Khan hiếm nước ngày càng trở thành vấn đề cấp thiết, là nguyên nhân gây xung đột, đe dọa an sinh và ổn định ở khu vực Nam Á. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), Nam Á hiện có khoảng 2 tỷ dân và tăng với tốc độ trung bình 1,7%/năm. Điều đó có nghĩa khu vực đông dân nhất thế giới này sẽ ngày càng khát nước.


Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Tình hình càng trở nên tồi tệ khi nguồn nước không những không cung cấp đủ cho nhu cầu đang ngày một gia tăng mà còn có dấu hiệu cạn kiệt. Các nhà khoa học đưa ra những dự báo ảm đạm hơn rằng nước luôn là mối đe dọa tiềm ẩn tới tình trạng ổn định của Nam Á khi sức ép dân số gia tăng, nguồn nước ngầm giảm sút và biến đổi khí hậu gây ra hàng loạt tác động tiêu cực. Những dòng sông khô cạn ở Nam Á đang dần trở thành những cống rãnh chứa rác thải. Nước từ các con sông này hầu như không thể sử dụng cho sinh hoạt, thậm chí cũng không còn an toàn khi dùng để tưới cây.

Mực nước ngầm toàn khu vực Nam Á đang giảm sút nghiêm trọng khi các giếng khoan phải đào sâu hơn. Những con sông lớn giờ cũng xảy ra tình trạng thiếu nước vào mùa khô.

Knut Oberhagemann, chuyên gia về nước ở Dhaka, Bangladesh cho biết, vào mùa khô lưu lượng của sông Hằng chảy vào Bangladesh có khi chỉ là vài m3/giây. Dòng chảy của sông Padma cũng yếu đến mức bị nước biển xâm lấn, khiến đất liền nhiễm mặn nặng. Hiện tượng tương tự cũng đang xảy ra ở vùng châu thổ sông Ấn ở Pakistan. Vùng bán sa mạc này từng trở thành một trong những vùng đất màu mỡ nhất thế giới nhờ hệ thống kênh đào tưới tiêu do người Anh xây dựng. Tuy nhiên, khu vực đất thấp này cũng đang bị nước biển xâm lấn, nguồn nước ngọt mất đi và hiện tượng sa mạc hóa được dự báo là sẽ xuất hiện trở lại.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo tình trạng khan hiếm nước do tác động của biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tới trẻ em ở khu vực Nam Á nhiều hơn bất kỳ khu vực nào trên thế giới. Trong báo cáo vừa được UNICEF công bố, có tới 347 triệu trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Á đang phải đối mặt tình trạng thiếu nước ở mức cao hoặc cực kỳ cao, con số cao nhất trong nhóm các khu vực được thống kê trên thế giới. Nguyên nhân do biến đổi khí hậu làm thay đổi lượng mưa và các hình thái thời tiết cực đoan khiến nguồn nước không ổn định, các giếng nước khô cạn, ảnh hưởng các gia đình, trung tâm chăm sóc sức khỏe và trường học trong khu vực. Báo cáo cũng dẫn chứng tình trạng nước kém chất lượng, thiếu nước và quản lý nguồn nước yếu kém, điển hình là hoạt động khai thác quá mức nguồn nước ngầm, trong khi lượng nước bổ sung ngày càng giảm sút.

UNICEF dự báo tình trạng khan hiếm nước sẽ trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em ở Nam Á trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến khó lường. Khu vực Nam Á bao gồm tám quốc gia Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Ấn Độ, Nepal, Maldives, Pakistan và Sri Lanka, là nơi sinh sống của khoảng 25% số trẻ em toàn cầu.

Ấn Độ, nước đông dân nhất thế giới, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do khan hiếm nước. WB cho biết, mặc dù chiếm 18% dân số thế giới nhưng quốc gia hơn 1,4 tỷ dân này chỉ có đủ nguồn nước sạch cho 4% người dân. Theo UNICEF, các bệnh dịch như tiêu chảy, dịch tả lây lan do nguồn nước sinh hoạt bẩn và tình trạng vệ sinh kém đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ em Ấn Độ mỗi năm.

UNICEF cam kết sẽ kêu gọi lãnh đạo các quốc gia, tổ chức quốc tế tham dự Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra từ ngày 30/11 tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), bảo đảm duy trì một "hành tinh có thể sống được".

Lời kêu gọi của UNICEF nhằm thúc đẩy chính phủ các nước quyết tâm, chung tay hành động đối phó biến đổi khí hậu, giảm bớt ô nhiễm môi trường và những tác động tiêu cực của nó, trả lại mầu xanh cho hành tinh. Trong bức tranh tổng thể đó, Nam Á hy vọng sẽ giảm bớt "cơn khát nước", như tuyên bố của Giám đốc UNICEF khu vực Nam Á Sanjay Wijesekera rằng, sử dụng nước sạch là quyền cơ bản của con người.


Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Lũ lụt gây thiệt hại nghiêm trọng tại Kenya, Somalia

Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, Kenya đang phải vật lộn với hậu quả của lũ lụt, khiến ít nhất 38 người thiệt mạng và khoảng 30.000 người phải di dời trên toàn quốc trong 2 tuần qua.

Châu Âu chật vật đối phó làn sóng di cư

Các quốc gia hứng chịu làn sóng di cư ở tuyến đầu của châu Âu đang rơi vào tình trạng quá tải khi lượng người di cư tăng vọt những tháng gần đây. Đối mặt cuộc khủng hoảng di cư đang nóng dần lên, những nước này một mặt vừa tăng cường biện pháp siết chặt quản lý dòng người nhập cư, mặt khác tìm cách phối hợp các nước trong khu vực để ngăn chặn làn sóng di cư đang "đổ bộ” châu Âu.

Chuyên gia Nga đánh giá về việc EU mở đàm phán gia nhập với Ukraine

Ủy ban châu Âu (EC) chấp thuận bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập EU với Ukraine, nhưng động thái này chủ yếu mang tính biểu tượng.

Lượng chất nổ Israel trút xuống Gaza có sức hủy diệt gần bằng 2 quả bom hạt nhân

Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Euro-Med, Israel đã thả hơn 25.000 tấn chất nổ xuống Dải Gaza từ ngày 7/10, gần bằng sức hủy diệt của hai quả bom hạt nhân.

Ngân hàng Công Thương Trung Quốc bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền

Ngày 9/11, Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) thông báo vừa trở thành mục tiêu của vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền, làm gián đoạn một số dịch vụ tài chính.

Điều chưa biết về chiếc máy bay Nga tự sản xuất để thay thế Airbus, Boeing

Nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Nga tuyên bố đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm của phi cơ chở khách thân rộng mới, được kỳ vọng có thể thay thế máy bay Airbus hoặc Boeing trên bầu trời nước này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục