Khu vực Trung Mỹ đang là "điểm nóng” trên bản đồ di cư toàn cầu, khi số người băng qua rừng rậm Darien đầy rẫy nguy hiểm để tìm cơ hội đến Mỹ gia tăng ở mức báo động. Thực trạng u ám của bức tranh di cư cho thấy, giải quyết tận gốc vấn đề này tiếp tục là bài toán nan giải, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức của cộng đồng quốc tế.
Người di cư di chuyển tại Huixtla, bang Chiapas, Mexico trong hành trình tới Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Những tháng qua, khu vực Trung Mỹ ghi nhận các "kỷ lục buồn” về vấn đề di cư. Theo thống kê chính thức, năm 2021, hơn 133.000 người di cư đã băng qua rừng Darien để tìm kiếm "giấc mơ Mỹ”, tương đương con số được ghi nhận trong cả thập kỷ trước. Chỉ tính riêng quý I/2022, đã có 13.425 người di cư đi qua tuyến đường này, cao hơn gấp hai lần con số 5.622 người vào cùng kỳ năm ngoái. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) đã gióng hồi chuông cảnh báo cho khu vực châu Mỹ về những thách thức trong viện trợ nhân đạo đối với người di cư.
Rừng Darien, nằm ở khu vực biên giới giữa Colombia và Panama, từ lâu đã được xem là một trong những nơi nguy hiểm nhất hành tinh, với môi trường tự nhiên khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhiều loài động, thực vật hoang dã, sự hoạt động của các băng nhóm tội phạm… Trớ trêu thay, không ít người di cư, trong đó có trẻ em, chấp nhận dấn bước trên hành trình gian khổ ở chốn rừng thiêng nước độc này để tìm đến miền đất hứa. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) từng thông báo, chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2021, đã có khoảng 19.000 trẻ em di cư vượt biên giới giữa Colombia và Panama qua rừng nhiệt đới Darien. Đây là mức cao chưa từng thấy trong lịch sử.
Mất an ninh lương thực, vốn là "căn bệnh trầm kha” của khu vực Mỹ Latin, lại càng trở nên trầm trọng do đại dịch Covid-19 cùng tình hình căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) cảnh báo, tỷ lệ đói nghèo tại Mỹ Latin ở mức cao nhất trong 15 năm trở lại đây. Số người thiếu ăn ở Mỹ Latin và Caribe trong giai đoạn 2019-2020 đạt mức 59,7 triệu người, cao hơn 30% so với cùng kỳ trước đó. Vòng xoáy của đói nghèo, bạo lực, dịch bệnh, thiên tai… vì thế đã buộc người dân nơi đây rời bỏ quê hương.
Năm 2022 được dự báo tiếp tục mang đến nhiều áp lực cho Tổng thống Mỹ Joe Biden, trong đó, vấn đề di cư vẫn là bài toán khó. Ngay từ khi mới nhậm chức, ông đã ký một loạt sắc lệnh đảo ngược các chính sách về nhập cư, an ninh biên giới đầy cứng rắn của người tiền nhiệm. Song, sóng gió ập đến với chính quyền mới khi làn sóng người di cư ồ ạt tràn vào từ khu vực biên giới phía nam giáp Mexico, tạo sức ép lớn với "xứ cờ hoa”. Bộ An ninh nội địa Mỹ từng thừa nhận, số lượng người di cư tới khu vực biên giới tây nam nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 20 năm qua. Trước những ý kiến chỉ trích về chính sách nhập cư, Tổng thống Biden vẫn bày tỏ kiên định vào cách tiếp cận vấn đề mang tính nhân đạo của mình và đẩy mạnh giải quyết làn sóng di cư ở ngay "điểm khởi nguồn”.
Cho rằng vấn đề di cư "không phải của riêng ai” và cần có sự phối hợp, hỗ trợ lẫn nhau của cộng đồng quốc tế, Mỹ đã triển khai nhiều gói đầu tư ở Trung Mỹ nhằm cải thiện điều kiện sống ở quê hương của người di cư. Mới đây, Mỹ và Panama ký thỏa thuận tăng cường quản lý tình trạng di cư trái phép, theo hướng bảo vệ người di cư. Một thỏa thuận tương tự cũng được Mỹ và Costa Rica ký hồi tháng 3 vừa qua. Hiện Mỹ và Mexico tích cực mở rộng chương trình phúc lợi xã hội ở các quốc gia Trung Mỹ như Honduras, Guatemala, El Salvador…, trong đó có chương trình "Giới trẻ đóng góp cho tương lai”, tập trung cấp học bổng cho thanh niên, tạo việc làm, cải thiện chất lượng giáo dục.
Đại diện Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) tại Honduras Andres Celis nhận định, làn sóng người di cư ồ ạt phản ánh nhu cầu cấp bách phải cải thiện điều kiện sống tại các quốc gia "khởi nguồn”. Giữa lúc bài toán di cư ở Trung Mỹ đang ngày một nan giải do tác động từ đại dịch Covid-19, việc toàn khu vực cùng chung sức, tạo chiến lược thống nhất để xử lý các nguyên nhân gốc rễ là điều cần thiết, cho dù những giải pháp này khó có thể cho thấy kết quả trong thời gian ngắn.
Theo Báo Nhân Dân
Châu Á vẫn duy trì được tốc độ hội nhập kinh tế bất chấp dịch Covid-19 gây tác động nặng nề. Đánh giá này nằm trong báo cáo "Triển vọng kinh tế và Quá trình hội nhập của châu Á” được Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) công bố ngày 20/4.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho biết Ankara không có ý định xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Iraq và khẳng định chiến dịch quân sự được phát động gần đây chỉ nhằm đảm bảo an ninh biên giới của nước này.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 550.000 ca mắc COVID-19 và gần 1.900 ca tử vong. Trung Quốc quyết theo đuổi chính sách "Zero Covid", trong khi số ca nhiễm mới tăng trở lại tại 50% số tiểu bang Mỹ.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 19/4, một quan chức Mỹ cho biết Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen sẽ không tham dự một số cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) trong tuần này tại thủ đô Washington do có sự tham dự của Nga.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn. Trong bối cảnh các thể chế tài chính cảnh báo về một "gánh nợ khổng lồ" đè nặng lên vai các nước, nhất là các nước nghèo, việc thành lập các quỹ khẩn cấp giúp các quốc gia đang đối mặt những khó khăn chồng chất được coi là hành động kịp thời.
Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Canada ngày 19/4 cam kết gửi thêm vũ khí pháo binh cho Ukraine trong bối cảnh Nga thông báo bước vào giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt, tập trung vào các khu vực ở miền đông Ukraine.