Sau thời kỳ đen tối vì đại dịch Covid-19, nền kinh tế Mỹ đã bật tăng trở lại với mức tăng trưởng 5,7% trong năm 2021, mức tăng cao nhất trong vòng 40 năm.
Biểu tượng của IMF. (Ảnh: Anadolu)
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát và các thách thức bên ngoài gia tăng, ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế và nhà phân tích lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trở lại vào năm tới.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, tăng trưởng kinh tế Mỹ năm ngoái đã đạt mức cao nhất kể từ năm 1984 và bất chấp các đợt dịch bệnh bùng phát mạnh, quý cuối năm 2021, nền kinh tế số một thế giới vẫn tăng trưởng 6,9%. Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 19/4 công bố báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới, trong đó dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 3,7% trong năm 2022, thấp hơn 0,3% so với dự báo đưa ra hồi tháng 1, và tăng trưởng 2,3% trong năm 2023. Trong bối cảnh "bão lạm phát” đang ngày càng nghiêm trọng và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đang phải thực hiện các chính sách tài chính ‘thắt lưng buộc bụng”, kết quả khảo sát cho thấy, giới phân tích gia tăng lo ngại nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Báo chí Mỹ dẫn lời chuyên gia Desmond Lachman tại Viện Doanh nghiệp Mỹ dự báo rằng kinh tế Mỹ có thể sẽ suy thoái vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau, khi FED siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Chuyên gia Desmond Lachman dẫn các "bài học lịch sử” khẳng định, chưa khi nào FED kiềm chế lạm phát dưới 4% mà không gây ra suy thoái kinh tế. Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng của Công ty cho vay thế chấp Fannie Mae, ông Doug Duncan, dự báo mức độ suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2023 tương đương cuộc suy thoái năm 2008.
Kết quả khảo sát của hãng tin Bloomberg cũng cho thấy mối lo kinh tế Mỹ suy thoái đang gia tăng. Theo hãng tin này, các chuyên gia cho rằng kinh tế Mỹ có 27,5% nguy cơ rơi vào suy thoái, cao hơn so với mức dự báo 20% trong cuộc khảo sát vào tháng 3 vừa qua. Tập đoàn tài chính Goldman Sachs dự báo khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong 2 năm tới là 35%.
Mối lo về kinh tế Mỹ gia tăng trong bối cảnh lạm phát tăng cao tại nước này trong nhiều tháng qua, trong khi cuộc chiến Nga-Ukraine đang "phủ bóng đen” lên triển vọng kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, báo cáo của Bộ Thương mại công bố vừa qua cho thấy, giá tiêu dùng ở nước này tháng 3 vừa qua đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 16 năm khi giá xăng tăng lên các mức cao kỷ lục, giá bán bình quân cả tháng 3 tăng lên 4,33 USD/gallon, cao nhất từ trước đến nay.
Một báo cáo riêng rẽ của Bộ Lao động Mỹ vừa công bố cũng cho thấy giá cả nhập khẩu tăng 2,6% trong tháng 3, mức tăng cao nhất tính từ tháng 4/2011. Giá cả tăng cao đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng, tác động tiêu cực đến tăng trưởng của nền kinh tế số một thế giới. Trong khi đó, cuộc xung đột tại Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá lương thực và năng lượng tăng cao đã "góp gió thành bão” làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát ở Mỹ.
Trong cuộc họp của FED mới đây, người đứng đầu FED Jerome Powell đã cảnh báo những diễn biến khó lường của cuộc xung đột Nga-Ukraine cùng các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga có thể tác động đáng kể tới nền kinh tế Mỹ.
Chủ tịch FED trong một hội nghị về chính sách kinh tế tháng 3 vừa qua cho biết, ông để ngỏ khả năng FED có thể tăng lãi suất quỹ liên bang thêm 0,25% nếu các cuộc họp kết luận rằng điều này là cần thiết. Theo ông, việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho tới khi lạm phát trong tầm kiểm soát và thậm chí chính sách tiền tệ có thể được thắt chặt hơn nếu cần thiết để ổn định giá cả.
Ngoài lạm phát, ông cho rằng nền kinh tế số một thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi các nhà quản lý đang phải chật vật với tình trạng thiếu lao động và nhiều người vẫn chưa quay trở lại tham gia thị trường lao động sau dịch Covid-19. Hiện thị trường lao động Mỹ đang trong tình trạng mất cân bằng khi nhu cầu tuyển dụng cao hơn quy mô lực lượng lao động khoảng 5 triệu việc làm.
Mỹ là nền kinh tế số một thế giới, một khi kinh tế nước này suy yếu, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chắc chắn sẽ giảm tốc đáng kể, vì vậy mối lo "sức khỏe” kinh tế Mỹ cũng là mối lo chung của kinh tế toàn cầu.
Để tránh một đợt "hạ cánh cứng” cho kinh tế Mỹ vào năm tới, giới phân tích đã khuyến cáo rằng ngay trong năm nay, nước Mỹ cũng cần thắt chặt nguồn cung ứng tiền tệ vì càng cho phép lưu hành tiền quá mức trên cả thị trường tài chính và nền kinh tế thực thì tác động càng nghiêm trọng.
Theo Báo Nhân Dân
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) lập Quỹ tín thác Khả năng phục hồi và bền vững (RST), một công cụ mới để hỗ trợ các nước thu nhập thấp và trung bình ứng phó những thách thức dài hạn. Trong bối cảnh các thể chế tài chính cảnh báo về một "gánh nợ khổng lồ" đè nặng lên vai các nước, nhất là các nước nghèo, việc thành lập các quỹ khẩn cấp giúp các quốc gia đang đối mặt những khó khăn chồng chất được coi là hành động kịp thời.
Lãnh đạo các nước Mỹ, Anh và Canada ngày 19/4 cam kết gửi thêm vũ khí pháo binh cho Ukraine trong bối cảnh Nga thông báo bước vào giai đoạn mới của chiến dịch quân sự đặc biệt, tập trung vào các khu vực ở miền đông Ukraine.
Theo dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đang gia tăng ở hơn một nửa số bang của nước này do sự lây lan dòng phụ BA.2 của biến thể Omicron.
Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 285.481 trường hợp mắc COVID-19 và 1.111 ca tử vong. Tới nay, tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã vượt 504 triệu ca, trong đó trên 6,22 triệu người không qua khỏi.
Tình trạng gia tăng dòng người di cư bất thường vào Panama thông qua rừng rậm Darien đầy rẫy hiểm nguy một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về khu vực Trung Mỹ, điểm nóng tập trung hàng nghìn người đến từ khắp nơi trên thế giới nhưng có chung mục đích là tìm kiếm cơ hội tới Mỹ.
Là một trong những khu vực đi đầu nỗ lực áp thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu, song các nước Liên minh châu Âu (EU) chưa thể thống nhất cách thức áp dụng mức thuế trên toàn khối. Mới đây, Ba Lan đã phủ quyết một thỏa thuận do Pháp đề xuất về vấn đề này.