Một trong những nội dung quan trọng mà Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 43 (AMM-43) và các hội nghị liên quan vừa kết thúc tại Hà Nội là ASEAN khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia của các nước đối tác vào quá trình hình thành cấu trúc hợp tác của khu vực.
Chúng tôi xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của các đại biểu chung quanh vấn đề này.
Bộ trưởng Ngoại giao Thái-lan Ka-xít Pi-rôm:
Thái-lan ủng hộ và tin tưởng Việt Nam hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010
Một trong những nội dung quan trọng của các hội nghị diễn ra tại Hà Nội lần này là việc các nước ASEAN khuyến khích và thúc đẩy sự tham gia gắn kết sâu rộng hơn của các nước đối tác vào quá trình hình thành cấu trúc hợp tác ở khu vực, dựa trên các nguyên tắc đã có của ASEAN. Ðó là cơ chế hợp tác ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Ðông Á (EAS), theo đó ASEAN+3 là công cụ chính và EAS đóng vai trò bổ trợ, hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng Cộng đồng Ðông Á. EAS là một diễn đàn cấp cao để nói về các vấn đề chiến lược. Nội dung được thảo luận tại diễn đàn này là linh hoạt và có thể toàn diện để các lãnh đạo cùng trao đổi nhằm duy trì hòa bình và ổn định. ASEAN chào đón cả Nga và Mỹ, hai đối tác lớn và quan trọng của Hiệp hội tham gia EAS. Mỹ có tầm ảnh hưởng rất quan trọng đối với châu Á - Thái Bình Dương, giúp bảo đảm hòa bình, an ninh trên Biển Ðông và toàn bộ châu Á - Thái Bình Dương, hỗ trợ phát triển tại các nước đang phát triển, hợp tác tăng cường đầu tư, công nghệ, du lịch... Mỹ cũng đang bày tỏ những quan tâm về kinh tế tại khu vực. Là những nước nằm ở phía tây Thái Bình Dương, các nước ASEAN vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ. Mỹ cũng được lợi khi gắn kết với ASEAN. Thực tế những năm gần đây cho thấy, Mỹ đã thể hiện sự quan tâm tham gia EAS và điều đó được hoan nghênh. Nga cũng vậy. Là đối tác đối thoại của ASEAN, Nga trở nên ngày càng quan trọng đối với ASEAN. Về địa lý, một nửa nước Nga nằm ở châu Á, theo lô-gích Nga có quyền tham gia EAS. Trong mô hình EAS mở rộng, tính trung tâm của ASEAN phải được coi là điều bắt buộc, là nguyên tắc ASEAN. Muốn vậy, ASEAN phải mạnh hơn, phải liên kết hơn, hội nhập hơn và tôn trọng tinh thần và nội dung của Hiến chương ASEAN. Rõ ràng đã đến lúc ASEAN cần mở cửa với thế giới và trở nên mạnh mẽ hơn.
Về quan hệ giữa Việt Nam và Thái-lan, Bộ trưởng K. Pi-rôm cho biết, Chính phủ Thái-lan mong muốn phát triển quan hệ hợp tác sâu rộng hơn nữa với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, tin tưởng quan hệ Việt Nam - Thái-lan tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đóng góp tích cực vào sự phát triển của mỗi nước và của ASEAN. Thái-lan hy vọng Việt Nam, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN 2010, sẽ ủng hộ Thái-lan trong việc mở rộng quan hệ hợp tác với các nước trong ASEAN.
Sau 15 năm gia nhập ASEAN, các hoạt động của Việt Nam được ghi nhận và đánh giá tích cực từ các thành viên và các đối tác của Hiệp hội. Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và thực hiện nhiều cải tổ để hòa nhập cùng ASEAN.
Với sự điều hành và tổ chức thành công hàng loạt hội nghị của ASEAN từ đầu năm đến nay, trong đó có Hội nghị cấp Bộ trưởng ASEAN tại Ðà Nẵng và HNCC ASEAN-16 tại Hà Nội, Thái-lan ủng hộ và tin tưởng Việt Nam sẽ hoàn thành tốt vai trò nước Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2010.
HỒNG HẠNH
(Thực hiện)
Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Hàn Quốc Y-u Miêng Hoan:
Hy vọng Việt Nam tiếp tục đi đầu thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hàn Quốc
Mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc đã được mở rộng và phát triển trong vòng 20 năm qua, và sẽ đạt được một dấu ấn quan trọng trong việc nâng tầm mối quan hệ thành quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Hiện nay, phạm vi mối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc sẽ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế mà còn mở rộng tới các vấn đề chính trị và an ninh. Chính phủ Hàn Quốc hy vọng rằng Việt Nam sẽ tiếp tục chứng minh vai trò lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy mạnh hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa ASEAN và Hàn Quốc.
Hàn Quốc coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách ngoại giao của mình và hợp tác phát triển sẽ là trọng tâm trong quan hệ Hàn Quốc - Việt Nam. Quan hệ hợp tác giữa hai nước đang phát triển mạnh mẽ với những dấu hiệu đáng mừng. Ðặc biệt, Việt Nam là nước nhận được nhiều viện trợ từ Quỹ hợp tác phát triển kinh tế (EDCF) của Hàn Quốc. Hàn Quốc ủng hộ Việt Nam đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN 2010 và tin tưởng hai nước sẽ có những hợp tác tốt cả song phương và trong khuôn khổ ASEAN + 3. Kể từ khi đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2010, Việt Nam đã thực hiện tốt trách nhiệm của mình, góp phần vào nỗ lực hội nhập và xây dựng cộng đồng ASEAN.
Minh Lê
(Thực hiện)
Bộ trưởng Ngoại giao Nga X.La-vrốp:
Quan hệ đối tác đối thoại Nga-ASEAN đang được củng cố
Tôi rất vui lòng nhận thấy quan hệ đối tác đối thoại giữa Nga và ASEAN đang ngày càng củng cố và tăng cường. Chương trình hành động tổng thể nhằm phát triển quan hệ hợp tác Nga-ASEAN giai đoạn 2005-2015 đang được triển khai trên thực tế, tiếp xúc trực tiếp giữa các ban, ngành Nga và các cơ cấu chuyên môn của ASEAN được duy trì tốt. Các dự án phối hợp hoạt động theo kênh Quỹ tài chính đối tác đối thoại Nga-ASEAN được thực hiện một cách tích cực, trong đó việc khai trương Trung tâm ASEAN tại Nga là một trong những sự kiện nổi bật. Tất cả những hoạt động nói trên tạo ra bối cảnh thuận lợi cho việc tổ chức hội nghị cấp cao Nga-ASEAN vào tháng 10 năm nay tại Hà Nội, hoạt động đã trở thành sự kiện then chốt trong quan hệ song phương giai đoạn năm năm gần đây. Ðược công nhận có vai trò lãnh đạo "cánh phía bắc" của ASEAN, Việt Nam hiện nay xứng đáng giữ một trong những vị thế hàng đầu trong hiệp hội, đặc biệt khi Việt Nam đang đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN.
Nga đang triển khai những lĩnh vực hợp tác mới, xuất phát từ tiềm năng của Nga cũng như từ nhu cầu của các đối tác ASEAN. Nhận thấy khu vực đang có nhu cầu lớn về nhiên liệu, chúng tôi đã đề nghị ASEAN triển khai tiến trình đối thoại trong lĩnh vực năng lượng, tập trung phát triển những nguồn năng lượng thay thế, bao gồm cả ngành năng lượng hạt nhân. Theo đó, các chuyên gia Nga sẽ chia sẻ với các đồng nghiệp ASEAN những thành quả trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình tại một hội thảo được tổ chức vào tháng 9 tới. Ngoài ra, Nga quan tâm thúc đẩy xây dựng quan hệ hợp tác với ASEAN trong lĩnh vực bảo đảm an ninh lương thực, mà bước đi đầu tiên là tổ chức một cuộc hội thảo về ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong công nghiệp thực phẩm tại Hà Nội vào tháng 11 tới. Chúng tôi sẵn sàng tham gia triển khai chương trình phát triển khu vực Tiểu vùng sông Mê Công, trong đó tập trung những lĩnh vực như sử dụng nguồn nước hợp lý, cải tạo đất, thủy lợi...
Từ Diễn đàn an ninh khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 17, Nga kêu gọi các đối tác thành lập một cấu trúc an ninh và hợp tác đa cực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi cho rằng, nên xây dựng cấu trúc đó trên nền tảng các cơ cấu đang hoạt động trong khu vực. Trong bối cảnh đó đề nghị của Nga lập quan hệ tiếp xúc trực tiếp giữa ARF với Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) đã nhận được sự quan tâm của các đối tác. Việc ký kết Nghị định thư thứ ba của Hiệp ước thân thiện và hợp tác Ðông - Nam Á, văn kiện mở ra cánh cửa để các tổ chức quốc tế tham gia hiệp ước, là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt đối với việc điều chỉnh quan hệ hợp tác rộng rãi trong khu vực. Ðiều đó phù hợp tinh thần của chính sách đối ngoại rộng mở, sẽ thúc đẩy việc làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các đối tác trong khu vực.
BÍCH HẠNH
(Thực hiện)
Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản H.Xô-ba-si-ma:
Nhật Bản cam kết thúc đẩy Kết nối ASEAN
Nhật Bản rất coi trọng các hội nghị lần này của ASEAN và thấy rằng các hội nghị đã có kết quả rất hữu ích. Nhật Bản khẳng định lại cam kết tiếp tục ủng hộ ASEAN trong việc hình thành cộng đồng, giúp ASEAN thu hẹp khoảng cách phát triển trong khối. Nhật Bản ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong các tiến trình hợp tác và quá trình định hình cấu trúc khu vực. Nhật Bản sẽ cùng ASEAN tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác ưu tiên trong các tiến trình ASEAN+1, ASEAN+3 và Cấp cao Ðông Á (EAS), trong đó có đóng góp của các tiến trình này nhằm hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng cộng đồng Ðông Á. Nhật Bản nhất trí cùng ASEAN thúc đẩy kết nối ASEAN ở khu vực, trong đó có triển khai Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN, hướng tới kết nối ở Ðông Á, tăng cường các cuộc thảo luận về tầm nhìn tương lai cho khu vực, cụ thể hóa các đề xuất hướng tới tăng cường hợp tác khu vực (phòng ngừa thiên tai, hợp tác khoa học và công nghệ...) và hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững ở khu vực. Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Nhật Bản sẽ tăng cường trao đổi ý kiến với ASEAN về tình hình các điểm nóng khu vực, phối hợp với ASEAN trong các nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu, như ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong quá trình chuẩn bị cho Hội nghị COP-16 tại Mê-hi-cô...
Cũng trong dịp này, diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Mê Công - Nhật Bản lần thứ ba, là Hội nghị Bộ trưởng đầu tiên sau Hội nghị Cấp cao Mê Công - Nhật Bản lần thứ nhất tháng 11-2009 tại Tô-ki-ô. Tại hội nghị lần này, Nhật Bản mang tới sáng kiến "Thập kỷ Mê Công xanh", với những biện pháp hỗ trợ cụ thể về bảo vệ môi trường, trồng rừng..., được các nước tiểu vùng sông Mê Công đánh giá cao. Nhật Bản cùng các nước tiểu vùng sông Mê Công quyết tâm tiếp tục tăng cường hợp tác, xây dựng và củng cố mối quan hệ nhiều mặt, trên nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn trong quan hệ kinh tế mà cả chính trị, văn hóa, và các lĩnh vực khác.
Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Việt Nam ở khu vực ASEAN. Hai nước đã có quan hệ đối tác chiến lược. Nhật Bản là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là nước cấp ODA lớn nhất cho Việt Nam. Hiệp định đối tác kinh tế hai nước đã ký kết đang tạo thuận lợi cho quan hệ kinh tế, thương mại giữa hai nước phát triển mạnh. Hai nước chia sẻ quan điểm về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế. Bên cạnh quan hệ song phương, Nhật Bản hy vọng tiếp tục phát triển hơn nữa quan hệ đối tác với Việt Nam trên tư cách là Chủ tịch ASEAN 2010 và nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với Nhật Bản. Nhật Bản hoan nghênh các sáng kiến của Việt Nam tại các hội nghị lần này; hy vọng Việt Nam tiếp tục giữ vai trò đi đầu trong thúc đẩy hình thành cộng đồng ASEAN và hợp tác giữa các nước tiểu vùng sông Mê Công. Nhật Bản khẳng định tiếp tục tăng cường hợp tác với Việt Nam trên các phương diện song phương và khu vực.
Theo ND
Theo Roi-tơ, ngày 25-6, các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử cho thấy, Công đảng cầm quyền ở Ô-xtrây-li-a tiếp tục dẫn trước với 54% số cử tri ủng hộ. Trong khi đó, liên minh đối lập gồm hai đảng Tự do và Quốc gia được 46% số ý kiến ủng hộ. Công đảng do Thủ tướng G.Gi-lát lãnh đạo nhiều khả năng sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử QH trước thời hạn ngày 21-8 tới. Thủ tướng Gi-lát tuyên bố, Công đảng sẽ đưa ra gói kích thích kinh tế mới trị giá 54,47 triệu USD trong bốn năm nhằm tạo việc làm và kế hoạch trị giá 161,25 triệu USD hỗ trợ thuế cho các doanh nghiệp để cải thiện tình hình đầu tư và sản xuất.
Iran sẽ phóng tàu con thoi có người lái đầu tiên lên vũ trụ vào năm 2019; Phát hiện ngôi mộ tập thể chứa ít nhất 38 thi thể ở Mexico; 16 người thiệt mạng trong một vụ tấn công bằng máy bay do thám của Mỹ ở tây bắc Pakistan...
Cuối tháng 6, chính quyền lâm thời ở Kyrgyzstan đã tiến hành trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới. 90% cử tri đã nhất trí áp dụng thể chế cộng hoà nghị viện ở quốc gia Trung Á này.
Một chiếc máy bay chiến đấu CF-18 Hornet thuộc không quân Canada đã phát nổ và vỡ vào 12g15 hôm qua 23-7 (giờ địa phương) tại miền tây tỉnh Alberta, Canada.
Các hãng tin Nga đưa tin, ngày 23/7 Nga tuyên bố sẵn sàng khôi phục quan hệ hợp tác quân sự với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gần hai năm sau khi các mối quan hệ bị đóng băng do cuộc xung đột ở Gruzia năm 2008.
Triều Tiên tuyên bố sẽ sử dụng lực lượng răn đe hạt nhân để đáp trả cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ diễn ra vào cuối tuần này, hãng thống tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin.