trang web Trung Quốc guancha.cn.
Theo trang tin trên, ôngTập Cận Bình kêu gọi "kiềm chế tối đa để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo quy mô lớn”, nói thêm rằng Trung Quốc "sẵn sàng cung cấp thêm viện trợ nhân đạo cho Ukraine. Chúng ta cần phối hợp với nhau để giảm tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng ”. Nhà lãnh đạo Trung Quốccho rằng các biện pháp trừng phạt hiện được áp dụng "sẽ tác động đến sự ổn định của tài chính toàn cầu, năng lượng, giao thông vận tải và chuỗi cung ứng, và sẽ kéo nền kinh tế thế giới đi xuống."
Ông Tập Cận Bình nói thêm rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ Pháp và Đức "hành động đại diện cho lợi ích của châu Âu, cân nhắc đến an ninh lâu dài của châu Âu, tuân thủ độc lập chiến lược và thúc đẩy việc xây dựng một khuôn khổ an ninh châu Âu cân bằng, hiệu quả và bền vững. Trung Quốc cũng rất vui khi thấy một cuộc đối thoại bình đẳng giữa châu Âu, Nga, Mỹ và NATO ”.
Chắc chắn đây là những cam kết chung chung. Điều quan trọng là mối quan hệ: Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với cả Nga và Ukraine, vốn được mô tả là một "cầu nối mới của Trung Quốc với châu Âu”. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư 2 tỷ USD mỗi năm vào Ukraine kể từ khi nước này trở thành quốc gia đầu tiên ký Tuyên bố ý định cho Sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2017. Nhập khẩu của Trung Quốc từ Ukraine tăng gần gấp đôi lên gần 8 tỷ USD vào năm 2020 so với mức hơn 4 tỷ USD vào năm 2019.
Tờ Die Welt (Đức) lưu ý rằng việc Trung Quốc bỏ phiếu trắng trong nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc chỉ trích Nga vào tuần trước "được đánh giá là một thành công chống lại các vòng xoáy ngoại giao chống Putin của phương Tây.Die Welt nhận xét, "thực tế là cho đến nay, Trung Quốc đã hưởng lợi từ mọi cuộc xung đột giữa Moskva và châu Âu, và tỷ trọng thương mại nước ngoài của họ với Nga đã tăng từ 13,5% lên 16% từ 2013-2020…”.
Sự ủng hộ của châu Âu là không thể thiếu đối với các nỗ lực hòa giải nếu có của Trung Quốc. Trang Asiatime cho rằngthỏa hiệp duy nhất có thể hình dung được sẽ liên quan đến việc quay trở lại khuôn khổ Thoả thuận Minsk IImà Nga đề xuất ban đầu, Pháp và Đức ủng hộ, trong khi Mỹ bác bỏ.
Ukraine sẽ từ bỏ lá đơn gia nhập NATO và chấp nhận quy chế gần như độc lập của các khu vực Donetsk và Luhansk. Crimea sẽ vẫn là của Nga. Cần có những cam kết đáng kể về viện trợ tái thiết từ Trung Quốc và Cộng đồng Châu Âu. Châu Âu sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Cuối cùng, Ukraine và Nga đều sẽ tuyên bố chiến thắng, thể hiện sự hào hùng và hào phóng của họ trong thoả hiệp.