Trong khi ý định cắt giảm ngân sách buộc Lầu Năm Góc phải lên kế hoạch về một lực lượng hải quân nhỏ gọn hơn, thì Trung Quốc lại đanh nhanh chóng hạ thủy những tàu chiến mới ngày càng tối tân trong nỗ lực không ngừng để trở thành cường quốc hải quân.
Christian Le Miere, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế trụ sở tại London, nói: “Có hạm đội quan trọng trang bị những tàu tấn công đổ bộ lớn rõ ràng cho thấy một tham vọng quyền lực. Nếu cần quảng cáo cho lực lượng quân sự của mình, hãy nói về các tàu đổ bộ”.
Ganh đua quân sự
Trung Quốc nỗ lực xây dựng lực lượng hải quân trong bối cảnh căng thẳng trên biển ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng tăng – thậm chí có thể trở thành một trong những điểm nhấn căng thẳng chính trị chính trong thập kỷ tới.
Trước đây, các nhà hoạch định quân sự chủ yếu tập trung vào cuộc xung đột tiềm tàng ở eo biển Đài Loan. Tuy nhiên, gần đây hơn, Nhật Bản và Trung Quốc đã “mặt nặng mày nhẹ” vì các đảo mà cả hai bên cùng tuyên bố chủ quyền ở Hoa Đông; Trung Quốc đã gây căng thẳng với nhiều nước trong khu vực bằng những tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Hải quân Mỹ đã tuyên bố sẽ triển khai các tàu tấn công đổ bộ mới của mình “đến các ngã tư trên biển” ở châu Á-Thái Bình Dương, cập cảng ở Singapore và có lẽ cả ở Philippines.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được dự đoán sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc vào cuối năm nay, đã kêu gọi tăng cường hợp tác quân sự giữa các cường quốc quân sự ở Thái Bình Dương, khi ông gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong chuyến thăm Washington hôm 15/2. Ông Tập cũng gặp Tổng thống Barack Obama và được đón tiếp rất trọng thị tại Lầu Năm Góc. Nhưng ông Panetta, ám chỉ căng thẳng trong mối quan hệ song phương, đã kêu gọi Bắc Kinh minh bạch hơn nữa trong quá trình hiện đại hóa quân đội.
Nước đóng tàu nhiều nhất
Hải quân Trung Quốc có khả năng triển khai đến 8 tàu đổ bộ 071 – loại tàu có thể vận chuyển đến 800 binh sĩ, cùng tàu đệm khí, xe bọc thép và trực thăng loại trung.
Chiếc tàu đầu tiên loại này đã được hạ thủy năm 2006, mang tên Kunlunshan, và đã được bổ sung cho lực lượng hải quân Trung Quốc ở Ấn Độ Dương. Tốc độ đóng tàu dường như nhanh hơn với chiếc tàu thứ ba và thứ tư được hoàn thành trong 5 tháng gần đây.
Trong khi đó, các nhà phân tích quân sự và sĩ quan hải quân Trung Quốc đã nghỉ hưu tiết lộ Trung Quốc đã bắt đầu triển khai các thiết kế tàu đổ bộ lớn hơn, mạnh hơn.
Theo các chuyên gia quân sự, nền công nghiệp đóng tàu thương mại rất thịnh vượng của nước này là nơi cung cấp những tàu chiến ngày càng lớn và tinh vi cho hải quân Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc đã vượt Hàn Quốc để trở thành nước đóng tàu lớn nhất thế giới và các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng, các xưởng đóng tàu nhà nước hàng đầu của Trung Quốc ngày càng cải thiện được kỹ năng và công nghệ để cho ra đời những tàu chiến lớn hơn, phức tạp hơn và chuyên dụng hơn.
Song song với hơn hai thập kỷ tăng chi phí quân sự không ngừng, kỹ năng đóng tàu thành thạo đã biến hải quân Trung Quốc từ một lực lượng phòng vệ bờ biển lỗi thời trở thành một hạm đội biển sâu đang ngày càng mở rộng ảnh hưởng ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Những tàu chiến và tàu ngầm hiện đại nhất của Trung Quốc giờ đã được trang bị những vũ khí phòng không tối tân cùng các tên lửa tầm xa chống hạm.
Năm ngoái, trong báo cáo thường niên trước Quốc hội về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, Lầu Năm Góc cho rằng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) có khoảng 75 tàu chiến lớn, hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ hạng trung và hạng nặng và khoảng 85 tàu tấn công nhanh trang bị tên lửa.
Theo các nhà hoạch định quân sự Trung Quốc, là một cường quốc thương mại ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu và năng lượng nhập khẩu, việc mở rộng hải quân rất quan trọng với an ninh nước này.
Lực lượng Hải quân Mỹ ngày càng co lại
Các nhà chiến lược quân sự không chấp nhận cách so sánh sức mạnh hải quân giữa hai nước mà chỉ dựa trên số tàu chiến và hầu hết các chuyên gia đồng ý rằng hải quân Mỹ với hạm đội mạnh (11 tàu sân bay, hơn 70 tàu ngầm năng lượng hạt nhân và 22 tàu tuần tiễu) vẫn là lực lượng hải quân vô địch trên thế giới.
Xét về số lượng, hỏa lực, sự tích hợp với những hệ thống vũ khí quan trọng khác và kinh nghiệm chiến đấu, những tàu chiến hiện đại nhất của Mỹ rõ ràng được hưởng một lợi thế hơn hẳn của Trung Quốc hay bấy kỳ chiến binh nào khác.
Tuy nhiên, cũng rõ ràng rằng với kế hoạch của chính quyền Obama cắt giảm gần 487 tỷ USD dành cho ngân sách quốc phòng trong thập kỷ tới, hải quân Mỹ sẽ bị thu nhỏ trong khi hạm đội của Trung Quốc tiếp tục lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng.
Theo các quan chức cấp cao Lầu Năm Góc, để đạt được mục tiêu ngân sách, hải quân Mỹ đã đề xuất “cho hồi hưu” 7 tàu tuần dương và 2 tàu đổ bộ, hoãn đóng những tàu chiến và tàu ngầm mới, hủy một số chương trình mà có thể khiến hạm đội hải quân rút xuống còn chưa đầy 250 tàu.
Trong khi đó, trong nỗ lực tăng cường hợp tác phòng thủ ở châu Á, quân đội Mỹ hiện đang tổ chức cuộc tập chung thường niên Hổ mang Vàng (mở màn ngày 17/2) ở Thái Lan với sự tham gia của quân đội nước chủ nhà, Indonesia, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Mỹ sẽ tập trận hải quân chung với Philippines vào tháng tới.
Nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ hai thế giới
Sau hơn 2 thập kỷ tăng hai con số, mức tăng chi phí quân sự hàng năm của Trung Quốc chính thức được công bố là còn 7,5% vào năm 2010, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, con số này lại tăng trở lại vào năm ngoái – là 12,7%, lên 91,5 tỷ USD.
Hầu hết các nhà phân tích nước ngoài đều tin rằng Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc phòng thấp hơn thực tế.
Lầu Năm Góc ước tính tổng chi phí quân sự của Trung Quốc trong năm 2010 là hơn 160 tỷ USD và dễ dàng khiến nước này xếp thứ 2, chỉ sau Mỹ, trong top những nước dành khoảng chi “khủng”cho ngân sách quốc phòng.
Chính quyền Obama đang dự chi 525 tỷ USD cho quân sự trong năm 2013.
Trong chiến lược tăng cường sức mạnh hải quân, việc công khai triển khai tàu sân bay đầu tiên (mua lại của Ukraina) với các vụ thử nghiệm trên biển hồi năm ngoái - được xem là cột mốc quan trọng trong nỗ lực của Trung Quốc trở thành một cường quốc trên biển. Tuy nhiên, hầu hết giới phân tích Trung Quốc và nước ngoài tin rằng sẽ cần nhiều năm nữa tàu sân bay này mới có thể sẵn sàng tác chiến với máy bay, vũ khí và các tàu chiến hỗ trợ.
Trong khi đó, Mỹ đang chuyển hướng quân sự đến châu Á và nỗ lực tăng cường quan hệ với các đồng minh khu vực truyền thống - một phần là nhằm đối đầu với sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.
Theo DanTri
Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin cho biết Mátxcơva đang phác thảo một chiến lược thực sự hoàn hảo cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Văn kiện này được xây dựng sau chuyến thăm Damascus của Ngoại trưởng Nga Lavrov vào tuần trước và dự kiến sẽ được công bố trong vài ngày tới.
Trong cuộc gặp vừa diễn ra tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ khẳng định với Phó Chủ tịch Trung Quốc rằng duy trì mối quan hệ mạnh mẽ với Bắc Kinh “có tầm quan trọng sống còn với Mỹ”, nhưng cũng nhấn mạnh về những vấn đề mà Mỹ coi là không công bằng.
Cao ủy LHQ về nhân quyền Navi Pillay ngày 13/2 cho biết nhiều khả năng xảy ra các tội ác chống lại loài người trong cuộc trấn áp đẫm máu nhằm vào những người bất đồng chính kiến ở Syria.
Điều làm nên vẻ độc đáo và kỳ bí của ngôi làng Kandovan ở Iran là những ngôi nhà kiểu hang động với hình thù như những tổ mối khổng lồ. Một số ngôi nhà ở đây đã ít nhất 700 năm tuổi.
Chỉ huy lực lượng hải quân Mỹ tại Vịnh Péc-xích hôm qua cho rằng Iran đã củng cố lực lượng hải quân của mình tại khu vực và đã chuẩn bị tàu để có thể dùng trong các vụ tấn công liều chết.
Sau cuộc họp ngày 12/2 tại thủ đô Cairo của Ai Cập, ngoại trưởng các nước thành viên Liên đoàn Arập đã quyết định sẽ chấm dứt sứ mệnh giám sát của Liên đoàn Arập tại Syria, đồng thời kêu gọi HĐBA Liên hợp quốc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình chung để giám sát lệnh ngừng bắn.