Trẻ em tại một lớp học dã chiến ở Peshawar, Pakistan, sau khi phải theo cha mẹ đi sơ tán tránh lũ lụt, ngày 22/9/2022.
Những đứa trẻ này đang phải vật lộn với bệnh tả, một căn bệnh tiêu chảy cấp tính do uống nước nhiễm khuẩn. Theo các bác sĩ tại Bệnh viện chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở tỉnh Sindh của Pakistan, mỗi ngày có hơn 10 trẻ qua đời tại cơ sở này do các căn bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm khi lũ lụt hồi mùa Hè nhấn chìm hơn 30% diện tích đất nước.
Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe gần như chưa từng có tiền lệ đang diễn ra trên khắp Pakistan. Các tổ chức cứu trợ cảnh báo tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu cộng đồng quốc tế không hành động khẩn cấp.
Thống kê cho thấy lũ lụt do mưa gió mùa kỷ lục và sông băng tan chảy ở các vùng núi phía Bắc của Pakistan thời gian qua đã cướp đi sinh mạng của gần 1.600 người, trong đó có tới hơn 30% là trẻ em, ảnh hưởng đến hơn 33 triệu người. Lũ lụt đã cuốn trôi nhiều nhà cửa, khiến hàng chục nghìn người mắc kẹt trên đường mà không có thức ăn, nước sạch để uống.
Tại Sindh - một trong những tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhiều ngôi làng bị cắt điện hoàn toàn, khiến các gia đình hầu như không thể tìm kiếm sự giúp đỡ. Ông Aadarsh Leghari, một quan chức của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tại Pakistan cho biết nhiều trẻ không đến được các cơ sở y tế vì các cơ sở này đều chìm trong biển nước.
Lũ rút dần cũng là lúc Pakistan đối mặt với thảm họa mới, khi hàng chục nghìn người bị tiêu chảy, kiết lị, sốt xuất huyết và sốt rét. Những người nghèo nhất là đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Chính phủ Pakistan đã kêu gọi viện trợ quốc tế khẩn cấp cho một trong những thảm họa tồi tệ nhất lịch sử đất nước này.