Cũng là nạn nhân bị cướp đánh trọng thương nhưng ông Trần Văn Thêm lại bị buộc tội giết người, bị biệt giam nhiều năm chờ ngày ra pháp trường và 43 năm sau mới được giải oan.
Ông Trần Văn Thêm - người nhiều năm phải mang thân phận tử tù
Chiều 9-8, kết luận chính thức của liên ngành tư pháp trung ương về việc ông Trần Văn Thêm bị oan sai đã chấm dứt thân phận tử tù kéo dài suốt 43 năm qua của ông.
46 năm trước, vì gia đình rất nghèo, ông Thêm thường xuyên phải đạp xe đạp thồ hàng đi khắp các tỉnh từ Bắc Ninh - Hà Nội - Vĩnh Phú (cũ)… để buôn thuốc lào, buôn mắm, muối kiếm sống.
Năm 1970, trong một chuyến đi buôn, khi ông Thêm cùng người em họ là Nguyễn Khắc Văn dừng chân nghỉ tại một căn lều tạm cạnh Cầu Diện (xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú) thì xảy ra vụ cướp.
Trong lúc xô xát với nhóm cướp này, ông Văn bị đánh chết, ông Thêm cũng bị thương nhưng lại bị cho rằng dàn dựng vụ cướp và là người đã giết chết ông Văn để cướp của.
Dù hung thủ đã để lại trên đỉnh đầu ông Thêm một vết thương dài nhưng khi xử vụ án này, TAND tỉnh Vĩnh Phú nhận định vết thương ấy là do ông ngụy tạo để che dấu hành vi giết em họ.
Tại hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Thêm đều kêu oan nhưng tiếng kêu của ông đều không được chấp nhận. Ông bị kết án tử hình về hai tội giết người, cướp tài sản.
Người tử tù uất ức và cuộc trốn trại bất thành
“Sau khi bị cấp phúc thẩm kết án tử hình, tôi bị giam vào phòng biệt giam dành cho tử tù, bị cùm cả chân lẫn tay suốt cả ngày. Sợ nhất là mỗi buổi sáng tinh mơ, tôi lại nghe tiếng mở cửa buồng giam - có thể, một tử tù nào đó đã bị đưa đi thi hành án.
Có lúc lời kêu oan không thấu, tôi bảo với cán bộ trại giam hãy cho tôi được đi bắn sớm đi nhưng cán bộ không cho vì bảo chưa tới lượt” - Ông Thêm nhớ lại.
Có lúc bí bách quá, ông đã cùng một phạm nhân khác phá xà lim của trại giam, trèo lên mái ngói nhưng rồi ông lại không nhảy xuống chỉ vì không muốn phải sống chui lủi trong khi mình bị oan”.
Trong sâu thẳm, ông Thêm vẫn giữ vững niềm tin rằng đến một ngày nào đó, ông sẽ được minh oan.
Năm 1975, sau khi hung thủ của vụ án đầu thú, ông Thêm được tha tù nhưng với lý do bị ốm nặng không thể lao động.
Hành trình đi kêu oan cho ông suốt 43 năm qua có sự góp sức của rất nhiều người. Con cái đều nghèo và ít học, ông Thêm đã nhờ người cháu ruột là Trần Văn Năm đưa đi kêu oan. Hai chú cháu đến các cơ quan ở Trung ương đều bị hỏi: “Ông từng đi tù và được thả về thì có giấy tờ gì chứng minh không?”.
Trong khi cáo trạng hay bản án ông đều không có, tờ giấy cho trở về nhà vì bệnh nặng được miễn lao động, lúc về địa phương ông đã nạp cho chính quyền địa phương nơi cư trú, ông Thêm đã gõ cửa rất nhiều cơ quan tư pháp nhưng cơ quan này lại chỉ sang cơ quan khác.
Sau khi kêu oan ở Hà Nội không được, ông Năm đã cùng con trai đến TAND tỉnh Vĩnh Phú để xin trích lục bản án nhưng tòa trả lời hồ sơ không còn.
Lần mò hỏi được địa chỉ nhà bà Tạ Thị Minh Tâm, thẩm phán, chủ tọa phiên tòa kết án ông Thêm, ông Năm đã đến tận nhà bà Tâm xin xác nhận.
Mãi đến lần thứ 2, bà Tâm mới chịu ký vào giấy xác nhận đã xử ông Thêm về tội giết người cướp của nhưng án tử hình hay chung thân thì mấy chục năm rồi bà không nhớ.
Sau đó, ông Năm tìm thêm được hai cán bộ công an trực tiếp điều tra vụ án là ông Cù Văn Tiện (nguyên phó trưởng ban chỉ huy cảnh sát hình sự Sở công an tỉnh Vĩnh Phú) và ông Hoàng Xuân Diệu (nguyên cán bộ Công an huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú).
Cả hai đều làm đơn xác nhận họ từng điều tra vụ án của ông Thêm và đến năm 1974, vì có hung thủ khai nhận hành vi phạm tội nên ông Thêm đã được tha tù.
Ông Trần Văn Thêm (phải) và ông Nguyễn Văn Hòa - người đại diện theo ủy quyền và đồng hành cùng kêu oan với ông Thêm trong nhiều năm qua
Tìm được bản án buộc tội oan
Những bản xác nhận của nhân chứng vẫn không thể giúp ông Thêm được minh oan vì các cơ quan không tìm thấy hồ sơ vụ án.
Năm tháng cứ trôi đi khiến cả ông Năm lẫn ông Thêm đều già yếu. Khi ông Năm không thể đồng hành cùng ông Thêm, người cháu họ của cả hai ông là anh Trần Văn Được lại tiếp tục hành trình đưa ông Thêm đi tìm công lý.
Có những lúc, ông Thêm phải vay lãi nóng để có tiền làm lộ phí. “Cứ tìm ra được manh mối nào của vụ án thì chúng tôi vui mừng mang đi nộp, chờ mãi không được giải quyết lại thấy chán nản vô cùng” - anh Được kể lại.
Sau khi biết câu chuyện của ông Thêm, luật sư Vũ Văn Lợi (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) đã nhận lời trợ giúp pháp lý miễn phí cho ông.
Ông Trần Văn Hòa (một thương binh tại Hà Nội) cũng đứng ra làm người đại diện theo ủy quyền để thay mặt ông Thêm đi gửi đơn. Khi kỳ họp cuối cùng của Quốc Hội khóa XIII đang diễn ra, ông Hòa cùng luật sư đã photo gần 100 bộ hồ sơ để gửi tới tất cả các đoàn đại biểu quốc hội trên cả nước.
Nhưng vấn đề mấu chốt vẫn là “làm thế nào để có thể tìm lại được bản án kết tội ông Thêm”, vì có bản án thì các cơ quan mới chịu giải quyết.
Sau nhiều giờ bàn bạc, các luật sư đã nghĩ đến việc chính quyền địa phương nơi ông Thêm cư trú có thể sẽ lưu trữ bản án. Các công văn đề nghị cung cấp tài liệu được gửi tới Công an tỉnh Bắc Ninh. Và rồi những nỗ lực đã có kết quả.
Sau khi được sao y hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, luật sư Lợi và ông Hòa đã tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan và được TAND tối cao giải quyết.
Ông Thêm nay đã già yếu. Trong 6 năm 7 tháng 7 ngày ngồi trong tù, có lúc ông đã phải viết thư kêu oan bằng máu trong tuyệt vọng. Thân phận của một tử tù suốt 43 năm qua như một khối đá luôn đè nặng trên vai ông.
Chiều 9-8, khi liên ngành tư pháp trung ương kết luận rằng ông đã bị oan, chúng tôi gọi điện thoại báo với ông Thêm, nghe ông bảo: “Tôi già rồi, chẳng nghĩ đến việc đi kêu oan để được bồi thường. Chỉ mong được công bố quyết định chính thức là oan sai thì tôi mới yên tâm được cô ạ!…”.
(HBĐT) - Đề nghị cho biết, chính sách Nhà nước về trợ cấp một lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến đã được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Trả lời: Điều 3, Quyết định số 24/2016/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về trợ cấp 1 lần đối với người có thành tích tham gia kháng chiến được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, mức trợ cấp 1 lần được quy định như sau:
(HBĐT) - Vừa qua, Báo Hòa Bình nhận được đơn của các ông, bà:
Vụ trọng án mang tính chất xã hội đen xảy ra giữa “thanh thiên bạch nhật” tại một địa bàn phức tạp về hình sự, ma túy của TP Phủ Lý. Bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, lực lượng Công an đã nhanh chóng điều tra, bắt giữ được hung thủ, thu giữ được khẩu súng gây án...
(HBĐT) - Ngày 9/8, BCĐ phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138/CP) đã tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 48 của Bộ Chính trị; Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 – 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2016 – 2020 và sơ kết 6 tháng đầu năm của BCĐ 138/CP. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ 138/CP chủ trì hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ 09 tỉnh và các thành viên BCĐ.
(HBĐT) - Xã Tân Pheo (Đà Bắc) địa hình đa phần là đồi, núi cao, mạng lưới sông, suối dày đặc, dân cư phân bố thưa thớt, không đồng đều. Chính vì vậy, để xây dựng, phát triển mạng lưới giao thông đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân hiện vẫn là “bài toán” chưa có lời giải đối với các cấp chính quyền địa phương…
(HBĐT) - Ngày 8/8, Ban Tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi” tỉnh lần thứ IV năm 2016 đã tổ chức họp đánh giá kết quả, công tác chỉ đạo, tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi” cấp huyện; thống nhất nội dung, chương trình tổ chức hội thi “Hoà giải viên giỏi” tỉnh lần thứ IV. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức hội thi chủ trì cuộc họp.