Đoàn đại biểu Việt kiều tham quan Phủ Chủ tịch.
Trong bầu không khí hân hoan xen lẫn tự hào nhân dịp kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 30 đại biểu kiều bào từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã trở về quê hương, hòa mình vào dòng chảy chung của dân tộc. Trong lòng mỗi người con xa quê, luôn có tinh thần hướng về nguồn cội và niềm kiêu hãnh với những năm tháng kháng chiến hào hùng của đất nước.
Trở về nước lần này gồm các đại biểu đại diện hơn 4,5 triệu kiều bào Việt Nam sinh sống và học tập xa quê hương. Đây là những gương mặt ưu tú, đóng góp tích cực vào các phong trào hội, đoàn của cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài. Bác sĩ Tê-rê-xa Nguyễn Văn Ký, năm nay tuổi đã ngoài 80, nguyên Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, không giấu nổi sự xúc động và niềm tự hào trước diện mạo ngày càng giàu đẹp của quê hương. Bà chia sẻ: “Tôi đã từng nhiều lần về Việt Nam nhân dịp Quốc khánh mùng 2-9. Nhưng lần này, tôi cảm thấy đặc biệt phấn khởi bởi chuyến hồi hương diễn ra đúng dịp Quốc khánh lần thứ 70 của dân tộc”. Cùng chia sẻ niềm hân hoan, phấn khởi với bác sĩ Ký, Ủy viên BCH Hội Người Việt Nam tại Ăng-gô-la Đoàn Văn Viện bày tỏ vinh dự, khi lần đầu đại diện cho hàng nghìn công dân Việt Nam tại Ăng-gô-la về nước nhân dịp lễ lớn của dân tộc. Ông Viện xúc động trước sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, để những kiều bào như ông hiểu thêm về tình hình đất nước, tiếp tục thắp lên ngọn lửa yêu quê hương.
Trong số các kiều bào, không ít người dù tuổi đã cao nhưng vẫn lưu giữ nguyên vẹn ký ức về khoảng thời gian lịch sử hào hùng của dân tộc. Nhớ lại thời gian này 70 năm trước, bác sĩ Tê-rê-xa Nguyễn Văn Ký cho biết, không khí kháng chiến tại Pháp lúc đó khẩn trương và sôi sục không kém gì trong nước. Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp thường xuyên vận động biểu tình đòi chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và kêu gọi kiều bào ủng hộ phong trào phản chiến. Là một trong những người trực tiếp chăm sóc phái đoàn Việt Nam sang Pháp đàm phán Hiệp định Pa-ri năm 1973, bà Ký vẫn nhớ như in sự gần gũi, bình dị của lãnh đạo đoàn đàm phán nước nhà, như các đồng chí: Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Lê Đức Thọ… Bà không quên nhắc lại niềm xúc động rưng rưng khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên các con phố trong thời gian đoàn đàm phán ở Thủ đô Pa-ri. Với những đóng góp tích cực cho việc củng cố quan hệ Việt - Pháp, bà Ký đã được Nhà nước Pháp trao tặng Huân chương Quốc công hạng ba.
Bồi hồi nhớ lại, ông Đào Viết Bảy, đại diện cộng đồng người Việt Nam ở Thái-lan cho biết, những năm 40 của thế kỷ 20, dù còn nhiều khó khăn nhưng các cơ sở Việt kiều vẫn giữ vững ý chí, đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến. Nhiều kiều bào tại Thái-lan đã góp tiền của nuôi quân, mua vũ khí; xung phong làm giao liên cho cán bộ và bí mật tổ chức các lớp học tiếng Việt nhằm nuôi dưỡng tinh thần yêu nước.
Qua nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về nguồn cội trong những ngày trở về Việt Nam, các đại biểu chia sẻ trăn trở, làm sao vun đắp tình yêu quê hương, duy trì truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, nhất là thế hệ trẻ. Chủ tịch Tổng hội người Việt Nam tại Lào Nguyễn Duy Trung cho biết, giới trẻ người Việt tại Lào ngày càng năng động và hòa nhập nhanh chóng với văn hóa bản địa. Do đó, Tổng hội người Việt Nam tại Lào những năm qua luôn cố gắng duy trì dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào để lưu giữ hồn cốt dân tộc. Hiện nay, Trường song ngữ Việt Nam - Lào Nguyễn Du đã được thành lập dựa trên thỏa thuận giữa chính phủ hai nước, tạo môi trường cho con em kiều bào tiếp thu và vận dụng tiếng Việt.
Còn theo ông Đoàn Văn Viện, cộng đồng Việt kiều tại Ăng-gô-la nói riêng và châu Phi nói chung, luôn mong muốn có thêm nhiều kênh thông tin cập nhật nhanh chóng và hiệu quả về tình hình trong nước, nhất là vào những dịp lễ trọng đại của dân tộc. Bên cạnh đó, cũng cần thiết lập mạng lưới thông tin giữa cộng đồng Việt kiều tại các nước, nhằm tăng cường giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động, bồi đắp lòng yêu nước và tinh thần đại đoàn kết dân tộc, để người Việt dù đi khắp bốn phương vẫn luôn hướng về Tổ quốc.
Theo Báo ND
Ít nhất 69 người thiệt mạng, 36 người bị thương và 294.844 người khác bị ảnh hưởng do các trận mưa lớn và lũ quét tại một số khu vực ở Pakistan trong hai tuần qua, các quan chức thuộc Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Pakistan (NDMA), ngày 28-7 cho biết.
Một vụ nổ lớn trước lãnh sự quán Italy ở khu vực trung tâm Thủ đô Cairo, Ai Cập, ngày 11-7, đã làm ít nhất một người chết và bốn người bị thương, hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA cho biết.
Chính phủ Hy Lạp ngày 9-7 đã đệ trình những đề xuất cải cách mới tới Quốc hội nước này và Nhóm các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) để xem xét thông qua.
Số người thiệt mạng trong vụ chìm tàu tại Philippines đã lên đến 41 người tính đến ngày 3-7 khi các nhân viên cứu hộ tìm thấy thêm ba thi thể. Tuy nhiên, thời tiết xấu đã gây cản trở quá trình tìm kiếm 12 người vẫn mất tích.
Số người chết trong vụ rơi máy bay vận tải không quân ở thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra, Indonesia ngày 30-6 đã tăng lên hơn 140 người, cảnh sát địa phương ngày 1-7 cho biết.
Ít nhất 516 người bị thương trong một vụ hỏa hoạn do lượng lớn chất bột dễ cháy phát nổ tại một công viên nước ở thành phố Tân Bắc (New Taipei), Đài Loan (Trung Quốc) tối 27-6.