Quân đội Anh luôn muốn trở thành đối tác được Mỹ lựa chọn, quốc gia mà Anh hướng tới trong các vấn đề hợp tác quốc phòng.


Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) ngày 10/7/2023 đã có chuyến thăm ngắn tới Anh và gặp Thủ tướng Rishi Sunak. Trong cuộc gặp, hai bên thảo luận về Tuyên bố Đại Tây Dương, Hội nghị thượng đỉnh NATO, cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo nhận định của Giáo sư An ninh Quốc tế Wyn Rees tại Trường Chính trị và Quan hệ Quốc tế tại Đại học Nottingham, Vương quốc Anh, trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm nay, nếu ông Donald Trump được bầu làm Tổng thống Mỹ lần thứ hai, Anh sẽ cần phải huy động mọi kỹ năng ngoại giao và quân sự của mình, để duy trì sự bền vững của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Anh và Mỹ.

Giáo sư Rees cho rằng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từng nổi tiếng về việc đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi trước công chúng. Việc ông làm như vậy trước thềm hội nghị thượng đỉnh kỷ niệm 75 năm thành lập NATO vào tháng 7 năm nay rất có thể sẽ gây ra sự bất đồng giữa các đồng minh châu Âu của Mỹ. Trước những bất đồng có thể xảy ra, Anh sẽ đặc biệt lo lắng về vấn đề này do tầm quan trọng của Anh đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong NATO và "mối quan hệ đặc biệt” của nước này với Washington. Nếu ông Trump tái đắc cử tổng thống vào tháng 11 năm nay, Anh sẽ phải sử dụng tất cả những nguồn lực sẵn có của mình để duy trì mối quan hệ đó, vì lợi ích của chính mình và của châu Âu. Điều này sẽ đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các chính trị gia và nhà ngoại giao mà còn cả lực lượng vũ trang của nước này.

Thách thức tính chính thống là đặc điểm của ông Trump. Trước hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Mỹ, ông Trump đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ chỉ sẵn sàng bảo vệ các thành viên của Liên minh chi 2% GDP cho quốc phòng. Cảnh báo này nhất quán với sự phàn nàn lâu nay của ông rằng các đồng minh của Mỹ đã nhận được sự bảo vệ quân sự của Mỹ miễn phí. Nhưng lần này điều đó diễn ra trong bối cảnh xuất hiện mối đe doạ nghiêm trọng, trong đó có cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra giữa Nga và Ukraine. Đảng Cộng hòa tại Hạ viện vừa công bố kế hoạch hỗ trợ 61 tỷ USD cho Ukraine, nếu không có sự hỗ trợ này thì Kiev sẽ phải chịu nhiều tổn thất hơn nữa trên chiến trường. Tuy nhiên, ông Trump nói rằng ông không coi việc hỗ trợ Ukraine là ưu tiên hàng đầu của Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Những dấu hiệu thể hiện sự thờ ơ của Mỹ đối với các đồng minh xuyên Đại Tây Dương đều khiến họ lo lắng và e ngại. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp ở Anh. Thực tế, mối quan hệ đặc biệt Anh - Mỹ đã bị ảnh hưởng khi ông Trump cầm quyền trong bối cảnh những nỗ lực của Thủ tướng Anh khi đó, bà Theresa May nhằm đưa dự luật Brexit của bà thông qua Hạ viện bị Mỹ chỉ trích và đại sứ Anh tại Mỹ là người không được hoan nghênh tại Mỹ. Anh luôn ủng hộ vai trò lãnh đạo của Mỹ ở châu Âu và tin rằng sức mạnh quân sự của Mỹ là trụ cột trong liên minh. Không có đồng minh châu Âu nào sở hữu sức mạnh tương đương Mỹ về tài sản trinh sát vệ tinh và tác chiến điện tử, khả năng tấn công chính xác và tàng hình, năng lực chỉ huy và kiểm soát hoặc sức mạnh răn đe để đối đầu với Nga. Không quốc gia nào, ngoài Mỹ, có sức mạnh và khả năng gắn kết các đồng minh châu Âu bất hòa lại với nhau.

Anh cũng được hưởng lợi với tư cách là đồng minh trung thành của Mỹ trong NATO và trong mối quan hệ song phương với Washington. Vào thời điểm khi Anh đã rời EU và lục địa này đang trải qua một cuộc xung đột lớn, vấn đề này dường như càng trở nên quan trọng hơn. Theo Báo cáo tổng hợp năm 2023, "mối quan hệ sâu rộng giữa Anh và Mỹ – từ tình báo đến phối hợp quân sự và ngoại giao – vẫn là trụ cột không thể thiếu cho an ninh hai nước”.

Vì vậy, trước việc ông Trump gieo rắc nghi ngờ về cam kết của Mỹ với NATO, Anh sẽ nỗ lực trở thành "cầu nối” giữa Mỹ và châu Âu. Nước này sẽ nỗ lực triển khai kỹ năng chính trị và ngoại giao tốt nhât của mình để hạn chế những ý định của Pháp về "quyền tự chủ chiến lược” ở châu Âu và thuyết phục Mỹ rằng lục địa này đáng được bảo vệ. Ngoại trưởng Anh David Cameron, gần đây đã tới Washington để thuyết phục những nghị sĩ thuộc Đảng Cộng hòa đang dao động liên quan đến việc cung cấp gói viện trợ mới cho Ukraine, trong khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã đến thăm Ba Lan và Đức.

Ông Sunak đã cam kết hỗ trợ thêm 3 tỷ bảng Anh cho Ukraine từ đầu năm nay.Anh đã thể hiện cam kết của mình đối với việc chia sẻ gánh nặng trong NATO bằng cách thành lập một nhóm tác chiến ở Estonia và tiến hành giám sát trên không ở vùng Baltic, và đây sẽ là một vấn đề quan trọng đối với chính phủ Đảng Lao động tiềm năng sắp tới.

Cùng với giới tinh hoa chính trị và ngoại giao, các lực lượng vũ trang của Anh cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì cam kết của Mỹ đối với khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Như cuốn sách mới viết về mối quan hệ quân sự Anh - Mỹ có đề cập đến vai trò của quân đội Anh trong việc duy trì sự hợp tác với Mỹ thường bị phớt lờ hoặc bỏ qua.

Quân đội Anh luôn mong muốn trở thành đối tác được Mỹ lựa chọn, quốc gia mà họ hướng tới trong các vấn đề hợp tác quốc phòng. Do khả năng lãnh đạo tuyệt đối của Mỹ ở phương Tây, cũng như sự phù hợp giữa giá trị và tầm nhìn chiến lược, Anh muốn duy trì mối liên kết chặt chẽ với Mỹ. Bằng cách này, Anh đã tìm cách đảm bảo rằng lợi ích của chính họ sẽ được ưu tiên trong các kế hoạch của Mỹ. Để tiếp cận được tư duy và kế hoạch của Mỹ, Anh tin rằng cần phải có đóng góp những yếu tố vật chất mà Mỹ coi trọng. Ví dụ, trong hai cuộc chiến tranh ở Iraq thời hậu Chiến tranh Lạnh, Anh đã đóng góp một sư đoàn thiết giáp, như một lực lượng nhằm đảm bảo Anh ở vị trí chỉ huy thứ hai (sau Mỹ).

Quân đội Anh cũng đã tích cực tăng cường hợp tác với quân đội Mỹ. Vì sự không tương đồng về sức mạnh giữa hai lực lượng, quân đội Anh chưa bao giờ coi việc hợp tác với Mỹ là điều đơn giản. Nhân sự nòng cốt của Anh đã tham gia các cơ cấu phòng thủ của Mỹ và tiến hành đối thoại, trao đổi liên tục với quân đội Mỹ để hiểu rõ hơn về hướng đi của họ. Lực lượng vũ trang Anh cũng đã nỗ lực liên minh với Mỹ về mặt thể chế bất chấp sự bất tương xứng về lực lượng của họ. Đạt được điều này trong thời bình được coi là điều kiện tiên quyết để có thể chuyển sang thời chiến.

Sự liên minh giữa quân đội Anh và các lực lượng vũ trang Mỹ còn bao gồm nhiều mối quan hệ chắp vá khác nhau, được thực hiện trong một số lĩnh vực chuyên biệt. Ví dụ, Hải quân Hoàng gia Anh đã liên minh chặt chẽ với các đối tác của mình trong Hải quân Mỹ, trong khi mối quan hệ giữa lực lượng đặc biệt của cả hai nước có ý nghĩa quan trọng và thiết yếu. Những mối quan hệ này biến động tùy theo những mối đe dọa mà cả hai nước phải đối mặt.

Thách thức trong tương lai mà quân đội Anh phải đối mặt trong việc duy trì vai trò của Mỹ trong NATO cũng như quan hệ Anh - Mỹ là rất lớn. Trong những năm gần đây, Quân đội Anh đã bị thu hẹp, ví dụ, quy mô hạm đội mặt nước của Hải quân Hoàng gia Anh và số lượng phi đội trong lực lượng Không quân Anh (RAF) đều giảm. Sự hiện diện của các lực lượng vũ trang Anh đang bị thu hẹp lại.

Việc cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác quân sự với một siêu cường trong bối cảnh nguồn lực đang ngày càng suy giảm là điều khó khăn. Điều này càng trở nên khó khăn trầm trọng hơn bởi kế hoạch đổi mới hạm đội gồm 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Anh (chương trình Dreadnought). Với ước tính mức chi tiêu cao nhất, chương trình Dreadnought dự kiến sẽ tiêu tốn tới 19% ngân sách quốc phòng trước khi những con tàu này thay thế tàu ngầm Vanguard vào đầu những năm 2030.

Cam kết của ông Sunak về việc tăng chi tiêu quốc phòng của Anh từ 2,3% lên 2,5% GDP vào cuối thập kỷ này là một sự thúc đẩy đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, việc suy giảm hiện nay đối với các lực lượng vũ trang diễn ra vào đúng thời điểm quân đội Anh muốn thuyết phục các đối tác Mỹ về sự kiên định của mình.

Giáo sư Rees kết luận, quân đội Anh có vai trò quan trọng trong việc thuyết phục Mỹ rằng họ đang có sự giảm bớt gánh nặng trong NATO. Về mặt song phương, họ muốn chứng tỏ rằng Anh sẵn sàng gánh vác một phần gánh nặng quốc phòng của phương Tây. Quân đội Anh đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và thể hiện cam kết của mình với tư cách là một đồng minh gần gũi. Điều đó đã thúc đẩy cả sự tương tác lẫn nhau và sự tin tưởng với lực lượng vũ trang Mỹ.

Sắp tới, quân đội Anh sẽ vẫn tìm cách tận dụng các mối quan hệ thể chế của mình với các lực lượng Mỹ để duy trì sự hợp tác. Hy vọng rằng những hành động thiện chí mà Anh thể hiện với Mỹ sẽ tồn tại bền lâu mặc cho những biến cố có thể xảy ra trong một nhiệm kỳ tổng thống sắp tới và duy trì sự bền vững của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương trong một thế giới đầy biến động.


Theo Baotintuc

Các tin khác


Mưa lớn tái diễn ở miền Nam Brazil gây ngập lụt những khu vực cao hơn

Ngày 23/5, mưa lớn tái diễn tại nhiều khu vực ở bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, làm tiêu tan những nỗ lực dọn dẹp sau nhiều ngày mưa lũ ở bang này và gây ngập lụt tại các khu vực trước đó không bị ảnh hưởng ở thành phố Porto Alegre thủ phủ của bang.

Nghi phạm ám sát Thủ tướng Slovakia nêu mục đích gây án

Theo một tài liệu của tòa án được công bố ngày 23/5, nghi phạm trong vụ ám sát bất thành Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã khai nhận muốn gây thương tích cho nạn nhân vì không đồng tình với các chính sách của chính phủ nước này, đồng thời cho biết đã sở hữu khẩu súng gây án trong hơn 30 năm.

Sập sân khấu vận động tranh cử ở Mexico, ít nhất 4 người thiệt mạng

Tối 22/5, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador xác nhận ít nhất 4 người thiệt mạng và 15 người khác bị thương trong vụ sập sân khấu sự kiện vận động tranh cử diễn ra ở miền Bắc nước này.

Đông đảo người dân Iran đưa tang Tổng thống Ebrahim Raisi

Ngày 22/5, Lãnh tụ Tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã chủ trì tang lễ Tổng thống Ebrahim Raisi cùng đoàn tháp tùng tử nạn trong vụ rơi máy bay trực thăng tại tỉnh Đông Azerbaijan ngày 19/5 vừa qua. Đông đảo người dân Iran đã đổ ra các tuyến đường ở thủ đô Tehran để tham dự lễ đưa tang nhà lãnh đạo đất nước.

G7 dự kiến thảo luận việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga

Các quan chức cho biết các bộ trưởng tài chính của Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ nhóm họp tại Italy trong tuần này nhằm tìm kiếm "tiếng nói chung” về việc sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga để hỗ trợ Ukraine và giải quyết vấn đề xuất khẩu của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm.

Các quần thể cá nước ngọt di cư giảm hơn 80% kể từ năm 1970

Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy các quần thể cá nước ngọt di cư đã giảm hơn 80% kể từ năm 1970.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục