Hãng General Motors của Mỹ đạt doanh số bán ra 246 nghìn ô-tô trong tháng 3.

Hãng General Motors của Mỹ đạt doanh số bán ra 246 nghìn ô-tô trong tháng 3.

Vượt qua khó khăn về các vấn đề ngân sách, kinh tế Mỹ đang khởi sắc trong những tháng gần đây với giá nhà đất tăng, các chỉ số trên thị trường nhà đất, xe hơi, chứng khoán... đều lạc quan hơn; trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục xu hướng giảm.

 

Thông tin ấn tượng nhất từ nền kinh tế số một thế giới là việc giá nhà ở tăng mạnh nhất trong vòng sáu năm qua, và số lượng đơn đặt hàng mua sản phẩm từ các nhà máy cũng tăng. Theo báo cáo điều tra thị trường mà Standard & Poor’s vừa công bố, chỉ số giá nhà đất ở Mỹ tăng 8,1% tại 20 thành phố lớn trong tháng vừa qua. Ðây là mức tăng giá mạnh nhất kể từ mùa hè năm 2006. Trong khi đó, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ cho biết, số lượng đơn đặt hàng mua sản phẩm lâu bền từ các nhà máy của Mỹ trong tháng 2 vừa qua đã tăng 5,7%; đạt tốc độ tăng nhanh nhất trong vòng năm tháng qua.

Các tín hiệu tích cực của nền kinh tế gần đây đã tác động tốt tới thị trường xe hơi Mỹ. Ngày 2-4, các hãng xe hơi lớn đồng loạt công bố doanh số tháng 3 tại thị trường Mỹ cho thấy hầu hết các hãng đều có mức doanh số cao nhất kể từ năm 2007, đánh dấu sự khởi sắc trở lại của ngành công nghiệp ô-tô Mỹ sau năm năm chìm trong tình trạng ảm đạm. Tổng doanh số toàn ngành trong tháng 3-2013 tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ năm liên tiếp doanh số ô-tô bán ra tại Mỹ đạt hơn 15 triệu chiếc và mở ra hy vọng có thể đạt tốc độ tăng doanh số hằng năm khoảng 15,3%. Trong số các hãng, hai "đại gia" xe hơi của Mỹ là General Motors (GM) và Ford đều tăng 6%, lần lượt đạt mức doanh số gần 246 nghìn chiếc và 236 nghìn chiếc. Hãng ô-tô lớn thứ ba nước Mỹ là Chrysler cũng đạt tốc độ tăng trưởng 5% với 171,6 nghìn đầu xe bán ra. Ðây là lần đầu Chrysler đạt tốc độ tăng trưởng này kể từ tháng 12-2007 và cũng đánh dấu tháng thứ 36 liên tiếp đạt doanh số tăng so với cùng kỳ năm trước. Ngoài các hãng ô-tô trên, thị trường Mỹ trong tháng 3 cũng chứng kiến sự hồi phục của nhiều hãng xe hơi nước ngoài.

Nhiều hãng sản xuất ô-tô ở Mỹ tin tưởng sự hồi sinh mạnh mẽ trở lại của thị trường xe hơi trong thời gian tới, nhờ tăng trưởng kinh tế vững chắc giúp vực dậy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với mặt hàng xe hơi. Phó Giám đốc Tập đoàn Volvo T.Ben-nét nhận định, sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và việc làm còn giúp thúc đẩy lượng tiêu thụ của các phương tiện chuyên dụng như xe tải và xe thể thao đa chức năng. Người đứng đầu bộ phận kinh doanh của hãng General Motors C.Mắc Nên cho rằng, doanh số bán ra của các mặt hàng lâu bền tăng là dấu hiệu cho thấy người tiêu dùng Mỹ tin tưởng hơn vào bức tranh đã xuất hiện những gam mầu sáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Bức tranh sáng sủa hơn của nền kinh tế đã góp phần đáng kể tác động tới thị trường chứng khoán Mỹ với các chỉ số Dow Jones, Nasdaq và Standard & Poor’s lần lượt tăng 3,7%, 3,4% và 3,6%  trong tháng 3, và từ đầu năm tới nay lần lượt tăng 11,2%, 8,2% và 10%.

Những tín hiệu tích cực còn đến từ thị trường lao động Mỹ. Bộ Lao động nước này vừa thông báo, trong tháng 2-2013, các công ty của Mỹ đã tạo ra được 200 nghìn việc làm, giúp hạ tỷ lệ thất nghiệp từ mức 7,8% xuống 7,7%. Ðây là tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất ở Mỹ trong vòng bốn năm qua. Mặc dù số lượng việc làm mới được tạo ra tuy thấp hơn trong tháng 3, nhưng đà phục hồi tiếp tục của nền kinh tế đã và đang góp phần cải thiện thị trường lao động vốn căng thẳng trong nhiều năm qua tại Mỹ. Kết quả điều tra của hãng tin Roi-tơ với các chuyên gia kinh tế công bố ngày 2-4 cho biết, số lượng 200 nghìn việc làm tạo ra trong tháng 3 tuy thấp hơn mức 236 nghìn của tháng 2, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 150 nghìn kể từ năm 2010, khi thị trường lao động bắt đầu có sự cải thiện. Số lượng việc làm mới này càng có ý nghĩa khi ngân sách tài khóa 2013 của các bộ, ngành của chính phủ liên bang, từ ngày 1-3, đồng loạt bị cắt giảm tổng cộng 85,4 tỷ USD. Nhà kinh tế trưởng Công ty UBS K.Cum-min cho biết, các số liệu trong vài tháng qua chứng tỏ thị trường lao động Mỹ đã bớt căng thẳng và đang trên đà cải thiện.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, những khó khăn vẫn chờ đợi kinh tế Mỹ trong năm tới. Bởi, "cuộc chiến" chung quanh việc cắt giảm chi tiêu và cải cách bộ luật thuế trong kế hoạch ngân sách năm 2014 được dự báo sẽ diễn ra căng thẳng hơn. Trong tương lai gần, các chuyên gia dự báo, thị trường lao động Mỹ có thể vẫn bị tác động tiêu cực từ việc cắt giảm ngân sách. Nhằm ổn định nền kinh tế và tạo cơ hội việc làm, tại cuộc họp định kỳ hồi tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ duy trì chính sách lãi suất thấp và gói cứu trợ cho tới khi tỷ lệ thất nghiệp hạ xuống mức 6,5%.

 

                                                                           Theo Báo ND

 

Các tin khác


Ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lũ ở miền bắc Afghanistan

Ngày 19/5, thông tin từ giới chức Afghanistan cho biết, đã có ít nhất 47 người thiệt mạng vì mưa lớn và lũ lụt ở miền bắc Afghanistan trong những ngày qua.

IEA cảnh báo nguy cơ thiếu hụt khoáng sản

IEA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khoáng sản thiết yếu cho chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng xanh do đầu tư không đủ mạnh.

Các quốc gia Arab kêu gọi công nhận Nhà nước Palestine

Tại Hội nghị thượng đỉnh Liên đoàn Arab (AL) ở thủ đô Manama của Bahrain với sự tham dự của Tổng Thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, lãnh đạo các quốc gia Arab kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để thiết lập nền độc lập của người Palestine.

Liên hợp quốc nâng dự báo triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2024

Ngày 16/5 (giờ New York), Liên hợp quốc (LHQ) đã công bố Báo cáo Tình hình và Triển vọng Kinh tế Thế giới, trong đó đưa ra đánh giá lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm 2024.

Liên hợp quốc cảnh báo nguy cơ nạn đói ở Dải Gaza

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths ngày 16/5 cho biết người dân ở Dải Gaza đang đối diện với nạn đói khi các nguồn lương thực cạn kiệt, đồng thời cho rằng chiến dịch của Israel ở thành phố Rafah gây ra nhiều khó khăn cho việc lập kế hoạch và phân phối hàng cứu trợ.

Nỗi lo thời tiết nắng nóng làm gián đoạn việc học tập của trẻ em châu Á

Tháng 4 vừa qua, nhiều quốc gia ở châu Á đã trải qua đợt nắng nóng kỷ lục khiến chính phủ quyết định đóng cửa trường học. Điều này đã cho thấy rõ tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu đe dọa việc học tập của hàng triệu trẻ em tại châu lục này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục