Linh cữu nhà lãnh đạo Chea Sim phủ trong quốc kỳ Campuchia, được rước qua một số tuyến phố với hàng nghìn người dân đứng tiễn đưa dọc hai bên đường.
Ngày 19-6, hàng nghìn người dân Campuchia trong trang phục tang lễ áo trắng, quần hoặc váy dài sẫm màu, đã đổ ra các tuyến phố của thủ đô Phnom Penh để tiễn đưa di hài cố Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền Samdech Chea Sim từ nhà riêng tới nơi hỏa táng trong công viên trước chùa Botum.
Linh cữu nhà lãnh đạo Chea Sim được phủ quốc kỳ Campuchia, trên đường tới đài hỏa táng, được rước qua trụ sở đảng CPP, Thượng viện Campuchia và Tượng đài Độc lập, ở mỗi nơi này có 108 nhà sư đứng chờ để làm lễ cầu siêu cho linh hồn nhà lãnh đạo xuất sắc của đất nước Campuchia.
Nghi lễ truy điệu và hỏa táng cố Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch CPP Samdech Chea Sim diễn ra trang trọng với sự tham dự của Quốc vương Norodom Sihamoni, Hoàng Thái hậu Norodom Monineath Sihanouk, cùng nhiều thành viên Hoàng gia, Thượng viện, Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng Dân tộc Mặt trận Đoàn kết và Phát triển Tổ Quốc Campuchia, nhiều tổ chức chính trị xã hội và các tầng lớp nhân dân Campuchia.
Dự lễ tang có Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải, nhiều cơ quan đại diện nước ngoài và tổ chức quốc tế tại Campuchia.
Thi hài cố Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch CPP Samdech Chea Sim được Quốc vương Norodom Sihamoni châm lửa hỏa táng.
Đọc điếu văn tại lễ hỏa táng, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh, sự ra đi của Chủ tịch Thượng viện và Chủ tịch CPP Samdech Chea Sim là tổn thất lớn lao đối với đất nước, người dân Campuchia và đảng CPP. Samdech Chea Sim luôn đấu tranh cho nền độc lập dân tộc, vượt mọi khó khăn để giải phóng dân tộc, xây dựng hòa bình, hòa giải dân tộc, bảo vệ, khôi phục và phát triển đất nước Campuchia.
Thủ tướng Hun Sen nói: “Thân thể của Samdech Chea Sim sẽ tan biến, nhưng những gì còn lại và sẽ không bao giờ tan biến cùng thi thể là những việc làm tốt, phẩm giá, hành động đấu tranh, đức tính kiên nhẫn, thành thật, lý tưởng và những thành tựu to lớn của ông đối với đất nước, tôn giáo, Quốc vương, xã hội, đạo Phật và người dân”.
Theo nghi lễ quốc tang, hôm nay, 19-6, các cơ quan nhà nước ở Campuchia nghỉ làm và treo cờ rủ; các điểm vui chơi giải trí ngừng hoạt động; các đài phát thanh và truyền hình ngưng phát các chương trình giải trí.
Hòa trong dòng người đổ ra đường từ sáng sớm tiễn đưa linh cữu cố Chủ tịch Thượng viện, Chủ tịch CPP Samdech Chea Sim, ông Chanthol, một người dân Campuchia, bày tỏ: “Tôi rất đau buồn và tiếc thương sự ra đi của Samdech Chea Sim. Ông đã có nhiều cống hiến trong việc giải phóng đất nước Campuchia thoát họa diệt chủng Khmer Đỏ, xây dựng và phát triển đất nước Campuchia như ngày nay”.
Ông Chea Sim từ trần ngày 8-6 tại nhà riêng ở thủ đô Phnom Penh, thọ 83 tuổi. Linh cữu của ông được quàn tại nhà riêng 11 ngày để người thân, bạn bè trong nước và thế giới đến viếng.
Ông là một trong những thành viên sáng lập Mặt trận Dân tộc thống nhất cứu quốc Campuchia. Lực lượng cách mạng này cùng với nhân dân Campuchia dưới sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam đã đánh đổ chế độ diệt chủng Pon Pot. Sau khi đất nước được giải phóng khỏi những ngày tháng đen tối nhất trong lịch sử Campuchia, ông tiếp tục tham gia lãnh đạo đất nước, hòa giải dân tộc, hồi sinh và phát triển “đất nước Chùa Tháp” như ngày nay.
Từ năm 1981 - 1998, ông Chea Sim đảm nhận cương vị Chủ tịch Quốc hội Campuchia. Ông trở thành Chủ tịch Thượng viện từ năm 1999 cho đến khi qua đời. Ông cũng đảm nhận cương vị Chủ tịch CPP từ năm 1991. Ông được Quốc vương Norodom Sihanouk phong tước Samdech vào năm 1993 và Quốc vương Norodom Sihamoni phong tước Samdech Akka Moha Thamma Pothisal vào năm 2007. Ông Chea Sim được Quốc vương Norodom Sihamoni thăng hàm Thống tướng năm 2009.
Đài hỏa táng nằm gần Đài tưởng niệm Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia.
Người dân Campuchia tiếc thương nhà lãnh đạo Samdech Chea Sim.
Theo Báo ND
Hàn Quốc ngày 7-6 thông báo trường hợp thứ năm tử vong liên quan đến Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) và tiếp tục ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới căn bệnh này, nâng tổng số người nhiễm MERS tại Hàn Quốc lên 64 người.
Tính đến 18 giờ (theo giờ địa phương) ngày 2-6, hơn 400 người vẫn mất tích trong tai nạn chìm tàu Ngôi sao Phương Đông trên sông Trường Giang, Trung Quốc.
Hơn 200 trường học tại Hàn Quốc đã đóng cửa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) đã làm hai người chết tại nước này, Bộ trưởng Giáo dục Hàn Quốc, Hwang Woo-yea, ngày 3-6 cho biết.
Một người đàn ông đến từ Hàn Quốc đã được chẩn đoán dương tính với Hội chứng hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS) tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, các quan chức y tế nước này ngày 29-5 xác nhận.
Trước chuyến thăm tới Brussels, Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki-Moon nhấn mạnh: “Châu Âu cần gia tăng hơn nữa các nỗ lực hỗ trợ người nhập cư” qua biển Địa Trung Hải như một phần trong chiến dịch cứu nạn trên biển của Liên hiệp châu Âu (EU) đang chờ LHQ thông qua.
Giới chức Nepal, ngày 24-5 đã hối thúc hàng nghìn người dân di chuyển tới nơi an toàn trước nguy cơ lũ lụt do sạt lở đất.