Chuyến thăm Mỹ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ củng cố vai trò của Mỹ với tư cách là nhà viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine, đồng thời là thông điệp mạnh mẽ gửi đến Nga.


Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm tiền tuyến ở Bakhmut hôm 20/12. Ảnh: Reuters

Chuyến công du bất ngờ

Theo một số quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Zelensky sẽ gặp người đồng cấp Joe Biden tại Nhà Trắng vào ngày 21/12 (giờ địa phương) và sau đó sẽ có bài phát biểu trước phiên họp chung của Quốc hội Mỹ.

Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của nhà lãnh đạo Ukraine kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước láng giềng vào cuối tháng 2.

Trước đó, Tổng thống Biden và người đồng cấp Zelensky đã có nhiều lần trao đổi, nhưng chỉ qua điện thoại hoặc video trực tuyến. Cuộc gặp trực tiếp lần này diễn ra trong thời điểm quan trọng của cuộc xung đột ở Ukraine.

Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky nhằm tái khẳng định sự ủng hộ của Washington đối với Kiev, cũng như cho thấy tầm quan trọng của Tổng thống Biden trong nỗ lực khôi phục liên minh phương Tây đối phó với Nga và chiến dịch quân sự đặc biệt của Moskva.

"300 ngày trước, Nga đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Chuyến thăm sẽ nhấn mạnh cam kết kiên định của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine lâu nhất có thể, bao gồm thông qua việc cung cấp hỗ trợ kinh tế, nhân đạo và quân sự”, bà Karine Jean-Pierre, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết trong một tuyên bố xác nhận chuyến thăm của ông Zelensky tới Washington.

Theo quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ, chuyến thăm của ông Zelensky đã được ấn định từ 9 ngày trước trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo. Một số quan chức khác thừa nhận rủi ro của chuyến thăm này là rất cao và việc lên kế hoạch cho sự xuất hiện của nhà lãnh đạo Ukraine đã được tiến hành trong điều kiện hết sức bí mật.

Trước đó, sáng sớm 20/12, Tổng thống Zelensky có mặt ở Bakhmut, một thành phố ở miền Đông Ukraine đang diễn ra giao tranh ác liệt với lực lượng Nga. Tại đây ông cũng úp mở về chuyến thăm Mỹ.

"Hôm nay các quân nhân của chúng tôi đã trao cho tôi lá cờ và yêu cầu chuyển nó cho những người có quyết định rất quan trọng với Ukraine, với tất cả các quân nhân Ukraine. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm được. Chúng tôi nhất định sẽ chịu đựng. Chúng tôi chắc chắn sẽ nhận được sự hỗ trợ cần thiết cho Ukraine”, ông Zelensky nói.

Việc Nhà Trắng tiếp đón Tổng thống Zelensky trước hết là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy sự ủng hộ vững chắc của Mỹ và phương Tây đối với Ukraine. Song Hạ nghị sĩ đảng Dân chủ bang Arizona Ruben Gallego, người đã đến thăm Ukraine vào đầu tháng này, cho hay ông Zelensky sẽ đến Washington với nhiệm vụ cụ thể.

"Những gì ông ấy đang cố gắng thực hiện là tạo ra mối tương quan trực tiếp giữa hỗ trợ của Mỹ với sự tồn tại cũng như chiến thắng của Ukraine trong tương lai”, ông Gallego nói.

Nhận viện trợ khổng lồ từ Mỹ

Chuyến công du này diễn ra 10 tháng sau khi Tổng thống Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, giữa thời điểm chiến sự đang leo thang căng thẳng trong mùa đông lạnh giá.

Theo một quan chức giấu tên của Mỹ, Tổng thống Biden sẽ công bố khoản viện trợ an ninh bổ sung trị giá 1,8 tỉ USD cho Ukraine trong chuyến thăm của ông Zelensky, bao gồm hệ thống tên lửa phòng không Patriot vô cùng tinh vi.

Các quan chức chính quyền cấp cao cho biết hệ thống này sẽ cung cấp cho Ukraine khả năng phòng thủ tốt hơn nhiều trước các cuộc không kích bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga.

Các nguồn tin tiết lộ Washington cũng có kế hoạch gửi cho Ukraine các thiết bị để chuyển đổi các loại đạn ít phức tạp hơn thành "bom thông minh”, có thể giúp nước này nhắm mục tiêu vào các tuyến phòng thủ của Nga.

Việc Tổng thống Mỹ công bố gói an ninh mới - với sự có mặt của ông Zelensky - nhằm gửi thông điệp mạnh mẽ tới ông Putin và các nhà lãnh đạo thế giới khác, cùng với người dân ở Ukraine và Mỹ, rằng ông Biden sẽ không dao động trong nỗ lực giúp Ukraine đánh bại Nga.

Các chuyên gia nhận định quyết định cung cấp hệ thống Patriot của Mỹ sẽ đáp ứng mong muốn từ lâu của Ukraine, phản ánh bước thay đổi trong tiến trình viện trợ cho Ukraine, phù hợp chiến lược tấn công mới của Nga.

Trong nhiều tháng qua, Tổng thống Biden đã thận trọng điều chỉnh các lô vũ khí và hệ thống vũ khí của Mỹ nhằm hỗ trợ tốt nhất cho lực lượng Ukraine nhưng để tránh leo thang xung đột thành một cuộc đụng độ trực tiếp giữa NATO và Nga.

Ông đã bác bỏ lời kêu gọi của Ukraine về việc phương Tây thực thi vùng cấm bay trên lãnh thổ nước này. Song nếu cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine, điều này sẽ là bằng chứng cho thấy Mỹ đang can dự sâu vào cuộc xung đột này.

Tướng Wesley Clark, cựu Chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu, nhận định chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky phản ánh thời điểm quan trọng, cho thấy Ukraine không thể giành chiến thắng trong cuộc xung đột này nếu không có sự hỗ trợ lớn hơn từ Mỹ.

"Chuyến thăm này sẽ là cánh cửa mở ra cơ hội cho Ukraine nhưng cũng là cánh cửa nguy hiểm. Nga đang suy yếu, nhưng Nga sẽ mạnh lên. Đây là giai đoạn mà Mỹ cần đổ tiền hỗ trợ Ukraine. Chuyến thăm này mở ra cơ hội đó và ông Zelensky biết rõ điều này. Nếu muốn đẩy lùi đà tiến quân của Nga, họ cần có sự hỗ trợ từ Mỹ”, ông Clark nhận định.

Chuyến thăm của Tổng thống Zelensky cũng diễn ra khi Quốc hội Mỹ chuẩn bị thông qua một khoản viện trợ bổ sung trị giá 45 tỷ USD cho Ukraine và các đồng minh NATO, củng cố thêm cam kết hỗ trợ lực lượng Kiev trong việc đối phó với đà tiến công của Moskva. Khoản viện trợ này đó sẽ nâng tổng số tiền viện trợ của Mỹ cho Ukraine lên hơn 100 tỷ USD.

Song chuyến công du này cũng góp phần khiến cuộc tranh luận ở Điện Capitol về việc viện trợ cho Ukraine thêm gay gắt, khi đảng Cộng hòa sẽ kiểm soát Hạ viện trong năm mới. Một số thành viên trong đảng Cộng hoà cho rằng thay vì chi hàng tỉ USD cho Ukraine, Mỹ nên dành số tiền đó để bảo vệ ở biên giới phía Nam của đất nước trước làn sóng di cư mới.

Nga sẽ phản ứng thế nào với chuyến thăm Mỹ của ông Zelensky?

Chuyến thăm mang tính công khai với tuyên bố Mỹ có thể chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không Patriot cho Ukraine đã gửi thông điệp mạnh mẽ tới Nga, khi Tổng thống Putin trước đó cảnh báo rằng dù cuộc chiến có khốc liệt thế nào đối với Quân đội Nga, chắc chắn cam kết của phương Tây cuối cùng sẽ suy giảm.

Theo các nhà phân tích, một cuộc tấn công trong thời điểm diễn ra chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Ukraine có thể nằm trong lựa chọn tiềm năng của Nga. Cuộc tấn công này có thể khiến ông Zelensky mất tập trung hoặc là nhằm phát tín hiệu tới Ukraine và các quan chức Mỹ rằng Nga có các lựa chọn để đáp trả mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Washington và và Kiev.


                           TheoBaotintuc

Các tin khác


Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày chặn xe tăng Mỹ đưa vào chiến trường Việt Nam

Ngày 18/12, tại tỉnh Kanagawa (Nhật Bản) đã diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm ngày người dân tỉnh này chặn xe tăng mà quân đội Mỹ dự định đưa vào chiến trường miền Nam Việt Nam.

EU đạt thỏa thuận quan trọng về thị trường carbon

Các nhà đàm phán Liên minh châu Âu (EU) ngày 18/12 đã đạt được thỏa thuận về việc cải cách thị trường carbon của khối, vốn là công cụ chính sách chủ chốt của EU trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.

Thủ đô của Chile ban bố tình trạng khẩn cấp do cháy rừng

Ngày 16/12, Chính quyền thủ đô Santiago của Chile đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe tại khu vực Đại đô thị Santiago, nơi có hơn 7 triệu người sinh sống, do khói từ các đám cháy rừng tại khu vực trung tâm đất nước đã bao phủ gần như toàn bộ thành phố này.

Mỹ viện trợ 2,5 tỷ USD cho an ninh lương thực ở châu Phi

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 15/12, tại Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - châu Phi diễn ra tại thủ đô Washington (Mỹ), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố một khoản viện trợ mới trị giá 2,5 tỷ USD cho an ninh lương thực ở châu Phi.

Khủng hoảng năng lượng làm gia tăng ‘làn sóng nghèo khó’ tại châu Âu năm 2023

Động lực cơ bản của mô hình tăng trưởng châu Âu là tiêu thụ năng lượng giá rẻ từ Nga để sản xuất hàng hóa bán cho thị trường thế giới. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt nhằm vào khí đốt và dầu mỏ Nga, nhất là sau khi xung đột ở Ukraine bùng phát, đã giáng đòn lên nhiều quốc gia. Chuyện xảy ra ở CH Séc rất đáng lưu tâm.

Căng thẳng leo thang ở Peru

Chính phủ Peru ngày 14/12 ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, theo đó đình chỉ các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại, cùng nhiều quyền khác. Bộ trưởng Quốc phòng Peru Alberto Otarola nhấn mạnh, đây là một phản ứng mạnh mẽ và thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm hạn chế các hành vi phá hoại và bạo lực.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục