Một vụ thử tên lửa đánh chặn của Mỹ - Ảnh: Reuters
Mỹ đang có kế hoạch mở rộng lá chắn tên lửa ở châu Á trong một động thái nhằm hạn chế mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên song cũng có thể sử dụng để đối phó với quân đội Trung Quốc, theo các quan chức Mỹ.
Tờ Wall Street Journal hôm nay (23.8) loan tin rằng kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa là một phần của chiếc ô phòng thủ có thể che phủ một khu vực rộng lớn ở châu Á, với hệ thống radar mới ở phía nam nước Nhật và khả năng có thêm một hệ thống khác tại Đông Nam Á kết hợp với các tên lửa đánh chặn tại đất liền và trên tàu chiến.
Đây là một phần chiến lược quốc phòng mới của chính quyền Mỹ nhằm chuyển dịch nguồn lực đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương sau một thập kỷ chiến tranh ở Iraq và Afghanistan.
Việc mở rộng được đặt ra vào thời điểm Mỹ và các đồng minh trong khu vực ngày càng có thái độ lo ngại trước mối đe dọa tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Họ cũng lo ngại về lập trường hung hăng của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp như biển Đông.
Các nhà hoạch định quốc phòng Mỹ đặc biệt lo ngại về sự phát triển tên lửa đạn đạo chống hạm của Trung Quốc vốn có thể đe dọa hạm đội tàu sân bay của hải quân Mỹ, theo tờ Wall Street Journal.
Lầu Năm Góc đang thảo luận việc này với Nhật, đồng minh thân cận nhất trong khu vực. Radar có thể được lắp đặt trong vòng vài tháng, sau khi có thỏa thuận với Tokyo và sẽ bổ sung cho hệ thống radar X-Band khác được Mỹ đặt tại tỉnh Aomori ở phía bắc nước Nhật năm 2006.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Nhật nói chính phủ sẽ không bình luận về vấn đề này. Mỹ và Nhật đã loại bỏ khả năng triển khai radar mới tại Okinawa, hòn đảo ở phía nam nơi các cư dân từ lâu đã chán ghét sự hiện diện của quân Mỹ tại đây.
Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương và Cơ quan Phòng thủ tên lửa của Mỹ cũng đang cân nhắc các địa điểm đặt radar X-Band thứ ba ở Đông Nam Á, nhằm tạo ra một vòng cung cho phép Mỹ và các đồng minh trong khu vực theo dõi chính xác hơn các tên lửa được phóng đi từ CHDCND Triều Tiên, cũng như từ một số nơi ở Trung Quốc.
Một số quan chức quốc phòng Mỹ xem Philippines như là nơi tiềm năng để đặt radar X-Band thứ ba mặc dù địa điểm vẫn chưa được quyết định.
Việc Mỹ tăng cường quân sự chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc, nước từng chỉ trích gay gắt các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ trong quá khứ. Bắc Kinh lo sợ hệ thống tên lửa có thể làm suy giảm khả năng răn đe chiến lược của Trung Quốc và từng phản đối việc Washington triển khai radar X-Band ở Nhật năm 2006. Nga cũng từng bày tỏ những lo ngại tương tự trước lá chắn tên lửa do Mỹ khởi xướng thiết lập tại châu Âu và Trung Đông.
Lầu Năm Góc đặc biệt lo ngại về sự mất cân bằng ngày càng gia tăng ở hai bên eo biển Đài Loan. Trung Quốc đã phát triển các tên lửa đạn đạo hiện đại và tên lửa đạn đạo chống hạm có thể đặt các lực lượng hải quân Mỹ trong khu vực vào tầm ngắm.
Trung Quốc có từ 1.000 đến 2.000 tên lửa tầm ngắn nhắm vào Đài Loan và đã phát triển các tên lửa đạn đạo và hành trình tầm xa hơn, bao gồm một loại tên lửa có thể tấn công một con tàu di chuyển ở khoảng cách hơn 1.500 km, theo báo cáo thường niên mới nhất về quân đội Trung Quốc của Lầu Năm Góc.
Các nhà phân tích nói vẫn chưa xác định được tính hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa mới. Một báo cáo về lá chắn tên lửa đạn đạo Lầu Năm Góc vào năm 2010 cho biết hệ thống không thể đối phó với một cuộc tấn công tên lửa quy mô lớn của Nga hoặc Trung Quốc và không có ý định tác động đến sự cân bằng chiến lược với những nước này.
Một quan chức cấp cao của Mỹ nói việc triển khai lá chắn tên lửa mới có thể giúp theo dõi và đẩy lui một cuộc tấn công giới hạn từ Trung Quốc, đủ để ngăn cản bất kỳ âm mưu tấn công nào của Bắc Kinh.
Theo Báo Thanhnien
Theo nhận định của nhóm chuyên gia cố vấn Mỹ, CHDCND Triều Tiên có thể hoàn tất lò phản ứng nước nhẹ - có thể được dùng cho chương trình vũ khí hạt nhân, vào năm tới.
Căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật đã leo lên nấc thang mới trong ngày 15/8, khi Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc tới thăm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, đồng thời cho triệu đại sứ Trung Quốc đến Bộ Ngoại giao để phản đối.
Ngày 15/8, Nga hối thúc phái bộ giám sát viên Liên hợp quốc tiếp tục ở lại Syria trong bối cảnh đã xảy ra một vụ đấu súng gần Văn phòng Thủ tướng Syria và một quả bom phát nổ gần khách sạn nơi các quan sát viên LHQ cư ngụ.
Giao tranh bùng phát giữa lực lượng quân sự Jordan và Syria tại khu vực biên giới suốt đêm 10-8. Theo nguồn tin từ phía Jordan cho biết hôm nay (11-8) lực lượng của họ vẫn chưa có thương vong nào.
Bộ ngoại giao Philippines cho biết Đại sứ Campuchia tại Philippines Hos Sereythonh sẽ về nước vào tuần tới theo lệnh triệu hồi khẩn cấp, sau khi nhà ngoại giao này đưa ra những bình luận “phi ngoại giao” về vấn đề chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.
Ngày 6.8, robot thám hiểm Curiosity (ảnh) của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã đáp xuống sao Hỏa thành công để bắt đầu sứ mệnh tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên hành tinh đỏ trong 2 năm tới.