Cổ động viên Anh và Nga hỗn loạn sau trận đấu Anh - Nga tại Marseille (nguồn: EPA)

Cổ động viên Anh và Nga hỗn loạn sau trận đấu Anh - Nga tại Marseille (nguồn: EPA)

Chồng chất những sự kiện và diễn biến căng thẳng trên các lĩnh vực, nhất là về an ninh, quân sự, chính trị, những ngày qua, thế giới trải qua nhiều diễn biến phức tạp.

Tại châu Âu, Vòng chung kết Euro 2016 tại Pháp đang hướng sự chú ý của đông đảo công chúng không chỉ trong khu vực. Nước Pháp lo ngại vấn đề an ninh cả trong và ngoài sân cỏ, cả vấn đề khủng bố lẫn hooligan trước và trong một tháng diễn ra Euro 2016.

Cho dù đã có sự kiểm soát rất chặt chẽ ngay từ cửa ngõ biên giới, nhưng vẫn có những hooligan của nhiều nước lọt được vào Pháp bằng các hình thức hợp pháp, trong đó có du lịch. Các hooligan quá khích đã tràn ra đường phố chung quanh khu vực Vieux Port (Marseille, miền Nam Pháp, nơi đội tuyển Anh gặp đội tuyển Nga tối 11-6, giờ địa phương) và có những hành động gây rối, tấn công lực lượng cảnh sát, an ninh, người dân địa phương và cổ động viên từ chiều tối 10-6, ngay trước khi diễn ra lễ khai mạc và trận Pháp - Romania. Lực lượng an ninh và cảnh sát Pháp đã được điều động để ngăn chặn nhóm hooligan.

Đặc biệt, sau trận đấu giữa đội tuyển Anh và Nga, những vụ ẩu đả dữ dội đã xảy ra cả trên khán đài lẫn ngoài đường phố Marseille làm ít nhất 32 người bị thương, cho dù trước đó, cảnh sát Anh đã họp với lực lượng an ninh Pháp để thảo luận các biện pháp phòng chống bạo loạn.

Không chỉ tại thành phố Marseille, các vụ ẩu đả ác liệt còn xảy ra ở thành phố Nice (cũng ở miền Nam Pháp, không xa Marseille) giữa các cổ động viên Ba Lan và Bắc Ailen, làm ít nhất bảy người bị thương. Theo các nhà phân tích, một trong những nguyên nhân xảy ra ẩu đả giữa các cổ động viên Ba Lan và Bắc Ailen là do sự kích động từ những phần tử nổi loạn ở địa phương.

Còn tại thành phố Orlando (bang Florida, Mỹ), xảy ra vụ xả súng kinh hoàng tại một quán bar, sáng sớm 12-6, làm 50 người thiệt mạng và 53 người bị thương. Cảnh sát đã xác định thủ phạm là Omar Mateen, 29 tuổi, đến từ Posrt Lucie, cách hiện trường khoảng 150km. Tên này mang theo một súng trường, một súng ngắn và một số vật liệu nổ. Mateen đã bị cảnh sát bắn chết trong cuộc đọ súng kéo dài 3 giờ liền. Theo Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI), Mateen được sinh ra trong một gia đình Afghanistan nhập cư và có tư tưởng Hồi giáo cực đoan, có thiện cảm với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Với những yếu tố ban đầu, FBI nhận định, đây là một vụ khủng bố.

Trước đó, tối 11-6, có ít nhất ba người thiệt mạng và 14 người bị thương trong loạt vụ nổ súng trên địa bàn thành phố Chicago (bang Illinois).

Ngày 8-6, một vụ xả súng cũng đã xảy ra tại một trung tâm thương mại ở thủ đô Tel Aviv của Israel, làm ít nhất 4 người thiệt mạng và 8 người bị thương. Cảnh sát Israel đã bắt giữ ngay tại hiện trường hai kẻ tấn công (đến từ Bờ Tây, Palestine). Đây là vụ xả súng thứ hai xảy ra tại Tel Aviv của Israel từ đầu năm tới nay và là một trong những vụ tấn công nghiêm trọng tại Israel nhằm vào các mục tiêu thương mại và giải trí. Thủ tướng Israel Netanyahu đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với các quan chức quốc phòng tại trụ sở Bộ Quốc phòng, đồng thời tuyên bố sẽ tăng cường các lực lượng an ninh tại các khu trung tâm. Sau vụ xả súng, Israel đã đình chỉ việc cho phép 83.000 người Palestine vào lãnh thổ nước này trong tháng lễ Hồi giáo Ramadan.

Điểm nóng Trung Đông vẫn tiếp diễn các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng IS với quân đội Iraq và Syria, với sự hỗ trợ của liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu. Đến thời điểm này, quân đội Iraq và Syria đang tiến tới giải phóng nhiều vùng lãnh thổ do IS kiểm soát, trong đó có địa bàn trọng yếu là Fallujah (thành phố lớn thứ hai của Iraq) và thành phố Manbij ở Syria. Quân đội Syria cũng tuyên bố đã kiểm soát được nút giao thông chiến lược ở tỉnh Raqqa và Tabqa, một trong những địa điểm chiến lược của IS, thị trấn Arak, căn cứ không quân chiến lược T3...

Song, theo các nhà quan sát, chiến dịch giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ bị IS chiếm tại Iraq và Syria chưa thể kết thúc trong thời gian ngắn, nhất là tại thành trì Fallujah, với lực lượng mạnh mẽ của IS. Thách thức đối với quân đội Iraq và Syria hiện nay là bảo vệ những khu vực đã giành lại được từ IS. Trong khi đó, IS vừa lên tiếng nhận trách nhiệm chủ mưu hai vụ đánh bom liên tiếp tại khu vực Sayyidah Zaynab (ngoại ô thủ đô Damacus của Syria), nơi có ngôi đền linh thiêng nhất của người Hồi giáo Shiite và là nơi có đông người Hồi giáo dòng Shite sinh sống, làm ít nhất 12 người thiệt mạng.

Tại quốc gia Bắc Phi, Libya, ngày 10-6, các lực lượng liên minh với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya tiếp tục giành quyền kiểm soát bến cảng của thành phố Sirte, một trong những thành trì của IS. Đây là những diễn biến tích cực đối với nền hòa bình của Libya cũng như cuộc chiến chống IS. Theo người phát ngôn quân đội Libya, tướng Muhammad al-Ghusri, nhiều thủ lĩnh của IS đã phải bỏ trốn và nhiều tay súng IS bị mắc kẹt tại trung tâm thành phố sau các cuộc tấn công của quân đội Libya.

Trước đó, quân đội Libya liên tục không kích vào các vị trí của IS ở thành phố Sirte, đồng thời quân nước này liên tục bắn đạn pháo vào bến cảng do IS chiếm giữ. Phản ứng lại các đợt tấn công của các lực lượng liên minh với Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya, ngày 12-6, IS đã tiến hành ba vụ đánh bom xe liều chết tại thành phố Sirte, làm nhiều người bị thương.

Nhằm từng bước triệt phá các lực lượng khủng bố quốc tế, trong đó có IS và Al-Qaeda, ngày 9-6, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Iran và Syria đã có cuộc họp tại thủ đô Tehran và đã thống nhất tiến hành cuộc chiến quyết định chống khủng bố trong khu vực.

Ba nước đã đề xuất phương án chống khủng bố bằng cách ngăn chặn hoặc cản trở hậu thuẫn chính trị, kinh tế, vũ khí đối với IS và Al-Qeada. Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan nhấn mạnh, việc ủng hộ quân đội Syria là yếu tố quan trọng trong việc chống khủng bố và giải quyết nội chiến ở nước này. Ông Hossein Dehghan cũng kêu gọi tiến hành một kế hoạch chung, trong đó ưu tiên việc triển khai lệnh ngừng bắn toàn diện trên khắp Syria… Trong khi đó, Nga và Mỹ cũng liên kết lực lượng để giải phóng thành phố Raqqa (Syria).

Cuộc chiến chống lực lượng khủng bố Taliban tại Afghanistan (khu vực Trung Á) cũng đang gặp không ít thách thức. Trước tình hình này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter, ngày 11-6, cho biết, quân đội Mỹ sẽ đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến chống Taliban. Kế hoạch này, đã được Tổng thống Barack Obama phê chuẩn, sẽ cho phép các tư lệnh quân đội Mỹ sử dụng không lực nhằm vào Taliban khi cần thiết cũng như cho phép binh sĩ Mỹ tư vấn và hỗ trợ các lực lượng thông thường của Afghanistan.

Quan hệ Nga - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn căng thẳng, nay càng căng thêm khi tổ chức này tổ chức cuộc tập trận Anaconda-16 (từ ngày 6 đến 10-6, tại Ba Lan) với sự tham gia của 30.000 binh sĩ cùng nhiều xe quân sự, máy bay và tàu chiến đến từ 24 quốc gia thành viên NATO và các nước đối tác. Mục đích của lần này là nhằm kiểm tra khả năng hợp tác giữa các bộ tư lệnh và binh sĩ các nước đồng minh trong việc đối phó với những mối đe dọa.
Đây là cuộc tập trận lớn nhất của NATO được tổ chức ở Đông Âu kể từ khi kết thúc chiến tranh lạnh. Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov lên án mạnh mẽ các cuộc tập trận quân sự liên tiếp của NATO ở Đông Âu thời gia gần đây, đồng thời tuyên bố sẽ có các biện pháp đáp trả thích hợp với các hành động quân sự của NATO gần biên giới Nga.

Về chính trị, ngoại giao, chuyến thăm chính thức Trung Quốc trong ba ngày, bắt đầu từ 12-6, của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng được nhiều người quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đồng chủ trì Đối thoại cấp Chính phủ lần thứ tư. Cơ chế này được thành lập từ năm 2011, đã trải qua ba vòng đối thoại, được thực hiện với sự đồng chủ trì của Thủ tướng hai nước cùng với sự tham dự của lãnh đạo 20 bộ ngành liên quan, thảo luận và xác lập quy hoạch hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực. Thủ tướng Đức Merkel cũng sẽ thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc các biện pháp tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại. Đây là chuyến thăm Trung Quốc lần thứ chín của bà Merkel trên cương vị Thủ tướng Đức.

Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Yun Byung-se, ngày 12-6, cũng bắt đầu chuyến công du hai ngày tới Nga để thảo luận với Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov về chương trình hạt nhân của Cộng hòa dân chủ nhân dân (CHDCND) Triều Tiên và một số vấn đề khác. Bộ trưởng Yun Byung-se cho biết, trong tình hình hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên liên quan đến vụ thử hạt nhân lần thứ tư và vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên thời gian qua, Hàn Quốc cần củng cố quan hệ với Nga, cũng như kêu gọi sự hợp tác của cộng đồng quốc tế để buộc CHDCND Triều Tiên từ bỏ tham vọng phát triển hạt nhân.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 10-6, Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-se khẳng định, Nga là đối tác quan trọng của Hàn Quốc liên quan đến vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, đồng thời cho biết hai bên sẽ thảo luận về cách thức hợp tác để giải quyết vấn đề này. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Yun Byung-se tham dự hội thảo Hàn Quốc - Nga về các vấn đề kinh tế, chính trị.

Trong khi đó, theo Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), ngày 10-6, Chính phủ nước này đã đề xuất tổ chức đối thoại với Hàn Quốc vào ngày 15-8 tới để thảo luận việc tái thống nhất Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, phía Hàn Quốc đã từ chối đề nghị này.

Trước đó, ngày 9-6, Chính phủ CHDCND Triều Tiên, tổ chức đảng chính trị và các tổ chức xã hội khác có cuộc họp chung ở thủ đô Bình Nhưỡng và thông qua lời kêu gọi đối với mọi người dân CHDCND Triều Tiên. Theo đó, phía CHDCND Triều Tiên đề nghị mở một cuộc họp rộng rãi về việc tái thống nhất hai miền Triều Tiên.

Một vấn đề tại châu Âu đang thu hút sự chú ý của không chỉ dư luận khu vực này mà cả nhiều nước trên thế giới, đó là nguy cơ nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU). Cuộc trưng cầu ý dân vào ngày 23-6 tới tại Anh sẽ quyết định vấn đề nhạy cảm này. Thế nhưng, đáng lo ngại là, theo một số cuộc thăm dò ý kiến, những người ủng hộ nước Anh rời khỏi EU ngày càng nhiều (55%, hơn khoảng gần 10% so với tỷ lệ những người ủng hộ việc Anh tiếp tục ở lại EU). Với xu thế hiện nay, nguy cơ nước Anh chia tay với EU càng cao. Trong trường hợp này, không chỉ thiệt hại đối với chính Xứ sở sương mù, mà còn ảnh hưởng tới cả khối EU nhất thể hóa, một hình mẫu về liên kết và vị thế của EU trên trường quốc tế. Tai hại hơn, việc nước Anh ra đi sẽ có thể dẫn tới hiệu ứng dây chuyền rời bỏ EU. Khi đó, EU sẽ ra sao? Nhất là khối này đang gặp nhiều thách thức: khủng hoảng kinh tế, nợ công, di cư, thất nghiệp...

Bên kia bờ Đại Tây Dương, chiến dịch tranh cử Tổng thống tại Mỹ tiếp tục diễn ra sôi động, với ưu thế đang nghiêng về nữ ứng cử viên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton. Đặc biệt, Tổng thống Barack Obama đã chính thức lên tiếng ủng hộ bà Hillary Clinton làm đại diện Đảng Dân chủ trong cuộc đua vào Nhà trắng và sẽ cùng bà Clinton vận động tranh cử tại bang Wisconsin vào tuần này.

Quyết định của ông Obama là nhằm thúc đẩy sự thống nhất hành động trong nội bộ Đảng Dân chủ, qua đó sớm đề cử ứng cử viên đại diện của Đảng này cho cuộc bầu cử tháng 11 tới.

Đáng chú ý, cựu ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney vừa tuyên bố sẽ không bỏ phiếu cho ông Donald Trump và cũng không bầu cho bà Clinton, do những chính sách và quan điểm không phù hợp. Ông Romney có thể sẽ bầu cho ông Gary Johnson, ứng cử viên của Đảng Tự do - người được đảng này đề cử chính thức tranh cử vào ngày 29-5 vừa qua.

Những diễn biến căng thẳng, những mâu thuẫn, xung đột và những lo ngại vẫn chưa thể xua tan. Cùng với những vấn đề quốc tế lớn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ, những bóng mây đen, nguy cơ tấn công khủng bố vẫn tiềm ẩn.

Tổng thống Barack Obama (trái) tuyên bố ủng hộ bà Hillary Clinton trong cuộc đua vào Nhà trắng (nguồn: AP)

 

                                                                    Theo Nhandan

 

Các tin khác

Lực lượng an ninh Pháp diễn tập chống khủng bố trước thềm EURO
Người dân I-rắc chạy nạn khỏi thành phố Pha-lu-gia.
Binh sĩ Pháp tăng cường tuần tra trước thềm EURO 2016
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (trái) và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RIA Novosti/Reuters)

Nhật Bản hỗ trợ 2,5 triệu USD khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn

Ngày 24-5, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định viện trợ không hoàn lại khẩn cấp số tiền 2,5 triệu USD thông qua Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng đang diễn ra trên diện rộng tại khu vực cao nguyên Trung Bộ, khu vực Nam Trung Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long từ cuối năm 2014, do ảnh hưởng của hiện tượng En Ni-nô.

Máy bay Ai Cập chở 69 người mất tích

Reuters đưa tin, Hãng hàng không quốc gia Ai Cập (EgyptAir) cho biết, ngày 19-5, một máy bay chở 59 hành khách và 10 thành viên đội bay đã mất tích khi đang trong hành trình từ Paris tới Cairo.

Cuba và Mỹ tiếp tục thảo luận về bình thường hóa quan hệ song phương

Các quan chức Cuba và Mỹ dự kiến sẽ có cuộc gặp vào tuần tới để thảo luận về vấn đề bình thường hóa quan hệ song phương, Bộ Ngoại giao Cuba ngày 12-5 cho biết.

Nga diễu binh hoành tráng mừng Ngày chiến thắng

Theo hãng tin TASS, khoảng 40.000 quân nhân cùng 800 phương tiện quân sự sẽ dự các lễ diễu binh ở 26 thành phố của Nga.

Ngoại trưởng Nhật: Sẽ nỗ lực hết mình vì quan hệ Việt-Nhật

ại cuộc họp báo ở Hà Nội sáng nay (6/5), Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh, ông rất vững tâm khi chứng kiến quan hệ hai nước ngày càng gắn bó và bền vững. Với vai trò Bộ trưởng, ông sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường quan hệ hai nước.

Campuchia gia tăng xuất khẩu hàng may mặc, giày dép

Tân Hoa xã dẫn báo cáo của Bộ Công nghiệp và Thủ công nghiệp Campuchia cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc và giày dép của nước này trong quý 1 năm nay đạt khoảng 1,55 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm ngoái.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục