Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đọc Lệnh công bố Nghị quyết của Quốc hội, sáng 30-6.

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước đọc Lệnh công bố Nghị quyết của Quốc hội, sáng 30-6.

Sáng 30-6, tại Phủ Chủ tịch, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố Nghị quyết của Quốc hội, lùi thời hiệu thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và ba bộ luật, luật quan trọng khác

Đó là: Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13. Bên cạnh đó, Nghị quyết nêu bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, đưa ra trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ nhất, dự kiến diễn ra ngày 20-7 tới.

Các quy định theo hướng có lợi cho người phạm tội

Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đọc Lệnh của Chủ tịch nước và toàn văn Nghị quyết của Quốc hội khoá XIII.

 

Theo Nghị quyết này, thời hiệu thi hành của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 được lùi từ ngày 1-7-2016 đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành, trừ một số quy định có lợi cho người phạm tội.

 

Khoản 4 Điều 1 của Nghị quyết nêu rõ: Kể từ ngày 1-7-2016, thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và điểm b khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự; tiếp tục áp dụng khoản 2 Điều 1 và các quy định khác có lợi cho người phạm tội tại Nghị quyết số 109/2015/QH13;

 

Áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 để thi hành các quy định có lợi cho người phạm tội của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết số 109/2015/QH13 tại mục a trên đây.

Theo đó, tiếp tục áp dụng Bộ luật Hình sự số 15/1999/QH10 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 37/2009/QH12), Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự số 23/2004/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 30/2006/PL- UBTVQH11 và Pháp lệnh số 09/2009/PL-UBTVQH12), Nghị định số 89/1998/NĐ-CP ban hành Quy chế về tạm giữ, tạm giam (được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 98/2002/NĐ-CP và Nghị định số 09/2011/NĐ-CP của Chính phủ) cho đến ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành.

 

Nghị quyết cũng quy định từ ngày 1-7-2016, các quy định khác tại Nghị quyết số 109/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Hình sự và tại Nghị quyết số 110/2015/QH13 về việc thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự có ghi thời điểm “ngày 1-7-2016” được lùi đến thời điểm “ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 có hiệu lực thi hành”.

 

Theo Nghị quyết này, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và trình Quốc hội khóa XIV tại kỳ họp thứ hai. Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 30-6-2016.

 

Nghị quyết cũng giao Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thi hành việc thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Tại buổi họp báo, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Viện KSND tối cao đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, để xảy ra sai sót này có trách nhiệm của đại biểu Quốc hội và cá nhân ông là người đã nhấn nút thông qua. Quốc hội sẽ có quyết định cần thiết, trên cơ sở đó làm rõ hơn nữa trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan của cơ quan soạn thảo, thẩm tra.

 

Ông Đỗ Mạnh Hùng cho biết, thời gian qua, việc phát hiện ra những sai sót là từ các cử tri, nhà chuyên môn, báo chí. Điều đó một lần nữa cho thấy vai trò quan trọng giám sát của cử tri, của người dân và cơ quan truyền thông đối với hoạt động của Quốc hội, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp của Quốc hội trong thời gian tới, ông nói.

Tiếp tục đẩy mạnh tiến trình cải cách tư pháp

Nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng, đối với BLHS năm 2015 liên quan nhiều chủ trương rất mới, phải đáp ứng tinh thần Hiến pháp năm 2013, các Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, gia nhập, đồng thời thể chế hóa chính sách hình sự hóa - phi hình sự hóa các hành vi bị coi là tội phạm.

 

Về vấn đề này, trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân điện tử, việc lùi thi hành Bộ luật Hình sự 2015 và ba bộ luật, luật liên quan sẽ tác động như thế nào đối với tiến trình thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đã và đang được Đảng, Nhà nước và nhân dân rất quan tâm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Luật nhấn mạnh: Các bộ luật vừa qua trong quá trình xây dựng cũng đã thể hiện được chủ trương, quan điểm của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp. Chúng ta đã nội luật hóa nhiều quy định của các điều ước quốc tế, thể hiện tinh thần rất tiến bộ, văn minh, nhân văn, dân chủ của Đảng và Nhà nước.

 

Theo ông Nguyễn Văn Luật, việc Quốc hội ra Nghị quyết lùi thi hành các đạo luật này cho thấy: Khi phát hiện ra những sai sót về mặt kỹ thuật ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất các quy định của BLHS 2015 và các đạo luật có liên quan trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền con người, quyền cơ bản của công dân, Quốc hội quyết định lùi hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 và các đạo luật liên quan nhằm sửa những khiếm khuyết.

 

Từ đó, “thực hiện tốt hơn những mục đích tiến bộ về cải cách tư pháp, theo hướng dân chủ, văn minh, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân, thực hiện tốt hơn các cam kết quốc tế. Cũng cần có thời gian để QH, các cơ quan có trách nhiệm rà soát một cách kỹ lưỡng để khắc phục triệt để những sai sót, hạn chế”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

 

Về số liệu sai sót, ông Nguyễn Văn Luật cho biết tới đây sẽ rà soát để báo cáo đầy đủ, với tinh thần không bỏ sót, để lọt dẫn đến tình trạng trình Quốc hội thông qua mà vẫn có sai sót.

Bổ sung phần trả lời, Thứ trưởng Tư pháp Đinh Trung Tụng khẳng định: Về quan điểm, chủ trương, đường lối nhất quán liên quan đến cải cách tư pháp, bảo đảm tính nhân văn, nhân đạo, dân chủ và quyền con người, quyền công dân trong Bộ luật Hình sự 2015. Các sai sót được phát hiện chủ yếu là lỗi kỹ thuật, ảnh hưởng đến việc áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật Hình sự 2015 trong đấu tranh chống tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước và công dân.

 

Đại diện các cơ quan cũng đã khẳng định các bộ luật, luật liên quan cũng lùi thời hạn hiệu lực là do có viện dẫn Bộ luật Hình sự 2015, chứ không phải do các bộ luật, luật này có sai sót.

Phó Viện trưởng Viện KSND tối cao Trần Công Phàn cho biết, dù các bộ luật, luật nói trên phải lùi theo bộ luật Hình sự 2015, tới đây TAND tối cao sẽ hướng dẫn thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội, như quy định bắt buộc ghi âm, ghi hình trong các cơ sở tạm giam, tạm giữ.

 

Chính các quy định có lợi cho người phạm tội trong Bộ luật Hình sự 2015 cũng sẽ được ưu tiên hướng dẫn để thực hiện ngay, bảo đảm quyền lợi cho người dân và xã hội.

Giải thích thêm việc bỏ phiếu bất thường đối với việc hoãn thi hành Bộ luật Hình sự, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật nói, tuy phải gửi phiếu và bỏ phiếu thông qua các trưởng đoàn do thời gian quá gấp, việc bỏ phiếu và kiểm phiếu vẫn bảo đảm quy trình chặt chẽ.

 

Chung quanh một số câu hỏi của phóng viên một số cơ quan báo chí về việc một số ấn phẩm về Bộ luật Hình sự 2015 đã phát hành, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cho biết sẽ trao đổi với Nhà xuất bản Tư pháp để thực hiện thu hồi, bảo đảm quyền lợi cho cả Nhà xuất bản và người mua trước sự việc ngoài ý muốn vừa qua.

“Qua sự cố hy hữu này, có thể nhận thấy cơ chế và cách thức tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến và thẩm định các dự án luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua còn nhiều tồn tại, vướng mắc.

Chúng tôi cho rằng, “sự cố lập pháp” này là một kinh nghiệm sâu sắc để chính các cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo, Quốc hội khóa mới có được bài học để xem xét lại thực chất quy trình xây dựng, lấy ý kiến, thẩm định và biểu quyết các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và sự bình an của xã hội”...

(Theo ý kiến của Luật sư Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam)

 

 

 

                                                           Theonhandan

 

 

Các tin khác

Đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 09 tỉnh kết luận tại hội nghị.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Văn Thọ đã bị HĐXX TAND cấp cao bác toàn bộ đơn kháng cáo và giữ nguyên mức hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên phạt.
Không có hình ảnh
Tang lễ 9 liệt sĩ hy sinh trong khi thực hiện nhiệm vụ bay tìm kiếm cứu nạn, được tổ chức trọng thể sáng 30-6.

Đa dạng hình thức phổ biến pháp luật đến các đối tượng

(HBĐT) - Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) được Quốc hội khoá XIII thông qua tại kỳ họp thứ 3, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013. Sau 3 năm triển khai thực hiện luật, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh, tác động tích cực đến nhận thức thi hành pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, tăng cường ý thức thực thi, chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân.

Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh

(HBĐT) - Bà Trần Thị Lệ (TP Hòa Bình) hỏi: Đề nghị cho biết hộ kinh doanh bị thu hồi giấy chứng nhận trong những trường hợp nào?

Tập huấn diễn tập khu vực phòng thủ huyện Kỳ Sơn năm 2016

(HBĐT) - Ngày 28/6, Ban Chỉ đạo diễn tập tỉnh đã tổ chức hội nghị tập huấn diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) huyện Kỳ Sơn năm 2016.

Trăn trở thực hiện các chương trình, đề án tuyên truyền pháp luật trên địa bàn

(HBĐT) - Được giao chủ trì Đề án “Tiếp tục tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn giai đoạn 2013-2016”, Thanh tra tỉnh đã tổ chức làm điểm tại 15 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Kim Bôi, Lạc Thuỷ, Cao Phong, Lạc Sơn, TP Hòa Bình và tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền cho 2.993 người.

6 tháng xảy ra 51 vụ tai nạn giao thông

(HBĐT) - Theo số liệu của phòng CSGT (Công an tỉnh), trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh xảy ra 51 vụ TNGT, làm chết 43 người, bị thương 59 người.

Tìm thấy thêm 2 thi thể phi hành đoàn và hộp đen máy bay CASA - 212

Thông tin từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn tại thực địa huyện đảo Bạch Long Vĩ cho biết, ngày 27/6 lực lượng tìm kiếm đã vớt được thêm 2 thi thể của thành viên phi hành đoàn máy bay CASA – 212 số hiệu 8983. Hộp đen của máy bay cũng vừa được tìm thấy...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục