Người dân xếp hàng chờ được phát lương thực cứu trợ tại trại tị nạn ở Yazi Bagh, Aleppo, Syria.
Theo ông Sands, cuộc khủng hoảng lương thực sẽ khiến nhiều người thiệt mạng không những bởi chết đói mà còn vì các bệnh truyền nhiễm do khả năng bảo vệ của cơ thể họ trở nên yếu đi vì bị suy dinh dưỡng.
Phát biểu bên lề Hội nghị bộ trưởng y tế Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra ở thành phố Yogyakarta (Indonesia), ông Sands nói: "Tôi nghĩ, chúng ta có thể đã bắt đầu một cuộc khủng hoảng y tế tiếp theo (sau đại dịch COVID-19). Đây không phải là nguồn bệnh mới, mà là những người bị suy dinh dưỡng sẽ dễ bị lây nhiễm hơn trước những căn bệnh đang hoành hành hiện nay".
Ông Sands dự báo sẽ có thêm hàng triệu người tử vong do tác động kết hợp của các bệnh truyễn nhiễm, tình trạng thiếu lương thực và khủng hoảng năng lượng...
Theo ông, chính phủ các nước trên thế giới cần giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng lương thực bằng cách cử các nhân viên y tế tuyến đầu tới các cộng đồng nghèo nhất bởi đây là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Ông nói: "Điều này có nghĩa là tập trung vào chăm sóc sức khỏe cơ bản để y tế có thể tới được các bản làng và cộng đồng".
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 trên thế giới đã lấy đi nguồn lực của cuộc chiến phòng chống lao - nguyên nhân khiến 1,5 triệu người tử vong trong năm 2020.
Ông Sands nói: "Đây là một thảm họa đối với bệnh lao. Năm 2020, chúng ta chứng kiến 1,5 triệu người trên thế giới nhận không được điều trị đầy đủ đối với căn bệnh này". Theo chuyên gia y tế này, chính phủ các nước cần khẩn cấp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, để từ đó hỗ trợ cho công tác phòng chống lao, căn bệnh truyền nhiễm gây chết người lớn thứ hai trên thế giới.