“Ngày tặng quà” (Boxing day) 26-12-2004 đã trở thành ngày đại tang cho hàng trăm ngàn gia đình ở 14 nước tiếp giáp Ấn Độ Dương. Một trận động đất 9,3 độ Richter dưới lòng biển ngoài khơi miền Tây đảo Sumatra của Indonesia đã tạo ra những đợt sóng thần hung hãn tấn công các làng chài và đô thị đông người ven biển

Trận động đất bắt đầu lúc 0 giờ 58 phút (giờ GMT), kéo dài gần 10 phút, đạt mức kỷ lục chưa từng thấy. Với cường độ lên đến 9,3 độ Richter, nó làm rung chuyển cả trái đất và kích hoạt hàng loạt cơn động đất nhỏ khác ở xa tít mãi tận bang Alaska của Mỹ.
 
Do tâm chấn nằm dưới đáy biển, sức tàn phá của nó được thể hiện bằng những cơn sóng thần hung hãn. Không một thiết bị điện tử nào báo động kịp thời cho chính phủ và người dân biết trước. Năm 2008, một nhóm khoa học gia quốc tế đã xác định rằng đây là trận động đất lớn nhất trong vòng 700 năm qua ở Ấn Độ Dương.


Sóng thần cao bằng đọt dừa bất ngờ tấn công làng Ao Nang, Thái Lan. Ảnh: Davidsvagfoto


Trẻ con, phụ nữ chết nhiều nhất


Trong danh sách các trận động đất gây tử vong lớn nhất, trận động đất ở Ấn Độ Dương đứng hàng thứ 4 về tổn thất nhân mạng. Theo số liệu của cơ quan Đo đạc Địa chất Mỹ, có tổng cộng 227.898 người chết trong trận động đất nói trên do sóng thần. Trong lịch sử thảm họa thiên nhiên, đây là đợt sóng thần gây tử vong lớn nhất.


Trận động đất tạo ra những đợt sóng thần gây thiệt hại về người và của cực kỳ nghiêm trọng. Ngay một nơi ở cách xa tâm chấn 8.000 km như Rooi Els ở Nam Phi cũng bị sóng thần cướp đi 8 sinh mạng.


Đáng chú ý là phụ nữ và trẻ em luôn luôn bị đe dọa tính mạng nhiều nhất trước thảm họa sóng thần. Các báo cáo của các cơ quan cứu trợ cho biết 1/3 trên tổng số nạn nhân là trẻ em. Có hai nguyên nhân: Thứ nhất, tỉ lệ trẻ em trong các cộng đồng bị ảnh hưởng rất cao. Thứ hai, các em ít có khả năng chống chọi với sóng thần so với người lớn.


Về phụ nữ, Tổ chức Oxfam quốc tế cho biết cứ 5 người chết hoặc mất tích do sóng thần có đến 4 người là phụ nữ. Nguyên nhân chủ yếu do họ nấn ná ở lại trông chồng đi biển trở về hoặc bận chăm sóc con cái trong nhà nên không kịp thoát thân.


Ngoài số người chết là dân địa phương, có đến 9.000 du khách nước ngoài, đa số là người phương Tây đi du lịch để tránh đông, chết hoặc mất tích. Trong số du khách châu Âu, nước có công dân chết và mất tích nhiều nhất là Thụy Điển với 543 người. Đức cũng có trên 500 người chết.


Bốn nước sau đây có người chết nhiều nhất: Indonesia với 130.736 người (số liệu chính thức) chưa kể 37.063 người mất tích. Sri Lanka: 35.322 người chết (số liệu chính thức). Ấn Độ: 12.405 (số liệu chính thức) chưa kể 5.640 người mất tích và Thái Lan với 5.395 người chết (số liệu chính thức) và 8.457 người mất tích. Tổng cộng có 14 nước bị ảnh hưởng, nhẹ nhất là Madagascar, không có người chết hay mất tích nhưng cũng có hơn 1.000 người mất nhà cửa.


Thiệt hại kinh tế và môi trường


Thiệt hại lớn nhất của trận động đất gây sóng thần này thuộc về ngư dân và nghề đánh cá ven biển. Ngư dân – đa số thuộc diện nghèo - mất tất cả các phương tiện đánh cá, mất thu nhập trong một thời gian dài. Sri Lanka là một ví dụ.


Tuy nghề đánh cá ở Sri Lanka mang tính chất thủ công, phương tiện đánh bắt còn thô sơ nhưng là ngành kinh tế quan trọng, sử dụng 250.000 người. Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp này trở thành một ngành xuất khẩu mũi nhọn, thu về rất nhiều ngoại tệ. Trận động đất năm 2004 đã phá hủy đến 66% đội tàu đánh cá và cơ sở hạ tầng của ngành.


Thiệt hại lớn khác là du lịch. Các nước trong khu vực bị ảnh hưởng sóng thần đã cố gắng kêu gọi du khách quay trở lại nhưng kết quả rất chậm chạp. Tuy hạ tầng cơ sở du lịch không bị thiệt hại nhiều, du khách vẫn có tâm lý ngại ngùng. Ngay cả những resort nổi tiếng ở miền duyên hải Thái Bình Dương của Thái Lan không bị ảnh hưởng cũng bị du khách hủy tour hàng loạt.

So với thiệt hại kinh tế, thiệt hại về môi trường mới đáng sợ hơn vì kéo dài trong nhiều năm. Nhiều hệ sinh thái như rừng ngập mặn, rặng san hô, rừng nguyên sinh, đầm lầy, cây cối, đụn cát, sự đa dạng của động thực vật bị ảnh hưởng rất nhiều.


Theo nhiều chuyên gia, tác hại nghiêm trọng nhất của trận động đất nói trên là nguồn nước ngọt bị ô nhiễm, đất nhiễm mặn, ruộng đồng bị lớp muối bao phủ bề mặt. Ở Maldives, có 16-17 hòn đảo san hô bị nước biển tràn ngập, mất nguồn nước ngọt hoàn toàn, bị hoang hóa trong nhiều thập kỷ tới. Ở Sri Lanka, hàng ngàn trang trại trồng xoài, chuối và lúa bị phá hủy hoàn toàn. Phải mất nhiều năm mới khôi phục được.  


Hứa nhiều, cho ít


Thảm họa sóng thần ở Ấn Độ Dương đã được cả thế giới quan tâm cứu giúp. 7 tỉ USD là số tiền viện trợ mà các nước cam kết ngay từ đầu. Úc dẫn đầu với 819,9 triệu USD trong đó 760,6 triệu dành cho Indonesia. Đức giúp 660 triệu USD, Nhật 500 triệu USD, Canada 343 triệu USD, Na Uy và Hà Lan mỗi nước cho 183 triệu USD.

Mỹ ban đầu cam kết giúp 35 triệu USD, sau đó tăng lên 350 triệu USD.
 
Ngày 9-2-2005, Tổng thống Bush đề nghị quốc hội viện trợ tổng cộng 950 triệu USD. Ngân hàng Thế giới giúp 250 triệu USD, Ý giúp 95 triệu USD sau đó tăng lên 113 triệu USD. Tuy nhiên, giữa tháng 3-2004, Ngân hàng Phát triển châu Á báo cáo vẫn chưa nhận được 4 tỉ USD trong số 7 tỉ USD.


Sri Lanka cũng than phiền không nhận được đồng nào từ cam kết viện trợ của các chính phủ nhưng tiền cứu trợ của tư nhân thì khá dồi dào. Thật vậy, các tổ chức từ thiện tư nhân nhận được rất nhiều tiền cứu trợ của dân. Ví dụ, người dân Anh đã đóng góp gần 600 triệu USD, nhiều hơn viện trợ của chính phủ rất nhiều.

 

 

                                                                                  Theo NLĐ

Các tin khác

Không có hình ảnh
Trực thăng Mỹ đáp xuống dinh tổng thống Haiti ở thủ đô Port-au-Prince hôm 19-1.
Không có hình ảnh
Không có hình ảnh

Trung Quốc phát hiện 2 hồ nước ngầm khổng lồ

Trung Quốc vừa phát hiện 2 hồ nước ngầm khổng lồ ở Qaidam, lòng chảo cao nhất Trung Quốc và nằm trên Cao nguyên Thanh Hải - Tây Tạng - các nhà địa chất nước này hôm qua cho biết.

Châu Á - "động lực" chính đưa kinh tế thế giới thoát suy thoái

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các nền kinh tế châu Á năm 2010 đứng trước bước ngoặt quan trọng: châu Á nhiều khả năng sẽ là động lực chính đưa nền kinh tế thế giới thoát khỏi suy thoái chứ không phải là các nước công nghiệp như trước đây

Phản ứng khác nhau về kết quả sơ bộ bầu cử Ukraine

Mặc dù 27/1 mới là thời điểm chính thức công bố kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra hôm 17/1, nhưng theo thông báo sơ bộ thì Thủ tướng Yulia Tymoshenko và cựu Thủ tướng Viktor Yanukovych sẽ "quyết đấu" tại vòng hai dự kiến diễn ra vào ngày 7/2 tới.

380.000 trẻ mồ côi Haiti chờ được cưu mang

Bên cạnh những nỗ lực cứu hộ và trợ cấp nhân đạo tại Haiti, nỗ lực tìm giải pháp cho những trẻ em mồ côi tại quốc gia được xếp vào nhóm nghèo nhất này đang trở thành nhu cầu cấp bách. Trên trang web của mình, Quỹ Nhi đồng LHQ cho biết trận động đất vừa qua đã đưa số trẻ em mồ côi tại đất nước nghèo nhất thế giới này lên đến 380.000.

Haiti rung chuyển vì dư chấn

Một cơn địa chấn mới lại làm rung chuyển thủ đô Port-au-Prince vốn đã tan hoang của Haiti vào sáng sớm qua, gây nên cơn hoảng loạn mới trong những người còn sống sót từ thảm họa tuần trước.

FBI đối mặt sóng gió mới

Cục Điều tra Liên bang Mỹ có nguy cơ đối mặt với thêm nhiều chỉ trích sau khi có nguồn tin tiết lộ rằng cơ quan này đã thu thập trái phép nội dung hàng ngàn cuộc gọi điện thoại ở Mỹ

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục