Biểu tình chống Nhật tại Đài Bắc, Đài Loan ngày 23-9 - Ảnh: Reuters
Quan hệ Trung - Nhật tiếp tục xấu đi trầm trọng do tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Hôm qua 23-9, Trung Quốc đã hoãn kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Trung - Nhật, dự kiến diễn ra ngày 27-9.
“Do tình hình hiện tại, Trung Quốc quyết định sẽ hoãn lễ kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập mối quan hệ ngoại giao hai nước cho đến thời điểm thích hợp” - Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức chính quyền Bắc Kinh tuyên bố và cho biết căng thẳng trên biển Hoa Đông là nguyên nhân. Bộ Ngoại giao Nhật cũng xác nhận thông tin này. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi lớn tiếng chỉ trích: “Nhiều kế hoạch và sự kiện đã bị ảnh hưởng do những hành động sai lầm của Nhật”.
Cùng ngày, Thời báo Hoàn Cầu đưa tin tàu Đại Hàn 117 của Đài Loan đã “hoàn thành sứ mệnh khẳng định chủ quyền” sau khi tiếp cận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở cự ly 25 hải lý (khoảng 46km). Báo Asahi cho biết Lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) đã điều tàu bao vây và trục xuất tàu Đại Hàn 117 ra khỏi vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Gần 20 thành viên JCG đã đổ bộ lên quần đảo để ngăn chặn các thành viên tàu Đại Hàn 117 lên đảo.
Bắc Kinh bỏ tiền thuê ngư dân
"Đó không giống một cuộc biểu tình chống lại Nhật hay bất cứ đối tượng nào. Đó là hành động ăn cướp giữa ban ngày ban mặt" Một người Nhật sống ở Thanh Đảo |
Ngay sau đó, Tân Hoa xã dẫn lời ông Hồng Lỗi phản ứng gay gắt việc JCG đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Truyền thông Đài Loan đưa tin trong tuần này, nhiều tàu đánh cá Đài Loan sẽ tiếp tục xâm nhập vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thời báo Đài Bắc còn cho biết Lực lượng tuần duyên Đài Loan (CGA) đã họp với các hiệp hội ngư dân để tính chiến lược xua tàu cá xâm nhập quần đảo này từ ngày 25 đến 27-9.
Cùng ngày, Hãng tin Kyodo News cho biết toàn bộ các tàu hải giám Trung Quốc đã rút khỏi vùng biển quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sau một tuần lởn vởn. Dù vậy, JCG tiết lộ sau khi số tàu này rút đi, khoảng 10 chiếc tàu tuần tra ngư nghiệp Trung Quốc lại gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Kể từ đầu tuần trước, tổng cộng 20 tàu tuần tra của Trung Quốc đã đi vào vùng biển của Nhật hoặc gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Truyền thông Nhật khẳng định chính quyền Trung Quốc đã bỏ tiền thuê ngư dân đến khu vực tranh chấp đánh bắt và khiêu khích. Nhật báo Yomiuri dẫn lời năm chủ tàu cá ở Thạch Phố (tỉnh Chiết Giang) thừa nhận cơ quan ngư nghiệp địa phương hứa trả 100.000 nhân dân tệ (gần 16.000 USD) cho mỗi tàu. Đây là số tiền hấp dẫn so với thu nhập trung bình 3.000 nhân dân tệ/tháng của mỗi ngư dân Trung Quốc. Trước đó chính quyền Bắc Kinh tuyên bố 1.000 tàu đánh cá thuộc các tỉnh duyên hải, trong đó có tỉnh Chiết Giang, sẽ lên đường đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Trong khi đó, cuộc tập trận của lực lượng Mỹ và Nhật tại đảo Guam tiếp tục tập trung vào tình huống đổ bộ tái chiếm đảo. Khoảng 40 lính Lực lượng phòng vệ đất liền Nhật và 22 thủy quân lục chiến Mỹ tham gia tập trận. Báo Asahi dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản khẳng định cuộc diễn tập là một phần chiến lược tăng cường khả năng phòng vệ quần đảo Nansei, trong đó có tỉnh Okinawa.
Ngược lại, báo chí Đài Loan đưa tin quân đội Trung Quốc đã triển khai tên lửa DF-21C đến căn cứ quân sự tỉnh Phúc Kiến, nơi gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhất. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai loại tên lửa có tầm bắn 3.200km này đến khu vực trên. Bộ Quốc phòng Trung Quốc chưa có bình luận nào về thông tin này.
Vẫn hôi của, đập phá
Các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc đã lắng dịu nhưng vẫn lác đác nổ ra. Theo báo Japan Times, hôm 22-9 người biểu tình ở thành phố Thanh Đảo đã tấn công những chi nhánh của các công ty Nhật Toyota, Nissan, Honda, Panasonic... Khoảng 200 thanh niên cầm gậy sắt tấn công siêu thị Jusco của Hãng Aeon và cướp đi nhiều sản phẩm như máy vi tính, máy ảnh kỹ thuật số, đồ trang sức... Aeon khẳng định bị thiệt hại hàng triệu USD.
“Đó không giống một cuộc biểu tình chống lại Nhật hay bất cứ đối tượng nào - Japan Times dẫn lời một người Nhật sống ở Thanh Đảo - Đó là hành động ăn cướp giữa ban ngày ban mặt. Thật đáng sợ khi thấy những hành vi đó diễn ra công khai ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới”. Biểu tình cũng diễn ra ở Thâm Quyến.
Một số chuyên gia Nhật nhận định có thể người biểu tình Trung Quốc “tiện thể” bày tỏ sự thất vọng và giận dữ đối với những rối loạn xã hội ở Trung Quốc, nhất là trong thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại khiến vô số lao động mất việc làm, khoảng cách giàu nghèo gia tăng. Trong cuộc biểu tình ở Thâm Quyến, nhiều người giương biểu ngữ phản đối nạn tham nhũng.
Phía Đài Loan cũng tiếp tục gây xôn xao. Báo China Post đưa tin hôm qua khoảng 1.000 người đã xuống đường biểu tình ở Đài Bắc, bên ngoài Văn phòng đại diện Nhật để phản đối. Chính quyền Đài Loan tuyên bố hoan nghênh “sự ủng hộ” của dân chúng.
Theo Báo Tuoitre
Làn sóng bài Mỹ bùng phát do bộ phim chống đạo Hồi được sản xuất tại Mỹ giờ đây đã trở thành làn sóng bài phương Tây sau khi có thêm sứ quán Anh và Đức tại Sudan trở thành mục tiêu tấn công của các tín đồ Hồi giáo.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc Leon Panetta cuối tuần này sẽ bắt đầu chuyến công du Trung, Nhật, và New Zealand, trong khuôn khổ chuyển trọng tâm của Mỹ sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bất chấp các cuộc khủng hoảng hiện nay ở Trung Đông.
Hãng thông tấn nhà nước Uzbekistan đưa tin quốc gia Trung Á này đã bắt đầu cung cấp khí đốt thiên nhiên cho Trung Quốc, trong một động thái có thể khiến Nga khó chịu.
Philippines đã chính thức lấy tên “Biển Tây Philippines” để đặt cho các vùng lãnh hải trên Biển Đông, động thái có nguy cơ “đổ thêm dầu vào lửa” trong mối quan hệ vốn đang căng thẳng với Trung Quốc.
Mỹ sẽ phải vận hành toàn bộ cỗ máy chiến tranh với hàng trăm chiếc máy bay nếu nghe theo lời kêu gọi của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và tấn công Iran nhằm phá hủy chương trình hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo.
Bộ trưởng Quốc phòng Yemen Ali Nasser Mohamed may mắn thoát chết trong một vụ đánh bom xe nhằm vào đoàn xe chở ông ở trung tâm thủ đô Sanaa hôm 11-9.