Sáng 24-3 (giờ địa phương), lãnh đạo các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp bất thường ở thủ đô Brussels, Bỉ với chương trình nghị sự xoay quanh việc củng cố an ninh và tình hình tại Ukraine, theo CNN.



Phát biểu tại họp báo sau cuộc họp thượng đỉnh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí tăng cường hiện diện quân sự tại các nước Đông Âu bao gồm Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia; tiến hành nhiều cuộc tập trận hơn; củng cố các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không; tiếp tục tăng chi tiêu quốc phòng lên tới mục tiêu đề ra năm 2014 là chiếm 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Tổng thư ký NATO cũng đề cập đến 100.000 quân Mỹ ở châu Âu và 40.000 quân dưới sự chỉ huy trực tiếp của NATO được bố trí chủ yếu ở phía Đông của liên minh. Cùng với đó, các nước NATO một lần nữa khẳng định cam kết tiếp tục viện trợ cả về mặt quân sự và nhân đạo cho Kiev, đồng thời nhấn mạnh có trách nhiệm bảo đảm cuộc xung đột ở Ukraine không leo thang.



Các nhà lãnh đạo NATO tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels ngày 24-3. Ảnh: nato.int 

Cũng theo CNN, trong video gửi tới hội nghị, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đề nghị NATO gửi thêm cho nước này vũ khí tấn công, bao gồm máy bay chiến đấu và xe tăng. Một ngày trước đó, Tổng thư ký NATO đã loại bỏ mọi khả năng liên minh này can dự trực tiếp và thiết lập vùng cấm bay tại Ukraine nhằm tránh đối đầu toàn diện với Nga.

"Chúng ta cung cấp hỗ trợ cho Ukraine nhưng không phải một phần của cuộc xung đột. NATO sẽ không điều quân đến Ukraine”, ông Stoltenberg nhấn mạnh.

Hội nghị thượng đỉnh NATO là cuộc họp cấp cao trực tiếp đầu tiên của những nhà lãnh đạo NATO kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đồng thời mở màn cho một ngày làm việc bận rộn của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nguyên thủ các nước phương Tây.

Sau sự kiện trên là cuộc họp thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đều diễn ra tại Brussels. Nội dung thảo luận chính giữa lãnh đạo G7 và EU là hỗ trợ Ukraine và công dân nước này, các biện pháp trừng phạt tiếp theo dự kiến áp dụng với Nga, cũng như những chính sách năng lượng, quốc phòng và kinh tế.

Ở một số diễn biến liên quan, theo hãng tin TASS, tại cuộc họp chính phủ được phát sóng truyền hình ngày 23-3, Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định Moscow sẽ chỉ chấp thuận thanh toán bằng đồng ruble cho các hợp đồng chuyển khí đốt tới "những quốc gia không thân thiện”, bao gồm tất cả các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Hiện khí đốt của Nga chiếm khoảng 40% tổng lượng tiêu thụ ở châu Âu. 

Đây là động thái mới nhất của Nga kể từ khi hứng chịu các biện pháp trừng phạt chưa từng có từ Mỹ và phương Tây liên quan vấn đề Ukraine. Ngay sau tuyên bố của người đứng đầu Điện Kremlin, đồng nội tệ của Nga, vốn rơi vào tình cảnh mất giá nghiêm trọng, đã tăng giá so với đồng USD và đồng euro; còn giá khí đốt tại châu Âu cũng tăng hơn 20%, vượt mức 1.350USD/1.000m3.

Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax đưa tin Nga đã thông báo với Mỹ về việc trục xuất các nhà ngoại giao của nước này nhằm phản ứng việc Washington trục xuất 12 thành viên phái đoàn Nga tại Liên hợp quốc, đồng thời cảnh báo việc Nhà Trắng tiến hành bất kỳ hành động thù địch nào đối với Moscow sẽ phải đối mặt với việc đáp trả tương xứng. Ngoài ra, ngày 24-3, Bộ Ngoại giao Nga cho biết nước này sẽ đáp trả việc Ba Lan trục xuất 45 nhà ngoại giao Nga, động thái mà Moscow cho rằng đã đe dọa phá hủy mối quan hệ vốn đã rạn nứt giữa hai bên.

Về tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, ngày 24-3, Thiếu tướng Igor Konashenkov, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã giành quyền kiểm soát hoàn toàn thành phố Izyum ở vùng Kharkov.

Ngoài ra, các cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác cao bởi quân đội Nga đã phá hủy thêm 13 bệ phóng tên lửa và một số cơ sở quân sự của Ukraine vùng Kiev, Donetsk và Luhansk. Cùng ngày, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Nga về việc thiết lập 7 hành lang nhân đạo để sơ tán dân thường.

Trong khi đó, theo người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát quốc phòng Nga Mikhail Mizintsev, binh sĩ Nga đã giúp sơ tán hơn 384.000 người từ các vùng chiến sự ở Ukraine tới Nga kể từ đầu chiến dịch.

Trước đó, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) lần thứ 144 diễn ra tại Bali (Indonesia) đã nhất trí thông qua một nghị quyết, trong đó ghi nhận lo ngại rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang đe dọa an ninh toàn cầu với những bất ổn kinh tế tiềm ẩn trong tương lai, đồng thời kêu gọi tất cả các nghị viện thành viên IPU hỗ trợ các nỗ lực giảm leo thang căng thẳng.

Nghị quyết cũng kêu gọi các nghị sĩ Nga và Ukraine thúc đẩy các sáng kiến nhằm chấm dứt những hành động thù địch và giải quyết mâu thuẫn thông qua các biện pháp ngoại giao, hòa bình.


                                                        Theo QĐND

Các tin khác


Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục