Cục Điều tra Liên bang Mỹ có nguy cơ đối mặt với thêm nhiều chỉ trích sau khi có nguồn tin tiết lộ rằng cơ quan này đã thu thập trái phép nội dung hàng ngàn cuộc gọi điện thoại ở Mỹ

Bằng cách giả mạo các tình huống khủng bố khẩn cấp hoặc thuyết phục các công ty điện thoại cung cấp thông tin, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã thu thập trái phép nội dung của hơn 2.000 cuộc gọi điện ở Mỹ từ năm 2002 đến 2006.


FBI bị cáo buộc đã thu thập trái phép nội dung hơn 2.000 cuộc gọi điện thoại ở Mỹ từ năm 2002 đến 2006. Ảnh: Getty Images

Quá trình phạm luật của FBI


Phương pháp thu thập thông tin trái phép nói trên được dựa trên một hệ thống được sử dụng tại văn phòng của FBI ở New York sau sự kiện khủng bố 11-9-2001, thời điểm cần nhanh chóng thu thập thông tin và kết nối chúng để tìm kiếm những dấu hiệu khả nghi được xem là một ưu tiên hàng đầu của chính phủ liên bang. Trước sự kiện khủng bố này, FBI thường thu thập thông tin về các cuộc gọi điện thoại thông qua việc sử dụng trát của đại bồi thẩm đoàn hoặc một công cụ gọi là thư an ninh quốc gia. Loại thư này chỉ được đưa ra trong các cuộc điều tra khủng bố hoặc gián điệp và phải được sự phê chuẩn của các quan chức cấp cao ở Washington.


Tuy nhiên, sự ra đời của Đạo luật yêu nước Mỹ vào tháng 10-2001 đã gia tăng việc sử dụng thư an ninh quốc gia bằng cách cho phép các quan chức cấp thấp hơn bên ngoài Washington phê chuẩn nó. Phạm vi sử dụng của công cụ này cũng được mở rộng, nhưng luật vẫn yêu cầu FBI phải gắn kết nó với một cuộc điều tra khủng bố mở.


Báo The Washington Post (Mỹ) tiết lộ rằng không lâu sau khi Đạo luật yêu nước Mỹ được thông qua, các quan chức cấp cao FBI đã nghĩ ra một hệ thống của riêng mình để thu thập thông tin trong những tình huống khủng bố khẩn cấp. Một công cụ mới gọi là “thư tình huống khẩn cấp” được sử dụng, cho phép một người giám sát tuyên bố một tình huống khẩn cấp và thu thập thông tin. Sau khi mọi việc đã rồi, họ mới đưa ra một lá thư an ninh quốc gia để trình bày chi tiết về nguy cơ khủng bố liên quan. Tuy nhiên, sau này, người ta phát hiện rằng trong một số trường hợp, nội dung các lá thư này chỉ chứa những thuật ngữ chung chung như “mối đe dọa nhằm vào phương tiện giao thông”, “mối đe dọa nhằm vào các cá nhân”,  “mối đe dọa nhằm vào những sự kiện đặc biệt”...


Sai phạm lớn và thường xuyên


Đến ngày 6-1-2003, trợ lý giám đốc FBI về chống khủng bố Larry Mefford cho phép sử dụng phương pháp trên trong một e-mail gửi cho nhân viên toàn cục.  Theo ông Mefford, phương pháp thu thập thông tin cuộc gọi điện thoại nói trên đóng vai trò “cấp thiết đối với những nỗ lực không ngừng của FBI nhằm bảo vệ quốc gia trước các vụ tấn công trong tương lai”. Trong vòng vài năm sau đó, hàng trăm yêu cầu khủng bố đã được đưa ra và nội dung của vài ngàn cuộc gọi điện thoại được thu thập. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, các lá thư an ninh quốc gia đã không được đưa ra sau đó.


Có ít nhất hai nhân viên FBI đã bày tỏ những lo ngại về phương pháp nói trên. Năm 2005, đặc vụ Bassem Youssef, người phụ trách bộ phận thu thập thông tin của FBI, bắt đầu chất vấn với cấp trên về vấn đề này. Cũng trong năm này, luật sư Patrice Kopistansky của FBI cũng viết một loạt e-mail yêu cầu cấp trên xem xét giải quyết vấn đề.


Mãi đến năm 2007, FBI mới thừa nhận rằng một bộ phận của cục đã thu thập trái phép thông tin của một số cuộc gọi điện thoại. Một cuộc điều tra ban đầu của Bộ Tư pháp khi đó cho biết đã có 22 yêu cầu trái phép được FBI gửi đến các công ty điện thoại. Dù vậy,  theo báo The Washington Post, một báo cáo của tổng thanh tra Bộ Tư pháp dự kiến sẽ được công bố vào cuối tháng này, xác nhận rằng mức độ sai phạm của FBI diễn ra thường xuyên hơn và lớn hơn so với cuộc điều tra ban đầu. Khi đó, làn sóng chỉ trích FBI có thể sẽ mạnh hơn so với thời điểm những sai phạm này được phanh phui gần 3 năm về trước.

 

 

                                                                              Theo NLĐ

Các tin khác


Số người sơ tán trong nước trên toàn cầu ở mức kỷ lục 75,9 triệu vào năm 2023

Năm 2023, 7,7 triệu người phải di dời do thiên tai, 68,3 triệu người sơ tán do xung đột và bạo lực, trong đó cuộc chiến ở Sudan, Gaza đã đẩy con số này lên kỷ lục mới.

Liên đoàn Arab thống nhất lập trường chung về Gaza

Trong cuộc họp ở thủ đô Manama của Bahrain, Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia Arab đã nỗ lực để đạt được lập trường chung về vấn đề Gaza trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) vào ngày 16/5.

Người học vấn cao xin làm nhân viên tang lễ khi Trung Quốc khan hiếm việc làm

Công việc nhân viên hỏa táng thuộc nhóm nghề có mức lương tốt và ổn định nên đang thu hút sự quan tâm của người trẻ Trung Quốc, dù tốt nghiệp trái ngành ở nhiều trường đại học danh tiếng.

Xung đột Hamas - Israel: Dân thường Israel thiệt mạng do đạn bắn từ Liban

Theo phóng viên TTXVN tại Tel Aviv, Quân đội Israel (IDF) ngày 14/5 thông báo 1 người dân đã thiệt mạng và 5 quân nhân bị thương do đạn chống tăng bắn từ phía Liban trúng vào khu dân cư Adamit của Israel nằm sát biên giới.

Bầu cử Mỹ 2024: Ứng cử viên Donald Trump gia tăng ưu thế tại các bang chiến địa

Ngày 14/5, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy ông Donald Trump, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa tiếp tục gia tăng ưu thế tại hầu hết các bang "chiến địa" quan trọng trước đương kim Tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay.

Hàng chục nghìn người cao tuổi Nhật Bản qua đời trong cô độc mỗi năm

Ước tính mỗi năm có khoảng 68.000 người trên 65 tuổi ở Nhật Bản qua đời trong cô độc tại nhà, mà không có bất kỳ người nào bên cạnh trong phút lâm chung. Thông tin trên được Cảnh sát Nhật Bản đưa ra ngày 14/5.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục